Trăn trở trước mỗi giọt nước mắt của dân

Thứ Sáu, 28/04/2023, 15:38

23 năm từ ngày nghỉ hưu, Đại tá Trần Xuân Trí (Chín Trí) gắn bó với vùng Đất thép Củ Chi. Gần cả ngày ngồi nghe ông kể chuyện, tôi không còn thắc mắc vì sao sau ngày giải phóng, ông hay tìm đến thăm các Mẹ Việt Nam Anh hùng, vào bếp, xắn tay áo làm bữa cơm canh rau đạm bạc; thậm chí chẳng chút ngần ngại, ra sau nhà giặt áo quần cho các Mẹ.

“Tôi sinh ra ở Long An, lớn lên, theo cách mạng nhưng cũng gắn bó, chiến đấu tại nhiều vùng quê nên quen với mùi phèn chua, mùi sình đất từ ruộng đồng, từ hầm công sự, từ địa đạo, chiến hào. Là con của nông dân, làm sao mình sống được nếu như thiếu cái tình quê…”, ông tâm sự.

Trăn trở trước mỗi giọt nước mắt của dân -0
Đại tá Trần Xuân Trí.

1. Nhớ lại những ngày được phân công làm Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Đảng ủy, Chánh Thanh tra Công an TP Hồ Chí Minh, ông thường xuyên tiếp nhận đơn thư của người dân. “Càng đọc càng thấy thương bà con mình. Ẩn sau những con chữ nguệch ngoạc, đầy lỗi chính tả… đều có những nỗi niềm”, ông bồi hồi.

Một lần, nhiều người dân Bến Tre do bức xúc chuyện đất đai, kéo lên thành phố khiếu nại, căng băng rôn, ông Chín Trí cho mời bà con vào cơ quan tiếp dân, mời uống nước. Rồi giọng ông chậm rãi, thân tình: “Tuy không trực tiếp cầm súng cùng bà con chống địch ở xứ Dừa nhưng tôi cảm nhận truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương Đồng Khởi. Chính quyền ngày hôm nay là do công sức, xương máu bao nhiêu năm của bà con ta, nếu đã vì cách mạng lẽ nào nay bà con lại kéo đi phản đối chính quyền do mình lập ra? Có sự thắc mắc hoặc oan ức gì, bà con hãy gửi lại đơn để chúng tôi cùng cơ quan thẩm quyền bàn bạc, giải quyết thấu đáo. Bà con kéo đi biểu tình, không những gây mất trật tự còn bị kẻ địch lợi dụng, gây tiếng xấu và áp lực cho chính quyền". Sau “kinh nghiệm tiếp bà con Bến Tre”, không ít lần ông được phân công “đón” êm đẹp bà con từ nhiều tỉnh khác của miền Tây tụ tập, “biểu tình” trước trụ sở UBND thành phố.

Theo Đại tá Trần Xuân Trí, thực hiện trọng trách đảm bảo ANTT, hàng ngày, lực lượng Công an phải đối mặt với rất nhiều tình huống. Do vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải linh hoạt, hài hòa tình - lý. Ngày được phân công về làm Trưởng Công an huyện Bình Chánh, điều mà ông luôn quán triệt đến tất cả cán bộ, chiến sĩ là thái độ chuẩn mực khi tiếp xúc, làm việc với nhân dân. “Loại ra khỏi suy nghĩ rằng mình là Công an thì muốn làm gì thì làm. Tôi nhắc, mỗi khi mời nhân dân (bằng “giấy mời”) đến làm việc, phải đón tiếp ân cần, tiếp xúc phải lễ độ, giải thích rõ ràng. Làm như vậy khi được việc, bà con sẽ phấn khởi ra về; người không được việc cũng không bức xúc. Với những trường hợp phải dùng “giấy triệu tập”, cũng phải tiếp xúc lễ độ, cấm tuyệt đối quát nạt, phủ đầu. Phải hướng dẫn người dân tận tình, tránh việc để bà con đi lại nhiều lần, gây phiền hà”, ông Chín nhớ lại.

Có lần đang trên đường đi công tác, ông Chín nghe tiếng cãi qua, cự lại um xùm. “Lại gần thì tôi thấy một người đàn ông đã luống tuổi, đang trình bày với 2 đồng chí CSGT. Còn các cán bộ CSGT thì có thái độ căng thẳng, định lập biên bản phạt ông ấy do xe không đèn. Trong khi đó, trình bày rằng xe của mình vừa đứt bóng, ổ đèn còn nóng, nếu không tin, CSGT hãy kiểm tra, người đàn ông mong được thông cảm”, ông kể. Thấy cán bộ CSGT vẫn cứ cứng nhắc, ông Chín Trí bước lại, ôn tồn khuyên 2 cán bộ CSGT nên nghe ý kiến của người dân, xem xét cụ thể, kiểm tra xem thực tế có đúng như lời trình bày hay không? Nếu đúng thì để “ông già” đi hoặc chỉ ngay đến chỗ thay bóng đèn; còn nếu không châm chước được, quyết lập biên bản, phạt thì cũng không được lớn tiếng. Một mặt, ông Chín  quay sang nói với “ông già” thông cảm rằng, CSGT làm thế chỉ vì muốn ông và người khác được an toàn trên đường. Người dân chứng kiến và “ông già” cùng 2 đồng chí CSGT đều cười vui vẻ, đồng tình với cách giải quyết của ông.

