NSƯT Tất Bình: Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy

Thứ Năm, 14/10/2021, 10:41

Tôi và NSƯT, đạo diễn Tất Bình (nguyên Giám đốc Hãng Phim truyện 1) quen nhau từ khi còn nhỏ. Nhà anh ở phố Triệu Việt Vương, Hà Nội là cơ sở dệt kim nơi mẹ tôi làm việc vào thập niên 60. Hàng ngày tôi thường đưa cơm cho mẹ ở đó. Có lần nghe tin Tất Bình được mời đi đóng phim "Vườn Cam", trong vai chú bé đánh trống, khi mới 13 tuổi (1962), tôi ngạc nhiên vô cùng và nể phục sát đất luôn.

Một giọng nói vàng tỏa sáng

Cuộc đời sân khấu của nghệ sĩ Tất Bình không ít truân chuyên vì hoàn cảnh gia đình. Anh thay đổi chỗ làm liên tục sau khi tốt nghiệp khoa Kịch nói (khóa II 1968-1971). Nào là đoàn kịch Quảng Ninh (2 năm), rồi tới đoàn kịch Công an Hà Nội (7 năm) và sau nữa là Nhà hát Tuổi trẻ (10 năm). Ấy là chưa kể anh đã từng nhập đoàn kịch Yên Bái trước đó. Ở sân khấu nào Tất Bình cũng thể hiện là ngôi sao hàng đầu và luôn được phân vai chính. Với vóc dáng cân đối cao ráo và gương mặt điển trai, Tất Bình còn có một giọng nói thiên phú trầm ấm, vang rền.

Đạo diễn Tất Bình: Tôi nhặt gió Trời mời em giữ lấy -0
Đạo diễn Tất Bình đang chỉ đạo hiện trường quay phim.

Mỗi lần xuất hiện anh đều có sức hút khán giả ở vai diễn giàu cảm xúc. Nghệ thuật kịch nói, ngoài diễn xuất hành động cùng gương mặt còn kèm theo những đối thoại thể hiện tâm lý nhân vật với một phong cách nghệ thuật độc đáo. Có những nghệ sĩ như Đào Mộng Long, hay Trần Tiến, Trần Vân, Hoàng Cúc... từng độc thoại hàng chục phút mà vẫn hấp dẫn khán giả. Nghệ sĩ Tất Bình cũng có biệt tài đó. Chính vì thế mà anh luôn được mời đi lồng tiếng cho các vai chính ở các phim nhựa trong làng điện ảnh Việt Nam.

Có thể nói đây là cơ hội trời cho Tất Bình làm quen với diễn xuất của điện ảnh. Để lồng tiếng cho nhân vật, nghệ sĩ phải diễn xuất chân thực qua giọng nói của mình. Đôi khi nghệ sĩ phải "tua" phim nhiều lần để "căn" trúng với khẩu hình và âm thanh phát ra. Đây cũng là khâu luyện nghề khá công phu cho nghệ sĩ lồng tiếng. Có lần nghệ sĩ Tất Bình tâm sự: "Tôi nấp sau lưng nhiều tài tử của điện ảnh Việt Nam như Hà Văn Trọng, Bùi Bài Bình, Vũ Đình Thân, Đặng Lưu, Việt Bảo...".

Cứ thế anh âm thầm diễn xuất tâm trạng nhân vật qua hơn chục năm (từ cuối thập niên 70 đến đầu thập niên 90). Có tới dăm bảy chục vai chính và phụ rất sinh động và sâu sắc qua giọng nói của anh. Thậm chí Tất Bình còn được mời đi lồng tiếng ở nước ngoài (phim "Tọa độ chết"). Anh kể cứ thế ăn dầm ở dề sống đến mê man trong phòng thu hàng tháng trời. Anh âm thầm đứng bên những hào quang được tung hô ngoài ánh sáng. Nhưng với Tất Bình mỗi lần lồng tiếng là một niềm vui mà anh nhận được. Anh hóa thân vào từng cuộc đời khác nhau để cất lên lời ca của nó. Bài hát của Trịnh Công Sơn mà Tất Bình rất tâm đắc: "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui" luôn vang lên trong lòng anh.

