PGS.TS, bác sĩ Đào Việt Hằng: Không một thuật toán nào thay thế được quyết định của bác sĩ

Thứ Ba, 28/02/2023, 12:17

Hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nội soi đường tiêu hóa là xu thế tất yếu trong lĩnh vực y khoa và mang đến những kết quả đột phá. Ở nước ta, PGS.TS, bác sĩ Đào Việt Hằng - giảng viên bộ môn Nội tổng hợp Trường Đại học Y Hà Nội, Phó giám đốc Trung tâm Nội soi Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là người tiên phong trong hướng đi này, góp phần đưa Việt Nam vào danh sách các nước ứng dụng AI trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa.

Phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng đã có cuộc trò chuyện thú vị với phó giáo sư thế hệ 8X này khi chỉ một thời gian ngắn nữa, các đề tài nghiên cứu của chị được nghiệm thu.

PGS.TS, bác sĩ Đào Việt Hằng: Không một thuật toán nào thay thế được quyết định của bác sĩ -0
PGS.TS, bác sĩ Đào Việt Hằng là người đi đầu trong triển khai và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi đường tiêu hóa.

- Phóng viên: Tôi rất hứng thú và có chút tò mò về việc triển khai và ứng dụng AI trong nội soi đường tiêu hóa. Phó giáo sư có thể chia sẻ rõ hơn về thành tựu này?

- PGS. TS, bác sĩ Đào Việt Hằng: Việc ứng dụng AI trong nội soi đường tiêu hóa có thể triển khai theo nhiều cách. Cách thứ nhất là bác sĩ tiến hành nội soi bình thường, sau đó các tập ảnh và video phản ánh quá trình nội soi sẽ đưa qua hệ thống máy có thuật toán AI. Hệ thống này giúp bác sĩ hậu kiểm xem có sót tổn thương không. Cách thứ hai, hệ thống máy tính đã được nhúng thuật toán AI được đặt ngay cạnh hệ thống máy nội soi, hoặc tích hợp chung vào hệ thống nội soi. Khi bác sĩ tiến hành nội soi thì màn hình hiển thị quá trình nội soi có nhúng thuật toán AI sẽ báo khi phát hiện tổn thương. Đây là một hệ thống song song và cũng là đích nghiên cứu của chúng tôi.

Dự kiến tháng 4/2023, đề tài nghiên cứu về xây dựng thuật toán AI trong phát hiện polyp đại tràng và trong chẩn đoán có hay không nguy cơ chuyển thành polyp ác tính sẽ được nghiệm thu. Thuật toán AI phát hiện polyp đại tràng chạy ở trên các tập ảnh tĩnh và video đã đạt độ chính xác khoảng 98-99%, phân loại có hay không nguy cơ chuyển thành polyp ác tính cũng đạt trên 95%. Trong tháng 3/2023 chúng tôi sẽ thử nghiệm triển khai đối với bệnh nhân Việt Nam tại một số cơ sở y tế trên các hệ thống máy khác nhau. Ngoài ra, chúng tôi đang thực hiện đề tài phát triển thuật toán AI trong phát hiện tổn thương của đường tiêu hóa trên, dự định làm với 5 loại tổn thương ung thư thực quản, ung thư dạ dày, viêm thực quản, viêm dạ dày có hoặc không do vi khuẩn HP và viêm hành tá tràng.

Trong quá trình phát triển và tự xây dựng các thuật toán, chúng tôi có cơ hội trải nghiệm hệ thống ứng dụng AI của các hãng lớn trên thế giới như Fujifilm. Qua đó thấy rằng sử dụng hệ thống nội soi hiện đại được tích hợp công nghệ AI không ảnh hưởng gì đến thao tác của bác sĩ, mà còn giúp bác sĩ phát hiện tổn thương dễ dàng hơn, đặc biệt là tổn thương nhỏ, tổn thương dẹt dễ bị bỏ sót, tiết kiệm nguồn nhân lực y tế đang thiếu hụt. Chúng tôi nhận thấy ứng dụng này khả thi trong điều kiện nước ta, khi mà số lượng ca nội soi mỗi ngày tại các cơ sở y tế là rất lớn.

