Những “phi lý” Trần Lực

Chủ Nhật, 24/10/2021, 08:45

Công chúng thường hình dung về một nam nghệ sĩ như Trần Lực theo cách nào? Một người hoạt ngôn, luôn là tâm điểm trong mọi đám đông, một người biết uống rượu và có một đời sống phóng khoáng. Một người lãng tử đúng theo cách mà nhiều nhân vật anh đã thể hiện trên màn ảnh. Nhưng Trần Lực đời thường không “hợp lý” theo cách hiểu của số đông như vậy. Anh “phi lý” hơn nhiều, “phi lý” như tên thể loại kịch mà anh và Lucteams đang theo đuổi.

Thường khi ngồi trong cuộc nhậu với bạn bè, Trần Lực chẳng mấy nổi bật ngoài cái tên của anh. Anh ít nói, tham gia vào các câu chuyện rất vừa phải, thậm chí hơi lơ đãng. Anh cũng không uống rượu “tì tì”, chỉ uống một chút bia gọi là. Thậm chí anh còn để lại cảm giác “hơi nhạt” cho người đối diện. Và dường như anh cũng chẳng quan tâm lắm đến chuyện người khác nhận xét về mình. Lúc nào cũng có cảm giác như Trần Lực đang “bận” một điều gì khác trong tâm trí. Một vở kịch, một vai diễn, hay một triết lý về cuộc đời và nghệ thuật.

l9992489.jpg -0

Anh đi lang thang trong thế giới của riêng mình, thế giới mà có thể không ai biết và dường như  cũng không cần ai biết. Thế giới của sự “hồn nhiên, trong lành, ngây thơ và tươi trẻ” như anh từng nói. Tư chất ấy rất thường thấy ở những nghệ sĩ đích thực. Họ vừa như có chút dính líu với đời sống thực lại vừa như chả dính líu gì. Trong không gian sống của một người nghệ sĩ, lúc nào cũng có một vẻ đẹp và những mời mọc riêng chỉ có họ mới biết. Họ vừa “có lý” lại vừa “phi lý” là vậy.

Nếu nói về điều phi lý lớn nhất trong cuộc đời Trần Lực, thì chính là chuyện anh lớn lên trong một gia đình thuần túy sân khấu nhưng lại sớm thành danh với điện ảnh. Cha của anh, NSND Trần Bảng, “ông trùm chèo” phía Bắc một thời, nổi tiếng với những vở diễn và công trình nghiên cứu sâu sắc về nghệ thuật chèo. Mẹ của anh, nghệ sĩ Trần Thị Xuân, đẹp nức tiếng và một đời gắn với nghiệp chèo.

Trần Lực sinh ra trong tiếng sáo, tiếng đàn nguyệt, đàn nhị, đàn bầu - là những nhạc cụ không thể thiếu của nghệ thuật chèo. Anh lớn lên bằng những làn điệu chèo mẹ anh lấy làm lời hát ru. Không gian của sân khấu chèo đặc quánh quanh Trần Lực từ lúc còn là cậu bé chưa đi học. Mẹ Xuân thường đưa Trần Lực đến nhà hát, giao con cho các đồng nghiệp trông coi rồi “chạy vù” ra sân khấu, nhập vai khóc cười xong lại vào ôm con.

Trần Lực thường đứng sau cánh gà, say mê ngắm mẹ ngoài sàn diễn. “Tôi luôn nhớ hình ảnh mẹ tôi trên sân khấu lung linh ánh đèn, bà đẹp lắm và diễn rất ngọt ngào” - Trần Lực kể. Anh cũng sớm thuộc các điệu chèo, sớm hiểu được cảm giác sân khấu là thế nào, tâm trạng của người nghệ sĩ đứng sau sàn diễn ra sao, những buồn vui lo lắng của họ.

“Sân khấu là máu chảy trong cơ thể tôi” - Trần Lực xác nhận. Anh cũng sớm được gần gũi những nghệ sĩ sân khấu lớn, là bạn của cha mẹ. Họ thường đàm đạo với nhau hàng ngày về nghệ thuật và bọn trẻ con thời đó làm gì có nhiều phương tiện giải trí như hôm nay để “chúi mũi” vào. Chuyện nghề chuyện đời của những người nghệ sĩ thế hệ cha anh chính là thức ăn cho tâm hồn cậu bé đang lớn Trần Lực lúc bấy giờ.

