NSƯT Hồng Vân: Thấy hoa cười lại nhớ một người

Thứ Tư, 01/03/2023, 10:26

Mới đây tôi xem chương trình "Ký ức vui vẻ" (VTV3) và được nghe NSƯT Hồng Vân hát. Sự xuất hiện của ca sĩ Hồng Vân thật bất ngờ và gợi nhớ cho tôi những hình ảnh của chị vào đầu thập niên 90 ở sân khấu thủ đô. Hồng Vân là ca sĩ của đoàn Bông Sen ra biểu diễn với ca khúc "Huế tình yêu của tôi". Giọng hát chị tạo nên sắc màu khác biệt so với dòng nhạc thị trường miền Nam thuở đó.

Một tình thương nơi phương trời cũ

Ngay từ khi còn trẻ, ca sĩ Hồng Vân (18 tuổi - năm 1967) đã có chỗ đứng riêng trong làng ca nhạc miền Nam với tà áo dài trong tam ca nữ Phương Đông (chuyên hát dân ca ba miền). Ba cô ca sĩ này vô tình mang giọng hát ba miền (Hà Nội-Huế-Sài Gòn) đã hòa điệu cùng nhau tạo ấn tượng độc đáo vào thập niên 70. Khi đó Hồng Vân còn theo học Đại học Văn Khoa vì rất yêu văn chương và mê ngâm thơ theo những làn điệu dân ca. Hồng Vân dường như mỗi lần xuất hiện trên sân khấu đều toát lên nét đẹp Huế đài các và sang trọng. Hầu hết các phòng trà mà tam ca Phương Đông biểu diễn hàng đêm đầu chật ních khán giả.

NSƯT Hồng Vân: Thấy hoa cười  lại nhớ một người -0
NSƯT Hồng Vân làm giám khảo cuộc thi ca nhạc.

Hồng Vân dịu dàng và đằm thắm trong cách biểu cảm tinh tế qua từng câu hát. Những câu hò điệu lý và làn điệu quan họ cùng hát ru của tam ca  Phương Đông đã neo vào tâm hồn và trái tim người nghe cảm xúc thân thương. Và ca khúc "Mái tranh chiều" qua giọng hát đơn ca của Hồng Vân đã làm rơi nước mắt của bao người vì những hoài niệm buồn vui. Có thể nói sự nghiệp nổi danh của Hồng Vân cũng bắt đầu từ đây.

Điều may mắn cho Hồng Vân là được theo học những nhạc sĩ bậc thầy ở Sài Gòn như Lê Thương, Hùng Lân, Vĩnh Phan. Đặc biệt sau này là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người đã có ảnh hưởng tới chất thiền trong từng âm sắc và lời ca của Hồng Vân. Chính vì sự đồng cảm trong tâm hồn mà Hồng Vân có sự khác biệt với nhiều giọng hát khi biểu diễn cùng một tác phẩm. Tình khúc "Mưa trên phố Huế" được coi là đỉnh cao của Hồng Vân trong nhiều đêm được khán giả yêu cầu biểu diễn. Mỗi từ được gọt dũa âm thanh ngọt ngào đậm chất dân ca xứ Huế đồng thời là sự bày tỏ với "Kiếp giang hồ không bến đợi". Sự truyền cảm tinh tế của Hồng Vân được thẩm sâu qua lời kể chuyện tâm tình. Với kỹ thuật hát tròn vành rõ chữ và giàu tình cảm của Hồng Vân luôn thu hút người nghe. Không những làn điệu dân ca mà Hồng Vân còn làm mê hoặc lòng người ở những ca khúc trữ tình như: "Duyên kiếp" (Lam Phương); "Nhớ một chiều xuân" (Nguyễn Văn Đông); "Gửi người em gái miền nam" (Đoàn Chuẩn-Từ Linh); "Tiếng sông Hương" (Phạm Đình Chương); "Nương chiều" (Phạm Duy)…

