Nhạc sĩ Đức Trí: Với tôi, âm nhạc là nguồn sống

Chủ Nhật, 23/01/2022, 11:09

“Âm nhạc là nguồn sống của tôi. Là nguồn sống thì cũng là tất cả. Đến một ngày nào đó, tôi có từ bỏ được không, khi âm nhạc không còn bên cạnh? Tôi nghĩ rằng nếu bắt buộc thì vẫn có thể. Nhưng hiện tại tôi không có lý do gì. Âm nhạc vẫn đang là nguồn sống đời tôi, và tôi sống trong âm nhạc”.

Nhạc sĩ Đức Trí bắt đầu câu chuyện với tôi, vào buổi sáng cuối năm se lạnh, trong quán cafe dìu dịu mùi thơm vương vấn ngày giáp Tết. Nắng vàng xuyên qua bóng cây, đổ trên nền gạch khe khẽ lay động, như nền bìa đĩa “Nỗi yêu bé dại” với 9 tình khúc hoàn toàn mới mà anh vừa ra mắt, kết thúc hành trình âm nhạc dài xuyên suốt 5 năm, xuyên qua cả những tháng ngày Sài Gòn chìm trong bóng tối của bệnh dịch. Chúng tôi ngồi trò chuyện trong không gian của nhịp sống bình thường mới, giữa tiếng còi cấp cứu vẫn hụ trên đường phố, năm đến bảy trăm ca nhiễm được thông báo đều đặn từng ngày, đường phố hàng quán đã tấp nập, mỗi người dân thành phố đang học dần cách thích nghi.

Ngày ra mắt đĩa than, với bản phát hành hạn chế, 1.800 bản và hai bản tặng phẩm, đĩa không phát hành trên nền tảng kỹ thuật số, tại trung tâm Sài Gòn, với những người bạn thân được mời, ngồi bên nhau, cùng nghe bản nhạc dịu dàng với những khúc lặng đẹp mà rộng mở như không gian. Giọng hát trong vắt của Thuỳ Chi ngân lên ca từ của “Hoa nắng tôi”.

“Buồn là từ khi sớm tinh mơ tìm ra nắng, mới biết ra, đêm về nắng phai...”. Đây là cũng là lời tâm đắc mà nhạc sĩ Đức Trí đã đưa ra bìa đĩa.

“Tôi kể về câu chuyện hoa nắng của tôi. Và khi hoa trắng trôi đi tìm nắng, để biết nó màu gì”. Nhạc sĩ Đức Trí chia sẻ. “Khi hoa theo cuộc đời đẩy đi, nó bị nhuộm rất nhiều màu. Hoa hãnh diện vì điều đó. Đến khi đêm về, nắng tắt thì không còn màu. Khi không còn nắng thì hoa say nắng, nhưng hoa không biết rằng  nắng đã làm phai màu của nó đi”.

Đĩa “Nỗi yêu bé dại” được sắp xếp lần lượt: “Hoa nắng tôi” (sáng tác 2012) , “Lặng lẽ yêu” (2017), “Dáng lụa cung tơ” (sáng tác 2012), “Chắc vì em đã” (sáng tác 2010), “Nỗi yêu bé dại” (sáng tác 2017), “Biết vui biết buồn” (sáng tác 2016), “Sương tan” (sáng tác 2012), “Dạt dào thương lắm” (sáng tác 2016), “Gửi lại hôm qua” (sáng tác 2017). Kèm theo đĩa, là các bản nhạc, ca từ được anh cẩn thận viết tay:

267193186_462310252187217_3756091481660268167_n.jpg -0

“Với đĩa nhạc này, tôi muốn người nghe tự hình dung. Rất tiết chế về ngôn từ”.  Nhạc sĩ Đức Trí tiếp tục câu chuyện. “Ví dụ như bài “Nỗi yêu bé dại”, câu “Chim vàng anh ở ghềnh đá núi. Hát lời, lời hát buồn hiu. Thương ai, thương ai, những cơn mộng dài vụt mất trên tay bé dại để cho nỗi buồn còn vương vấn” gợi hình ảnh chứ không có nghệ thuật ca từ để tải nội dung, tư tưởng. Bài “Hoa nắng tôi”, có câu: “Vương vấn, đã khơi niềm vấn vương nắng ươm lên màu nhớ thương, hoa tàn, nắng say”... Từ ngữ điệu, âm thanh, ca từ gợi ra sẽ tạo nên hình ảnh mà người nghe muốn có”.