Và niềm vui lớn đã đến khi Tất Bình được đạo diễn Trần Phương mời đóng vai chính trong phim "Hy vọng cuối cùng" (1981). Đây có thể nói là một trong những phim đầu tiên chống tham nhũng. Tất Bình được phân vai Phương cán bộ thanh tra chống tội phạm. Phương đã vượt qua những cám dỗ vật chất luôn giữ phẩm chất của mình. Một gương sáng đảng viên trong thời kỳ khốn khó của bao cấp để đứng vững, không biến hóa phẩm chất cách mạng trong sáng. Thành công của vai Phương thật bất ngờ. Nhưng chưa hết chỉ một thời gian ngắn sau, Tất Bình lại được đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh mời đóng vai chính trong phim "Thị xã trong tầm tay".

Đó là một vai nhà báo (Vũ) đầy tâm trạng đấu tranh nội tâm khi đứng trước cuộc chiến tranh biên giới đã xảy ra trước đó. "Thị xã trong tầm tay" cũng là một bộ phim đầu tiên lấy bối cảnh cuộc chiến tranh biên giới là đề tài chính. Đồng thời với điện ảnh nhân vật Vũ cũng là vai nhà báo đầu tiên có đời sống mang âm hưởng của sự đổ vỡ của cuộc chiến tranh. Đây là một vai rất vang dội của Tất Bình trong Liên hoan phim (1983). Điều đặc biệt là cả hai phim mà Tất Bình đóng vai chính đều được giải cao  (Bông sen vàng và Bông sen bạc).  

Đạo diễn chuyên ăn mỳ gói sống

Từ thành công liên tiếp trong điện ảnh, nghệ sĩ Tất Bình có những bước chuyển mình bứt khỏi sân khấu. Trong giai đoạn này đang là diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ nhưng Tất Bình lại nổi tiếng và đóng góp nhiều cho điện ảnh. Anh bùi ngùi nói với tôi đành phải rời sân khấu vì lòng say mê với bộ môn nghệ thuật mới. Hơn nữa trong cuối thập niên 80 tình trạng sân khấu cũng bị ảnh hưởng của đời sống thị trường nên gặp nhiều khó khăn.

Đạo diễn Tất Bình: Tôi nhặt gió Trời mời em giữ lấy -0
Đạo diễn Tất Bình dàn dựng cảnh phim.

Nghệ sĩ Tất Bình chia tay với Nhà hát Tuổi trẻ trong lòng hết sức bối rối. Chân trời mới đang đón chờ anh. Bài hát quen thuộc anh đã hát tặng NSND Lan Hương, người vợ xinh đẹp của mình với lời ca: "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui/ Chọn những bông hoa và những nụ cười/ Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy/ Để mắt em cười tựa lá bay" (Trịnh Công Sơn). Một hình ảnh tuyệt vời về người vợ tài ba của anh luôn tạo điều kiện cho chồng được cất cánh bay cao. Sau này NSND Lan Hương trở thành Đoàn trưởng Kịch Hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ. Đầu năm 1991 nghệ sĩ Tất Bình rời xa ánh đèn sân khấu chuyển sang Hãng phim truyện Việt Nam.

Dường như bài hát của Trịnh luôn ám vào anh khi đi tìm niềm vui mới. Lời ca thường vang lên mỗi khi anh vào việc nào đó: "Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi/ Đường đến anh em đường đến bạn bè". Quả nhiên điện ảnh và truyền hình là con đường mới cho anh. Đặc biệt dòng phim thị trường xuất hiện ồ ạt cùng với sự ra đời của Trung tâm sản xuất phim truyện Truyền hình (VFC) trong giai đoạn đầu thập niên 90. Tất Bình ngoài những vai diễn anh còn cắp sách theo học nghề đạo diễn. Phim đầu tay Tất Bình dàn dựng cho truyền hình là "Cuốn sổ ghi đời" (1994).

