Triết lý Tiên học lễ, hậu học bóng đá của Giám đốc kỹ thuật VFF

Chủ Nhật, 09/07/2023, 19:47

Trên cương vị Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), ông Koshida Takeshi nói mình muốn giúp Đội tuyển Quốc gia giành vé dự World Cup trong thời gian tới. Nhưng thay vì những giải pháp mang nặng tính chuyên môn, ông lại muốn cải tiến từ những điều cơ bản nhất.

Tư duy bóng đá mới

Đến Việt Nam với lý lịch của một nhà quản lý bóng đá cấp cao, từng có thời gian thi đấu cho đội tuyển quốc gia Nhật Bản và tham gia công tác huấn luyện ở nhiều CLB J.League, nhưng Koshida Takeshi lại không nói nhiều về bóng đá. Bởi ông muốn bóng đá Việt Nam bắt đầu phải thay đổi từ những thứ căn cơ nhất.

jaa.jpg -0
Giám đốc kỹ thuật Koshida ấp ủ ước mơ đưa bóng đá Việt Nam về những nguyên tắc cơ bản nhất

"Để phát triển, một nền bóng đá cần phải xuất phát từ việc xây dựng văn hóa và mô hình giáo dục, đào tạo mẫu mực", ông Koshida nói. Ở một góc độ nào đó, vị chuyên gia Nhật Bản như muốn ngầm nói nhiệm vụ của ông không mang đơn thuần về mặt chuyên môn. Công việc chính ông làm sẽ là nâng cao tính sư phạm của bóng đá Việt Nam.

Khi nghe đến cụm từ "đào tạo con người trong bóng đá", hẳn phần lớn người nghe sẽ nghĩ đến việc huấn luyện cầu thủ. Câu trả lời này đúng, nhưng chưa đủ. Không chỉ có 22 cầu thủ chạy trên sân, những trọng tài, huấn luyện viên, nhà quản lý, thậm chí cả khán giả cũng là những hạt nhân làm nên khái niệm con người bóng đá.

Trên thực tế, bóng đá Việt Nam hiện tại không quá thiếu thốn tài năng. Với những cầu thủ sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, được đào tạo trong môi trường bóng đá thuần Việt, đội tuyển Việt Nam luôn mạnh. Đội tuyển nam đã 2 lần vô địch Đông Nam Á, giành HCV SEA Games 2 lần liên tiếp, đồng thời tạo tiếng vang trên đấu trường châu lục. Đội tuyển nữ thậm chí đã giành vé tham dự World Cup.

Ở góc độ cá nhân, một số cầu thủ nam, nữ Việt Nam đã xuất ngoại và gây hiệu ứng nhất định. "Messi Thái Lan" Chanathip từng nói anh chọn sang Nhật Bản chơi bóng vì thần tượng Lê Công Vinh. Câu chuyện về hành trình tại châu Âu của Huỳnh Như cũng cho thấy bóng đá Việt Nam vẫn có thể tìm được chỗ đứng nếu như khai thác đúng.

Vậy đâu là thứ bóng đá Việt Nam còn thiếu? Điều đầu tiên có thể kể đến là huấn luyện viên. Số HLV Việt Nam có bằng AFC Pro chỉ đếm trên đầu ngón tay, và không phải ai cũng đang làm việc ở V.League. Điều đó dẫn đến hiện tượng dở khóc dở cười là một số CLB Việt Nam từng phải đăng ký Giám đốc kỹ thuật, hoặc một chuyên gia nước ngoài của đội làm HLV trưởng khi thi đấu quốc tế.

Bên cạnh HLV, nhà quản lý và trọng tài cũng là những vị trí bóng đá Việt Nam đang thiếu. Nguyên nhân căn cơ của hiện tượng này dường như xuất phát từ việc bóng đá Việt Nam vẫn chỉ hướng đến những mục tiêu ngắn hạn. Việt Nam sẽ làm gì sau khi mục tiêu giành vé dự World Cup thành sự thật? Đó là đáp án chưa ai nghĩ tới.

Không giống Việt Nam, người Nhật đã mơ về những thứ rất xa ở thời điểm đội tuyển của họ chưa bao giờ dự Cúp Thế giới. Nhưng đó chính là lý do giải thích vì sao bóng đá Nhật Bản có thể phát triển thần kỳ sau 3 thập niên. Họ lần đầu tham dự World Cup vào năm 1998, nhưng đã đánh bại những đội tuyển hàng đầu như Đức, Tây Ban Nha và có một giải vô địch quốc gia hấp dẫn nhất khu vực.

