Sóng xô giấc mộng sa mù

Thứ Bảy, 11/06/2022, 11:50

Tôi đọc thơ của nữ thi sĩ Trúc Linh Lan đã lâu nhưng gần đây mới gặp chị tại Cần Thơ. Trúc Linh Lan có tên gốc Khơ Me là Thạch Thị Liễu (sinh năm 1953) tại Trà Ôn (Vĩnh Long). Chị là nhà thơ người dân tộc trưởng thành sau ngày thống nhất đất nước. Trúc Linh Lan đã từng làm Chủ tịch Hội Nhà văn Cần Thơ hai khóa liền. Hiện chị vẫn đương nhiệm Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Cần Thơ.

Đêm trầm tích thương nhớ đồng bằng

Khi mới gặp nữ sĩ Trúc Linh Lan tôi sực nhớ đến ngay câu thơ trong bài “Đêm trầm tích”. Chị rất ngạc nhiên khi tôi chậm rãi đọc: “Sóng biển xô bờ tím ngát mỗi hoàng hôn/ Tôi trải tim mình biếc cả mùa thơm/ Theo tiếng sáo, cọng rơm vàng, phù sa, cánh cò của mẹ/ Mang câu dân ca, giọng hò điệu lý/ Theo chân người lam lũ đất phương Nam”. Đó là những câu thơ mang phong cách tượng trưng khi hòa tan những phức điệu và hương sắc trong cảm xúc về quê hương đồng bằng Nam Bộ. Và cũng bắt đầu từ đây biết bao ký ức tràn về với nỗi thương nhớ khôn nguôi.

Sóng xô giấc mộng sa mù -0

Trúc Linh Lan chợt nhớ đến những đêm đi dậy học trên cánh đồng sình lầy. Thỉnh thoảng những đợt pháo kích của giặc Mỹ lại dội về ngày ấy. Tất cả xuống hầm trú ẩn sau đó cô trò lại thắp đèn soi tỏ từng mặt chữ. Chính những đêm như thế đã tạo nguồn cảm hứng cho nữ sĩ sau này: “Con vạc thả ngang trời một nhịp song lang/ Chèo khua sóng nỗi niềm lau sậy/ Ai hò trên sông mênh mang đến vậy/ Tôi ôm đàn gẩy khúc ly tao”. Sự từng trải của cô giáo Thạch Thị Liễu ngày nào vẫn còn ám ảnh với những số phận dân nghèo lam lũ khai phá đất phương Nam. Chị lại nhớ những đêm chăm sóc trò ốm tại lớp học mái lán lộng gió mù sa. Thầy cô đều thức để soạn bài và học những điệu hò điệu lý quê hương. Đó là những đêm tránh đạn bom và ăn bo bo thay gạo. Tất cả đều nuốt nước mắt vào trong để lên lớp với niềm tin yêu cho một tương lại tươi sáng. Nữ sĩ đã từng nhập đồng với những hình ảnh: “Ba chống chiếc xuồng nước mắt rưng rưng/ Trắng đồng mênh mông/ Tuổi thơ rét mướt/ Màu xanh của lá ửng vàng trong nước/ Tập sách trôi phập phều con chữ oặn đau…” (Những triền đê vỡ).

Sau ngày giải phóng chị vẫn dậy học và quên cả tình yêu và tuổi trẻ. Cuộc sống mưu sinh đầy sóng gió. Sau này chị đã hình dung lại sự bộn bề và cam go trong cuộc sống: “Ngày mỗi ngày cánh đồng vẫn lầm lũi bóng ba tôi/ Người nông dân cả đời không quen mặc áo/ Đôi chân chai sần không hề quen dép/ Đi suốt một kiếp người/ Chỉ mong con cái/ Thành nhân” (Giấc mơ gõ cửa đời người). Thơ Trúc Linh Lan đậm đà chất phù sa của châu thổ đồng bằng sông Cửu Long. Viết về quê hương chính là viết về đời sống của sông Hậu Giang quê chị. Thơ của Trúc Linh Lan đầy nhạc tính với những nhịp điệu sông nước mênh mang: “Đêm mắc võng hát vài câu vọng cổ/ Đôi mắt ai lúng liếng mé hiên nhà/ Trăng rơi xuống bồng bềnh trên sông nước/ Điên điển vàng rực ấm cả bờ xa” (Đêm hành quân nghe câu dân ca Nam Bộ). Cuộc sống cô giáo Thạch Thị Liễu một thời sôi động và dâng hiến hết mình. Là người Khơ Me chị còn được cử sang công tác tại đất nước bạn Campuchia. Sau đó có thời chị còn làm hiệu trưởng trường trẻ mồ côi ở Cần Thơ. Tuổi xuân trôi đi như vó ngựa thời gian. Chị không hề nuối tiếc cùng với niềm vui con chữ trên những chặng đường gian nan.

