Vợ cố nhà văn Nguyễn Minh Châu – bà Nguyễn Thị Doanh:

Tôi sống được nhờ đọc lại những trang viết của anh

Thứ Năm, 02/12/2021, 14:53

Bà Doanh nằm trên giường, thân thể nhỏ bé của bà như một cây sậy bị khô vào mùa hạn, hanh hao gầy guộc, duy chỉ có ánh mắt và hơi thở là còn sự sống. Bà đã nằm như vậy qua nhiều tháng nay. Khi nhìn thấy nhà văn Ngô Thảo bước vào phòng, ánh mắt bà sáng lên. Bà cố gượng dậy để tiếp khách nhưng không được.

“Chị yếu rồi, cứ nằm đi không phải ngồi dậy đâu”- Nhà văn Ngô Thảo cầm tay bà chân thành nói. Biết đời là vô thường, mà tuổi già của mình giờ lay lắt như ngọn đèn trước gió, bà phải nhắn nhủ con cháu cho mời bằng được nhà văn Ngô Thảo đến gặp vì một lý do rất đặc biệt. Bà nói khẽ chỉ đủ cho ba người nghe: “Anh Thảo ơi, sau khi nhà tôi mất, tôi đang giữ rất nhiều cuốn nhật ký, và những tập hồi ký, bút ký anh Châu (nhà văn Nguyễn Minh Châu). Những tập này anh Châu chưa từng công bố. Tôi đã cất kỹ càng cẩn thận ở nhà riêng của con gái ở Ecopark. Tôi chỉ tin tưởng anh thôi. Tôi muốn giao hết lại cho anh. Làm việc này xong tôi mới yên lòng”.

Ba_NGuyen_Thi_Doanh_va_nhung_tam-1638158056542.jpg
Bà Nguyễn Thị Doanh và những tấm ảnh về một thời kỷ niệm.

Mấy ngày nay, truyền thông rầm rĩ đăng tin UBND TP Hà Nội đề xuất đặt tên cho 38 tuyến phố mới. Đáng chú ý có một số văn nghệ sĩ, trí thức, tướng lĩnh nổi tiếng được đưa vào đặt tên phố lần này: Nhà thơ Chế Lan Viên, nhạc sĩ Huy Du, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, hai vợ chồng nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa Xuân Quỳnh-Lưu Quang Vũ, nhà văn Nguyễn Minh Châu. Ai cũng biết Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học hiện đại Việt Nam. Nhưng có lẽ ít người để ý, để  có được một Nguyễn Minh Châu sáng rực trên văn đàn không thể không kể đến người đàn bà đứng phía sau, hiền thục và đảm đang, tần tảo mưa gió chăm sóc chồng - bà Nguyễn Thị Doanh.

Gần 90 tuổi, cái tuổi mà bất cứ lúc nào cũng có thể cưỡi mây, cưỡi gió về trời, bà Doanh bảo bà chẳng sợ chết vì suy cho cùng ai cũng phải chết. Không ai có thể thoát khỏi cái chết từ kẻ ăn mày cho đến ông vua đai vàng lọng tía. Nhưng bà sợ nhất là trước lúc nhắm mắt xuôi tay chưa kịp làm hết những điều ấp ủ cho chồng - người mà bà tin yêu, người mà bà đau đáu chung cả nhịp đập và hơi thở từ khi làm vợ cho đến tận cùng con dốc cuối cuộc đời. Cả buổi, bà chỉ nói đến chồng. Câu thứ nhất: “Anh Châu...”, sang câu thứ hai: “Anh Châu...” và câu thứ ba tiếp tục: “Anh Châu...”. Chúng tôi có cảm giác: Nhà văn Nguyễn Minh Châu đang hiện hữu ở đây, có lẽ ông kê cái ghế ở đâu đó trong căn phòng nhỏ này, hoặc ngồi gần nhà văn Ngô Thảo, để nghe vợ mình nói những lời chắt ra từ gan ruột.

Tuy thân thể rệu rạo nhưng thần thái ngôn ngữ của bà Doanh khi  nói về chồng lại rành rẽ: “Lúc sinh thời, nhà tôi bao giờ cũng dành cho văn chương, chữ nghĩa một vị trí thiêng liêng. Anh quan niệm, đã là người viết, dù chỉ có một câu văn, một con chữ vượt qua được sự khắc nghiệt của thời gian cũng đã là thành công, là đáng quý. Thế nên anh Châu luôn nỗ lực viết như để bù vào khoảng thời gian đang trôi qua. Kể cả khi phải chống chọi với bạo bệnh hiểm nghèo, anh vẫn cố viết, viết giấu bác sĩ, viết trộm vợ con để thỏa đam mê của người cầm bút, để bộc bạch trên con chữ những dự cảm về cuộc sống, về trách nhiệm và lương tâm của một nhà văn”. Bà dừng lại, quơ tay lên đầu giường lấy cuốn sách dày và nặng, gần 800 trang in đưa cho nhà văn Ngô Thảo.

Tôi sống được nhờ đọc lại những trang viết của anh -0
Nhà văn Nguyễn Minh Châu và tác phẩm Dấu chân người lính.

Bà rưng rưng: “Hơn ba mươi năm đã đi qua tôi không có anh ở bên cạnh. Suốt quãng thời gian dằng dặc ấy, tôi sống được, vượt qua nỗi cô đơn và lòng thương nhớ anh chỉ bằng cách đọc lại những trang viết của anh đã xuất bản và cả những ghi chép trong sổ tay chưa xuất bản. Tôi đọc hết những bài viết của tất cả mọi người viết về anh. Bởi thế, anh Châu không chỉ luôn sống trong lòng tôi mà như vẫn tồn tại với đời. Tôi cảm thấy được an ủi và biết ơn về điều ấy”. 

