Sắc màu thầy Hàn ở Đông Nam Á

Thứ Năm, 16/06/2022, 09:28

Sau thành công vang dội của HLV Park Hang Seo ở Việt Nam, bóng đá Đông Nam Á bỗng nhiên xuất hiện những ông thầy người Hàn Quốc cầm quân các Đội tuyển Quốc gia. Cuộc so kè riêng của những ông thầy Hàn ở khu vực bóng đá này, đặc biệt là giữa HLV Park Hang Seo và HLV Shin Tae - Yong của Indonesia hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều sắc màu thú vị.

Đông Nam Á đã thay đổi như thế nào?

VCK giải U.23 châu Á 2018, thầy Hàn Park Hang Seo cùng U.23 Việt Nam vào tới trận đấu cuối cùng. Không lâu sau đó, Đội tuyển Quốc gia Việt Nam vẫn dưới tay Park Hang Seo đã lên ngôi vô địch AFF Suzuki Cup. Thời điểm đó, bóng đá Thái Lan với sự xuất hiện của những ông thầy người châu Âu đang khủng hoảng.

신태용_(shin_tae-yong).jpg -0
HLV Shin Tae – Yong

Đội tuyển Thái dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân nổi tiếng người Serbia - Milovan Rajevac đã thua Malaysia ở bán kết AFF Suzuki Cup năm 2018, và sau đó thua đậm 0-4 trước Ấn Độ tại Asian Cup năm 2019. Đặt những thất bại này bên cạnh những thành công vang dội của bóng đá Việt Nam, dư luận Thái cũng đồng thời đặt ra câu hỏi: Phải chăng kỷ nguyên những ông thầy châu Âu ở Đội tuyển Thái cũng nên chấm dứt? Một HLV người Đông Á với sự gần gũi về văn hóa sẽ là một chọn lựa phù hợp hơn. Với những định hướng đó, hàng loạt những HLV người Đông Á đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản được đưa vào tầm ngắm, và sau đó LĐBĐ Thái Lan quyết định chọn cựu HLV trưởng Đội tuyển Nhật Bản Nishino. Khi đó thuyền trưởng ĐT Việt Nam là thầy Hàn, và thuyền trưởng ĐT Thái Lan là thầy Nhật. Những cuộc đụng độ giữa hai ông thầy này diễn ra ở cả cấp độ ĐTQG lẫn cấp độ ĐT U.22 (tại SEA Games năm 2019), và đều kết thúc bằng 3 trận đấu hòa.

Khác với Thái Lan, bóng đá Indonesia nhìn thẳng về Hàn Quốc, và tin rằng một ông thầy Hàn Quốc sẽ giúp các ĐTQG nước này chuyển mình giống bóng đá Việt Nam. Sau một quá trình cân lên đặt xuống, họ quyết định chọn cựu HLV trưởng ĐTQG Hàn Quốc Shin Tae - Yong, và ngay sau khi ông Shin được chọn lựa, báo chí Indonesia đã lập tức so sánh thành tích của ông với ông Park Hang Seo.

Theo thống kê của tờ Bola  (Indonesia) vào tháng 6 năm 2021 thì ông Shin từng dẫn dắt ĐTQG Hàn Quốc đá VCK World Cup năm 2018, giải đấu Hàn Quốc bất ngờ thắng ĐT Đức 2-0, trong khi với ông Park, vị trí cao nhất ở ĐTQG Hàn Quốc mà ông đảm nhiệm chỉ là trợ lý cho thuyền trưởng Hiddkin ở VCK World Cup năm 2002. Với các cấp độ đội tuyển trẻ, tờ báo này cũng nhấn mạnh vào chuyện ông Shin từng dẫn U.23 Hàn Quốc tại  Olympic 2016, từng dẫn U.20 Hàn Quốc tại World Cup U.20 năm 2017, trong khi ông Park chỉ nắm U.23 Hàn Quốc đúng 1 năm. Ở cấp độ CLB, ông Shin từng vô địch AFC Champión League, từng vô địch Cúp Quốc gia Hàn Quốc, trong khi thành tích lớn nhất của ông Park chỉ là cùng một CLB ở Hàn Quốc vô địch giải hạng Nhì. Với hàng loạt những thống kê tỉ mỉ này, báo chí Indoneisa kết luận, ông Shin có một quá khứ ấn tượng hơn hẳn ông Park, và nhấn mạnh vào chuyện ông là "HLV trình độ World Cup". Về phía mình, không biết ông Shin đã nghĩ những gì trước khi nhận lời ký vào bản hợp đồng mà LĐBĐ Indonesia đưa ra, nhưng không ít thì nhiều những thành công của HLV Park ở một nền bóng đá Đông Nam Á có lẽ cũng là một nguồn cảm hứng nhất định cho ông.