Và một sự kiện bất ngờ ập đến khi Hội Văn nghệ Hậu Giang ngày ấy được thành lập (1986). Bạn bè đồng nghiệp đã kéo chị về với thi ca. Vậy là sau những bài thơ được in vào năm 1968 của thời học sinh sinh viên, cái tên Trúc Linh Lan xuất hiện trở lại. Công việc xây dựng hội của những thành viên đầu tiên ngày đó có Trúc Linh Lan được coi là bước ngoặt sự nghiệp văn chương. Từ đây Trúc Linh Lan trở thành Phó chủ tịch Hội Văn nghệ kiêm Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Hậu Giang. Và cũng từ đây thơ Trúc Linh Lan lãng mạn hơn với những hình ảnh đẹp: “Con chim thả cọng rơm vào trang thơ/ Câu thơ ửng vàng màu giáp hạt/ Tôi bắt gặp giọt sương long lanh ánh mắt/ Tình yêu từ đó bay lên” (Đêm trừ tịch)

Nỗi cô đơn và nhận diện cuộc chơi

Chặng đường mới đã làm cho thơ Trúc Linh Lan càng đằm thắm hơn và tràn ngập những nỗi niềm tin yêu cuộc đời. Trúc Linh Lan say mê và lại quên đi ngày tháng và luôn sống trong cô đơn trầm lắng. Mãi cho đến đầu thập niên 90 Trúc Linh Lan mới gặp mối tình đầu của mình. Trái tim yêu được đánh thức khi tuổi đã cập kề 40. Cuộc gặp gỡ tình cờ với nhà thơ Võ Minh Đường đã làm thay đổi cuộc đời của nữ sĩ cô đơn. Họ cưới nhau và sinh được con trai trong niềm hạnh phúc vô bờ. Nhưng trớ trêu thay sau đó nhà thơ Võ Minh Đường mắc bệnh hiểm nghèo và mất đi trong nỗi khốn khó khôn lường (2004). Nữ sĩ Trúc Linh Lan lại tiếp tục sống trong nỗi cô đơn bất tận. Chị ở vậy nuôi con trong ngôi nhà ở tạm tại trường trẻ mồ côi.

Sóng xô giấc mộng sa mù -0
“Người đàn bà ngồi nhặt ký ức” - Tập thơ thứ tư của Trúc Linh Lan.

Và chính từ đây thi ca của Trúc Linh Lan có sự đổi mới rất kỳ lạ. Đó là những câu thơ ẩn chứa nỗi đau sâu lắng và hướng thiền trầm luân. Chị luôn tìm lại mình trong những ký ức làm day dứt lòng người. Với tâm sự trong “Vầng trăng từ đó không rằm”, Trúc Linh Lan viết: “Anh vội đi không từ biệt/ Vầng trăng từ đó không rằm/ Ly rượu tình xưa vẫn đợi/ Bóng người đã khuất mù tăm”. Cũng từ đây những “Khoảnh khắc chiêm bao” luôn ám ảnh tâm hồn nữ sĩ: “Em quay về trời đã vào đông/ Một mình hát lý vọng phu không ai đối đáp/ Cầu vồng bảy màu đã thành mây trắng bay”.

