Trang viết màu mực tím

Thứ Ba, 02/08/2022, 14:09

Trên trang vở ô li, những nét chữ nắn nót dễ thương mang màu mực tím dần hiện hữu. Đó không phải là một bài viết chính tả quen thuộc của học sinh tiểu học, mà đó là những trang viết đầu tiên của hai tác giả nhí Nguyễn Vũ An Băng và Nguyễn Khang Thịnh (Hà Nội).

Dù không đồng trang lứa, nhưng thật thú vị khi các em đều bắt đầu viết văn khi mới học tiểu học và gặt hái nhiều thành công. Gặp và trò chuyện cùng các tác giả nhí trong những ngày hè – khoảng thời gian dành trọn vẹn cho việc viết, mới thấy ở các em là những cá tính sáng tạo không trộn lẫn và sự mẫn cảm đặc biệt. Những rung động, sự thăng hoa và cả lúc đầu óc trống rỗng, dòng sông ý tưởng trơ đáy -  đủ đầy những cung bậc của một người viết mà các em đều đã sớm trải qua.

Trong sáng và giàu lòng nhân ái

“Cơn giận của Anh bốc lên ngùn ngụt. Không còn kiềm chế được nữa. Cơn giận lao về phía trước. Cơn giận chạy nhanh như một cơn gió đến mức quần áo tả tơi, bay luôn cả giày. Anh cố gắng cùng cơn giận đi chậm lại, cùng nhau đếm bước chân… và thấy mình dịu lại. Cơn giận bé dần, bé dần đi. Cơn giận nhỏ dần rồi nhẹ bẫng, bay theo hoa bồ công anh…”. Tôi đã rất ngạc nhiên khi được đọc những trang văn ăm ắp trí tưởng tượng trong bản thảo chùm truyện ngắn của Nguyễn Vũ An Băng – cô bé 9 tuổi vừa đoạt giải Khát vọng Dế mèn mùa 3 năm nay.

Trang viết màu mực tím -0
Cô bé Nguyễn Vũ An Băng thường đọc sách cùng mẹ.

Nhà An Băng trên tầng cao của một khu chung cư ở phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, một không gian xinh xắn với nhiều giò hoa phong lan. Trong căn phòng điệu đà với tấm rèm màu phớt tím, An Băng đang lúi húi viết truyện. Trên trang vở ôli, nét chữ mảnh dẻ, nắn nót được viết bằng mực tím. Băng nhẹ nhàng, xinh xắn, nhoẻn miệng cười chào tôi. Còn tôi thấy vô cùng thú vị, bởi pha đột nhập bất ngờ đúng vào lúc nhà văn nhí đang sáng tác. “Từ lúc Băng còn nhỏ đến khi lớn lên, gia đình tôi đều sống trong một căn hộ chung cư. Tôi biết không gian đó nhỏ hẹp với con nên luôn muốn bù đắp điều đó. Tôi tận dụng tối đa thời gian cho con ra ngoài, tham gia nhiều hoạt động. Một buổi đi dạo quanh phố phường, một buổi tối ngắm trăng, cùng ngắm một cơn mưa, cứ thế, thế giới sống của con rộng mở dần”, chị Nguyễn Hồng Nhung – mẹ của cô bé Băng đã chia sẻ với tôi như vậy.

Bảy tuổi, Băng bộc lộ khả năng sử dụng ngôn ngữ, trí tượng tưởng phong phú. Khi Băng biết đọc, chị Nhung đã truyền niềm đam mê đọc sách cho con. Ngay từ lúc đó, Băng đã ít hứng thú với truyện tranh và thích đọc truyện chữ, vì Băng thích tưởng tượng ra tất cả những gì ẩn sau những con chữ kia. Và một hôm, giở quyển vở ra, chị đã đọc được truyện “Chiếc ô bằng lá” con vừa viết. Truyện kể về chiếc lá bàng trong một cơn mưa to gió lớn, vì muốn giúp bạn nhím tội nghiệp khỏi bị ướt mà “cố sức vặn vẹo để rời khỏi thân cây. Cuống lá đau nhói, một vài giọt nhựa ứa ra như chảy máu”. Lúc ấy người mẹ - độc giả đầu tiên của những trang viết đã khóc khi nhận ra rằng cô bé có nhu cầu viết để phô bày những cảnh huống trong trí tưởng tượng của con một cách mềm mại và ấm áp lạ thường.

