Những nhân chứng lịch sử không lặng im

Thứ Bảy, 18/12/2021, 11:36

Dáng người to cao vạm vỡ, giọng nói hào sảng, nhưng bước chân vô cùng nặng nhọc với một bên chân giả, với những vết sẹo in hằn khắp cơ thể, ở tuổi 75, dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Ngọc Loan vẫn là một nhân chứng lịch sử “không lặng im”.

Ông từng là chiến sĩ thuộc Trung đoàn 9 - Cù Chính Lan anh hùng nơi đồng chí Lê Khả Phiêu làm Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng những năm chống Mỹ. Những trận đánh mà ông trực tiếp tham gia vẫn dội lại trong kí ức như thước phim quay chậm. Để giờ đây, ông và Câu lạc bộ Nhân chứng lịch sử vẫn hàng ngày, hàng giờ kéo lịch sử gần lại qua những câu chuyện kể cho các thế hệ học sinh, sinh viên.

Cuộc hội ngộ đặc biệt trong nhà lao Thừa Phủ

Tháng 7-1967 chàng trai trẻ Nguyễn Ngọc Loan từ Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội lên đường nhập cũ khi vừa tròn 20 tuổi, hừng hực trong mình khí thế chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Cuối năm 1967 vào đến Huế, đồng chí Loan được bổ sung vào lực lượng của Trung đoàn 9 – Cù Chính Lan anh hùng do đồng chí Lê Khả Phiêu làm Chính ủy. Đồng chí Loan được biên chế vào Đại đội 2 – là đại đội chủ công tham gia chiến đấu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 ở thành phố Huế.

Những nhân chứng lịch sử không lặng im -0
Dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Ngọc Loan kể lại 26 ngày đêm giữ thành Huế năm 1968.

Cuộc chiến ở Huế lúc đó diễn biến mau lẹ và ác liệt. Các mũi tiến công đã nổ súng mở màn chiến dịch đúng dịp Tết Mậu Thân năm 1968. Đến sáng ngày mồng hai Tết, quân ta đã chiếm lĩnh được hầu hết các mục tiêu trọng yếu của thành phố Huế như nhà ga, nhà Quốc hội, tòa Tỉnh trưởng…Đại đội 2 nhận lệnh theo kế hoạch sẽ ra chiếm cầu Tràng Tiền. Lúc đầu học sa bàn, anh em chiến sĩ dự liệu sẽ hy sinh nhiều vì đầu cầu bên kia có hai khẩu đại liên của địch liên tục bắn sang. Nhưng thực tế khi đánh cầu khá thuận lợi. Sau khi địch bắn một loạt, đồng chí Đại đội trưởng Trịnh Đình Thảo và đồng chí chính trị viên Vũ Xuân Sinh hô: “Tên lửa đâu, bắn!”. Bị đánh bất ngờ, quân địch bỏ chạy, đoàn quân thừa thắng tiến qua cầu Tràng Tiền.

Hai ngày sau khi chiếm được thành phố Huế, có một địa điểm vô vùng quan trọng mà quân ta vẫn chưa làm chủ được, đó chính là nhà lao Thừa Phủ. Nghĩ đến 2.200 cán bộ, đảng viên, du kích của ta đang bị giam cầm, tra tấn nơi “địa ngục trần gian”, tính mạng ngàn cân treo đầu sợi tóc, anh em chiến sĩ Đại đội 2 vừa lo âu, vừa nôn nóng muốn tấn công vào đó. Tuy nhiên rất khó để tiếp cận nhà lao Thừa Phủ vì tất cả các phòng giam đều được quân địch cài mìn claymore dày đặc, chỉ cần ấn nút điều khiển là cả nhà lao nổ tung, xoá sổ hết số tù nhân. Tình hình rất gay go, căng thẳng.

