Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua những lời tự kể

Thứ Ba, 06/02/2024, 11:45

LTS: Thoáng cái, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã về miền cực lạc gần 3 năm. Đến với văn chương muộn nhưng bằng tài năng và nhiều trăn trở, suy tư, cùng nỗi cô đơn, Nguyễn Huy Thiệp đã cho ra đời nhiều tác phẩm không chỉ được độc giả yêu mến mà còn là đề tài cho các nhà nghiên cứu phân tích và ứng dụng những lý thuyết văn chương hiện đại.

PGS.TS Văn Giá, Ủy viên Hội đồng Lý luận - Phê bình, Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Trưởng Khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa, gửi cho Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng bài viết này với mong muốn chia sẻ thêm những câu chuyện về cuộc đời một nhà văn được bạn đọc mến mộ. Xin giới thiệu cùng bạn đọc. 

1.jpg -0
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (bên trái) cùng nhà văn Văn Giá trở lại bản Hua Tát (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, Sơn La), nơi ông từng dạy học.

Trước đây, thỉnh thoảng tôi có dịp gặp Nguyễn Huy Thiệp, khi thì do công việc hoặc đơn giản là đến thăm ông. Do nhà tôi không xa nhà ông, có lúc tiện đường, ông ghé qua nhà tôi chơi. Mỗi lần gặp ông, chủ yếu là tôi nghe ông nói về đủ thứ chuyện. Sau mỗi cuộc đó, tôi tự nhủ phải ghi lại câu chuyện của ông, nhưng rồi có lần ghi lại được, có lần nhãng đi rồi quên. Nay, ngồi lục lại những tư liệu, xin đưa lại một số mẩu chuyện rời rạc mà tôi đã ghi chép lại trong mấy lần gặp từ quãng tháng 7, tháng 8/2017, ngõ hầu giúp người đọc hiểu thêm về con người và sự nghiệp văn học của ông.

1. “Theo tử vi, tôi sinh giờ Ngọ, ngày mùng 10 tháng 3 (căn cước ghi ngày 29/4/1950). Nơi sinh là ở Thái Nguyên, nơi bố tôi làm đường sắt trên đó, sau ông đi kháng chiến chống Pháp. Khi ấy, ông từng làm thẩm phán Tòa án chiến khu Việt Bắc. Sau 1954, gia đình tôi về sống tại quê ông ngoại tôi ở làng Kim Anh, Vĩnh Phúc. Ở đấy có cái bến Cốc bên sông, có một xóm đạo nhỏ. Ông ngoại tôi là cụ Đỗ Đình Lĩnh, thường gọi là cụ Bá Lĩnh, người Mộc Quan Nhân. Khi Pháp đánh Hà Nội, cụ lên Kim Anh sinh sống, dùng tiền mua chức Bát phẩm để dễ sống.

Cụ là người có chí thanh cao. Cụ thân với cha Tất ở trong một xóm đạo nhỏ. Cụ từng giúp cha Tất và xóm đạo một nửa tiền để xây nhà thờ. Tuy gia đình tôi không theo đạo nhưng tôi lại chơi thân với cha Tất. Ông hay kể cho tôi nghe về tiểu thuyết “Ba người lính ngự lâm pháo thủ”. Tôi hay đi nhà thờ nghe các linh mục giảng kinh. Lúc ấy, tôi cảm thấy tôn giáo ấy có gì thật gần gũi. Tôi có bị ảnh hưởng ít nhiều từ nhà thờ và đạo Công giáo...

Ông ngoại tôi luận về chữ “Thiệp” nghĩa là trải qua, êm đềm, may mắn. Năm 1960, gia đình tôi về lại xóm Cò, thuộc làng Khương Hạ, xã Khương Đình, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội, nơi ở bây giờ rồi vào học lớp 4 ở Trường Khương Thượng, sau đó theo học cấp 3 Trường Trưng Vương, đóng tại Ô Chợ Dừa. Ông ngoại tôi có lần về ở với gia đình tôi; được mấy tháng, thấy bức bối, cụ lại trở lại Kim Anh. Ông ngoại tôi ảnh hưởng nhiều tới con đường viết văn của tôi.