Theo thời gian những vầng trăng không rằm tuy vẫn ám ảnh tâm hồn thi nhân nhưng những cung bậc cảm xúc đã bừng lên những ánh sáng mới lạ. Sự “Nhận diện cuộc chơi” của Trúc Linh Lan đem lại cái nhìn sáng tỏa: “Tôi tự tát vào mặt mình để bớt ảo tưởng/ Cuộc đời đầy hoa hồng và bánh ngọt/ Tôi tát vào giấc mơ tôi/ Để thức tỉnh khi mình còn ngủ mơ trong hy vọng”. Những nỗi niềm hương xưa đã trở lại. Nữ sĩ đã trở thành “Người đàn bà ngồi nhặt ký ức” với sự xóa nhòa cảm giác vầng trăng không rằm u sầu. Cảm giác sáng trong nỗi cô đơn khi chị đã viết: “Người đàn bà ngồi đếm lá rơi/ Đếm sương/ Đếm gió/ Đếm tuổi xuân rụng dần/ Sợi tóc thở dài/ Ngọn nến rơi lệ/ Ba mươi con trăng rằm”. Nhưng rồi nữ sĩ lại ước muốn: “Tôi gói tuổi vào cơn mơ/ Để nghĩ mình chưa kịp già/ Níu tuổi thanh xuân ở lại/ Dù một ngày để xót xa” (Người đi nhặt hương xuân). Hy vọng cuộc đời đã mở ra trước mắt với sự trưởng thành của con trai làm cho người mẹ luôn mơ: “Tôi khỏa ước mơ vào đêm trừ tịch/ Ước mơ nõn biếc/ Nghe Nguyên đán tìm về”. Và đâu đó trong những “Ký ức rỗng” mà nữ sĩ vẫn luôn luôn lắng nghe lòng mình. Bởi nỗi cô đơn vẫn luôn gần kề: “Biết người ta của người ta/ Mà sao đau đớn xót xa thế này/ Thôi thì tình lỡ sẩy tay/ Em ngồi mơ nắng những ngày sa mưa”.

Tôi nghe nói mới đây Trúc Linh Lan cùng con trai mua được một căn hộ chung cư ở thành phố. Họ đã rời căn nhà tạm nhưng trong lòng nữ sĩ vẫn không bao giờ vơi nghĩ đến sự ra đi của người chồng. Chị đã bộc bạch nỗi niềm: “Thuyền một mình hát lý lênh đênh/ Chông chênh quá giữa biển buồn số phận/ Con dã tràng xe một đời lận đận/ Nợ duyên mình lỡ câu hát phu thê” (Ta nhắm mắt trong đêm nguyệt thực). Nỗi nhớ day dứt về cuộc tình dở dang luôn làm cho nữ sĩ thể hiện nỗi xót xa trong những câu thơ: “Anh đâu rồi, con đường nhỏ buồn tênh/ Em lạc lõng kết từng sợi mưa ngày cũ/ Níu tháng bảy mưa ngâu, thương tháng mười mưa lũ/ Nỗi nhớ bồng bềnh/ Rét mướt/ Vườn xưa” (Vườn xưa).

Ai nhóm mùa thu để đốt

Nữ sĩ Trúc Linh Lan không cầu kỳ trong câu chữ nhưng lại có nét sáng tạo riêng trong thơ. Thi cảm của chị đằm thắm dịu dàng luôn có những liên tưởng độc đáo. Đặc biệt hình ảnh về mùa thu thường xuất hiện trong thơ chị như một điểm tựa cho niềm vui và nỗi buồn sáng tạo. Cuộc sống cô đơn luôn đồng vọng với gió và nắng thu heo may: “Chông chênh giấc mộng/ Lá rơi che kín mùa thu” (Ký ức rỗng). Dường như những thi phẩm hay nhất của Trúc Linh Lan đều ẩn chứa hương thu cùng những giấc mơ trăng. Đến nay chị đã xuất bản bốn tập thơ. Thu và trăng luôn biểu tượng cho nỗi buồn cô liêu day dứt trong tâm hồn nữ sĩ. Đó là những câu thơ ám ảnh lòng người: “Mùa thu ửng ước mơ/ Heo may gom mây trắng/ Ta nhặt từng sợi nhớ/ Buộc rằm một mùa trăng” (Cảm xúc tháng-năm). Và khi vào ngày sinh nhật của chị vào tháng tám nỗi buồn lại dâng lên: “Phơi trăng trong say một giấc tự tình/ Nâng chén rượu này ta uống một mình”.

Vương Tâm
.
.