"Tôi đã phải lòng Việt Nam như thế!"
Tạm gác công việc bận rộn ở quê nhà Hà Lan để thỏa khao khát khám phá thế giới, Adriaan Schouten, 59 tuổi, chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong hành trình chinh phục Đông Dương. Đây là lần thứ hai ông Schouten đạp xe xuyên Việt nhưng là lần đầu tiên ông được kể về chuyến đi của mình với những người bạn Việt.
Gặp ông tại Hà Nội sau chặng đường đạp xe từ Hà Giang giữa một ngày đông lạnh, Adriaan hào hứng cười lớn: "Việt Nam tuyệt vời".
Yêu phong cảnh và "nghiện" cà phê Việt
Chúng tôi gặp Schouten một cách thật thú vị: Ông đang khám phá thủ đô Hà Nội trên chiếc xe đạp địa hình trong lúc chờ xin thị thực đi Lào. Schouten ghé một quán cà phê sáng dọc đường để nghỉ chân và tình cờ được một nhân sĩ yêu Hà Nội, cũng là một nhà báo nổi tiếng, đón tiếp.
Chuyến hành trình độc đáo và đậm chất "phượt" của Schouten khiến anh lập tức giới thiệu ông cho chúng tôi, mở đầu cho cuộc phỏng vấn với những câu chuyện vô cùng đẹp. Trong lúc chờ chúng tôi đến điểm hẹn, Schouten cho biết mình đã uống… 4 ly cà phê Hà Nội chỉ trong một buổi sáng và tự nhận mình "bắt đầu nghiện cà phê Việt". "cà phê Việt càng uống càng thấy ngon. Tôi được những người bạn mời 3 ly và tự mua một ly. Đây là lần thứ hai tôi đến Việt Nam. Mỗi lần đều rất tuyệt và chắc chắn tôi sẽ quay lại", Schouten nói.
Gọi Việt Nam là "đất nước mến khách", Schouten bật mí rằng cuộc du ngoạn trên mảnh đất hình chữ S của ông đã bắt đầu từ 10 năm trước, nhờ lời mời dự lễ cưới của một người đồng nghiệp Việt Nam tại Hà Lan. Năm 2014, cũng vào mùa xuân, Schouten trên chiếc xe đạp địa hình từ Trung Quốc, ghé qua Hà Nội rồi đạp xe vào TP Hồ Chí Minh để dự đám cưới. Dù không còn nhớ rõ địa chỉ, nhưng Schouten kể lại với chúng tôi rằng hôn lễ mà ông tham dự diễn ra ở một xóm ấp miền Nam.
Năm 2024, trở lại Việt Nam, Schouten lần nữa có duyên với đám cưới Việt. "Mọi thứ rất tình cờ. Tôi gặp một người bạn và anh ấy mời tôi dự đám cưới. Lần này là một ngôi làng nhỏ nằm gần tuyến đường từ Sa Pa về Hà Nội", Schouten nói. Nhập gia tùy tục, Schouten cũng nhảy sạp, múa xòe và chúc tụng cùng người địa phương, dù… không hiểu nhau do khác biệt ngôn ngữ. "Đám cưới ở Việt Nam cũng vui như Hà Lan. Có điều khác biệt là ở Hà Lan, họ tiệc tùng vào buổi tối, còn ở Việt Nam, họ tổ chức đám cưới vào ban ngày", ông nói.
Hành trang của Schouten vô cùng đơn giản. Ông khoác trên lưng một balo đựng giấy tờ, điện thoại và những vật dụng quan trọng. Trên chiếc xe đạp địa hình gắn thêm 3 túi nhỏ chứa một bộ đồ sửa xe, vài bộ quần áo, một chiếc túi ngủ và một túi đựng quà lưu niệm ông nhận được từ những người bạn trên đường. Dù trời lạnh buốt hay nắng nóng, Schouten chỉ mặc một bộ đồ bảo hộ và hiếm khi đeo găng tay.
