Trần Hùng: thơ và những giấc mơ thơ
Nhớ một cuối năm rét mướt, tao ngộ trên đất Cao Bằng, nhà thơ Trần Hùng từng trả lời một thắc mắc của người viết bài này về thơ ông: “Anh không làm thơ. Vì anh không nghĩ thơ lại là thứ công việc để anh phải làm hoặc có thể làm. Với lại, cứ nói làm thơ, nghe sao vất vả nặng nhọc quá”.
Nói vậy, và chỉ vậy thôi, rồi Trần Hùng cười, mắt nheo nheo. Con mắt có đuôi, ánh lên gương mặt thư sinh mảnh mai một vẻ tươi tắn trẻ trung đến lạ, dễ khiến cho nhiều người mới gặp Trần Hùng lần đầu khó đoán biết ông đã tuổi ngoại lục tuần, và đã “hưu quan” sau một thời gian dài ngồi ghế lãnh đạo đầu tỉnh ở miền núi non giáp biên này.
“Không làm thơ”, “không nghĩ thơ là thứ công việc để phải làm hoặc có thể làm”, thế nhưng từ năm 1991 đến nay, Trần Hùng đã ấn chứng tư cách thi sỹ của mình bằng việc cho ra mắt độc giả vài thi tập: “Gọi bạn” (1991), “Mơ quê” (1998), “Vườn khuya” (2015), và “Thảm thắc” (2015). Không nhiều, nhưng cũng không ít. Đủ cho kẻ ưa lý sự phải băn khoăn: không làm thơ, vậy từng ấy tập thơ Trần Hùng làm thế nào lại có mặt trên đời? Để hóa giải mối băn khoăn này, có lẽ, cần phải nghĩ về thơ và cái sự “làm thơ” trong quan niệm cũng như trong thực hành của Trần Hùng theo cách khác.
Thơ, với ông, không phải là một danh từ, tức nó không chỉ/ trỏ một loại vật thể mà người ta có thể có được bằng lao tâm sáng chế hoặc gia công tạo tác. Thơ, chính là một động từ, chỉ/ trỏ một trạng thái sống, một hoạt động sống thường trực và tự nhiên của Trần Hùng, tự nhiên như thở, như nghĩ, như cảm giác. Mỗi bài thơ, do vậy, không phải như một sản phẩm của nỗ lực “làm” ra, mà đơn giản chỉ như là sự định dạng hóa bằng ngôn ngữ cho một góc, một mảnh, hoặc một khoảnh khắc hay một thời đoạn mà nhà thơ đã “thơ” mà thôi.
Chú ý đến điều này, ta sẽ cắt nghĩa được tại sao nhiều bài thơ của Trần Hùng lại mang cái vỏ hình thức (vỏ hình thức, tôi nhấn mạnh) của những diễn ngôn đời thường: ngắn gọn, không đều đặn về số chữ giữa các câu, không tựa vào thể, vào vần, không ngại nương vào kể, vào tả, không loại trừ những chi tiết lặt vặt thuộc về sinh hoạt nhân quần. Chúng tự nhiên như những gì đã thực diễn ra trong một ngày thường: “Căn phòng tập thể/ hơn mười mét vuông/ mưa đánh đáo trên giường/ ni lông che màn một/ hai đứa trẻ mừng nhà ướt/ đuổi nhau cười/ bố ngồi/ lặng im hút thuốc” (“Ngày thường”).
Không thể đơn giản hơn, cảnh nhà nghèo mưa dột. Nhưng không đơn nghĩa. Hình ảnh ông bố ngồi lặng im hút thuốc trong khi hai đứa trẻ đuổi nhau cười như thể mừng nhà ướt đã thực sự nói được nhiều hơn cái nghĩa mà từ điển cung cấp cho văn bản. Sự đồng hiện hai hình ảnh trong một khoảnh khắc đã vạch ra cùng lúc nỗi ái ngại, niềm thương cảm, sự cam chịu, những toan tính, và cả những nung nấu quyết tâm thay đổi hoàn cảnh của người trong cuộc. Nói theo chữ cinema, đó là nghệ thuật dựng cảnh. Và trong nghệ thuật này, Trần Hùng đã cho thấy anh còn khá nhiều thủ pháp đắc địa.
Tôi sẽ lấy thêm ví dụ bằng một đoạn trong bài “Giao thừa”, bài thơ mà cố thi sỹ Dương Kiều Minh từng đánh giá rất cao: “Mẹ đứng trước bàn thờ/ rồi tới ngồi bên lửa/ để đun cho nồi nước nóng lên/ rồi lại đun cho nóng lên/ ngoài hiên/ những bông lửa trên trời đỏ rực/ mẹ chợt nhận ra/ mình còn nhiều đứa con/ chúng ra đi đã lâu mà không về/ sao lại như thế nhỉ?” (Giao thừa). Một loạt hành động của người mẹ được dựng nối tiếp nhau trong đoạn thơ này: đứng, ngồi, đun nước, (rồi lại) đun nước… đã diễn tả hết cái cảnh người già một mình lụi cụi với tâm trạng thẫn thờ như mê mụ, để cuối cùng ba chữ “chợt nhận ra” bùng vỡ một thảng thốt: những đứa con của bà đã lâu không về.