Ông Chín Trí cho rằng, khi kính trọng, quan tâm đến dân, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an sẽ càng thể hiện trách nhiệm của mình trong công việc hằng ngày. Ông kể, lần đến Trại giam Bố Lá, thấy một bé gái 13 tuổi trông ốm yếu nên ông bước đến hỏi chuyện. Mới được hỏi han vài câu, cháu gái khóc nức nở rồi kể: Cháu từ Đà Lạt xuống TP Hồ Chí Minh thăm anh trai. Trong lúc đang loay hoay tìm nhà anh thì bị thu gom, đưa vào trại, vì nghi là “gái mại dâm, lang thang, bụi đời”. “Tôi lập tức cho thẩm tra rồi trả tự do ngay cho cháu. Xác minh thêm tại địa phương nơi cháu cư trú thì được biết, cháu là học sinh ngoan hiền”.

Trăn trở trước mỗi giọt nước mắt của dân -0
Đại tá Trần Xuân Trí thăm mẹ Lưu Thị Vốn.

2. Trước nhà ông Chín Trí, sát bờ kênh Thầy Cai, khi vừa về hưu, ông cho xây đền thờ để mỗi sáng ông tiện khói hương, “mời trà, mời thuốc anh em”. Kể lại chặng đường công tác, chiến đấu liên tục hơn 40 năm, trải qua nhiều năm chiến đấu khốc liệt, Chín Trí bộc bạch, ông may mắn hơn rất nhiều người. Nhắc lại tên một đồng đội đã hy sinh, giọng ông chùng xuống: “Anh dũng ngã xuống ngay trên mảnh đất quê mình nhưng đến giờ hài cốt rất nhiều đồng đội của chú chưa được tìm thấy; và có những thân xác mãi mãi không bao giờ còn”.

Ông Chín Trí cho biết, từ lúc còn đương chức, ông luôn dành một khoản tiền trích ra từ lương, giờ là lương hưu, trợ cấp thương binh để lo nhang khói, mộ phần cho đồng đội. Ngày lễ tết, giỗ, ông có mặt trong nhà nhiều người chẳng khác gì là con em ruột rà. Với các má từng đùm bọc chiến sĩ cách mạng năm xưa, ông xem như má ruột của mình dù bà đã hy sinh từ năm ông mới 12 tuổi. Ông kể: “Những năm sau giải phóng, một lần Tết đến thăm má Năm, thấy quần áo má đang mặc đã cũ, rách, tôi lập tức lấy tiền cá nhân cho may ngay, dù tiền công may vội vàng như vậy khá đắt, nhưng vậy má mới có chiếc áo lành lặn để mặc Tết. Năm sau, má Sáu cũng vậy”. Ông cũng thường xuyên đến nhà thăm hỏi các Mẹ Việt Nam anh hùng có con là Công an hy sinh. Hàng chục năm trước, dù chính sách của Nhà nước cơ bản hơn, nhưng vẫn có nhiều Mẹ hoàn cảnh rất khó khăn. Mỗi khi nghe Mẹ nào đau bệnh, ông xếp việc riêng sang một bên, để tranh thủ ghé thăm, động viên, mong Mẹ mau khỏe. 

Luôn nhớ đến đồng chí, đồng đội, những người đã cưu mang, chở che, giúp đỡ mình qua được những ngày nguy khó, nhưng Chín Trí nói ông vẫn không thể “trả dứt nợ nhân dân”. Đấy cũng chính là lý do mà mấy chục năm qua, kể cả giờ đã hơn 80 tuổi, chân ông luôn bước không ngơi nghỉ. Trong quyển sổ tay của Chín Trí, tôi thấy ông ghi đã vận động nhiều nhà hảo tâm xây 2 trường mẫu giáo; xây sân chơi, trồng cây tạo bóng mát trong trường, mua tập vở, dụng cụ học tập cho học sinh (tại huyện Bình Chánh); xây mới, sửa chữa trên 100 căn nhà tình nghĩa, tình thương ở Cần Giuộc, Thủ Thừa (Long An), Bình Chánh, Củ Chi, Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Ông còn tích cực kết nối, xin việc làm cho thân nhân liệt sĩ, gửi gắm các nơi để các cháu có công việc, thu nhập ổn định.

Trở lại câu chuyện từng làm ông đau đáu “do anh em Công an ta chưa quán triệt sâu sắc lời di huấn của Bác Hồ”, người cán bộ Công an, cựu Biệt động Sài Gòn năm xưa chiêm nghiệm: “Sáu điều Bác dạy là tài sản vô giá, mình luôn phải khắc ghi để thực hiện tốt nhất bằng những việc làm hàng ngày, chứ cứ nói suông thì dễ lắm, ai cũng nói được”. Theo ông, muốn thực hiện tốt thì phải thường xuyên tiếp xúc với dân, lắng nghe dân. Một lần, ông được phân công tiếp xúc một phái đoàn Mỹ đi tìm hài cốt cựu quân nhân Mỹ tham chiến tại Thủ Đức, nghe một người trong phái đoàn (từng tham chiến tại Đồng bằng sông Cửu Long) nhắc lại món “bông lục bình chấm mắm kho”, mắt Chín Trí đỏ hoe mắt. Ông cho biết, đây là món ăn dân dã quen thuộc mà ông cùng đồng đội rất thường xuyên được bà con cho ăn, nhất là trong những ngày bám trụ ở khu vực Vùng Bưng Sáu Xã (nay thuộc Thủ Đức).

“Thế mà bỗng dưng chú lại quên - không nhắc tới dù chỉ trong chuyện kể cho những người cách xa Việt Nam đến nửa vòng trái đất. Có phải do lâu nay mình sống trong điều kiện sung sướng hơn, lại xa rời quần chúng mà mình quên luôn cả món ngon nhưng chất chứa đầy ân tình đó?”, ông cảm thấy giày vò.

Thái Bình
.
.