Cũng giống như Indonesia, sau hàng loạt thất bại tại các giải đấu khu vực, bóng đá Malaysia lại đi tìm "cửa thoát" bởi một ông thầy Hàn Quốc. Câu chuyện diễn ra ngay sau AFF Suzuki Cup đầu năm nay, khi thầy nội Tan Cheng Hoe từ chức, và lập tức 4 ông thầy người Hàn được đưa vào "chung kết". Cuối cùng, LĐBĐ Malaysia quyết định chọn ông Kim Pan Gon, người khi đó đang là trưởng ban giám sát Đội tuyển Quốc gia Hàn Quốc, từng cầm quân ở nhiều CLB Hàn Quốc và ĐTQG Hong Kong. Khác với vẻ ngoài bình dân của ông Park, khác với vẻ ngoài gai góc của ông Shin, ông Kim có một mái tóc bồng bềnh lãng tử, và hơn bao giờ hết, dư luận bóng đá Malaysia tin rằng cuộc phiêu lưu của ông với nền bóng đá này sẽ mang đến nhiều trái ngọt.

Thật ra Việt Nam không phải là nền bóng đá Đông Nam Á tiên phong với việc chọn lựa những ông thầy Hàn Quốc. Vào đầu những năm 2000, ĐT Brunei đã từng được dẫn dắt bởi thầy Hàn Quốc. Sau đó Campuchia, Timor Leste cũng được dẫn dắt bởi những ông thầy Hàn Quốc. Tuy nhiên đây đều là những nền bóng đá hạng hai ở Đông Nam Á. Phải đến khi Việt Nam thành công với thầy Hàn Park Hang Seo, những nền bóng đá hạng nhất ở khu vực này mới bắt đầu nghĩ tới những ông thầy Đông Á nói chung, và những ông thầy Hàn Quốc nói riêng.

Những so kè thú vị

Ông Kim Pan Gon quá mới mẻ, còn chưa kịp giúp Malaysia tỉ thí với các đối thủ lớn trong khu vực. Nhưng những cuộc tỉ thí giữa ông Park Hang Seo (Việt Nam) và Shin Tae - Yong thì đã diễn ra. Nó diễn ra lần đầu tiên ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 trên đất UAE. Khi đó, trong tay ông Park là một tập hợp binh hùng tướng mạnh, còn trong tay ông Shin là hàng loạt những cầu thủ thuộc lứa U.23 được đôn lên. Hiệp 1 trận đấu ấy, quân ông Shin cầm hòa ông Park, nhưng sang đến hiệp 2 thì vỡ 4 bàn. Sau trận ông Shin chê trọng tài dữ dội, đặc biệt là ở tình huống dẫn đến bàn thắng đầu tiên của Việt Nam, một tình huống mang tính "nút thắt" của trận đấu.

