NSND Nguyễn Đình Nghi: Người trong cõi nhớ

Thứ Tư, 27/10/2021, 10:25

Trước đây, mỗi khi có dịp gặp đạo diễn Nguyễn Đình Nghi (1928-2001) tôi lại nhớ đến nhà thơ Thế Lữ, thân sinh của ông: "Trời cao xanh ngắt- Ô kìa/ Hai con hạc trắng bay về bồng lai" (Tiếng sáo thiên thai).

Chắc bởi lẽ ông có nhiều nét giống cha mình. Không những ở vóc dáng mà còn chung ở một lý tưởng thẩm mỹ: "Với Nàng Thơ, tôi có bút muôn màu/ Tôi muốn làm nhà nghệ sĩ nhiệm mầu". Hai người đều khao khát đi tìm sự hoàn mỹ.

Ông thày khó tính

Đạo diễn, tiến sĩ Nguyễn Đình Nghi là một trong những thày giáo đầu tiên đào tạo lớp diễn viên kịch nói khóa 1 (1961-1964). Đó là những nghệ sĩ rất tài năng và nổi tiếng sau này như: Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Thế Anh, Đoàn Dũng, Ngọc Thủy, Nguyệt Ánh, Doãn Châu, Mỹ Dung, Bích Thu... Họ là lứa nghệ sĩ gắn bó sâu sắc với đạo diễn Nguyễn Đình Nghi hàng chục năm trên sàn diễn và trong sinh hoạt.

NSND Nguyễn Đình Nghi: Người trong cõi nhớ -0
Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi.

Ai cũng nể trọng và có đôi phần ái ngại về tính nghiêm khắc của ông. Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi là một trong số ít người được đào tạo bài bản về nghệ thuật biểu diễn sân khấu hiện đại. Trước hết ông đã từng là một diễn viên trong đoàn kịch kháng chiến nên có rất nhiều trải nghiệm sân khấu cùng với các bậc tiền bối. Nhà thơ Thế Lữ luôn hướng con trai mình đi theo nghiệp kịch nói. Sự nghiệp sân khấu của Thế Lữ rất đồ sộ lấn át cả thơ ca. Nhà thơ vừa viết kịch bản, vừa dàn dựng và tham gia diễn hàng chục vở kịch trong kháng chiến. Chính vì thế diễn xuất của Nguyễn Đình Nghi cũng có phần sâu sắc và chân thực giống cha.

Có chuyện kể Nguyễn Đình Nghi đóng một vai lính Tây trong vở kịch "Cai tô" (1954). Tên lính Tây này đã cưỡng hiếp một cô bé với thú tính man rợ. Nguyễn Đình Nghi diễn như thật làm cho khán giả phẫn nộ. Có nhóm khán giả quá căm thù đã xông lên sân khấu đánh tên lính Tây. Mọi người can ngăn mãi mới hoàn hồn. Sau này được đào tạo chuyên sâu khoa đạo diễn (Học vị tiến sĩ kịch nghệ ở Nga), Nguyễn Đình Nghi càng có cơ hội phát huy tài năng. Đặc biệt ông có con mắt tinh đời và rất khắt khe với diễn viên. Cái lý của ông giao vai cho nghệ sĩ bao giờ cũng có ý tưởng sâu sắc.

NSND Nguyễn Đình Nghi: Người trong cõi nhớ -0
Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi và tác giả kịch bản, nhà văn Lưu Quang Vũ.

Chính nghệ sĩ Mỹ Dung, phu nhân của Nguyễn Đình Nghi cũng đã nhận xét: "Anh Nghi thích tìm tòi; thích sự táo bạo, mạnh mẽ và dữ dội". Ai cũng phải công nhận làm việc với đạo diễn Nguyễn Đình Nghi không dễ dàng. Ông luôn phân tích ngữ điệu của giọng nói đến tâm lý của mỗi nhân vật để diễn viên tự sáng tạo. Tất nhiên ông không bao giờ thị phạm để học trò làm theo. Sự gợi mở cho một thế giới nội tâm tạo sự cảm hứng cho nghệ sĩ hóa thân nhập vai. Họ cần phải diễn chân thực và tạo hiệu quả thẩm mỹ qua hình tượng nhân vật.