Mẹ tôi vốn là con nhà giàu, biết nấu ăn ngon; khi ở Kim Anh, bà thường nấu ăn cho các cha đạo. Bà thuộc lòng những truyện Nôm như “Tống Trân Cúc Hoa”, “Nhị độ mai”... Bố tôi là công chức lưu dung, học thời Pháp. Khi làm thẩm phán, ông thường cưỡi con ngựa trắng, đi đâu có người đi theo bảo vệ. Bố tôi cũng là người yêu văn học. Ông mua cho tôi bộ “Tam quốc”. Nhưng, ông cũng sợ văn chương. Khi tôi nổi tiếng, ông sợ lắm. Bố tôi mất năm 1990”.

2. “Năm 1970, tôi lên Tây Bắc làm giáo viên ở Trường Bổ túc công nông, dạy cho cánh cán bộ lãnh đạo của tỉnh. Lúc ấy tôi trẻ măng, mới có 20 tuổi. Toàn học trò lớn tuổi, họ là cán bộ được cử đi học; trình độ của họ không đồng đều nên dạy khó lắm. Tôi nghĩ, phải thay đổi cách dạy. Ngày đó, tôi hay lên thư viện đọc sách. Tôi nhớ, tôi đọc hết cả quyển “Từ điển Triết học” của Liên Xô. Đọc sách xong, trong các giờ dạy, tôi cứ kể lại những gì tôi đọc được ở trong các sách cho các học trò nghe. Giờ giảng thế mà lại hay, hữu ích. Tôi nhìn vào họ, tôi biết...

huythiep.jpg -0
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cùng nhà văn Văn Giá và các giáo viên Khoa Ngữ văn, Đại học Tây Bắc.

Lúc ấy đói khổ, có khi đi trộm sắn trên nương về ăn. Một hôm, nhìn xa xa trên núi thấy vạt sắn, mấy anh em rủ nhau đi... ăn trộm. Đi mãi không thấy, bị lạc đường. Vội quay về thì trời đã muộn. Vậy là, đã đói lại càng đói hơn.

Có một anh bạn giáo viên trông đẹp trai, cao to, giống con nhà quý tộc. Một hôm, một anh bạn khác bắn được con quạ, hay con diều hâu gì đó, đem về làm thịt nấu ăn. Khi mổ ra, thấy trong dạ dày con này có một con rắn, họ đem cái dạ dày đi chôn. Khi ăn, tanh lắm, tôi không dám ăn. Một con quạ bé bằng nắm tay, mà người thì đông, chả đáng là bao. Đói khổ thế đấy.

Tôi than đói khổ với anh Nguyễn Trung Vệ, bấy giờ làm Giám đốc Ty Lâm nghiệp tỉnh. Anh ấy thương tôi lắm, coi tôi như em. Lúc nào có miếng ăn ngon, anh ấy cho người đón tôi sang ăn. Có hôm, tôi than thở không có tiền, anh ấy bảo tôi vào rừng chặt mấy cây gỗ lát ra mà chở về xuôi bán kiếm tiền. Tôi nghe thấy phải, thuê thợ vào chọn hai cây to nhất. Khi xẻ ra, chuyển về phòng chất ngất một góc phòng toàn gỗ lát. Nhưng, tôi chả biết phải làm gì với đống gỗ này. Lúc ấy tôi đang ở Trường Bổ túc công nông. Khi thấy tôi có đống gỗ trong nhà, họ lại xoay sang ghét tôi, mặc dù trước đó tôi vốn được mọi người quý.

Sau đó, tôi được điều sang dạy cấp 3 Hát Lót vào 2 năm cuối trước khi chuyển vùng (1980), tôi lại hì hục chuyển đống gỗ ấy sang cơ quan mới. Họ thấy tôi nhiều gỗ quá, lại quay sang ghét tôi, mà ghét tôi nhất là tay hiệu phó. Khi chuyển về Hà Nội, do có cái lệnh của Ty Lâm nghiệp nên tôi chuyển được khối gỗ lát về, nhưng mang về cũng cứ chất đấy chứ có biết làm gì. Thật may, tay hiệu phó cũng chuyển về Hà Nội sau tôi ít ngày, lại tìm đến hỏi mua, thế là tôi bán tống đi. Thực ra cái loại gỗ ấy cũng chẳng làm được gì, đến đóng bàn ghế người ta cũng chả thích”.