Đĩa nhạc bắt đầu khi nhạc sĩ Đức Trí tình cờ làm đĩa nhạc “Một thời đã xa” có Thùy Chi hát. Thùy Chi được nhạc sĩ Đức Trí mời thu âm từ năm 2016. Khi ấy, anh đang có một, hai bài hát mới. “Chi bảo, Chi thích bài hát của tôi. Tôi nói rằng tôi và Chi cùng làm một đĩa nhạc, có những bài quen thuộc và thêm vài bài mới”. Nhạc sĩ Đức Trí nhớ lại. “Đợt đó, tôi cũng đang tham gia chương trình “Sing My Song”. Với cương vị làm giám  khảo, tôi thách thức các thí sinh tham gia, đồng thời, tôi cũng tự thách thức chính mình. Điều ấy tạo cho tôi rất nhiều cảm hứng sáng tác”. Cũng thời gian này, có nhiều chủ đề và cảm xúc mà nhạc sĩ Đức Trí có từ các câu chuyện trong các bộ phim. Anh sáng tác, từ hai, ba bài mới thành năm, sáu bài.

“Lúc chọn bài cũ vào đĩa, thì khó khăn vì không theo mạch các bài hát mới khi lời và nhạc đã khác. Tôi bảo Chi kiên nhẫn để ra bài hát mới. Năm 2017, hai anh em thu bài đầu tiên. 2018 tiếp tục thu. Đến 2020, thu gần hơn 20 bài cả cũ cả mới. Tôi ngồi nghĩ lại, các bài mới đều buồn, và như vậy người nghe sẽ mệt. Tôi định dùng thêm các bài hát mới tươi hơn, để cân bằng nhưng thấy không được. Tôi quyết định, đĩa nhạc bản chất là như thế nào thì cho ra như thế. Loạt bài tự sự sâu lắng được ra mắt. Tôi thấy đó là những bài không thể ra được nơi ồn ào, mà chỉ có một số công chúng nhất định. Tôi thích từ một số nhỏ, 1.800 cái đĩa, có 1.800 người nghe. Mà khi mọi người thích, sẽ tự động nhân rộng ra. Người nghe đĩa than sẽ không mở suốt ngày được, chỉ nghe một hai lần, và lâu lâu muốn nghe lại. Bản hạn chế có thêm tập nhạc. Tôi muốn người nhìn bản nhạc do bởi văn hoá nhìn vào bản nhạc đã dần biến mất. Giá thành in làm cho đĩa nhạc hơi mắc hơn và nó chỉ có số lượng giới hạn, chỉ có thể như thế và không đại trà được”.

Với nhạc sĩ Đức Trí, phong cách nghệ thuật âm nhạc không được anh chủ động tạo nên, mà định hình tự nhiên từ những vô định hình, rất chậm, cho đến ngày nào đó thành hình. Mà cái hình đó còn biến đổi theo thời gian, khi anh còn sống thì còn viết và vẫn không thể thành hình:

“Tôi không định hình âm nhạc của tôi, nhưng tôi có thể nói cái gì không phải âm nhạc của tôi. Tôi không thích sự ồn ào. Tôi thích nhẹ nhàng, cả trong âm nhạc. Tôi không thích sự to tát hoành tráng mà thích tự sự. Tôi không thích ca ngợi, mà tôi thích mô tả. Tôi không viết về quê hương dù tôi rất yêu quê hương. Tôi yêu gì thì tôi sẽ để ở đó mà không sở hữu. Như  những bông hoa, chỉ tươi đẹp rực rỡ khi còn ở trong vườn”.

270190223_458191325918358_4382332184424167205_n.jpg -0
Ảnh: Cao Trung Hiếu.

Nhạc sĩ Đức Trí chia sẻ, khi viết ca khúc, anh không chủ động mà bị thụ động mỗi khi có cảm xúc hay chủ đề. Mỗi buổi sáng, anh ngồi vào bàn viết, và chủ đề tự đến. Đó là cách thức giống như phản ánh cái nhìn mà anh đang thấy. Anh muốn viết về tình yêu, thân phận của người đang yêu, và con người với nhau:

“Nhiều người thắc mắc vì sao những ca từ tôi viết là lời tâm sự của những cô gái. Vì tôi có trực cảm. Tôi thích cái cách tôi chính là người đang ngồi đối diện, là bạn đấy. Khi là bạn, thì sẽ suy nghĩ thế nào.