"Mùa Đông ở miền Bắc rất lạnh, nhưng thời tiết này rất hay để đạp xe. Tuy lạnh giá nhưng sau một quãng đạp xe thì cơ thể ấm dần lên. Chẳng vấn đề gì!", ông chia sẻ. Sự phóng khoáng ấy cũng bộc lộ trong cách ông trò chuyện. So sánh sự khác biệt của Việt Nam sau hai lần ghé thăm, Schouten cho rằng đất nước đã phát triển hơn, các tuyến đường rộng và sạch hơn. "Nhưng con người vẫn vậy. Người Việt vẫn rất mến khách", ông Schouten nói. Theo vị khách người Hà Lan, tiếng Việt khó và ông chỉ biết vài từ rất cơ bản, nhưng người Việt rất vui vẻ và kiên nhẫn lắng nghe hoặc cố gắng biểu đạt bằng cử chỉ mỗi khi ông cần trao đổi hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ.
Không chỉ "nghiện" cà phê Việt Nam, Schouten còn "nghiện" cả thiên nhiên của đất nước tươi đẹp này. Trong mắt ông, Việt Nam có phong cảnh đa dạng. Nếu ở miền Bắc, đồi núi hùng vĩ và hiểm trở, thì di chuyển dần về phía Nam lại có đường bờ biển dài êm đềm cùng làng quê lọt thỏm giữa những rặng dừa. "Ở thành phố lớn, người Việt sống hối hả, còn ở vùng quê, tôi cảm nhận được sự đơn giản, gần gũi và chân thành. Đó cũng là lí do tôi rất yêu thích đạp xe. Khi đạp xe xuyên Việt, tôi tiếp xúc với mọi người. Nếu không gặp gỡ và quan sát cuộc sống ở mỗi nơi mình đi qua, tôi không cho đó là một chuyến đi đủ trải nghiệm", ông so sánh. "Dọc đường Việt Nam, tôi cảm nhận được sự khác biệt trong cách người Việt sống, cảm nhận không khí và thời tiết thay đổi từng giờ".
"Thế giới tràn ngập những điều tốt đẹp"
Ông Schouten bắt đầu đạp xe vòng quanh thế giới cách đây 20 năm. Sinh sống tại thị trấn Deurne ở miền Nam Hà Lan, Schouten từng là một kĩ sư sở hữu một nhà máy chế tạo dụng cụ công nghiệp. Công việc giúp Schouten thu nhập cao, nhưng lại chiếm quá nhiều thời gian, khiến Schouten không cảm nhận được niềm vui sống. Khi đã có một khoản tích lũy đủ lớn, Schouten quyết định bán chính nhà máy mà mình dày công gây dựng. "Tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho chính mình. Tôi thật sự muốn thay đổi cách sống. Tôi muốn ngắm nhìn thế giới", Schouten nói.
Cứ như vậy, trong suốt hai thập kỷ, Schouten dành trọn vẹn tháng một và tháng hai hàng năm để khám phá thế giới bằng xe đạp. Thời gian còn lại, ông vẫn làm việc và dành thời gian chăm sóc gia đình. Hai người con trai của Schouten, 31 và 33 tuổi, cùng bạn gái ông dù lo lắng, nhưng ủng hộ đam mê của ông. Trong những câu chuyện kể với chúng tôi, Schouten hào hứng khoe rằng ông mới trở thành ông nội của một cháu trai 8 tháng tuổi.
Nhắc lại những kỷ niệm cùng với chiếc xe đạp địa hình mà ông trìu mến gọi là "anh bạn", Schouten tin rằng không phải một phương tiên nào khác, chỉ có xe đạp mới có thể giúp ông hòa mình vào cuộc sống ở mỗi quốc gia ông đến. "Khi di chuyển bằng máy bay hoặc ô tô, tôi chỉ có thể đến thăm những điểm nổi tiếng nhất. Tôi muốn quan sát chậm rãi con người và văn hóa ở những nơi tôi ghé qua", Schouten chia sẻ. Sau chừng 1.200 ngày rong ruổi trên yên xe, Schouten đã băng qua 70.000km đường, qua 40 quốc gia. Ông đạp xe dọc bờ Nam Thái Bình Dương từ Chile đến Mỹ trong hành trình dài gần 10.000km, đi xuyên Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc và khắp các quốc gia châu Á, châu Phi và châu Âu. Schouten cho hay, trên hành trình đạp xe vòng quanh thế giới, ông gặp không ít sự cố, nhưng không bỏ cuộc.