Ngày ngày bà đọc những bài báo viết về chồng mình, có những bài viết trên báo giấy đã ố vàng vì năm tháng, và có khi tác giả bài viết cũng đã không còn trên đời, nhưng với bà thì vàng hay đô la cũng không thể quý bằng những trang viết về chồng. Sau Tết năm Canh Tý 2020, sau nhiều năm tháng miệt mài đọc đi đọc lại, chọn lựa kỹ càng, bà đã tập hợp được tất cả những bài viết của những người bạn văn viết về chồng để in thành một quyển sách vô cùng trang trọng, được Nhà xuất bản Hà Nội in xong từ quý 1 năm 2021. Mỗi dòng chữ là những kỷ niệm xưa cũ lại ùa về, tưng bừng và sống động như mới hôm nào...

Trước đây, bà Doanh là văn công quân đội, Quân khu 3, đi lưu diễn cho bộ đội ở những nơi mà chiến tranh xảy ra ác liệt, không ít lần vào sinh ra tử ở chiến trường. Duyên số đẩy đưa bà trở thành vợ của nhà văn Nguyễn Minh Châu, lần lượt sinh cho chồng ba nàng công chúa Tâm, My, Mai. Cuộc sống của người lính là những chuyến đi, nên gia đình cũng di chuyển chứ không ở nơi cố định. Hai vợ chồng cùng con cái sống ở một ngôi nhà trên đường Bưởi được một thời gian, sau chuyển về làng Ngọc Hà, tiếp đến họ về phố nhà binh ở khu tập thể 37 Lý Nam Đế. Ngôi nhà trên phố Lý Nam Đế cũng là ngôi nhà gắn bó với hai vợ chồng từ thời bao cấp cho đến mãi sau ngày nhà văn Nguyễn Minh Châu mất.

Bà kể, thời bao cấp, nhà văn Nguyễn Minh Châu có bao nhiêu lương và nhuận bút ông đều đưa hết cho vợ, rồi đến lúc cần tiền thì lại bảo vợ đưa ngược cho mình. Cuộc sống lúc đó thiếu thốn đói khổ, và với người trí thức văn chương thì họ sống bằng tinh thần là chính, ăn uống vô cùng tùng tiệm, đạm bạc. Bà kể suất tem phiếu phải tiêu dè ăn xẻn, cứ hôm nào có quả trứng hay vài miếng thịt thái mỏng là bà lại cho ba đứa trẻ ăn trước để đến lúc chồng ngồi vào bàn còn có miếng ăn, chứ nếu không ông lại nhường hết cho bọn trẻ. “Suốt hàng chục năm chung sống với nhau, chưa bao giờ anh ấy nặng lời với tôi một câu nào, kể cả lúc gia đình túng quẫn nhất mà tôi sơ ý làm rơi tờ tem phiếu 20kg - thức ăn của cả nhà trong tháng”. Ngày đó, mua dầu đốt, mắm, muối, gạo thịt, đường sữa đều bằng những ô tem phiếu. Mất tờ tem phiếu cũng đồng nghĩa với việc đồ ăn sẽ bị cắt giảm, bà ốm thật sự, phát sốt phát rét lên. Đến khi nhà văn biết chuyện, ông chỉ nhẹ nhàng hôn lên trán vợ rồi an ủi: “Mất rồi thì thôi em ạ, cái anh cần nhất bây giờ là sức khỏe của em”.

Hàng tháng giữ lương chồng đưa và tiền nhuận bút của chồng nhưng bà tuyệt nhiên chẳng sắm riêng cho bản thân thứ gì, có đồng nào bà chỉ chăm chăm vào lo cho chồng con. Thi thoảng, bà lại ra chợ Bưởi, thấy bà lão bị liệt ăn xin ở đầu dốc, bà cúi xuống đưa cho bà lão nghèo ít tiền rồi chuyện trò thăm hỏi. Kẽo kẹt bao nhiêu năm, mặc dù đang tuổi xuân sắc, bà cứ mặc đi mặc lại tấm áo cũ đã bạc  mầu. Nhà văn Nguyễn Minh Châu khuyên vợ: “Em là văn công, nên anh biết em thích đẹp. Em dùng tiền anh đưa mua bộ áo mới về mà mặc, áo cũ đã sờn lắm rồi...”. Vốn là người chăm làm và có trách nhiệm, bà muốn đỡ đần cho gia đình để có thêm miếng thịt, miếng cá nên chẳng nề hà gì, bà nhận len về dệt tại nhà. Nhiều khi thấy chồng mải cặm cụi bên bàn viết, bà lại tranh thủ lặng lẽ ngồi dệt len bên khung cửi. Nhà văn thỉnh thoảng quay sang nhìn vợ âu yếm: “Khuya rồi em chưa đi ngủ à?”, bà mỉm cười hiền dịu đáp: “Em chưa”. Hình ảnh giản dị, nhẹ nhàng đấy đẹp như một bức tranh thơ mộng.

Cuộc sống khốn khó của những ngày tháng ấy không làm mất đi sự lãng mạn của đôi vợ chồng. Sau những miên man hồi ức, bà trở về thực tại, nói với chúng tôi: “Tôi gần 90 rồi, sắp sửa được gặp ông nhà tôi rồi. Dạo này tôi toàn mơ thấy anh ấy về...”.

Bà Nguyễn Thị Doanh và những tấm ảnh về một thời kỷ niệm.
.
.