Trăng Hoàng cung em chỉ tặng riêng anh

Thứ Ba, 29/11/2022, 10:16

Sinh thời nhà thơ Phùng Quán (1932-1995) đã sống và tạo được một không gian say và mộng của riêng mình. Ông sống như hóa thân vào thiên nhiên cùng những mảnh đời cơ cực bên hồ Tây (Hà Nội). Những đêm trăng mờ ảo với sương bay trên mặt hồ.

Một đời ông là mây với kiếp sống trong đợi chờ. Nay đây mai đó ông truyền tải đạo đời, chính là những câu thơ gan ruột nhất tìm tới sự thật. Giữa ảo và thực hòa quyện trong thơ ông một đời say.

Vịn câu thơ đứng dậy

Trăng Hoàng cung em chỉ tặng riêng anh -0
Nhà thơ Phùng Quán.

Nhà thơ Phùng Quán có định nghĩa rất hay về thú lưu linh rằng “Rượu là bậc thiên tài tạo nên ảo tưởng”. Rượu đã họa nên cuộc đời khổ ải và nghiệt ngã nhưng nhà thơ không bao giờ oán trách một ai. Ông sống trong nốt nhạc trầm và sóng sánh lời ru trên cái chòi bên hồ: “Tăm tăm tình bạn/ Chếnh choáng tình đời/ Líu lưỡi tình người/ Nôn nao thân phận” (Say). Sau cú vấp ngã và tai họa ập đến (1956 - dính vào vụ Nhân văn giai phẩm) nhà thơ luôn ẩn dật và thiền tự nhìn thấu lại mình. Phùng Quán có những âm giai tự giải thoát nỗi ẩn ức đường đời: “Chiếu rách ta ngồi/ Lắc lư thuyền sóng/ Cái giường long mộng/ Một dòng sông trăng” (Say). Thời kỳ ông ở với mẹ nuôi bên đình Nghi Tàm luôn phải mua rượu chịu của cụ Hai Hanh ở xóm trên. Rượu ngon nên nhà thơ ngày nào cũng tìm tới. Cụ Hai Hanh nghe lỏm biết ông là tác giả cuốn truyện “Vượt Côn Đảo” nên mới bán chịu. 

Suốt một đời chờ đợi nhà thơ tự khắc họa về mình với sáu chữ: “Cá trộm - Rượu chịu - Văn chui”. Có lần ông tổng kết vui, trong suốt ba mươi năm ẩn dật đã câu trộm được tới 4 tấn cá. Còn văn chui (viết đứng tên người khác) cũng được tròm trèm 50 cuốn truyện tranh và cả mươi truyện ngắn. Thời đó ông bị cấm không được viết và xuất hiện với cái tên Phùng Quán nên phần lớn người biên tập tự đặt bút danh cho ông. Có lần ông viết truyện ngắn dự thi và lấy tên một người bạn ở Nghệ An. Ai dè truyện được giải nhất, ban tổ chức gửi giấy theo địa chỉ mời ra nhận giải. Nhà văn phải năn nỉ nhờ ông bạn cứu giúp kẻo không bị lộ thì nguy. Giải thưởng chính là chiếc xe đạp mà ông thường đi. Cứ chui lủi thế nhưng nhà thơ rất hồn nhiên và vồn vã sống. Những lúc ngẫm lại bi kịch cuộc đời nhà thơ luôn nhờ rượu tìm bạn giải sầu. Có lần ông mộng mị mời ngọn núi Ba Vì ở phía trước xa xa nơi mình ở về uống rượu: “Bác là Ba Vì tôi Phùng Quán/ Bác lắm khách tôi càng lắm bạn/ Toàn bợm rượu coi trời bằng chai/ Họ nhầm lung tung bác với tôi”. Núi thì im lặng còn lòng thi nhân cô đơn rũ rượi buồn tênh: “Thôi, bác cứ ngồi yên ở đó/ Còn tôi cứ tĩnh tọa ở đây/ Tôi thì làm thơ, bác làm núi/ Nhớ nhau tưới rượu xuống Hồ Tây” (Mời rượu).