Tôi thích suy nghĩ của người đối diện, qua soi rọi ở người xung quanh, và qua đó tôi thấy được tôi. Và khi tôi chỉ thấy tôi thì tôi thấy được người đối diện. Đó là lý do tôi viết về suy nghĩ của người khác. Nhiều người bảo tôi yêu nhiều quá, (nói đến đây, nhạc sĩ Đức Trí cười nhẹ), nhưng đó là những day dứt ám ảnh của người xung quanh về tình yêu. Có thể là hư cấu và phi hư cấu. Hoặc nằm ở giữa. Cũng như tôi thích ông Henri Bergson, triết gia. Mỗi một khoảng thời gian, tôi tập trung vào một tác giả để thưởng thức suy nghĩ của tác giả đó”.

Với nhạc sĩ Đức Trí, mỗi khi sáng tác, anh tự tìm ra mình. Anh tựa vào người xung quanh để đi tìm con người bên trong. Sáng tác ca khúc với anh là sự giải tỏa. Không phải là những năng lượng xấu trong người, mà là giải toả ý tưởng, đến khi nào được viết ra, thì ý tưởng mới thoát khỏi anh, nếu không, sẽ mãi vấn vương. Sự viết là hội tụ ý tưởng và giải thoát ra bên ngoài, để tiếp tục có suy nghĩ khác, cho đến khi thành tác phẩm. Có những lúc việc viết ca khúc khó, cần nhạc và từ, khi ý không đủ thành nhạc, anh cho chúng thành những bài văn xuôi chấm xuống hàng. Nhạc sĩ Đức Trí gọi đó là ý tưởng vụn, nằm lởn vởn đâu đó và bắt buộc viết ra. Có những lúc, anh ngồi lục lại mảnh vụn và lượm, góp nhặt lại, để thành tác phẩm:

“Cái Không của Phật giáo là không có gì cả mà là sự trong sáng nhìn được xuyên qua nó thấy được xung quanh. “Minh tâm” là sáng, là trong. Tôi thích triết học Phật giáo ở đó và triết lý đó”.

Một ngày của nhạc sĩ Đức Trí, bắt đầu bằng một buổi sáng hoàn toàn riêng tư không ai chạm vào. Thường trong thời gian ấy, anh chỉ làm đúng một việc là tự pha cà phê, thưởng thức hương vị và làm những việc mà thích như đọc hay xem gì đó. Từ 10 giờ trở đi là các công việc trong studio. Anh làm sáu đến bảy tiếng thì nghỉ, trừ những ngày đến hạn phải hoàn thành. Còn lại là dành thời gian cho gia đình. Cả nhà anh thường ăn tối khá lâu, chơi với bọn trẻ con hay hẹn bạn tới nhà chơi. Đức Trí thích mời bạn tới nhà chơi, cùng nhau mở chai vang uống. Anh không thích ngồi ở quán, không thích chốn đông người, mà chỉ thích ở nhà.

Hỏi Đức  Trí về dự định âm nhạc sau đĩa “Nỗi yêu bé dại”, anh chia sẻ:

“Tôi không có dự định gì to lớn, tôi làm việc một cách tự nhiên, cho đến khi đủ thì gom thành tác phẩm hoặc tập tác phẩm. Sau dự án với Thùy Chi, tôi muốn làm việc với các ca sĩ trẻ, và tôi lại ao ước trở thành nhạc sĩ sáng tác độc lập không nổi tiếng, tôi muốn từ bỏ những thứ “hit”, hay nổi tiếng để có sự tự do không áp lực.

Hàng ngày làm việc, tôi có nhiều cơ hội làm việc với ngôi sao; các nghệ sĩ nổi tiếng thường hát các ca khúc của tôi, và tôi thấy như thế không công bằng. Tôi muốn chọn những bạn trẻ để hát. Sức trẻ sẽ làm tươi mới âm nhạc của tôi”.

Việt Quỳnh
.
.