Có những lúc ông cảm thấy cô đơn, nhất là khi đạp xe trên những cung đường dài hàng trăm cây số ít người ở tại các nước châu Mỹ hay châu Âu. Ông cũng gặp những người nước ngoài cùng đi xe đạp trên đường và chia sẻ với nhau về thông tin khách sạn, tuyến đường hay điểm đến. Theo ông, không phải quốc gia nào cũng có giao thông thuận tiện và ông thường tìm hiểu trước về điểm đến, nhất là các thông tin về an ninh. "Tôi không lo lắng lắm. Trong hành trình châu Mỹ, tôi thậm chí ngủ luôn trên đường nếu thời tiết đẹp", Schouten nói.
Với hành trình lần này tại Việt Nam, Schouter chia sẻ rằng từ Hà Nội, sau khi xin visa Lào, ông sẽ đi xe khách lên Điện Biên và đạp xe sang thành phố Luang Prabang của nước bạn. Ở đó, ông đón em trai đáp chuyến bay từ Hà Lan và cùng nhau đạp xe xuyên Lào sang Campuchia, khép lại hành trình chào năm mới 2024. Dĩ nhiên, trong chuyến hành trình của mình, Schouten vẫn đôi lúc gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nơi lưu trú, có khi bị hỏng xe, nhưng chúng không khiến trải nghiệm của ông bớt thú vị.
"Nếu bạn cởi mở, những khó khăn đó chẳng là gì. Mọi thứ sẽ xảy ra trên đường và chúng ta cần thái độ tốt để giải quyết mọi việc. Tôi cũng gặp nhiều người địa phương tốt bụng giúp đỡ mình", ông hào hứng nói. Lời khuyên duy nhất ông dành cho những người có chung đam mê du lịch bằng xe đạp, đó chính là sức khỏe. Schouten tin rằng, sức khỏe là điều quan trọng nhất. "Tiếp theo đó bạn phải là một người linh hoạt, dễ thích nghi và sẵn sàng đón nhận. Đừng cố kiểm soát tất cả mọi thứ, hãy dành thời gian, cảm xúc để trải nghiệm", Schouten giải thích. Ông cũng cho rằng cần kiên nhẫn, bởi không phải lúc nào mọi kế hoạch sẽ diễn ra đúng như dự tính. "Bạn không thể lên kế hoạch mọi thứ từ nhà, rằng chuyện gì sẽ xảy ra. Hãy có một thái độ sẵn sàng để ứng phó. Tôi không lên kế hoạch cho mọi thứ vì nó rất dễ thất bại", ông nói.
"Nơi nào cũng có người tốt kẻ xấu, ngay ở trong một xóm nhỏ cũng vậy. Nhưng tôi tin cơ bản con người là tốt, luôn sẵn sàng dang tay giúp đỡ người khác. Mình muốn nhận được sự giúp đỡ của người khác thì bản thân mình cũng phải luôn trong tâm thế sẵn sàng. Tôi luôn tin thế giới về căn bản là nhiều người tốt và Việt Nam là nơi như thế", vị kỹ sư 60 tuổi chia sẻ với chúng tôi khi ly cà phê thứ 4 trong ngày của ông đã cạn.
Chào tạm biệt vị du khách phóng khoáng và đáng mến, chúng tôi gửi tặng ông tờ báo An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng số Xuân Giáp Thìn, chúc ông một hành trình kỳ thú và đáng nhớ, chắc chắn là như vậy rồi!