Cuộc đời Hồng Vân ngỡ như chỉ mê mải hát ca nhưng sự đổ vỡ tình duyên đã gieo vào trái tim người con gái Huế bao buồn đau. Một mình chị nuôi ba con ăn học cùng với những nỗi lo cơm áo gạo tiền giữa chốn phồn hoa đô thị. Hòn ngọc viễn đông ngày nào tuy đem lại những hào quang cho Hồng Vân nhưng cũng gieo bao nỗi muộn sầu bởi thời cuộc tao loạn gian nan. Sau 1975, không ít ca nhạc sĩ giã từ đất mẹ tìm nơi đất khách quê người nhưng Hồng Vân đã ở lại. Chị kiên trì hàng đêm tới những quán cà phê hát kiếm tiền nuôi con nhỏ.

Giọng hát truyền cảm của Hồng Vân vẫn luôn được mọi người yêu thích và chờ đón. Chỉ trong thời gian ngắn nhiều đoàn ca nhạc đã tìm đến Hồng Vân và chào mời chị trở lại với ánh đèn sân khấu lớn. Cũng từ đây những bài hát về quê hương cùng giai điệu dân ca luôn gắn liền với cái tên Hồng Vân khắp mọi miền đất nước. Đặc biệt thời gian Hồng Vân theo đoàn Ca nhạc Tháng Tám đã được đi Liên bang Nga biểu diễn vào giữa thập niên 80 rất thành công. Riêng những bài hát Huế của chị luôn được khán giả vỗ tay yêu cầu hát lại nhiều lần. Vẫn tà áo dài thuở nào xinh xắn mảnh mai, Hồng Vân ngọt ngào và thơ mộng đến từng lời ca, câu nhạc. Cứ thế chị một mình một bóng với hình ảnh "Ngồi tựa mạn thuyền" lung linh trong nỗi niềm thi ca muôn thuở.

Đằm thắm hồn thơ

Mỗi lần có đoàn Bông Sen ra Hà Nội, cánh nhà báo chúng tôi luôn tìm tới nghệ sĩ Hồng Vân để phỏng vấn và trao đổi về sự nghiệp dân ca của chị. Khi đó mọi người mới biết Hồng Vân đã học hát và ngâm thơ từ nhỏ. Cha chị thuộc nhiều thơ cổ còn mẹ và bà nội lại có giọng ru Huế rất du dương. Sau này do hoàn cảnh gia đình hai mẹ con chị đã phải rời Kinh đô Huế, bỏ dòng dõi hoàng tộc triều đình trở về quê ngoại. Đây là bước ngoặt bất ngờ trong cuộc đời của Hồng Vân. Quê ngoại của chị là đất núi Ấn, sông Trà nổi tiếng với những câu hò, điệu lý xứ Quảng.

NSƯT Hồng Vân: Thấy hoa cười  lại nhớ một người -0
NSƯT Hồng Vân biểu diễn trong một chương trình ca nhạc.

Lớn lên trong những làn điệu ru và hò trên sông Trà, Hồng Vân như được hóa thân trong từng lời ca đậm chất "Nẫu" thân thương. Và chính những lời ru, câu hò xứ Quảng đã khởi đầu cho sự nghiệp nghệ thuật của Hồng Vân. Tiết mục ngâm thơ đầu tiên của chị là tác phẩm của Nguyễn Bính. Khi theo chồng vào Sài Gòn sinh sống, Hồng Vân vẫn chăm chỉ đọc sách chỉ vì say mê thơ ca. Khi đó ít ai ngờ Hồng Vân lại thuộc hàng chục bài thơ của các tác giả tiền chiến như Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Huy Cận và Bích Khê. Hiện nhiều băng đĩa vẫn phát hành những chương trình ngâm thơ của Hồng Vân.