Quá nhiều chuyên gia đã dành thời gian phân tích, kể những câu chuyện dẫn đến thành công của bóng đá Nhật Bản. Nhưng “có bột mới gột nên hồ”, Nhật Bản không thể gặt hái quả ngọt trong bóng đá nếu như không phát triển bóng đá theo một triết lý chung ngay từ đầu. Đó chính là phần "lễ", thứ được ông Koshida Takeshi mang rất nhiều ý niệm bên mình khi nhận lời sang Việt Nam làm việc.

Từ những góc khuất

"Bóng đá Việt Nam có rất nhiều câu chuyện khó nhắc đến", một cựu cầu thủ trầm ngâm chia sẻ. Anh từng là thành viên thuộc lò đào tạo của một câu lạc bộ hàng đầu V.League, được tập trung lên đội tuyển trẻ quốc gia từ rất sớm. Nhưng ở giai đoạn lẽ ra chứng kiến bản thân tiến bộ nhanh chóng, anh phải giải nghệ theo cách không ai mong muốn: Gặp chấn thương đứt dây chằng.

Đáng nói hơn, cựu cầu thủ trên không dính chấn thương do tự phát khi tập luyện, thi đấu. Đó là "chiến tích" từ một lần tập trung trên đội tuyển trẻ quốc gia, khi anh bị một tuyển thủ khác vào bóng thô bạo. Ngày ác mộng đó đã trôi qua hơn một thập niên, nhưng cựu cầu thủ này vẫn nhớ rõ như in mọi chuyện. Anh khẳng định mọi thứ hoàn toàn không phải do vô tình.

Triết lý Tiên học lễ, hậu học bóng đá của Giám đốc kỹ thuật VFF -0
Bóng đá Việt Nam hiện không thiếu cầu thủ, mà thiếu HLV, trọng tài và nhân sự chuyên môn

Tháng 8/2022, CLB TP Hồ Chí Minh để thua trước Nam Định trên sân Thiên Trường. HLV Trần Minh Chiến tỏ ra tức giận trong buổi họp báo sau trận đấu. Ông không ức chế vì kết quả, mà bức xúc với hình ảnh phi thể thao của đội chủ nhà. Đó là trận đấu ông chứng kiến những cậu bé nhặt bóng trên sân Thiên Trường tìm mọi cách để bóng không nhập cuộc khi Nam Định dẫn trước.

"Chỉ có người lớn mới làm hư trẻ con trong những chuyện như vậy thôi", HLV Trần Minh Chiến nói. Ở giải vô địch quốc gia, nhân viên phụ trách nhặt bóng trong trận đấu thường là các cầu thủ thuộc đội trẻ, đội thiếu niên. Dưới góc độ con người trong bóng đá, có thể thấy nhiều mảnh ghép của bóng đá Việt Nam đã hỏng ngay từ đầu và rất khó sửa chữa.

Một mảng tối khác của bóng đá Việt Nam là hiện tượng những câu lạc bộ có liên quan đến nhóm của một hoặc nhiều ông bầu "chi viện" cho nhau.

Khó, nhưng cần làm

Người Nhật có một câu ngạn ngữ cổ: "Cái đinh hỏng làm móng ngựa hỏng. Móng ngựa hỏng làm cỗ xe hỏng. Cỗ xe hỏng làm mật thư không thể gửi đi. Mật thư không thể gửi đi khiến thất bại cả một trận chiến". Nói cách khác, những sai lầm nhỏ từ gốc rễ có thể dẫn đến những hiểm họa khôn lường. Đó là điều bóng đá Việt Nam từng nếm trải qua nhiều biến cố.

Dưới góc nhìn của những người làm bóng đá Nhật Bản, cách tốt nhất để không thua trong cả một “trận chiến” là không để những “cái đinh” hỏng xuất hiện. Để hiểu đơn giản hơn, họ bắt đầu làm bóng đá từ việc tuyển chọn những con người tốt vào bộ máy. Đó phải là những cá nhân có học thức và nền tảng đạo đức tốt, nhằm giúp bóng đá phát triển theo hướng lành mạnh, tiến bộ.