Sự bùng vỡ ấy được đặt trên cái nền của “những bông lửa trên trời đỏ rực”, và đặt trong hình dung về mẹ của đứa con đang ở nơi “xa một ngàn cây số”, vào đúng thời khắc giao thừa linh thiêng. Cho nên, chủ âm của bài thơ không phải là tình mẹ, mà là nỗi con, nhớ và thương quặn thắt, và nhuốm một màu ngậm ngùi, ân hận…
Trần Hùng còn nhiều nữa những bài thơ gây được xúc động về các mối quan hệ người và các loại tình cảm nhân tính phổ quát. Nhưng với người viết bài này, đó vẫn chưa là mạch chính, chưa là chủ lưu, chưa là điều đáng chú ý nhất về Trần Hùng thơ. Chiếm vị trí ấy, có lẽ phải là những bài thơ hiện diện như sự in dấu của những giấc mơ: “Hoa cải vàng bay bay trên sông/ dòng sông im mơ mơ cánh đồng/ cánh đồng thơm như tóc/ nồng nàn như tóc/ râm ran mưa mưa nước trong lưa thưa/ người đi như sương gót sương tinh khiết/ người như là cây da mồi nảy lộc/ này quần lụa chanh này áo hoa chanh/ này ru bánh xe nan hoa lách tách/ cay cay hương khói bến xuân” (“Sương hương bay”).
Không cần tác giả phải thành thật rào trước rằng “tôi chìm vào một giấc mơ và trong mơ tôi thấy…” thì những hình ảnh xuất hiện trong bài thơ vẫn cho phép ta nghĩ đến những hình ảnh của một giấc mơ. Hệ thống từ láy được sử dụng dày đặc ở đây (bay bay, mơ mơ, mưa mưa, cay cay, nồng nàn, râm ran, lưa thưa, lách tách) cùng sự áp đảo của những chữ thanh bằng đã tạo nên một giai điệu nhịp nhàng, êm dịu như ru, những sắc nét của cảnh cũng được mờ hóa, có xu hướng tan nhòa vào nhau để làm thành một tổng thể mơ màng, đầy quyến dụ.
Có thể nói, bài “Sương hương bay” rất giàu nhạc tính này chính là một giấc mơ-thơ-mùa xuân thật đẹp của Trần Hùng. Mơ, như thế, không nhất thiết là một dạng hoạt động tinh thần chỉ diễn ra khi người ta đang ngủ. Mơ còn là cách để nhà thơ ý thức về thực tại và chiếm lĩnh thực tại cho riêng mình (việc này không liên quan gì đến giấc ngủ sinh lý). Nếu nhà mỹ học Ch. Caudwell từng khẳng định rằng nhà thơ thường xuyên bóp méo cấu trúc của thực tại để giữ lấy cấu trúc của cái tôi, thì Trần Hùng là một trong những người đã thực hiện sự bóp méo ấy chính bằng mơ. Mơ là nhào trộn quá khứ với hiện tại trong một thực tại mới, nhiều khi là một thực tại phi thực, kỳ quái. Mơ là tưởng tượng không giới hạn, là liên tục đặt mình vào những trường nghĩa và những liên văn bản đầy bất ngờ.
Mơ là thực hành những cú pháp hình ảnh xen lấn, xếp chồng, nhảy cóc, đảo nghịch…, là đột ngột sinh thành những sững sờ thi ảnh: “Người mang về bao nhiêu hoa cúc/ người cài lên bao nhiêu lá vàng/ lối thu râm ran/ lối nhớ từng đêm xanh/ xe đạp bên tường cũ/ người bỏ đi đâu/ áo phơi bao nắng bao năm hoàng hôn vẫn bến/ ta mơ về em bàn tay gân xanh/ ta mơ về em ngực gầy khăn mỏng/ môi nảy một vì sao/ vì sao đỏ thắm/ vút lên đêm” (“Nảy một vì sao”). Trong những giấc mơ thơ của Trần Hùng, trăng xuất hiện khá nhiều.