- Một bác sĩ "theo đuổi" chuyên ngành tiêu hóa sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì, thưa phó giáo sư?

- Bệnh lý tiêu hóa có tỉ trọng lớn tại Việt Nam do vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo, chế độ sinh hoạt chưa hợp lý. Mặt khác, chế độ ăn, sinh hoạt của người dân nước mình đang có sự Tây hóa, nên hệ vi sinh đường ruột thay đổi, mặt bệnh thay đổi. Bệnh lý tiêu hóa đa dạng nên kinh nghiệm lâm sàng của các bác sĩ rất phong phú. Điều này một mặt nên tạo hứng thú cho các bác sĩ nhưng cũng đòi hỏi kiến thức rộng, sâu mới chẩn đoán được. Các bác sĩ tiêu hóa có hoạt động chuyên môn đa dạng khi vừa thực hiện các can thiệp như siêu âm và nội soi, lại vừa trực tiếp làm thủ thuật. Nhưng mặt khác đòi hỏi bác sĩ phải có sức khỏe dẻo dai, sự tập trung cao độ. Bởi thế, lĩnh vực này tương đối "kén" người.

PGS.TS, bác sĩ Đào Việt Hằng: Không một thuật toán nào thay thế được quyết định của bác sĩ -0
PGS.TS, bác sĩ Đào Việt Hằng hiện đang là chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước cũng như hướng dẫn nhiều học viên y khoa.

- Động lực nào để bác sĩ dấn thân vào con đường đầy chông gai này?

- Với tôi, động lực đến từ người bệnh. Năm 2022, nam bệnh nhân tên H. từ Đắk Lắk ra Hà Nội tìm tôi. Đã nhiều năm nay, anh thường xuyên đau ngực, nuốt nghẹn, sụt cân, chất lượng cuộc sống giảm sút rõ rệt. Đi khám nhiều nơi, các bác sĩ đều kết luận anh bị trào ngược dạ dày, nhưng điều trị mãi không đỡ. Lúc đó, tôi đang triển khai kĩ thuật đo áp lực thực quản và nhu động bằng độ phân giải cao giúp đánh giá xem cơ thắt của bệnh nhân như thế nào, có rối loạn co bóp ở thực quản hay không. Sở dĩ tôi đi sâu vào hướng này bởi vì trong nghiên cứu về thăm dò chức năng của đường tiêu hóa, có một nhóm bệnh nhân rất khó chẩn đoán họ bị trào ngược hay co thắt tâm vị, mặc dù trên lâm sàng, dấu hiệu bệnh giống hệt nhau.

Khi tiến hành đo áp lực thực quản thì phát hiện ra bệnh nhân H. không phải bị trào ngược mà bị co thắt tâm vị. Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật co thắt tâm vị. Sau một tuần, bệnh nhân ăn uống trở lại bình thường và sau một tháng thì tăng cân rõ rệt. Đến nay, thật mừng khi anh H. đã trở về cuộc sống bình thường và mới xây dựng gia đình. Khi nhận được tin vui từ anh H, tôi thấy mừng vì nghiên cứu của mình thực sự giúp ích cho bệnh nhân. Hay mới đây thôi, một bữ bệnh nhân đã hỏi tôi rằng trong khi khám cho chị ấy tôi đã ứng dụng AI chưa? Việc bệnh nhân hứng thú, mong ngóng và tin tưởng vào việc ứng dụng AI, sẵn sàng tham gia vào cuộc cách mạng công nghệ thông tin trong y tế làm tôi rất bất ngờ.

Bệnh ung thư đường tiêu hóa là gánh nặng cho người bệnh, cho bệnh viện, trong đó có đơn vị nội soi. Do đó cần cải thiện chất lượng của cuộc nội soi tiêu hóa, cải thiện khả năng chẩn đoán bệnh cũng như chất lượng đào tạo. Tất cả những điều này đã tạo động lực rất lớn để tôi tiếp tục hướng nghiên cứu mà tôi đã chọn.

