Tình em như tuyết giăng đầu núi

Thứ Ba, 16/11/2021, 10:43

Câu chuyện giữa tôi và nhà văn Nguyễn Đắc Xuân về nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị bắt đầu từ bài thơ “Một đêm đông” của cố thi sĩ Lưu Trọng Lư.

Giọng Huế ấm áp và truyền cảm của nhà văn bắt đầu bằng câu thơ: “Đôi mắt em lặng buồn/ Nhìn thôi mà chẳng nói/ Tình đôi ta vời vợi/ Có nói cũng không cùng”. Bài thơ là một thiên tình sử dở dang giữa chàng thi sĩ lãng mạn với người đẹp xứ Huế mộng mơ này.

Cõi mê trong hầm đất

Theo như lời kể của nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, người đẹp Phùng Thị Cúc (tên khai sinh của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị) là một hoa khôi của trường Đồng Khánh. Cô là con nhà một quan lại triều Nguyễn và đã sống với cha 9 năm ở Tây Nguyên. Có lẽ cô Cúc đã phần nào ngấm cái chất hồn hoang của xứ sở đất đỏ Bazan. Những pho tượng nhà mồ đã ám ảnh tâm hồn trẻ thơ. Vẻ đẹp man dại của những bức tượng gỗ và ngôi nhà Rông đã làm mê hoặc trái tim cô. Đồng thời khi lớn lên cô Cúc một thuở có quan hệ thân thiết với họa sĩ nổi tiếng Mai Trung Thứ (1906-1980).

Có những ảnh hưởng về màu sắc, đường nét giữa hai người như vô thức vậy. Trong tâm hồn của cô Cúc đã ấp ủ những góc độ biểu cảm của hình họa trong cả công việc làm đẹp cho bệnh nhân (Hàm răng mái tóc là góc con người). Điều này giải thích vì sao khi sống ở Pháp cho dù đã lớn tuổi Điềm Phùng Thị lại bất ngờ bị mê dụ bởi một hầm đất trong xưởng gốm. Mặc cho công việc ngập đầu trong một ngày với phòng khám nha khoa bà lại chui xuống bếp nặn đất khắc tượng suốt đêm.

Chuyện này đã làm ông Bửu Điềm sốc một thời gian nhưng sự đắm đuối với đất cát của vợ đã làm ông dần hiểu ra ý nghĩa của thần linh mách bảo trên con đường nghệ thuật. Và ông cũng đã thấm được vì sao người bạn đời đã khơi gợi đề tài “Tục ăn trầu” của người Việt để bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học. Câu chuyện Điềm Phùng Thị làm điêu khắc bắt đầu từ đây khi đã ở tuổi 40 (năm 1960).

Theo ký ức đọng lại ông Bửu Điềm luôn thấy vợ mình giàn giụa nước mắt mỗi khi xem ti vi gặp những cảnh chiến tranh chết chóc ở quê nhà vào những năm đầu thập niên 60. Rời quê hương sau khi tham gia kháng chiến (1946-1948) bà Điềm đã sang Pháp chữa bệnh và ở lại học tập. Trong lòng bà luôn hướng về Huế với tấm lòng yêu thương mong nhớ. Những thân phận khổ đau bắt đầu hiện hình trong hầm đất.

Tình em như tuyết giăng đầu núi -0
Điêu khắc gia Điềm Phùng Thị.

Thời kỳ này tượng của Điềm Phùng Thị gây cảm xúc dâng trào trong lòng người ở những số phận trong chiến tranh và những bố cục tượng khác lạ về mẹ con và trẻ thơ. Đặc biệt trong triển lãm đầu tiên (năm 1966) của bà đã được chính phủ Pháp đặt mua ngay tác phẩm “Trái đất” và loạt tượng “Mẹ con” để bày đặt tại các công viên nhà trường. Những bố cục tượng đàn bà đã làm xôn xao giới mỹ thuật Pháp. Đó là những tác phẩm “Trái đất”, “Mơ mộng”, “Chổng mông”, “Vệ nữ” hay như “Người đàn bà nằm”, “Khỏa thân”, “Cau trầu”…