3. “Khi về Hà Nội, tôi cứ lang thang đi xin việc, chả biết bắt đầu như thế nào. Nộp hồ sơ lên Sở Giáo dục, họ bảo cứ để đấy. Một hôm, tôi lang thang sang làng Vẽ, quê vợ tôi, tự nhiên gặp một anh học viên học tôi từ hồi ở Sơn La. Anh ấy đang làm Hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra, hỏi thầy đi đâu mà lại bộ dạng có vẻ thất thểu thế. Tôi mới nói là đang thất nghiệp, đang đi xin việc mà khó quá. Anh ấy bảo em mời thầy về với em, em học thầy, hiểu được tính thầy, thầy về phụ trách phòng giáo vụ cho em.  

Nhưng, đến lúc xem hồ sơ, anh ấy bảo sao ai nhận xét lý lịch cho thầy lại tệ thế này. Thôi, thay đi mấy trang, làm lại cũng không sao, thầy ạ. Em làm ngay cái giấy tiếp nhận rồi thầy lên Bộ xin chuyển sang đây ngay nhé. May thế chứ, gặp được người tốt thế. Sau đó, tôi lên Bộ Giáo dục; lúc đưa hồ sơ, gặp một ông ở Vụ Tổ chức. Xem xong hồ sơ, ông ấy bảo cậu có cái lý lịch đẹp thế này, nên ở lại ngành Giáo dục, sang ngành khác làm gì. Thế là ông ấy cho tôi về Nhà xuất bản Giáo dục. Đến năm 1986 thì tôi sang Công ty Sách và Thiết bị trường học - Nhà xuất bản Giáo dục.

Trong nhiều công việc tôi làm ở Nhà xuất bản Giáo dục, có lần tôi được phân công tham gia một dự án: Đi tìm hiểu, gặp gỡ để viết về một số nhà văn nổi tiếng lúc bấy giờ. Đây là dịp tôi được tiếp xúc nhiều, đọc nhiều và hiểu họ đang như thế nào. Một hôm, tôi gõ cửa vào phòng một nhà văn chức sắc. Phòng không khóa, tôi đẩy cửa bước vào, thấy ông ấy đang cởi trần nằm ngủ. Một hình ảnh thật xấu xí đập vào mắt tôi... Có lẽ, bị ám ảnh chuyện này, cộng với một vài lý do khác, tôi bỏ không tham gia dự án này nữa. Lúc đó, tôi đã nghĩ cần phải có một thứ văn chương khác, khác với tất cả họ.

Hồi tôi còn bé, ông ngoại tôi là người biết tử vi nên lập lá số cho tôi. Cụ bảo, tôi sinh ra đã vất vả, sau này đi theo con đường văn chương nhưng phải qua 3 giáp thì mới nhập thế được, nếu sớm quá hay muộn quá cũng là hỏng. Ngẫm lại thấy đúng vì phải đến năm 1986, khi tôi 36 tuổi và là lúc Đổi mới thì tôi mới xuất hiện. Năm 1987 tôi cho in “Tướng về hưu”. Sau truyện này, nhà thơ Thu Bồn và Nguyễn Duy giúp tôi ra tập truyện mỏng mang tên “Tướng về hưu” giấy đen, có một ông làm nghề buôn giấy đã ủng hộ giấy cho in. Kim Thánh Thán từng nói: “Văn hay do cùng”.

Tôi vẫn quan niệm nghề viết văn không dạy được, nhưng muốn viết văn thì phải học, bởi làm văn chương là đi tìm đạo, học để cảm nhận được cái đạo của người viết. Trước đây, lúc tôi đã nổi tiếng sau khi in “Tướng về hưu” và một số truyện khác, tôi viết truyện vẫn còn nhiều tham - sân - si lắm. Phải đến khi tôi viết “Sống dễ lắm” vào năm 2000, lúc ấy mới thoát được. Sau vụ tôi in tập “Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn”, có hai ông nhà văn tuyên bố: “Đóng ván thiên cho Thiệp”. Lúc đó tôi phải viết vở kịch “Mổ nhà văn” đáp lại.

Làm nhà văn cũng phải có tiền, trước khi làm nhà văn, anh phải biết kiếm tiền nuôi vợ con đã, không có tiền người ta khinh cho”.

Cự Lộc, những ngày giáp Tết Giáp Thìn

Văn Giá (ghi)
.
.