- Cũng chính từ việc chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân, có khi nào bác sĩ cảm thấy nản không?

- Có những ca bệnh khá phức tạp, chúng tôi phải tiến hành hội chẩn liên khoa, liên viện, thậm chí viết thư xin ý kiến các thầy ở nước ngoài để không bỏ sót bất cứ một chẩn đoán nào. Có ca bệnh sau khi xin ý kiến nhiều nơi, xem xét rất kĩ nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy chưa phù hợp, vẫn thấy có điều gì đó không ổn. Nhưng trong điều kiện hiện tại, chúng tôi chưa thể có phương pháp thăm dò phù hợp để chuẩn đoán đến cùng, buộc phải chấp nhận "tiếp tục theo dõi" kết hợp điều trị triệu chứng cho người bệnh. Có khoảng 5-10% số ca bệnh chúng tôi chưa thể tìm ra ngay câu trả lời. Đầu tôi lúc nào cũng dấy lên câu hỏi: Tại sao? Còn gì nữa? Có bỏ sót gì không? Nhưng những băn khoăn này không hề khiến tôi nản chí, mà ngược lại, càng có động lực hơn.

- Bác sĩ đã công bố ba bài báo quốc tế, từng báo cáo trong bốn hội nghị ở nước ngoài về lĩnh vực tiêu hóa. Làm việc trong môi trường quốc tế mang lại cho chị điều gì thú vị?

- Thế giới rất quan tâm đến dữ liệu y tế tại ở các nước đang phát triển nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Những công bố của chúng tôi sẽ đóng góp một phần vào dữ liệu y khoa thế giới, đồng thời là động lực cho các nước đang phát triển khác thấy rằng lĩnh vực tiêu hóa là mảng rất tiềm năng, cần tập trung nghiên cứu.

Ví dụ, khi chúng tôi công bố những công trình nghiên cứu liên quan đến chức năng co bóp của thực quản tại Việt Nam, đồng nghiệp quốc tế rất quan tâm. Hoặc khi tôi báo cáo về ứng dụng AI trong nội soi tiêu hóa trong nước, các đồng nghiệp quốc tế rất bất ngờ. Vì thường ứng dụng AI trong nội soi tiêu hóa phát triển mạnh tại Nhật Bản, Hoa Kỳ và một số nước châu Âu, chưa thấy dữ liệu báo cáo tại các nước đang phát triển như Việt Nam. Họ đặt ra câu hỏi rằng liệu ứng dụng AI khi tiến hành nội soi tiêu hóa ở các nước như Việt Nam có tiết kiệm được nguồn lực hơn không, bài toán về chi phí, hiệu quả kinh tế có khác biệt so với các nước phát triển không?

- Nhiều người băn khoăn rằng AI liệu có thay thế các bác sĩ trong điều trị bệnh tiêu hóa không? Phó giáo sư có thể giải tỏa những băn khoăn này?

- Trong vài năm gần đây, AI phát triển đã tham gia vào nhiều khâu khám chữa bệnh. Ví dụ ở các chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh đang có rất nhiều phần mềm đọc phim X-quang, phim chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ trong thời gian rất nhanh và có độ chính xác không thua kém các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có kinh nghiệm. Hoặc trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa, nhiều thuật toán AI phát hiện tổn thương có độ chính xác cao hơn so với các bác sĩ mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm.

Nhưng phải khẳng định rằng không một thuật toán nào thay thế được quyết định của bác sĩ. Vì đây là lĩnh vực hoạt động liên quan đến con người, nên mỗi quyết định đưa ra phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau đòi hỏi sự cân đo đong đếm của các bác sĩ. Trong nội soi tiêu hóa, việc phát triển AI nhằm xây dựng được công cụ giúp giảm gánh nặng công việc cho các bác sĩ, giảm bỏ sót tổn thương. Còn việc đưa ra chẩn đoán cuối cùng, làm các can thiệp thực tế trên người bệnh phải là bác sĩ.

- Xin cảm ơn PGS.TS, bác sĩ Đào Việt Hằng!

Huyền Châm (thực hiện)
.
.