Những trang viết của Băng đầy đặn dần lên. Trước đó, một số tác phẩm đã đưa cô bé lọt vào top 15 bạn viết tốt nhất trong cuộc thi Đóa hoa đồng thoại - cuộc thi văn học thiếu nhi do một đơn vị của Nhật Bản tổ chức năm 2021. Và lần này, bản thảo chùm các truyện ngắn đồng thoại của An Băng đã xuất sắc vượt qua nhiều cây bút chuyên nghiệp người lớn để giành giải thưởng Khát vọng Dế Mèn cùng với bốn cây viết chuyên nghiệp người lớn, bao gồm cả tác giả nước ngoài. Nhà báo Đỗ Doãn Phương - Trưởng ban sơ khảo hết sức bất ngờ trước sự tưởng tượng phong phú, cách cảm, cách nghĩ đặc biệt, chứa đựng giá trị nhân văn của An Băng. Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa - Trưởng ban giám khảo giải thưởng Dế Mèn thì thích nét tươi mới, trong sáng trong thế giới tưởng tượng cô bé.

Khi con được nhận giải, chị Nhung rất vui. Nhưng lớn hơn cả những giải thưởng, chị thấy con chững chạc và tự lập, ngay cả việc viết văn. Con biết tạo ra nhân vật, sống với nhân vật, quyết định số phận của nhân vật và đưa câu chuyện đến một kết thúc đầy nhân văn. Băng hay tưởng tượng về thế giới của cây cối, con vật quanh mình, chúng biết nói tiếng nói con người, chúng có tâm tư, cảm xúc. Ấn tượng với điều gì, con sẽ tìm cách liên kết, xâu chuỗi những hình ảnh, chi tiết một cách logic. Ý tưởng vụt đến, như có một sự thôi thúc, An Băng bắt tay vào viết, thậm chí còn tự vẽ hình minh họa. Chẳng hạn truyện “Chiếc ô bằng lá” được lấy cảm hứng từ việc Băng quan sát một tán bàng gần lớp học của em. Nhưng cũng có truyện Băng còn đang viết dở dang vì bây giờ cô bé  chưa đủ cảm xúc để viết tiếp.

Băng rất thích để các nhân vật của mình trải qua một cuộc hành trình kì thú, vấp phải nhiều sự kiện, nhiều khó khăn dọc đường. Nhưng có một điểm chung, là dù chuyến phiêu lưu ấy có dài đến đâu, có trắc trở hay hấp dẫn đến đâu thì kết thúc truyện, Băng vẫn luôn để cho nhân vật quay về nơi xuất phát, tức là gia đình của chúng. “Cũng giống như con, dù đi đâu xa, có vui đến mấy thì con cũng luôn muốn trở về căn nhà thân yêu với ba mẹ con. Và các nhân vật trong truyện của con cũng sẽ trở về nhà”, cô bé nói vậy.

“Lớn lên, cháu có thích làm nhà văn không?”, tôi hỏi. “Không ạ”, hồn nhiên, không nghĩ ngợi nhiều, Băng cười tươi và trả lời tôi. “Cháu thích là một nhà thiên văn học, nghiên cứu vũ trụ để tìm ra hành tinh mới. Cháu muốn xây dựng thế giới mới và sống thử nghiệm ở đó”.

Cá tính và lập dị

Trái ngược với những trang văn nhẹ nhàng đầy xúc cảm của cô bé An Băng là một giọng văn đầy cá tính, táo bạo của tác giả nhí Nguyễn Khang Thịnh. Hè năm 2017, cậu bé Nguyễn Khang Thịnh (Hà Nội) vừa học xong lớp 4, sau khi đọc truyện “Nhật ký chú bé nhút nhát” của tác giả Feff Kinney, bỗng nổi hứng muốn viết truyện. “Mẹ ơi, con muốn viết truyện”, cậu nói với mẹ. “Tuyệt! Con hãy viết đi”, mẹ cậu khích lệ. “Thật ra lúc ấy tôi muốn Thịnh viết vì đó là việc làm ý nghĩa dịp hè, và tôi muốn con luyện chữ vì chữ con không được đẹp”, mẹ của Thịnh – chị Nguyễn Thị Tâm chia sẻ.

Trang viết màu mực tím -0
Nguyễn Khang Thịnh trong một chuyến trải nghiệm leo núi vượt thác.