Sống trong môi trường như vậy, Trần Lực trở thành một đứa con của sân khấu như một lẽ hiển nhiên. Anh có tới 7 năm tu nghiệp ngành đạo diễn sân khấu ở Bulgaria. Nhưng “phi lý” ở chỗ, về nước, anh lại rẽ ngang ngoạn mục vào con đường điện ảnh. Liên tiếp những vai diễn thành công đưa tên tuổi Trần Lực trở thành một tài tử điện ảnh nổi tiếng trong một ngành nghệ thuật còn non trẻ của nước Việt. Hào quang của điện ảnh mạnh đến nỗi chẳng mấy ai còn nhớ Trần Lực từng lớn lên bằng sân khấu và được đào tạo từ sân khấu.

Có lẽ chính Trần Lực cũng tự thấy mình “phi lý” khi mà con đường mình đang đi không liên quan đến những lựa chọn ban đầu. Nhưng đó chẳng phải là cách mà cuộc sống vẫn thường ứng xử với mỗi cá nhân hay sao. Người ta cứ định ra một phương án này rồi lại bị đưa đẩy tới một kế hoạch khác. Đôi khi mình muốn định đoạt cuộc sống nhưng rốt cuộc lại bị cuộc sống “định đoạt” lại.

“Tôi nghĩ đó là sự thú vị của cuộc đời. Giả sử nếu mọi cái đều diễn ra như ta lên kịch bản ban đầu thì niềm vui của việc tới đích nó cũng giảm đi nhiều” - Trần Lực chia sẻ. Trần Lực mải mê với điện ảnh suốt thời thanh xuân, những trái ngọt của cú rẽ ngang cũng đủ để tự hào cho cả một sự nghiệp. Rồi anh thành lập hãng phim tư nhân, sản xuất phim truyền hình lúc trong vai trò đạo diễn, lúc trong vai trò nhà sản xuất.

Ở tuổi 55, những tưởng một người có đầy đủ danh tiếng như Trần Lực có thể nghỉ ngơi và tận hưởng thành quả thì đùng một cái, anh quay trở lại với lựa chọn ban đầu. Như một lời cam kết rằng anh không từ bỏ giấc mơ ngày xưa. Rằng tình yêu với sân khấu vẫn nằm sâu trong trái tim nghệ sĩ để đợi một ngày bừng dậy, như hoa kia nằm im dưới tàng lá mùa đông và tràn ngập màu sắc khi xuân về. So sánh chỗ này cũng là kiểu “phi lý”, vì ắt hẳn có người sẽ hỏi, nghệ thuật cũng giống như tình yêu, cái ban đầu, cái thanh xuân mới là thăng hoa nhất. Mà Trần Lực thì đã đứng ở đỉnh dốc bên kia của đời người. Nhưng nếu có dịp trò chuyện với Trần Lực về sân khấu, chúng ta sẽ thay đổi quan điểm. Chúng ta sẽ thấy, vẫn còn nguyên đó một Trần Lực với tình yêu trong trẻo buổi đầu cho sân khấu. Anh nhiệt huyết vô cùng khi quyết định thành lập ra Lucteams - đoàn kịch tư nhân đầu tiên ở miền Bắc.

Tại sao lại là đoàn kịch tư nhân? Vì với thể loại kịch “phi lý” mà Trần Lực theo đuổi, ngẫm nghĩ từ thời trẻ, anh cần có một lực lượng riêng để làm theo cách của mình. Sân khấu phía Bắc nhiều năm qua phần lớn dựng vở theo phương pháp hiện thực tâm lý, nhưng Trần Lực ấp ủ một phương pháp sân khấu khác. Đó là sân khấu của ước lệ, lấy cái phi lý để kể cái có lý của cuộc đời. Là loại hình sân khấu hiện đại, kết hợp sáng tạo nhiều ngôn ngữ biểu diễn khác nhau. Tính ước lệ bao trùm các vở diễn mà Trần Lực dàn dựng, và diễn viên phải là những nghệ sĩ có tố chất, có xu hướng biểu diễn theo kiểu “bắt ý” hơn là “đọc thoại”. Sân khấu ước lệ biểu hiện thường hết sức tối giản, được lược bớt tất cả những gì rườm rà, diễn giải, kể lể. Người nghệ sĩ phải trình diễn tâm lý nhân vật một cách tinh vi, tế nhị nhất, sao cho khán giả hiểu được nội dung câu chuyện. Với cách thức này, các vở diễn của Trần Lực không bị lệ thuộc vào không gian diễn. Khi bối cảnh, đạo cụ giản lược tối đa, người nghệ sĩ sẽ phải tự mình tương tác khán giả thông qua khả năng biểu đạt bằng nét mặt, ánh mắt, ngôn ngữ cơ thể để khơi gợi trí tưởng tượng của người xem, dẫn dắt họ vào câu chuyện mình định kể.