Do vậy đạo diễn Nguyễn Đình Nghi thường gây sự phấn khích và thách đố cho những ai cộng tác. Có người nói ông khắc nghiệt với cả chính mình vì thường đòi hỏi sự toàn bích trong nghệ thuật. Ngoài đời ông dịu dàng với hình ảnh "Tôi chỉ là lữ khách tình si" bao nhiêu thì trên sàn diễn ông lại gay gắt với những gì còn xù xì. Có nghệ sĩ cho dù đã nổi tiếng nhưng ông vẫn bắt tập riêng cả buổi sáng chỉ để thoại ba câu bao giờ cho bật ra cái thần của nội tâm nhân vật.

Thậm chí có diễn viên đóng vai quần chúng đi qua sân khấu đã thể hiện sự không tập trung ông đã nổi giận ném cả chiếc ghế đang ngồi lên sân khấu. NSND, họa sĩ Doãn Châu còn cho biết ông rất kỹ tính trong mọi chi tiết trên sân khấu. Người ta nói đạo diễn Nguyễn Đình Nghi khó tính bởi lẽ ông luôn khát khao thể hiện cái thật, cái đẹp trên sân khấu. Đó là một "thánh đường nghệ thuật" của nghệ sĩ. Chỉ một câu thoại hay vào ra sân khấu đều phải biểu lộ một tâm lý, cái hồn của nhân vật. Đó là yêu cầu khắt khe về ngôn ngữ sân khấu "hiện thực tâm lý" của thế hệ Stanislapxki mà ông dày công đào tạo cho nghệ sĩ.

Giấc mộng ngàn to lớn

Với đạo diễn Nguyễn Đình Nghi sân khấu bao giờ cũng là bộ mặt văn hóa của một đất nước. Hàng chục vở diễn của Nguyễn Đình Nghi luôn gây tiếng vang trong các hội diễn sân khấu toàn quốc. Đó là những tác phẩm mang yếu tố nhân văn giàu cảm xúc và ẩn chứa triết lý sâu sắc. Cho đến nay ai cũng nhớ tới những vở diễn tiêu biểu của ông như: "Con nai đen" (1962); "Âm mưu và hậu quả" (1971); "Đại đội trưởng của tôi" (1975); "Tổ quốc" (1976); "Con cáo và chùm nho" (1976)... Đặc biệt sau này là những vở kịch của Lưu Quang Vũ, nổi bật là "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" (1987); rồi đến "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" (1980); "Lôi vũ" (1989); hay như "Vua Lia" (1992)... và cuối cùng là "Rừng trúc" (1999). Ông đúng là "Cây đàn muôn điệu" như người cha đã từng thể hiện.

Tuy nhiên đạo diễn có cây đàn và những phím tơ của riêng mình. Ông đã mở rộng không gian và thời gian trên sân khấu bằng cách giải mã những tình huống bằng thủ pháp ước lệ và tính cách điệu theo nghệ thuật dân gian mà ít người chú ý vận dụng trên sân khấu kịch nói.

NSND Nguyễn Đình Nghi: Người trong cõi nhớ -0
Vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, kịch bản Lưu Quang Vũ, một vở diễn in đậm tài hoa Nguyễn Đình Nghi.

Xem tác phẩm (những vở diễn) của Nguyễn Đình Nghi khán giả còn được thưởng thức nghệ thuật kiến trúc vở diễn với những tầng lớp chồng mờ đan xen. Ở đó người xem không những chỉ nhìn thấy thế giới hành động của nhân vật mà còn được dẫn dụ cảm xúc qua thế giới mơ tưởng, ảo vọng hay thế giới tâm linh của tình huống và sự kiện. Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi có biệt tài phát hiện cái cung điệu mê ly của nhân vật thông qua cách chọn diễn viên.

Lại nhớ khi tìm người đóng vai Nguyễn Trãi, đạo diễn đã gây bất ngờ khi chọn NSND Trần Tiến, người được coi là một biệt tài gây cười. Ai cũng nghi ngại hiệu quả của nhân vật. Không ngờ đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đã dày công gò ép trong từng bước đi hay cái khoát tay của nghệ sĩ Trần Tiến sao cho ra hình ảnh một văn nhân nho nhã. Việc khắc phục đài từ cho Trần Tiến cũng là một công phu. Bởi lẽ trước đó mỗi lời nói của Trần Tiến trong các vai đều làm bật lên tiếng cười.