Nhưng có lẽ những bức tượng về chiến tranh mới làm chấn động lòng người. Ai cũng sững sờ với câu chuyện hiện lên trong “Người không trở về”, “Một cuộc đời” và sau này là “Người lính giải phóng” làm bằng vật liệu từ xác máy bay B52. Còn đó là những bức tượng đất nung: “Cầu nguyện”, “Thắp nến tưởng niệm”, “Van xin”… Một tâm nguyện hướng tới hòa bình và cuộc sống yên vui cho quê hương của bà. Triển lãm được dư luận phương Tây đánh giá cao với ý tưởng “Hãy cứu lấy loài người” và “Trái đất” cần được bảo vệ.

Có nhà bình luận nổi tiếng ở Pháp đã nhận định: “Tác phẩm điêu khắc của Điềm Phùng Thị ám ảnh với vẻ đẹp của sự tĩnh lặng. Chúng khơi dòng cảm xúc tĩnh tâm và mặc tưởng. Đó là vẻ đẹp Á Đông huyền bí”. Trong giai đoạn đầu này tượng của Điềm Phùng Thị đã xuất hiện nhưng sắp đặt hay lắp ghép những “modul” (ký hiệu mẫu) bí ẩn mà sau này là tiền đề cho một ngôn ngữ đặc sắc của Điềm Phùng Thị được phát triển rực rỡ hàng chục năm sau.

Nụ cười vầng trăng

Nhà thơ Lưu Trọng Lư còn có những câu thơ như ám vào cuộc đời sáng tạo của Điềm Phùng Thị. Đó là sự hồn nhiên và thảng thốt của Điềm Phùng Thị mỗi khi trong giấc mơ đã vẽ được bức tranh  “Thuyền lơ lửng”. Một con thuyền trôi trong bầu trời với mây bay. Hay như “Nét cười đen nhánh sau tay áo/ Trong nắng trưa hè trước dậu thưa” (Nắng mới) trong luận án “Tục ăn trầu” của vợ chồng bà. Thơ đã gợi lên những cảm xúc về cuộc sống sinh động và tràn đầy mơ mộng.

Bộ “modul” tạo hình và những bản điêu khắc của Điềm Phùng Thị cũng hình thành trong những đêm vật vã trong hầm đất như vậy. Có lẽ đó là những giấc mơ trong đêm cô đơn nhất hành tinh. Bà đã miệt mài gọt giũa từng viên đá rơi để sắp xếp lại chúng trong tưởng tượng cùng làn gió tuyết phủ trắng không gian.

Những giai điệu của đá đã tạo nên hơi thở và nhịp đập của trái tim con người. Vẫn tượng phật đất nung mà bà đã làm trước đó nay đã khác. Nó bớt đi nét thâm trầm u ám mà trở nên ghồ ghề linh hoạt và mơ mộng hơn. Những thỏi đá mang hình nụ cười đã xuất hiện. Bộ hình của trái tim và đòn gánh của Huế đã xôn xao lên tiếng. Hàng chục đêm như thế xuất hiện những âm thanh của đá vang ngân và đã hát lên bài ca của nó trong mười ngón tay thần tiên. Em bé đã xuất hiện. Bà mẹ hiện hình qua những trò chơi của thượng đế. Chỉ bảy “modul” với những góc cạnh đột biến đã tạo nên muôn hình vạn trạng của vũ trụ. Điêu khắc của Điềm Phùng Thị như có cánh bay khác lạ. Đài các và huyền ảo.

Thật ngoạn mục và âu yếm làm sao khi ta ngắm không biết chán chú “Chim đại bàng” được sắp đặt bằng những “modul” mang tên Điềm Phùng Thị.  Chính từ 7 ký hiệu này mà bà đã tạo nên những cây tháp đá ở quảng trường và công viên giải trí với các tác phẩm “Cây đá”, “Ký hiệu”, “Đền”, “Không gian ba góc”…. Còn kia là những chùm “Hoa tulip” kiều diễm trong “Vườn Lisy” hoặc thảm “Hoa sen” cùng với những đứa trẻ nô đùa trong ảo ảnh thần tiên với “Trò chơi nhào lộn”. Và từ cánh cổng “Hư vô” Điềm Phùng Thị đã mở rộng khi mô tả chân dung người. Tất cả đều xuất phát từ cái gốc nụ cười mang hình trái tim của bộ ký hiệu bí ẩn kia.