Trần Lực đầy tự tin hào hứng khi bước vào sân khấu. “Tôi chưa bao giờ để mất tình yêu này trong tim. Hồi về nước, tôi đã dự định thành lập đoàn kịch tư nhân theo đuổi sân khấu ước lệ biểu hiện, nhưng thời đó rất khó để làm. Tôi đi với điện ảnh, nhưng tôi biết rõ vào một thời điểm phù hợp, tôi sẽ quay lại với sân khấu”. Và những gì Lucteams đã làm được từ khi thành lập cuối năm 2017 đến nay quả là đáng để người hâm mộ chờ đợi, tự hào. Đầu tiên là “Quẫn” (tác giả Lộng Chương), một vở diễn kinh điển của sân khấu Việt được Lucteams làm mới lại, thu hút đông đảo khán giả và giúp chúng ta tin rằng sân khấu vẫn luôn còn có chỗ đứng xứng đáng nếu nó được làm mới phù hợp với tâm lý thời đại. Sau “Quẫn” là các vở diễn gây ấn tượng mạnh khác như: “Cơn ghen của Lọ Lem”, “Nữ ca sĩ hói đầu” rồi “Bạch đàn liễu” Lucteams liên tiếp giành các giải Vàng cho vở diễn, cho diễn viên, cho đạo diễn trong các kỳ liên hoan sân khấu thủ đô gần đây nhất.

hài kịch cơn ghen của lọ lem.jpg -0
Hài kịch “Cơn ghen của Lọ Lem”

Nói không quá lời, Lucteams đã thổi một làn gió mới vào sân khấu thủ đô bằng sự khác biệt thú vị của mình. Trần Lực chia sẻ, muốn “dụ” khán giả đến với sân khấu, phải bằng cách đưa cái gì của riêng anh nhất ra, theo một phương pháp hiện đại nhất, thuyết phục nhất có thể. Sân khấu dù sâu sắc đến bao nhiêu đi nữa cùng đừng bỏ quên hay xem nhẹ tính giải trí. Một vở diễn cũ không vấn đề, miễn là cách tiếp cận phải mới. Và cũng đừng giải đáp thắc mắc hay lý giải thay khán giả. Hãy kể câu chuyện theo cách của mình và để khán giả tự giải đáp. Hãy cho khán giả được tự do trong vở diễn của mình.

Trần Lực có chút buồn và tiếc nuối về khoảng thời gian 2 năm vừa qua, khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành khiến Lucteams phải ngưng trệ các hoạt động đúng lúc sự khởi đầu đang thăng hoa. Trong suốt khoảng thời gian đó, anh và các học trò của mình vẫn miệt mài tập luyện dù trực tiếp hay gián tiếp. Anh vẫn không ngừng truyền cảm hứng và tình yêu sân khấu của mình cho các bạn trẻ. “Sân khấu Lucteams không sử dụng các tên tuổi ngôi sao. Chúng tôi là thầy trò, và chúng tôi sẽ lao động bằng tình yêu thuần khiết nhất với nghề để tỏa sáng”.

Sân khấu là một loại hình nghệ thuật đặc biệt. Nó luôn cần tới sự tương tác trực tiếp của khán giả, và dĩ nhiên trong điều kiện hiện nay và sắp tới, những khó khăn mà sân khấu đối mặt sẽ điệp trùng hơn các ngành nghệ thuật giải trí khác. Nhưng Trần Lực không bi quan chút nào, trái lại anh tự tin. Anh biết rằng thánh đường vẫn luôn còn đó, và khán giả cũng sẽ luôn chờ đợi. Đôi khi một khoảng lặng cũng cần để cho những người tâm huyết nghiền ngẫm sâu hơn về cách thức mà họ sẽ mang sân khấu đến với khán giả thế nào cho phù hợp.

Giành lại tình yêu của khán giả không phải là nhiệm vụ “bất khả thi”, hay một lựa chọn “phi lý” của người làm sân khấu như Trần Lực. Anh thừa nhận mình liều lĩnh khi dấn thân vào sân khấu khi tuổi không còn trẻ, nhưng anh cũng tin rằng từ những di sản sân khấu của gia đình, của cha mẹ để lại, từ những kho báu kiến thức sân khấu phương Tây đã được học thời trẻ và từ những kinh nghiệm biểu diễn một đời đã có thì sự dấn thân này của mình là “có lý”.

Khi một người khai mở con đường mới, điều họ tin tưởng không phải chỉ là đích đến, mà cao hơn còn là sứ mệnh. Lucteams của Trần Lực, với sứ mệnh đổi mới, như đốm sáng mang hy vọng cho sân khấu đang “chết lâm sàng” nhiều năm qua, dù anh khiêm tốn không có ý định nói thế về công việc của mình.

Bình Nguyên Trang
.
.