Nghệ sĩ Hồng vân là một hiện tượng độc đáo trong làng văn nghệ với "song kiếm ngọc bích" trên sân khấu ca nhạc và ngâm thơ ở miền nam. Có thể nói Hồng Vân là một kỷ lục rất ai khó vượt qua khi chị có chương trình ngâm toàn bộ tác phẩm “Truyện Kiều” của văn hào Nguyễn Du. Hơn nữa ngâm thơ chính là sự ứng dụng truyền tải cảm xúc của lời thơ qua thanh điệu và âm nhạc. Qua nghệ thuật diễn ngâm của Hồng Vân người nghe mới thẩm thấu hết ý nghĩa tinh tế của ngôn từ và hình tượng thi ca. Giọng hát dân ca đã đem lại lợi thế cho Hồng Vân. Chính vì thế giọng ngâm thơ của Hồng Vân có đủ cung bậc, tiết tấu và làn điệu truyền thống. Chị cho biết giọng ngâm Xổng thì dựa theo làn điệu hò, ngâm giọng Sa mạc hay Bổng mạc theo thang âm ngũ cung kèm theo đàn tranh. Muốn ngâm giọng Ai, giọng Xuân, hay Oán… tùy theo thể loại và nội dung của tác phẩm.

Phải chăng ngâm thơ luôn song hành với âm nhạc dân tộc đã tạo nên "đặc sản" của Hồng Vân. Chính vì thế kỷ lục ngâm toàn bộ “Truyện Kiều” của Hồng Vân gây ngạc nhiên trong làng văn nghệ. Ít nghệ sĩ ngâm thơ táo bạo như Hồng Vân khi phải trình diễn 3.254 câu thơ Kiều. Mỗi trường đoạn đều là sự khác lạ về thanh điệu thể hiện. Đâu đó vang lên lời ngâm xót xa của nghệ sĩ muốn chia sẻ và đồng cảm với nỗi đau của nàng Kiều khi gảy đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe. Giọng ngâm Hồng Vân như khóc, như than cùng Kiều: "Một cung gió thảm mưa sầu/ Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay…". Đặc biệt tới nay ai cũng nhớ tới vai diễn bà Từ Cung (thân mẫu vua Bảo Đại), do Hồng Vân được mời đảm nhiệm vai diễn trong bộ phim "Ngọn nến hoàng cung" (2004). Ở đây Hồng Vân đã xuất hiện với sự lịch lãm quý phái đúng với chất Huế qua hình tượng Hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn. Vai diễn của Hồng Vân rất thành công đã gây ấn tượng khó quên trong lòng khán giả.

Làm mình cô đơn

Với sự cống hiến xuất sắc qua 35 năm với dòng âm nhạc truyền thống và ngâm thơ, Hồng Vân đã được Nhà nước trao danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2001. Tính cho đến nay nghệ sĩ Hồng Vân hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghệ thuật dân ca ba miền cùng với những ca khúc trữ tình và quê hương. Sau cuộc đổ vỡ hôn nhân chị kiên định sống trong nỗi cô đơn bất tuyệt hy sinh cho sự nghiệp nghệ thuật và chăm nuôi các con khôn lớn. Cuộc sống khốn khó vất vả từ khi còn trẻ ở tuổi đôi mươi, Hồng Vân vẫn một mình lầm lũi theo đuổi sự đam mê nghệ thuật của mình. Kể cả những lúc gặp tai nạn khi bị kẻ gian cướp giật, chị vẫn gắng chịu đựng băng bó vết thương để bước lên sân khấu. Khán giả là lẽ sống và cứu cánh với Hồng Vân trong những lúc cô đơn nhất.

Có những đêm mưa gió, khán giả dù có ít người, Hồng Vân không bao giờ chán nản và vẫn tha thiết cất tiếng hát với sự yêu thương nhất. Khi tiếng nhạc rung lên, đôi mắt Hồng Vân sáng ngời những ký ức một thuở dĩ vãng quay về. Lời ca thổn thức cất lên: "Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người/ Chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ/ Người nơi xa xăm phương trời ấy/ Người còn buồn còn thương còn nhớ/ Nắng phai rồi anh ơi…" (Nhớ một chiều xuân). Lúc đó ngoài trời đang mưa. Một tia chớp lóe lên cùng một tiếng sét vang dội rồi vụt tắt. Giọng hát Hồng Vân vẫn ngọt ngào ngân nga như lời ru sưởi ấm những góc khuất tâm hồn giá lạnh đang ngồi trong bóng tối vây quanh.

Vương Tâm
.
.