Bộ phim ra đời được sự đón nhận đặc biệt của khán giả. Ngay sau đó anh được giám đốc Khải Hưng giao cho trong trách làm phim dài tập đầu tiên: "Những người sống bên tôi" (1995). Gọi là dài tập ngày đó cũng chỉ tới 10 tập là cùng. Đúng là niềm vui ngập tràn đối với những thành công đầu tiên của Tất Bình. "Những người sống bên tôi" đã được nhận ba giải thưởng trong cuộc bình chọn (trong hai năm 1995-1996) của khán giả: Phim hay nhất; Giải diễn viên nam xuất sắc nhất (Quốc Tuấn) và Giải diễn viên nữ xuất sắc nhất (Lan Hương). Đây là cuộc đồng hành đầu tiên và rất thành công của nghệ sĩ Lan Hương với chồng trong phim truyền hình. Tất Bình được nhận danh hiệu NSƯT năm 2000.

Song hành cùng với công việc bên truyền hình đạo diễn Tất Bình còn phải gánh vác trọng trách Giám đốc bên Hãng phim truyện. Công việc ngập đầu nhưng anh không quản ngại luôn luôn lạc quan tạo nên không khí làm phim rất sôi nổi. Tất Bình mải miết công việc trong ngày tới 18 tiếng liền không hề mệt mỏi. Hầu hết khi nghỉ trưa anh thường mang theo mì gói bẻ ra ăn sống luôn cho tiện. Anh em nghệ sĩ lắc đầu lè lưỡi cảm phục ông đạo diễn ham việc và khó tính này. Có lần đi nước ngoài dựng phim "Trăng trên đất khách" (kịch bản của Nguyễn Thị Hồng Ngát) cả tốp bị cảnh sát Nga giữ lại để kiểm tra máy móc và thủ tục giấy tờ. Khi đó đã một giờ sáng. Hôm sau mọi người đói mềm riêng ông giám đốc đạo diễn Tất Bình ung dung xé gói mì nhai rau ráu. Ai nấy đều hãi muốn xỉu luôn.

Ngồi nghĩ lại mình

Ngoảnh lại. Đó là một chặng đường dài hơn 40 năm đeo đuổi, NSƯT Tất Bình làm hàng ngàn tập phim. Sau đạo diễn phim "Huyền sử Thiên đô" (2009) anh về hưu. Tuy thôi chức giám đốc hãng phim nhưng điện ảnh và truyền hình với anh còn nặng nợ lắm. Tất Bình tiếp tục những dự án phim và kể cả làm diễn viên đóng vai phụ. Mới đầu năm 2021 NSƯT Tất Bình xuất hiện vai một bí thư cấp tỉnh đã về hưu trong phim "Sinh tử" khá độc đáo. Anh cho biết vừa hoàn thành vai một nhà văn già trong một bộ phim truyền hình sắp phát sóng.

Gặp tôi anh hồ hởi khoe hai con gái là Đặng Diệu Hương và Đặng Thiếu Ngân cũng say mê viết kịch bản truyền hình. Gần đây phim "Sống chung với mẹ chồng" (tác giả Đặng Thiếu Ngân) được khán giả hưởng ứng khá sôi nổi. NSƯT Tất Bình vẫn tham gia đóng phim do các con viết kịch bản. Anh hóm hỉnh nói đóng cho vui vì yêu nghề nhưng cái chính là đỡ phải trả cát xê cho diễn viên. Thì ra anh vẫn đóng phim chay không cần tiền mua mì gói như hồi nào. Nổi hứng anh cầm cây đàn ghi ta hát với cảm xúc dạt dào: "Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên/ Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình/ Tôi chợt hiểu rằng vì sao tôi sống/ Vì đất nước cần một trái tim" (Trịnh Công Sơn).

Vương Tâm
.
.