Nhà văn Nguyễn Vũ Điền - Người viết sử kể chuyện

Thứ Sáu, 15/10/2021, 10:29

Mùa thu năm 1978, đang học năm thứ 3 Khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chàng sinh viên Nguyễn Vũ Điền nhận lệnh nhập ngũ. Anh không nghiên cứu sử trên những trang giấy mà ra mặt trận, làm sử bằng chính đôi tay của mình.

Lịch sử không còn là những bản đồ, sa bàn mà bây giờ, chính là những trận đánh khốc liệt. Những con số thương vong không còn là những thống kê đơn giản mà chính là số phận cụ thể của từng đồng đội thân yêu. Và, lịch sử không chỉ là những dòng chảy cuồn cuộn trên dòng sông thời gian, mà chính là những thứ còn lại hai bên bờ. Những phum sóc, những rừng khộp, những hàng cây thốt nốt và những con người Khmer sống mãi trong tâm trí.

Có chi tiết lạ. Khóa sinh viên các khoa của Đại học Tổng hợp nhập ngũ mùa thu năm 1978, tất cả đều được làm nhiệm vụ trong nước. Có mỗi Nguyễn Vũ Điền bị “văng” đi thật xa. Đến tận chiến trường K. Vóc dáng thư sinh. Nước da trắng trẻo. Tác phong nhanh nhẹn. Lại là sinh viên, anh được phân công về Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 174, Sư đoàn 5, làm lính thông tin vô tuyến.

Nhà văn Nguyễn Vũ Điền người viết sử kể chuyện -0
Nhà văn Nguyễn Vũ Điền.

Ai cũng nói, là lính thông tin dễ “xanh cỏ”. Ở chiến trường biên giới Tây Nam, thông tin hữu tuyến và vô tuyến đều dễ chết như nhau. Bên hữu tuyến, bọn địch cắt đường dây. Các anh đi nối lại, đang đêm cũng đi, đang mưa cũng đi. Một anh nối. Một anh gác. Nhưng, cả hai đều rơi vào ổ phục của địch. Chúng bắn chết. Chờ quân ta đến lấy xác. Lại phục kích tiếp. Còn vô tuyến? Anh nào đeo máy lên, đều thấm nhuần câu nói: “Thông tin là tai mắt của chỉ huy”. Chỉ huy mà không có thông tin, liên lạc với cấp trên, chỉ đạo cấp dưới, chẳng khác người mù. Nhưng, là “tai mắt” cũng có độ rủi ro cao. Trong khi đánh trận, mọi người đều có súng ống, anh lính thông tin có mỗi cái máy Silic-71 của Trung Quốc hay PRC-25 của Mỹ. Máy nào cũng nặng hơn chục ký. Lóc xóc trên lưng. Tay cầm ống nghe. Tay giữ ăng-ten. Luôn bị động. Bám theo chỉ huy giữa chằng chịt đường đạn. Dễ chết như chơi. Đấy là công việc của Nguyễn Vũ Điền.

Hãy nghe anh kể về một trận đánh: “Tôi chạy theo anh Sào giữa đội hình chiến đấu, nhưng vì hai chiếc giày cùng chân nên thật khó chạy, bàn chân nọ cứ đập vào ống chân kia khiến tôi ngã oành oạch, có lúc ngã, tổ hợp rơi lông lốc, bám đầy đất cát, phải vừa chạy vừa thổi phù phù rồi lấy vạt áo lau đi để nghe cho rõ.

Vừa chạy, anh Sào vừa huơ khẩu K54 lên động viên bộ đội: “Tiến lên đi các em, địch nó chạy hết rồi”. Rồi anh bảo tôi: “Anh em mình chạy lên ụ mối kia nhé”. Nói xong, anh lao lên phía trước, tôi khom lưng chạy theo anh, chiếc cần ăng-ten cứ lật phật sau lưng... Khi thấy đạn địch bắn đỡ rát, anh lại bảo tôi: “Mình chạy lên gốc cây kia em nhé”. Từ chỗ đứng, tôi nhìn rất rõ những tia lửa đầu nòng của đại liên địch đang bắn tới. Phía sau chỗ hai anh em tôi đứng, một chiến sĩ khẩu đội cối 60 bị thương do một viên đạn bắn trúng má, viên đạn bay ngang làm vỡ xương hàm người lính, máu ở miệng anh trào ra ướt đẫm cổ và ngực áo. Anh gục xuống, anh em lôi anh vào bụi cây gần đó để băng bó. Anh chỉ ra hiệu chứ không nói được câu nào.

Nhà văn Nguyễn Vũ Điền người viết sử kể chuyện -0
Bìa cuốn “Rừng Khộp mùa thay lá” của nhà văn Nguyễn Vũ Điền.

