Nhà văn Phan Đình Minh: Vời vợi hồn quê

Thứ Hai, 13/02/2023, 09:37

Tôi quen Phan Đình Minh vào năm 1990. Anh hẹn tôi cà phê ở ngã tư phố Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhờ đọc một truyện ngắn. Tôi thật sự bất ngờ khi bị cuốn hút trong cách kể chuyện về quê hương của anh.

Đó là làng quê bên ga Cẩm Giàng cùng tiếng còi tàu hú vang trong đêm vắng. Nơi tuổi thơ anh thường tha thẩn lượm những bông hoa hoàng lan và nhảy ùm xuống ao tắm trong khu vườn văn chương Tự lực Văn đoàn (kế bên ga Cẩm Giàng).  

Lận đận một đời văn

Đến nay cây hoa hoàng lan được tả trong truyện ngắn của Thạch Lam vẫn còn đó. Nước ao bèo của khu lưu niệm Tự lực Văn đoàn luôn trong vắt như ngày nào. Phan Đình Minh mỗi lần về quê lại rẽ vào nơi lưu dấu tuổi thơ văn chương của mình. Ký ức những ngày lụt cả nhà phải vào trú ngụ nơi đây không thể nào quên. Bởi ở đó bố anh vẫn kể chuyện về các tên tuổi văn thơ như Nhất Linh, Khái Hưng cùng Thạch Lam và Thế Lữ, Xuân Diệu... Trong giấc mơ dưới hương thơm hoàng lan ngày đó, tâm trí Phan Đình Minh vẫn còn vang lên tiếng cười của cô gái trong câu chuyện "Cô hàng xén" của Thạch Lam. Hồn quê gắn với Phan Đình Minh từ thuở ấy. Phải vậy chăng truyện ngắn đầu tiên in trên báo Tiền phong của anh cũng chính là "Bến đợi" (1988).

Nhà văn Phan Đình Minh: Vời vợi hồn quê -0

"Bến đợi" như cột mốc đánh dấu chặng đường văn chương của Phan Đình Minh (ở tuổi 30). Bởi vào năm 1988 cũng là thời gian anh lấy vợ, sinh con sau khi đi làm nhiệm vụ ở Cam Pu Chia về. Anh kể, thời sang Cam Pu Chia (1980-1984) niềm vui là nghe đọc chuyện đêm khuya qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Phan Đình Minh ước rằng mình sẽ viết truyện ngắn để đọc trên đài cho bố ở quê nghe được. Mộng văn chương từ khu vườn Tự lực Văn đoàn được nuôi dưỡng trên chiến trường từ đó. Bốn năm sau truyện ngắn "Bến đợi" đã được phát sóng đúng như nguyện vọng của anh. Chưa hết, vào thời điểm này Phan Đình Minh còn đang ôn luyện thi vào Đại học Bách khoa. Đây là yêu cầu của cơ quan (Bộ Tư lệnh thông tin) nơi anh công tác để nâng cao trình độ làm việc. Chưa hết vào thời gian này anh còn bị bệnh về phổi nên gặp nhiều khó khăn. Không những thế, vợ chồng anh chỉ được ở một căn hộ tập thể nhỏ chừng tám mét vuông tại 58 Trần Nhân Tông nên càng vất vả mọi bề. Anh vừa tự chữa bệnh vừa đi học và viết văn trên gác xép. Diện tích dưới nhà anh dành cho vợ con và là nơi sinh hoạt gia đình hàng ngày.

Thật khó tưởng tượng Phan Đình Minh còng lưng lụi hụi viết văn trên gác xép cao chừng một mét. Cơ man nào là ý tưởng và những cốt chuyện từ làng quê đến chiến trường được ấp ủ trên "ổ chim bồ câu" này. Có lẽ ít người kiên cường như anh khi vượt qua bom đạn nơi cận kề với cái chết nhưng vẫn bền bỉ với cây bút trên một diện tích nhỏ bé thật khó hình dung. Mọi người gọi vui phòng văn của anh là “động tiên” cho những tưởng tượng mênh mông trong văn anh.