Lần đầu tiên đọc những dòng chữ viết bằng bút mực trên trang vở ôli, chị Tâm ngạc nhiên hết sức, không nghĩ con trai có thể tạo ra một không gian truyện và các nhân vật có cá tính, đối thoại hết sức tự nhiên. Chị động viên Thịnh viết thường xuyên hơn và luôn là độc giả trung thành của con trai. Cứ thế, suốt thời gian sau đó, tranh thủ khoảng thời gian sau giờ học, Thịnh lại ngồi thai nghén tác phẩm. Ngoài bố mẹ ra thì cậu không muốn cho ai biết,  bởi cậu sợ mọi người chê cười vì chẳng có ai ở lứa tuổi của cậu mà lại đi viết truyện cả. Thịnh đã bắt đầu viết cuốn truyện này từ hè năm lớp 4 trên một quyển vở ôli dày 80 trang. Để triển khai việc viết, Thịnh tập trung xây dựng cốt truyện, định hình tính cách nhân vật. Trong quá trình viết cũng có những băn khoăn không hề nhẹ trong lựa chọn câu chữ, chi tiết. “Có lúc cháu thấy mình bị cạn ý tưởng, hai tuần không viết được gì. Nhưng vào một thời điểm nào đó, ý tưởng đột nhiên đến, quan trọng là mình phải kiên trì, không bỏ cuộc”, Thịnh nhớ lại.

Đến học kỳ 1 năm lớp 6, bản thảo truyện được hoàn thành, “ngốn” hết 3 cuốn vở ôli. Khi Thịnh học lớp 7, cuốn sách “Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy” được xuất bản. Cuốn sách được độc giả nhỏ tuổi đón nhận nồng nhiệt và đem về cho Thịnh giải Sách hay 2020 ở hạng mục thiếu nhi. Các bạn trầm trồ, ngạc nhiên khi biết Thịnh – một người không sôi nổi, ít khi thể hiện trên lớp lại biết viết văn và còn xuất bản được sách. Truyện lấy bối cảnh ở nước ngoài, tuy nhiên, các nhân vật trong truyện đều được Thịnh xây dựng từ nguyên mẫu ngoài đời. Hình mẫu nhóc Alvin chính là Thịnh – một cậu nhóc hóm hỉnh, thích chơi game, thường nghĩ ra nhiều trò tinh nghịch. Mẹ của Alvin rất nghiêm khắc, giống mẹ em. Bố Alvin là người bố mà Thịnh mong muốn, dễ chịu, luôn ủng hộ những trò nghịch ngợm của con trai.

15 tuổi, tác giả Khang Thịnh đã có một gia tài đáng mơ ước của bất kì một người ham viết nào. Đến giờ, cậu đã xuất bản thêm được cuốn sách song ngữ Việt – Anh “Cẩm nang sinh tồn siêu cấp: Miền hoang dã đáng sợ và trường học (cũng chẳng tốt hơn là bao)” do cậu tự viết trong dịp hè lớp 8, năm 2021.

Và mới đây là Thịnh đã hoàn thành bản dịch của cuốn sách “Evie ở rừng mưa nhiệt đới” với vai trò là dịch giả. Nhưng sẽ là chưa đủ nếu như chúng ta không biết rằng, việc viết sách chỉ là một trong vô vàn trải nghiệm thú vị mà cậu bé đã trải qua. Thịnh thích đọc sách, đọc rất nhiều và khả năng ngoại ngữ tốt. Không chỉ học, Thịnh thường xuyên tham gia nhiều hoạt động thực tế. Những chuyến leo núi vượt thác, câu cá, cắm trại, trồng khoai, những buổi thiện nguyện ở bệnh viện đã mang lại cho cậu bé vốn sống phong phú, khả năng quan sát tinh nhạy, góp phần tạo nên những trang văn đầy cá tính.

“Muốn viết về chủ đề nào thì hãy đọc thật nhiều về chủ đề đó để lấy kiến thức, tham gia nhiều trải nghiệm để lấy vốn viết. Hãy mạnh dạn viết và đừng bỏ cuộc”, Thịnh nhắn gửi tới các bạn nhỏ đang có giấc mơ viết văn. Ham viết, còn nhiều dự định viết ở phía trước, nhưng cậu lại ước mơ lớn lên sẽ theo ngành luật, còn công việc viết lách sẽ là… nghề tay trái.

Huyền Châm
.
.