Trăng không chỉ là yếu tố thuộc về khung khổ của giấc mơ, mà trăng còn được vật thể hóa, và được hóa thân thành tâm hồn của vật thể trong sự đối ứng với con người: “Dắt tay em vào rừng trăng/ rừng trăng thảm thiết/ hồn trăng thinh khiết/ người làm cây trăng” (“Trong vườn khuya”). Chìm vào không gian trăng mơ siêu thực ấy, như được mặc khải, thi sỹ nhận thấu những sự thật cốt lõi: “nếu em còn mơ thấy anh/ hãy cầm sợi tóc vương trên gối/ gieo xuống/ cây đêm sẽ mọc lên/ cây đêm cần giọt nước mắt yêu/ và vì thế cây đêm sẽ héo” (“Trong vườn khuya”). Cây đêm sẽ héo, bởi sẽ không có giọt nước mắt yêu nào dành cho nó. Đó là sự thật, thật như định mệnh của thi sỹ là phải mang cây thập giá cô đơn suốt cuộc đời. Cô đơn trong không gian, và cô đơn cả trong thời gian, luôn luôn một mình sau những tuyệt vọng xóa bỏ xa lạ: “chúng mình xa nhau – một tiếng thở dài/ chúng mình xa nhau – một đêm sâu lắm/ mơ thành hai giọt sương/ mơ thành hai viên sỏi trắng/ mơ vết thương không liền da, mơ cánh chim ngày ẩm ướt/ mơ đêm trăng không vòm cây ẩn nấp/ mơ mùa không tên” (“Trong cơn đau”).
Giữa cái thế giới ấy, để trái tim thi sỹ có thể neo trú và tìm được cho mình sự bình yên tạm thời, chỉ có một miền: đó là ký ức về nguồn, về cái ngày xưa phiếm định, về lúc mà mọi vật mọi sự vẫn còn nguyên khối, tươi ròng, tất cả mới chỉ bắt đầu và chưa hề biết đến vị của lai tạp, bào mòn, phôi pha. Thơ Trần Hùng, do vậy, có thể nói, là lớp lớp những giấc mơ của mất mát và kiếm tìm “ngày xưa”, “ngày ấy”, “ngày nào”: “Về đây/ những dấu chân lấm láp phù sa/ nắng hanh hao vườn chè vạt mía/ qua thác cao bão nước/ niềm trinh tĩnh vỡ òa/ ngày ấy/ ve không miên man như bây giờ/ vẫn còn khoảng trống cho tiếng gióng cửa – trâu về chuồng/ tiếng quạt muỗi của mẹ ta mỗi tối/ tiếng của những cánh dơi/ ngày ấy – lâu rồi” (“Thời gian”). Và: “Cánh bướm vàng bay bay/ phấn hoa cải vàng bay bay/ cá trăng thiêm thiếp/ ngó sen thiêm thiếp/ ai còn nhớ rõ/ những ngón tay đồng trinh lấm bùn từ khi nào” (“Cố hương”). Hoặc: “Người bốc mộ đi về phía chân trời/ còn tôi với hình hài người yêu tôi/ niềm kiêu hãnh của tôi – cái đẹp thiên thần tới đây rồi/ bạc trắng thời gian/ nhắm mắt thờ mùa thu ấy/ trong thịt da mơn mởn ngày nào” (“Cơn mơ”).
Thơ Trần Hùng còn là thơ, ở những mảng tác phẩm nhất định, mang đậm tính hiện đại. Tôi tin rằng đây là một xác quyết không nhẹ ký, cho dẫu, theo một mặc định phổ quát đã trở nên rắn chắc, thời mà chúng ta đang sống là thời “hiện đại”, và nền thơ Việt Nam thì đã bước vào chặng “hiện đại” từ lâu rồi, kể từ khi các nhà Thơ Mới làm nên “một thời đại trong thi ca”. Nhà thơ hiện đại phải là người chơi với chữ, để mặc chữ quan hệ với chữ mà phát sinh nghĩa. Thanh Tâm Tuyền, Trần Dần, Lê Đạt… là những thi sỹ đã làm được điều này. Tiếp bước họ, chỉ có một số ít thi sỹ, trong đó có Trần Hùng, dám liều mình thử sức trong cái trò chơi rất dễ biến chủ thể trở thành xa lạ, khó hiểu với “văn hóa thơ của số đông” như vậy.
Trần Hùng khởi những giấc mơ thơ của mình quãng cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, đúng vào lúc thơ Việt Nam hiện đại, với làn sóng của những Trúc Thông, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Linh Khiếu, Nguyễn Việt Chiến… đang bắt đầu chuyển mình, rồi tăng tốc, để xác lập một hệ hình thẩm mỹ thi ca mới. So với những tên tuổi kể trên, Trần Hùng lặng lẽ, khiêm tốn hơn, ít gây ồn ào chú ý hơn. Một phần, bởi con người xã hội mà ông hiện diện thuộc về một đời sống khác, khác hẳn đời sống của người sáng tạo văn chương nghệ thuật.
Phần nữa, bởi dường như ông không mấy quan tâm đến việc phải chia sẻ những giấc mơ thơ của mình với người khác. (Trần Hùng ít xuất bản thơ, kể cả là “xuất bản miệng”. Trong những trò chuyện đời thường, anh cũng không mấy khi đề cập chuyện thơ phú). Nhưng dù vậy, vị tất Trần Hùng đã không hết mình trên con đường thơ mà ông chọn, như một con đường sống? “Chạm vào lưỡi lam/ bướm không bay nữa/ nhì nhạch giữa hoa/ nắng nhỏ màu mười giờ” (“Rã cánh”). Là Trần Hùng tự họa mình giữa thơ đấy chăng? Tôi tin thế.