Nhưng kỳ lạ thay ông đã nhìn ra một Nguyễn Trãi nho nhã sâu sắc xuất hiện từ cung đàn muôn điệu của mình. Quả nhiên nghệ sĩ Trần Tiến đã biểu lộ đúng thần thái nhà văn hóa lớn của dân tộc và tạo dựng được hình tượng Nguyễn Trãi đầy bi kịch trong cuộc đời.

NSND Doãn Châu mới đây trao đổi với tôi những câu chuyện khi làm việc với đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Anh kể việc chọn Trọng Khôi đóng vai vua Lia, đạo diễn cũng làm sửng sốt mọi người. Bởi lẽ nhiều năm qua, hình tượng vua Lia thường được tạo dáng gày gò, yếu đuối cho bi kịch này. Nhưng theo tư duy nghệ thuật với sự khác biệt, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi muốn thể hiện sự đau đớn, sụp đổ của vua Lia một cách cay đắng và dữ dội hơn qua một thân hình vạm vỡ của NSND Trọng Khôi. Ông quan niệm tạo hình sao cho nâng tính bi kịch thâm sâu và mới lạ hơn trong cảm xúc của người xem.

Chính sự khó tính đó mà ông đã cùng họa sĩ Doãn Châu suy nghĩ về bản thiết kế mỹ thuật cho vở diễn cũng hết sức gian nan. Đạo diễn cho rằng hình tượng mỹ thuật phải thể hiện được chủ đề vở diễn và cũng là điểm tựa tinh thần cho nhân vật mỗi khi xuất hiện. Phải mất hai tháng trời họa sĩ Doãn Châu mới tìm ra cái "mô đun" bàn tay thay cho cấu trúc cái vương miện biến ảo. Đó là một sân khấu động đúng phong cách của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Mỗi cánh vương miện mỗi khi nâng lên cụp xuống đều thay một cảnh trang trí và tạo chủ điểm cho màn diễn. Cái đẹp phải có tư tưởng cho hành động sân khấu là vì vậy.

Ngủ mơ trong "Rừng trúc"

NSND Nguyễn Đình Nghi không ham hố quyền lực giống như cha mình. Nhà thơ Thế Lữ có thời làm Chủ tịch Hội Sân khấu tới 20 năm (1955-1975) còn đạo diễn Nguyễn Đình Nghi chỉ tham gia công tác trong Hội đồng nghệ thuật vì liên quan đến nghiệp diễn. Cho dù đã đi theo kháng chiến từ khi còn trẻ và được đào tạo hàng chục năm nhưng đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đã từ chối những đề nghị giao trách nhiệm này khác. Ông chỉ nguyện một đời hiến dâng cho nghệ thuật đúng với nghĩa "Mượn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ/ Và mượn cây đàn ngàn phiếm, tôi ca" (Thế Lữ).

Ai nấy đều nhớ đến di chúc của ông trước khi mất rằng trên bia mộ chỉ khắc đúng năm chữ "Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi". Đêm đêm khi ốm nặng đạo diễn vẫn chăm chú lắng nghe đọc kịch bản "Rừng Trúc" (Tác giả Nguyễn Đình Thi). Ông vẫn còn những trăn trở với kịch bản cuối đời của mình cùng với giọng thoại của cô học trò Lê Khanh (vai Chiêu Hoàng). Trong mơ ông vẫn lẩm nhẩm câu ca dao "Người trung mặt đỏ, đôi tròng bạc/ Đứa nịnh râu đen, mấy sợi còi". Đó là những ước lệ nghệ thuật mà ông đã trọn đời theo đuổi. Và đó cũng chính là cây đàn muôn điệu dân tộc mà ông muốn thảy lên âm thanh: "Ánh tưng bừng linh hoạt nắng trời xuân/ Vẻ sầu muộn âm thầm ngày mưa gió" (Thế Lữ). 

Vương Tâm
.
.