Bên cánh trái, một chiến sĩ khẩu đội đại liên bị đạn địch bắn gãy một chân. Cánh phải, một chiến sĩ vấp mìn, bị thương vùng bụng, máu trào ra ướt đẫm chiếc áo rách te tua... Rồi rất nhanh, anh nhún người lấy đà lao sang một ụ mối lớn, chếch sang trái. Từ ụ mối đang nấp, phát hiện thấy hỏa lực địch, anh Sào quát to: “Thiện, Thiện, mày cho khẩu B41 bắn vào khẩu đại liên cho tao một phát”. Không có tiếng trả lời, chỉ có một tiếng "tách" khô khốc, rồi một vệt lửa xanh lét bay ra từ phía khẩu B41 lao về phía địch, một tiếng nổ "xẹt, đùng" vang lên. Khẩu đại liên của địch câm bặt. Nhưng, đúng khoảnh khắc ấy, tôi nhìn thấy anh Sào ngửa người về phía sau và đổ xuống như một cây rừng bị đốn hạ...”.

Đấy là văn của người viết sử. Là sử của người viết văn. Có thể, nhiều nhà văn miêu tả được trận đánh nhưng không có nhà văn nào được vừa truyền tin vừa chạy trong trận đánh khi đi hai chiếc giày cùng bên! Có nhiều nhà văn cho ra nhiều đầu sách nhưng ít có nhà văn nào được như Nguyễn Vũ Điền, được dự đám giỗ nhân vật của mình. Sau bao năm lặn lội kiếm tìm, nhờ đồng đội cũng như mạng xã hội, cuối cùng, anh tìm được địa chỉ người liệt sĩ chỉ huy.

Chờ đúng ngày giỗ của Đại đội trưởng Ngô Xuân Sào, anh cùng đồng đội tìm về xã Trung Chính, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Đám giỗ năm ấy có đông đủ đại diện chính quyền, đảng ủy xã, có người thân từ mọi miền tụ hội. Đặc biệt, mọi người được đọc cuốn sách của Nguyễn Vũ Điền “Rừng khộp mùa thay lá”. Bấy giờ, những người thân mới được biết, người anh hùng Ngô Xuân Sào hy sinh ra sao. Vì trong giấy báo tử, người ta chỉ ghi mỗi dòng: “Hy sinh tại mặt trận Tây Nam”.

Sau hơn 2 năm cùng đơn vị đánh hàng trăm trận, hành quân ngang dọc khắp mặt trận Battambang, Pailin, Nguyễn Vũ Điền được chọn đi học sĩ quan. Anh được về nước. Không học sĩ quan lục quân mà học sĩ quan chỉ huy xe tăng. Tốt nghiệp, nhận quân hàm sĩ quan, Nguyễn Vũ Điền được giữ lại trường, làm giảng viên. Vừa giảng dạy, anh vừa dành thời gian trở lại Khoa Sử Đại học Tổng hợp, hoàn thành nốt chương trình, nhận bằng tốt nghiệp. Trong thời gian này, anh được chuyển công tác về Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La. Rồi từ một sĩ quan, anh xin chuyển ngành về làm chuyên viên khối nội chính thuộc UBND tỉnh.

Nếu trong chiến tranh, như nhà thơ Bungari Blaga Dimitrova viết trong tiểu thuyết “Ngày phán xử cuối cùng”, rằng mỗi con người Việt Nam thường phải mang trên mình sức nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể, thì trong thời bao cấp, triết lý ấy vẫn còn nguyên giá trị. Thậm chí còn phức tạp hơn. Trở về đời thường, Nguyễn Vũ Điền mới có thời gian xây dựng và chăm sóc gia đình. Vợ chồng anh cùng chung sức vun vén cho tổ ấm. Vợ anh, từ một cô giáo, đã phải xin nghỉ theo chế độ 176, ở nhà chăm sóc con cái, mở hàng bán tạp hóa cho học sinh. Những con người đi qua chiến tranh, trưởng thành trong gian khổ, càng hiểu giá trị của cuộc sống bình thường. Và, họ được bù đắp bằng hoa thơm trái ngọt từ những ngày vất vả. Những người con của vợ chồng Nguyễn Vũ Điền, ai cũng đều là ánh sáng trong mắt mẹ cha.

Song, ký ức những tháng năm tuổi trẻ nơi trận mạc vẫn luôn cháy sáng trong tâm hồn Nguyễn Vũ Điền. Những người bạn cùng trung đoàn năm xưa, giờ tìm đến nhau. Ai còn ai mất. Cùng bồi hồi nhớ lại những địa danh, những cánh rừng, con đường năm xưa. Tất cả tưởng như còn mới nguyên. Tình đồng đội, tháng năm tuổi trẻ, một thời máu và hoa... thúc đẩy họ lên đường.