Có lần Phan Đình Minh kể với tôi về một ác mộng có thật đã xảy ra khi anh đang viết dở một câu chuyện về làng quê. Trời nóng bức anh thiếp đi lúc nào không hay. Trời đã canh ba bất ngờ một đàn mối vỡ tổ ngay trên nóc nhà dội xuống. Anh rùng mình khi những con mối bò trên mặt trên tóc. Có con bò cả vào tai vào mũi nhưng anh vẫn kiên trì im lặng vì không muốn đánh động giấc ngủ của vợ con dưới nhà. Anh chỉ khẽ lắc đầu để tránh mối cắn. Và cứ thế canh năm chạng vạng. Không ngờ cái kết của câu chuyện đang viết dở đã lóe sáng. Anh vội dọn dẹp bọn "giặc mối" đêm đó rồi tiếp tục bật bàn phím máy tính.

Cứ thế trong vòng 18 năm thiền tự trên gác xép anh đã cho ra đời ba bốn tập truyện ngắn. Nhưng đâu đã hết gian nan. Khu tập thể bị giải tỏa gia đình Phan Đình Minh phải đi thuê nhà trọ. Một căn phòng rộng hơn nhưng cũng không ổn định. Anh đã phải di chuyển nhà trọ vài lần cốt để gần trường học của con gái cho thuận lợi đi lại (kéo dài 10 năm trời). Nghe nói sau cái đận tốt nghiệp xong Đại học Bách Khoa anh còn đi học tiếp Đại học Sư phạm với ý định về một trường công an dạy học. Nhưng nghiệp chữ nghĩa đã không buông tha khi Phan Đình Minh được cử về làm Tổng biên tập Tạp chí Hậu cần (CAND). Đến thời điểm này cung điền thổ của anh cũng mới hết bĩ vận ở tuổi "Ngũ thập chi thiên mệnh". Vợ chồng anh được phân một căn hộ (tầng 2) đúng với nghĩa nhà ở thật sự tại Khu tập thể Trung Kính (rộng 50 mét vuông).

16 năm sau cơn "Gió Trương Chi"

Phan Đình Minh tự nhận mình là người viết chậm. Sau 35 năm viết văn anh mới xuất bản được 5 tập truyện ngắn (tính đến năm 2006). Và mới đây cuốn "Gió Trương Chi" (NXB Hội Nhà văn-2022) được coi là tập truyện chọn lọc sau 16 năm mới in tiếp. Có lẽ vì cuộc sống mưu sinh một phần, còn nguyên nhân chính là Phan Đình Minh rất cẩn thận với những câu chuyện mình viết ra. Nhưng trong 16 năm ấy Phan Đình Minh đã tạo dựng một vóc dáng văn chương khác biệt. Anh dành thời gian để khám phá chính mình với những sáng tạo mới lạ.

Ít người có được thành công như anh với những giải thưởng liên tục: Giải thưởng Cuộc thi Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội 2008; Giải thưởng cuộc thi Truyện ngắn Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm 2018-2020; Giải 3 Cây bút vàng lần 3; Giải nhì cuộc thi Truyện ngắn Tuần báo Văn nghệ 2015-2017". Đặc biệt Phan Đình Minh có bốn lần được chọn tác phẩm vào bảng vàng "Topten truyện ngắn" báo Văn nghệ. Gần nhất là truyện ngắn "Cha tôi-Kép Cúc" được chọn năm 2023 (Xuân Quý Mão).

Nhà văn Phan Đình Minh: Vời vợi hồn quê -0
Một số tác phẩm của Phan Đình Minh.