Sắc màu thầy Hàn ở Đông Nam Á -0
HLV Park Hang-seo chỉ đạo các học trò. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Ông bảo tình huống ấy, cầu thủ Việt Nam đã để bóng chạm tay. Rồi ông bảo, chưa bao giờ ông thấy một trận đấu mà những thiếu sót của trọng tài đã khiến kịch bản xoay chiều đến thế. Mới đây nhất, ông Shin lại đấu ông Park, nhưng ở cấp độ ĐT U.23, trong khuôn khổ vòng bảng môn bóng đá nam SEA Games 31. Lần này, trước giờ bóng lăn, quân ông Shin còn được đánh giá nhỉnh hơn, nhưng quân ông Park lại có ưu thế chủ nhà. Kết quả na ná như lần trước: Hiệp 1 lại hòa, và hiệp 2, quân ông Shin lại vỡ. Cái cách ông nói sau lần thua này cũng na ná như cái cách ông từng nói sau lần thua trước: trọng tài đã không chính xác trong bàn thắng đầu tiên của U.23 Việt Nam, và vì thế trận đấu đã xoay chiều. Rồi ông chê chủ nhà Việt Nam đã không bố trí cho quân ông một sân tập đủ chuẩn, đủ đẹp, để có thể chuẩn bị tốt nhất cho trận đấu. Ông còn hẹn sẽ gặp lại U.23 Việt Nam ở chung kết để "phục thù". Một tay nhà báo láu lỉnh đã đem điều này hỏi ông Park. Và đây là câu trả lời: "Có thể ông ấy đã thua quá đậm nên nói vậy". 

Xen giữa hai trận thua này là cuộc chạm trán ở vòng bảng AFF Suzuki Cup đầu năm nay. Trận đấu mà ai cũng nghĩ dàn cầu thủ dạn dày trận mạc của ông Park sẽ dễ dàng "làm gỏi" cầu thủ ông Shin, nhưng hóa ra đấy lại là trận đấu quân ông Shin thủ hay, thủ chắc, và giành được một trận hòa như thắng. Sau 90 phút ấy, ông Shin vỗ tay, ông Park bực mình. Như vậy nếu xét về mặt số học thuần túy thì ông Park lúc này thắng 2 hòa 1. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu có thể nhìn vào thống kê số học này để kết luận trong quá trình thực chiến tại Đông Nam Á lúc này, ông Park đang trên tài ông Shin?

Khó! Rất khó! Bởi ông Park đến Việt Nam vào đúng thời điểm bóng đá Việt Nam có một thế hệ cầu thủ tài năng, và thế hệ cầu thủ đó đã tạo ra hàng loạt chiến thắng mang tính chất bản lề, giúp cho các thế hệ kế cận có niềm tin nhìn về phía trước. Trái lại, ông Shin đến Indonesia vào đúng lúc nền bóng đá quốc gia này đi xuống. Thay vì trình làng những ngôi sao kĩ thuật, hào hoa một thời, Indo hôm nay lại cho thấy nhiều cầu thủ luôn sẵn sàng đá ẩu. Cơn mưa thẻ vàng thẻ đỏ mà U.23 Indo và U.23 Thái Lan tạo nên ở bán kết SEA Games 31 vừa qua là một dẫn chứng điển hình. Ông Shin còn chia sẻ một cái khó của mình trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với báo chí Việt Nam: "Khi tôi đến, tôi thấy nhiều cầu thủ Indonesia rất thiếu tinh thần thi đấu tích cực. Nó khiến tôi phải thay thế bằng hàng loạt cầu thủ trẻ. Ngược lại, tôi thấy tinh thần quyết tâm của các cầu thủ Việt Nam tuyệt vời". Rồi ông bảo: "Tôi nghĩ ông ấy đã may mắn!" khi được đề nghị nhận xét về những thành công mà ông Park và lứa cầu thủ tài năng của bóng đá Việt Nam đã tạo ra. Ông cũng chia sẻ rằng, trước đây ông và ông Park là bạn, nhưng kể từ ngày ông Park sang dẫn dắt Việt Nam thì tình bạn có vẻ nguội đi vài phần.

Rõ ràng, những ông thầy Hàn có những ân oán riêng. Và chính những ân oán đó khiến những cuộc đụng độ giữa các ĐTQG Đông Nam Á mà họ cầm quân trở nên thú vị hơn rất nhiều. Chờ xem, sau ông Shin ở Indonesia, sau ông Park ở Việt Nam thì ông Kim ở Malaysia…, sẽ tiếp tục viết thêm những cung bậc nào trong những cuộc đấu riêng của thầy Hàn ở Đông Nam Á.

Nguyễn Mỹ Linh
.
.