3 giờ sáng ngày 2-2-1968, Đại đội 2 tiến vào chiếm lĩnh cánh cửa nhà tù. Đồng chí Loan lúc đó có nhiệm vụ đeo một quả bộc phá 5kg để đánh các lô cốt chủ lực của quân địch theo kế hoạch. Địch canh gác cẩn mật, trên tường nhà lao dày đến 80cm có thể đi lại trên đó, cứ cách 15-20m địch để sẵn một hòm lựu đạn. Mỗi tên địch khi đến các vị trí sẽ ném lựu đạn ra ngoài và ra sức chống trả các đợt tiến công của quân ta.

Sau khi Đại đội 2 chiếm lĩnh cánh cửa nhà tù thì điện bị cắt không thể mở được cửa nhà lao. Quân ta sử dụng súng B40 bắn quả thứ nhất thì bị vọt cành cây, bắn quả thứ 2 lại không trúng ổ khoá. Đang định bắn quả thứ 3 thì có một hàng binh xuất hiện và nói: “Mọi người theo tôi” rồi tình nguyện dẫn quân ta theo lối cửa phụ vào trong nhà lao. “Bà con dậy đi, bộ đội giải phóng đã vào”, anh em chiến sĩ ào vào, cất tiếng hô vang khắp nhà tù. Từ các phòng giam, các tù nhân đạp cửa xông ra reo hò và vây quanh bộ đội giải phóng. Trong đêm tối, họ ôm lấy nhau mừng mừng tủi tủi không nói nên lời. Cảm xúc vô cùng đặc biệt trong cuộc hội ngộ lịch sử ấy sau 53 năm dường như vẫn trào dâng trong lòng cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Loan.

Từ lúc đó cho đến sáng, quân ta giết được 26 tên ác ôn là đồng minh Hoa Kỳ và giải thoát được 2.200 người. Sau đó, đồng chí Trung đoàn trưởng Trần Văn Khám hy sinh khi làm nhiệm vụ, đồng chí Chính ủy Lê Khả Phiêu kiêm luôn nhiệm vụ của Trung đoàn trưởng để tiếp tục cuộc chiến đấu giữ Huế trong 26 ngày đêm diễn ra vô cùng ác liệt.

22 đồng chí của Đại đội 2 trong đó có đồng chí Loan nhận nhiệm vụ giữ làng Siêu Quần – một làng nhỏ thuộc huyện Phong Điền ngoại thành Huế. Khi cả đại đội rút vào làng thì địch cho 45 xe tăng chia các hướng càn quét làng thành ba đợt. Quân ta ở trong làng bắn cháy xe tăng khiến quân địch khiếp sợ và lùi ra. Nhưng sau đó, có đến ba tiểu đoàn lính ngụy và một tiểu đoàn lính Mỹ được điều đến làng. Cả đại đội họp rất nhanh và tất cả đều nhất trí đánh đến cùng. Các chiến sĩ đã chiến đấu kiên cường khiến địch bị tiêu hao nhiều và quay đầu bỏ chạy. Sau chiến công giữ làng Siêu Quần, 22 chiến sĩ trong đó có đồng chí Loan được phong danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.

Những vết thương hằn dấu

Sau khi tham gia chiến đấu tại Huế, đồng chí Nguyễn Ngọc Loan tiếp tục trong đoàn quân Sư đoàn 968 Việt Nam sang giúp Lào từ năm 1970  đến 1973. Đồng chí Loan đã chiến đấu anh dũng tại các điểm đánh lớn ở Lào. Đầu năm 1973, trong trận đánh trên cao nguyên Bôlôven, quân ta mới đặt được 7 hàng rào, đồng chí Loan xung phong ôm bộc phá gài vào hai hàng rào còn lại, sau đó bò ra để cho quân ta bấm điểm hoả nổ phá vỡ hàng rào, tiến quân chiếm giữ cao nguyên. Ngay khi đồng chí Loan bò về phía sau thì địch dội pháo vào quân ta.