Và, Nguyễn Vũ Điền có dịp trở lại con đường ra trận. Không còn hy sinh. Chỉ còn ký ức. Nhưng, vết thương thời gian khó nhòa. Anh được chứng kiến một câu chuyện vô cùng cảm động. Những năm đầu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, đơn vị của Nguyễn Vũ Điền đóng quân tại một phum nhỏ. Anh có dịp gần dân. Học tiếng Khmer trong dân. Giúp dân những việc hằng ngày. Có một gia đình người Khmer rất quý Điền. Một hôm, anh bị sốt rét. Bà mẹ cạo gió cho anh. Chợt bà phát hiện trên lưng anh có cái bớt nhỏ. Cái bớt này gần giống cái bớt trên lưng con trai bà, một người bà vô cùng thương yêu nhưng do mệnh yểu, đã sớm từ giã cuộc đời.

Rồi trong những giấc mơ của thời loạn lạc, bà mơ thấy con trai bà. Nó trở về từ hướng Đông. Giấc mơ ám ảnh, giữ cho bà tìm thấy nguồn sống và sự cân bằng trong thời khốn khó. Giờ gặp Điền. Anh ấy cùng đồng đội cũng từ hướng Đông sang. Diệt quỷ cứu người. Bà có cảm tưởng, dường như Điền là hình ảnh con trai bà. Nếu còn sống, nó cũng chạc tuổi Điền. Bà ngỏ ý nhận Điền làm con nuôi. Theo phong tục, bà làm lễ đàng hoàng. Tổ chức cúng, tụng kinh, tắm nước thơm cho Điền. Anh bỡ ngỡ trong nghi thức này, song cảm động đáp lại thịnh tình của gia đình người mẹ Khmer.

Mấy chục năm sau, Điền cùng đồng đội trở lại chiến trường xưa. Anh tìm đến ngôi nhà của bà mẹ Khmer. Bước vào, anh gặp một thiếu phụ còn trẻ đang bồng con trên tay. Vừa thấy anh, thiếu phụ đã kêu lên: “Boong Điền! Boong Điền đã về!” (Anh Điền! Anh Điền đã về!). Rồi cô thảng thốt: “Me bặt hời. Boong nức me tê?” (Mẹ mất rồi. Anh nhớ mẹ không?).

Điền chợt nhận ra cô bé năm xưa. Ngày anh đến, cô bé còn nhỏ. Giờ đã là thiếu phụ. Tự nhiên, nước mắt Điền ứa ra. Thiếu phụ dẫn anh về nhà. Vẫn căn nhà xưa. Người mẹ Khmer mất rồi. Nhưng, hình ảnh người mẹ tảo tần, chăm lo cho anh từng miếng cơm, manh áo trong những ngày sinh tử năm xưa, vẫn hiển hiện. Đấy là nỗi buồn thương. Đấy là hạnh phúc của người lính tình nguyện Việt Nam. Anh kể lại thật bình dị trong cuốn sách của mình. Rừng khộp đã bao mùa thay lá. Nhưng, tình cảm của các bà mẹ Khmer với những đứa con Việt Nam xa nhà vẫn vững chãi như những cánh rừng khộp dãi dầu hai mùa mưa nắng. Nó là minh chứng chân thực nhất, xóa tan tất cả lời tuyên truyền dối trá của những kẻ đồng lõa giết người.

 Quy luật cuộc đời luôn tồn tại giá trị công bằng. Anh theo đuổi điều gì bằng tất cả năng lượng và trái tim của mình, cuối cùng, sẽ tìm được những gì mình muốn. Sau những tháng năm sống vì cộng đồng, phục vụ xã hội, Nguyễn Vũ Điền lại tìm được niềm vui mà anh hằng gác lại từ thời trẻ. Đó là ước mơ được nghiên cứu lịch sử ngay tại quê hương Sơn La. Tìm hiểu mảnh đất nuôi dưỡng mình, mảnh đất gắn bó với cha mẹ mình, đó chính là chiều sâu cuộc sống. Cội nguồn của mỗi địa danh, ý nghĩa của mỗi loại trang phục của các dân tộc, giá trị của mỗi lễ hội văn hóa... lại là những dòng cảm xúc mới đối với Nguyễn Vũ Điền. Chúng giúp anh trẻ lại trong nhận thức, trẻ lại trong tâm hồn và sâu lắng, nâng niu từng báu vật quê hương.

Đoàn Tuấn
.
.