Sự lạ và kỳ thú ở Phùng Quán ở chỗ ông không hề chán nản, vẫn đêm đêm dùi mài con chữ, nghĩ ra một lối viết độc đáo. Thi phẩm “Huyệt” là một trong số đó. Nỗi lòng buồn chìm đắm trong cô đơn nhà thơ muốn đào một cái mộ sẵn để chôn mình. Và rượu cũng bất ngờ cứu rỗi nỗi lòng thi nhân: “Căn hộ mới đáy huyệt/ Rượu đất tôi uống tràn/ Cụng ly cùng dòi bọ/ Mừng trắng nợ trần gian”. Thật quái dị và siêu thực. Đó là ông mơ thế khác hẳn với cái nóng bỏng của tâm cảm nồng nhiệt một thời: “Nếu tôi chết/ Xin các đồng chí đừng đưa tôi đi đâu hết cả/ Hãy chôn tôi nơi chính tôi đã ngã” (Di chúc chiến sĩ). Và không ai có thể quên sự bùng nổ trong huyết mạch dữ dội trong ông: “Nếu phần mộ tôi là vị trí tốt để đánh mìn/ Xin các đồng chí đừng do dự gì tất cả/ Hãy đào mộ tôi lên! / Quẳng hài cốt tôi đi!/ Và thay vào đó cho tôi một trăm cân thuốc nổ” (Di chúc chiến sĩ-1952). Nhà thơ phá cách bứt thoát khỏi những ám ảnh của tiếng súng nổ và bức xúc nỗi đời. Ông đã tìm đến rượu ủ men lá khổ sâm của mình nhưng lại cồn cào dư chấn tâm can: “Tôi phải lên rừng/ Hái lá khổ sâm/ Tự mình cất lấy ly rượu sống/ Ôi rượu khổ sâm đắng lắm/ Đắng đến tận cùng nỗi đắng thế gian…”.

Trái bí xanh tình ca

Có thể nói thơ đã cứu vớt ông cùng những thi hứng lấp đầy nỗi sầu muộn và cô đơn. Nhà thơ không chịu ngồi yên. Cho dù ban đầu rất nổi tiếng bằng tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo” nhưng Phùng Quán luôn coi “Thơ mới là tất cả”. Ông khẳng định: “Thơ là lý lịch, là mạng sống của đời tôi”. Tuy bị tai nạn văn chương nhưng ông luôn tự nhủ: “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Trái tim ông tràn ngập thi tứ trước mỗi sự động đậy của thiên nhiên hoặc trong mỗi khắc khoải tâm can trước sự đời. Một hành trình thơ mới lấp lánh phía trước mà Phùng Quán khao khát khám phá. Cái mộng trong tâm cảm cùng ảo ảnh dầm sương trong ý tưởng thơ ông. 

Trăng Hoàng cung em chỉ tặng riêng anh -0
Nhà thơ Phùng Quán cùng cháu ngoại.

Hàng loạt thi phẩm của Phùng Quán đi theo hướng tượng trưng đó. Ngôn ngữ tạo hình của ông lại luôn sinh động như một lời kể chuyện dạng như: “Tôi sẽ đào nấm huyệt/ Cạnh mộ mẹ cha tôi/ Tôi sẽ lăn xuống đó/ Thế là xong một đời” (Huyệt). Trăng đã đến với ông với hình ảnh “Trăng du đãng ngủ nhờ thềm lạnh/ Muốn mời vào nhà không chiếu chăn/ Tỉnh giấc Trăng đi còn để lại/ Nước mắt đầu thêm tạ cố nhân” (Trăng). Kể cả trong mơ say ông cũng gắn với hình ảnh thực trong câu chuyện: “Ta cùng Lý Bạch/ Vồ trăng đáy sông/ Mạn thuyền vừa cúi/ Râu tóc bỗng lừng/ Mắm tôm, chanh, ớt../ Trăng ta vồ được/ Một mảnh ny lông” (Say)