Những nhân chứng lịch sử không lặng im -0
Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Loan (bìa phải) đến thăm “anh cả” của Trung đoàn 9 - nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Khi đồng chí Loan rút súng ngắn ra bắn pháo hiệu và hô xung phong thì bị một quả pháo nổ sát cạnh, mảnh pháo phạt vào đầu gối phải. Đồng chí được đồng đội băng bó và chuyển ra tuyến sau để điều trị. Ngay trên đất Lào, chân bên phải của đồng chí Loan bị thương nặng phải phẫu thuật cắt bỏ. Sau khi được điều trị, đồng chí Loan không thể chiến đấu được nữa, được chuyển tuyến về Việt Nam.

Sau 6 năm biền biệt, đồng chí Nguyễn Ngọc Loan trở về gia đình với những vết thương nặng trên khắp cơ thể. Từng ấy thời gian đi chiến đấu, đồng chí chỉ viết được hai lá thư gửi về nhà. “Thời kì đó, anh em đồng đội chúng tôi sống bên nhau, đánh giặc cùng nhau, chẳng còn thời gian mà nghĩ, mà nhớ về gia đình nhiều. Ngày tết cũng chỉ nghĩ đến việc đánh giặc mà thôi”, dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Ngọc Loan hồi tưởng lại. Dù không được tiếp tục chiến đấu cùng đồng đội, nhưng ông vẫn dõi theo Trung đoàn 9 – Cù Chính Lan anh hùng – đơn vị sau đó hai lần được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Sau này, nhiều lần cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Loan đến thăm người “anh cả” của Trung đoàn 9 - nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Là thương binh hạng 2 với 75% thương tật, đồng chí Loan chuyển ngành công tác tại Trung tâm điều dưỡng người có công thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, sau đó chuyển công tác sang Cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện Từ Liêm cho đến lúc về hưu năm 2007.

Ký ức 26 ngày đêm ở Huế, những trận đánh ở thành cổ Quảng Trị vẫn sống động, khắc khoải trong tâm khảm người lính già. Nhiều đêm trong giấc mơ, đồng chí Loan thấy mình đang cùng anh em đồng đội tham gia một trận đánh, cũng hô vang, cũng xung phong và lao vào quần nhau với giặc. Vết thương ở đầu, cánh tay và ở chân vẫn hành hạ ông suốt mấy chục năm qua, nhất là những lúc trái gió trở trời, cơ thể nhức buốt từ đầu đến chân. Tuy vậy, ông vẫn luôn tự nhủ rằng mình sống đến ngày hôm nay là còn may mắn hơn rất nhiều những đồng đội đã nằm lại chiến trường. Ở tuổi 75, di chuyển khó nhọc nhưng đồng chí Loan vẫn cố gắng tự đi xe máy rong ruổi thăm bạn bè đồng đội. Đồng chí đang là hội viên của Câu lạc bộ Nhân chứng lịch sử thuộc Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề, hỗ trợ trẻ thiệt thòi trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam.

Được thành lập từ tháng 3-2018, Câu lạc bộ Nhân chứng lịch sử quy tụ những người lính một thời đánh Mỹ và tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. Ba năm qua, dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Ngọc Loan và hội viên của Câu lạc bộ đã có những buổi kể chuyện lịch sử với học sinh, sinh viên của hàng trăm trường học ở các tỉnh Bắc Giang, Thái Bình và thủ đô Hà Nội. Cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc ta đã lùi vào quá khứ, nhưng chính những câu chuyện chiến đấu đầy gian khổ, hào hùng mà các bác trực tiếp tham gia đã kéo lịch sử gần lại với các thế hệ học sinh, sinh viên hôm nay. Lòng yêu nước nồng cháy của những cựu chiến binh không chỉ thể hiện ở chiến công đánh giặc năm xưa mà cả trong thời bình, qua những “talk show” đặc biệt để giữ mạch nguồn yêu nước và khơi dậy niềm tự hào dân tộc. 

Huyền Châm
.
.