Trong câu chuyện của Nhật Bản, họ luôn gắn liền phát triển môn thể thao vua với bóng đá học đường. Những cầu thủ hàng đầu Nhật Bản thường xuất phát từ đội bóng nổi danh của trường trung học, chứ không đến từ học viện bóng đá như châu Âu. Điều này xuất phát từ tư duy phát triển "đào tạo con người tốt trước khi trở thành cầu thủ giỏi" của bóng đá Nhật Bản.

Việc các đội bóng Nhật áp dụng trần lương vô hình cho cầu thủ cũng là một chi tiết độc đáo. Thống kê sơ bộ từ các trang quốc tế cho thấy cầu thủ J.League nhận lương trung bình 27-30 triệu Yên/ năm. Nhưng nếu bỏ qua những ngoại binh hưởng lương cao, con số này tụt xuống chỉ còn 4,2 triệu. Cầu thủ Nhật Bản không có thu nhập quá tốt nếu so với một người làm công ăn lương bình thường.

Trở thành cầu thủ chuyên nghiệp tại Nhật Bản là một mục tiêu khó khăn và đầy rủi ro. Đó là điều ông Koshida hiểu rõ hơn ai hết. Từ một người hùng được khoác áo đội tuyển quốc gia, ông sớm mất vị trí sau khi mắc phải một vài sai lầm. Quãng thời gian cuối sự nghiệp của cầu thủ Koshida thực sự đáng quên, khi ông không thể rời xa sự nghiệp quần đùi áo số một cách trọn vẹn.

Sẽ rất khó để đánh giá và lượng hóa những đóng góp của ông Koshida với bóng đá Việt Nam trong thời gian tới. Nhưng với triết lý của một người am hiểu cả lý thuyết và thực tiễn, tân GĐKT sẽ rút ra hướng phát triển đúng đắn cho bóng đá Việt Nam. Trước mắt, ông cần có thêm thời gian để hiểu về nền bóng đá nước sở tại, đồng thời đi nhiều, mắt thấy tai nghe về thực trạng của nơi mình làm việc.

Những lời nhận xét chưa bao giờ cũ của HLV Miura

Sau thời gian dài nghỉ ngơi, ông Miura Toshiya, cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam đã trở lại Đông Nam Á làm việc. Điểm đến của HLV Nhật Bản là đội U20 Thái Lan. Trong quá khứ, ông Miura từng dẫn đội tuyển Việt Nam chạm trán Thái Lan, dù không thể giúp đội tuyển Việt Nam vượt qua đối thủ, cá nhân ông Miura vẫn để lại những dấu ấn chiến thuật nhất định.

Bên cạnh câu chuyện đưa bóng đá trở về căn bản bằng việc yêu cầu các cầu thủ nâng cao thể lực, HLV Miura còn để lại nhiều góp ý đắt giá cho bóng đá Việt Nam. Đáng chú ý hơn, những nhận xét của HLV Nhật Bản ban đầu được đón nhận một cách khá tiêu cực. Không ít người công khai phản đối, thậm chí đòi VFF sa thải sớm HLV Miura khi cho rằng ông có ý chê bai môi trường mình đang làm việc.

Một trong những nhận xét của Miura về bóng đá Việt Nam 10 năm trước là V.League diễn ra "trong điều kiện kinh khủng". Ông thấy cầu thủ trên sân ít di chuyển, nhưng thông cảm cho họ bởi chẳng mấy ai có thể chạy nhiều giữa tiết trời nóng bức. Theo thời gian, từ nhận xét của HLV Miura, những màn so tài ở V.League dần chuyển về bắt đầu vào lúc 18-19h, khi trời đã bắt đầu tắt nắng.

10 năm trước khi HLV Troussier nói người Pháp không thể so sánh với Việt Nam về tình yêu bóng đá, ông Miura cũng nói điều tương tự khi được những đồng hương Nhật Bản đặt câu hỏi. Mỗi trận đấu của đội tuyển quốc gia đều trở thành một ngày hội, nhất là ở những giải đấu cấp độ khu vực. Họ đều có chung một suy nghĩ: Tình yêu của người hâm mộ chính là tài sản lớn nhất bóng đá Việt Nam có!

Đơn Ca
.
.