Ta có thể ngây ngất khi đứng bên cạnh bức tượng “A di đà Phật”, “Cha tôi” cùng với “Bánh xe thời gian” để chiêm nghiệm mọi nghi lễ trên cửa thiền. Nhiều nhà phê bình mỹ thuật quốc tế đã theo dõi hàng chục triển lãm của Điềm Phùng Thị khắp châu Âu. Không ít người đã coi bà là đại sứ mỹ thuật phương Đông làm khuấy đảo những dòng mỹ thuật phương Tây. Hầu hết những tác phẩm của Điềm Phùng Thị đều gây bất ngờ bởi sự đơn giản với những sắp đặt có sự truyền cảm khôn lường.

Chính thế họ gọi 7 “modul” của Điềm Phùng Thị là 7 bước của Phật pháp hay đó là những bước chân của thần linh vang dội. Trong kinh Hoa Nghiêm con số 7 là đặc trưng sự bao hàm của vũ trụ. Trong triết học phương Đông số 7 biểu trưng cho sự hoàn hảo nhiệm mầu của thế giới loài người. Đó chính là sự bí ẩn của bảng ký hiệu mang tên Điềm Phùng Thị trong giới hâm mộ điêu khắc.

Sự thành công kỳ diệu của bà kéo dài trong vòng hai mươi năm. Bà đã vinh dự được đưa tên vào “Tự điển Larousse Nghệ thuật Thế kỷ XX” (1991). Và chỉ năm sau Điềm Phùng Thị trở thành Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học, Văn học, Nghệ thuật Châu Âu (năm 1992). Điêu khắc gia Điềm Phùng Thị là trường hợp duy nhất của nước ta có được vinh dự này.

Món quà để lại

Vợ chồng bà Điềm Phùng Thị đã trở về Huế với tình cảm sâu nặng không thể rời bỏ. Từ năm 1992 bà đã cùng Hội những người bạn Điềm Phùng Thị tổ chức một bảo tàng ngay tại nơi mình ở (Số 1 Phan Bội Châu). Bà là người duy nhất có “Hội hâm mộ” điêu khắc ra đời năm 1984. Họ sinh hoạt cho đến sau này và luôn trở về bên bà mỗi khi cần thiết. Bà đã mở lớp dạy hội họa và làm tượng cho trẻ em khuyết tật tại nhà. Những bức tượng của bà luôn hát bên sông quê với sắc màu đỏ thắm trên môi trong câu chuyện “Trầu cau” mà bà đã mang theo suốt cuộc đời.

Tình em như tuyết giăng đầu núi -0
Bảo tàng Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị.

Đặc biệt chúng tôi đã được đến chiêm ngưỡng tác phẩm đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ tại công viên nghĩa trang ở huyện Hương Thủy (Huế). Hình tượng chiến sĩ đã được “modul” hóa với cảm xúc mãnh liệt và sâu sắc. Tượng đài cao hơn ba chục mét tạo nên bản giao hưởng ngân vang trong nhịp điệu hành quân. Trước khi mất (2002) chừng vài tháng, Điềm Phùng Thị đã hiến tặng toàn bộ Bảo tàng nghệ thuật gồm gần hai trăm tác phẩm cho thành phố Huế.

Từ năm 2018 Bảo tàng Điềm Phùng Thị đã được chuyển ra số 17 đường Lê Lợi bên sông Hương. Tại nơi đây bà thanh thản thiền trong cõi hư vô. Cuộc đời bà đậm đặc chất Huế với hình ảnh mà thi sĩ Lưu Trong Lư đã viết tặng khi chia tay: “Em chỉ là người em gái thôi/ Người em sầu muộn của muôn đời/ Tình em như tuyết giăng đầu núi/ Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời”.

Vương Tâm
.
.