Nhưng có lẽ nét đặc trưng thi ca sau này của Phùng Quán được tập trung trong tiểu thuyết tình mang tên “Trăng Hoàng cung”. Nó như ngọn lửa soi sáng những nỗi niềm khao khát sáng tạo nghệ thuật và ngôn ngữ thơ mà ông theo đuổi. Phùng Quán tự biện tiểu thuyết đan xen kể chuyện văn xuôi và thơ lẫn lộn như xôi đỗ nhưng đó là sự mới lạ trong thơ ông. Câu chuyện được ông khai từ: “Bạn hữu thân thiết ơi!/ Xin đừng trách cứ tôi/ Sao trong câu thơ tôi cứ lẫn nhiều vị đắng/ Chỉ vì/ Tôi vừa ngâm ngợi câu thơ/ Vừa cạn chén rượu đời/ Cất bằng lá khổ sâm” (Lá khổ sâm). Nhà thơ kể đã gặp Nàng và thốt lên: “Tôi uống thơ từ đôi mắt em/ Tôi vục môi uống không kịp thở/ Cảm tạ em tôi đã hồi sinh!.../ Trong khoảnh khắc tôi lại trở thành triệu phú”. Tình yêu tới và mộng tưởng không gì kỳ diệu hơn khi Nàng đã ban tặng: “Từ khi tôi biết em/ Tôi không còn được ngủ trọn đêm/ Cứ nửa đêm là tôi thức/ Có chim gì mỏ rất sắc/ Nó đậu trong tóc tôi/ Nó mổ vừng - trán – trái – thơ chín mõm/ Tôi bàng hoàng thấp thỏm/ Sợ trái – thơ rụng trước bình minh/ Tôi vùng dậy/ Đốt đèn/ Tôi hát…” (Trái thơ).

Từ đó Chàng và Nàng trầm mình với trăng nơi hoàng cung. Cả hai sóng tình trong đêm trăng mười sáu. Chàng mơ là hoàng đế còn Nàng là hoa hậu. Và suối thơ đã trào dâng: “Trăng Hoàng Cung đêm nay ơi!/ Trăng nhân hậu/ Trăng thiên tài…/ Cảm ơn trăng thương tôi mà bày đặt/ Nhưng cái tuổi tin vào cổ tích/ Tôi đã qua rồi”. Khi phát hiện ra Nàng không như ước vọng nhưng Chàng vẫn đến tặng nàng một quả bí xanh đề thơ trong ngày sinh nhật để cứu rỗi cho dù nỗi lòng: “Buồn như lửa/ Hỏa táng trái tim/ Tôi ngồi lặng nhìn em/ Cổ cháy khát cơn thơ/ Môi rát bỏng những lời giã biệt”. Niềm tin của Chàng bị dối lừa nhưng vẫn thề nguyền rằng: “Tôi tin em với niềm tin trẻ dại/ Trăng Hoàng Cung em chỉ tặng riêng anh!...”.

Đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe

Tuy nói là bị treo bút nhưng suốt ba mươi năm (1957-1987) nhà thơ Phùng Quán luôn cần mẫn lao động như một phu chữ. Tính ra ông đã in tới mấy chục cuốn sách đủ thể loại. Đặc biệt sau này, bộ tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” nhà thơ đạt kỷ lục xuất bản tới 20.000 bản. Ấy là chưa kể số lượng tái bản ba lần và tác phẩm đã đoạt giải thưởng Hội Nhà văn (1987). Tác phẩm này đã cùng tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo” đem lại Giải thưởng Nhà nước cho ông vào năm 2007. Người đã gắn bó và hậu thuẫn cho nhà thơ Phùng Quán không ai khác chính là vợ ông, cô giáo Vũ Bội Trâm. Hai người cưới nhau năm 1962 nhưng gặp bao sóng gió suốt 30 năm trời.

Trăng Hoàng cung em chỉ tặng riêng anh -0
Một số tác phẩm của Phùng Quán.

Nhà thơ biết ơn nhờ vợ và không ít lần đọc thơ cho vợ nghe. Ông luôn muốn chia sẻ nỗi vất vả gian truân của bà với niềm thân thương: “Tựa lưng ghế cành ổi/ Vai khoác áo bông sờn/ Tôi ngồi đọc Đỗ Phủ/ Vợ vừa nghe vừa đan”. Trong đó có những câu thơ như bày tỏ nỗi niềm cùng vợ: “Đã đi với nhân dân/ Thì thơ không thể khác/ Dân máu lệ khốn cùng/ Thơ chết áo đắp mặt!”. Rồi ông tặng vợ mấy câu nguyện kinh cầu buổi sáng: “Tôi sẽ đi với em/ Cho đến mút chót con đường/ Cho đến lúc nằm dài dưới đáy huyệt”. Và ông đã sống đúng như vậy cho đến ngày cùng tháng tận đời mình.

Vương Tâm
.
.