Đúng là Phan Đình Minh viết chậm nhưng rất chắc tay và thể hiện rõ tài năng của mình. Đúng như anh từng nói, người viết văn như kẻ đào giếng lầm lũi cô đơn trong hành trình tìm ra nguồn nước trong mát. Mạch nguồn dồi dào của anh trong văn chương Phan Đình Minh chính là đồng quê. Đa phần những truyện ngắn của anh đều kể những chuyện xẩy ra trong ngôi làng của vùng chiêm trũng nơi anh sinh ra. Hoặc chuyện có thể xẩy ra tại một vùng đất khác những cũng không ngoài không gian đình chùa, ao làng. Trong vòng 16 năm Phan Đình Minh có sự vượt trội về nghệ thuật kể chuyện và bố cục hấp dẫn người đọc.

Mỗi truyện trong "Gió Trương Chi" là một màu sắc khác nhau và đem tới những triết lý nhân sinh sâu sắc. Anh đề cao văn hóa làng xã và lên án những gì đã làm nó tàn lụi. Đôi khi những câu chuyện của anh khốc liệt về những số phận nhưng luôn bừng lên sự sống vĩnh cửu của một nền văn hóa sâu sắc. Tôi như bị anh mê hoặc bởi những thân phận như Kép Cúc (Cha tôi-kép Cúc), Lão Hịu (Viên đá trên gò Giá Ngự); hay Lê Báu (Gió Trương Chi), ông Hoán (Của chùa); hoặc Nắng (Bệnh tự miễn), Cang (Khúc rẽ và vạt đất hoang)…

Phải nói Phan Đình Minh giỏi miêu tả tính cách nhân vật. Từ hình hài đến ngôn ngữ nhân vật được khắc họa với những chi tiết rất độc đáo tạo nên hình tượng văn học. Nhân vật của anh đều dị biệt không thể trộn lẫn và có đời sống tinh thần kỳ lạ. Họ có thể là nạn nhân của tham sân si và đôi khi tàn độc trong tệ nạn nhưng bao giờ tác giả cũng có lòng chia sẻ và hướng thiện để mở đường cho những niềm hy vọng. Phần kết trong truyện ngắn "Viên đá trên gò Giá Ngự" đã thể hiện tính nhân văn của chủ đề. Nhà văn đã viết: "Những gì quái gở sinh ra chống lại con người trước sau rồi cũng sẽ bị đào thải. Nếu nhân dân chưa làm thì văn hóa, truyền thống sẽ làm. Dẫu có là đổ vỡ".

Những con chữ đầy năng lượng

Truyện ngắn của Phan Đình Minh còn được ghi dấu ấn ở sự tìm tòi ngôn ngữ miêu tả và mở rộng không gian và thời gian của những tình huống xảy ra. Dường như ở mỗi câu chuyện anh luôn để lại những con chữ vang lên âm thanh hay lung linh sắc màu với ẩn dụ sắc sảo. Nếu ở "Bệnh tự miễn" anh tả: "Còn vợ Nắng, như cây măng vầu mũm mĩm nõn nà biết đi, biết đứng", hoặc tả cô hộ lý, "Tuổi sưng sửng đôi mươi, trông hình dáng cùm cụp như cây nấm trên rừng". Thảng hoặc đâu đó người đọc lại gặp hình ảnh "Gió nồm leo pheo trên ngọn cây", "Năm tháng gấp thếp trải dài ra", "Bầu trời nghĩa địa nặng trĩu"; hoặc "Trăng nhoài lên phản", "Một ngày trưa trật"…

Với câu văn ngắn gọn, gợi hình sinh động tạo nên nét duyên của Phan Đình Minh. Bạn đọc có thể hình dung những truyện ngắn của anh như những bộ phim cuộc đời. Số phận và tính cách của nhân vật luôn được mở rộng trong một không gian và thời gian kéo dài gần trọn một kiếp người. Những ký ức luôn tràn về lấp đầy trong nghệ thuật đồng hiện của điện ảnh. Dần dần giao diện của chủ đề mà tác giả thiết kế sáng tỏ với ý tưởng sắp đặt của hội họa đã tạo nên bức tranh toàn cảnh về số phận con người. Đó chính là phong cách văn chương của Phan Đình Minh.

Vương Tâm
.
.