Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn với nỗi buồn sương khói của mùa thu

Thứ Sáu, 31/12/2021, 09:07

Tôi sẽ không bao giờ quên lần gặp gỡ với cố thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn (1944-2015) tại Phan Thiết trước khi ông mất. Nhà thơ cứ xưng mình là tiểu đệ và gọi tôi là đại huynh cho dù chưa hề biết nhau. Ông vồn vã dẫn tôi và nhà thơ La Văn Tuân (Hội VHNT BìnhThuận) vào nhà. Tôi chợt nhớ tới những câu thơ của ông: "Mỗi ngày chữa bệnh bằng ly rượu/ Tối nằm đánh vật với cơn mơ".

Mai sau dù có bao giờ

Chúng tôi chưa kịp hàn huyên thì vợ nhà thơ bước ra với nét mặt lo lắng. Bà sợ chúng tôi rủ nhà thơ đi uống rượu. Đó là cái tật không chừa được của nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn. Bởi lẽ 18 tuổi nhà thơ bị bắt quân dịch (quân đội Việt Nam Cộng hòa) với tâm trạng khổ đau. Ngay những câu thơ đầu tiên ông đã tỏ thái độ: "Đời bắt kẻ làm thơ như ta đi làm lính/ Bắt lê la mang một chiếc mu rùa/ Nên tâm hồn ta là một cánh đồng úng thủy/ Và nỗi buồn như nước những đêm mưa". Vợ ông kể chính vì thế rượu là món giải sầu làm ông bại hoại sức khỏe. Đến nay người như xác ve. Bà mời chúng tôi uống nước rồi lui vào nhà trong. Lúc này nhà thơ vỗ tay như được giải thoát khỏi sự bám sát của vợ. Trên bàn làm việc của nhà thơ đầy những hình họa và sơ đồ kinh dịch, bát quái. Nhà thơ nói đây là công trình "Kỳ kinh bát mạch" mà ông đang theo đuổi để tu luyện thiền và dưỡng sức. Đặc biệt nhà thơ lại có tài châm cứu nên nhiều người đã tìm đến chữa bệnh.

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn với nỗi buồn sương khói của mùa thu -0
Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn.

Khi bập vào chuyện thơ ca, chúng tôi trầm mình trong cảm xúc cùng những thi phẩm độc đáo của nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn. Giọng thơ trầm khàn ấy vẫn sang sảng như ngày nào. Những câu thơ trong bài "Cười lên đi tiếng khóc bi hùng" luôn ẩn chứa tâm trạng dằn vặt: "Trong thành phố này ta là người phản chiến/ Ngày qua ngày ta chỉ thích đi câu/ Râu tóc mọc dài như bày cỏ loạn/ Sống thật âm thầm ai hiểu ta đâu". Hoặc đôi khi sự phẫn nộ dâng tràn: "Ngày hôm nay ta muốn chặt đi bàn tay trái/ Để được làm người theo ý riêng ta/ Ngày hôm nay ta muốn chọc mù con mắt phải/ Ngày hôm nay ta muốn bỏ đi xa". Sự rạn vỡ trong tâm hồn nhà thơ mỗi ngày một tan nát theo tiếng đạn pháo gầm vang. Những câu thơ gầm rú hoang mang: "Cởi áo trận và hoa mai ném tuốt/ Xin giã từ đời vũ khí huy chương/ Xin trở về như một kẻ hoàn lương/ Xin vứt hết, xin bắt đầu lại hết" (“Tiệc tẩy trần của người sống sót”).

Và rượu chính là sự cứu rỗi trút mọi nỗi ám ảnh trong chiến trận. Ông lim dim mắt đọc chậm rãi từng câu cho chúng tôi nghe cùng với nỗi sầu vô định: "Mùa này gió núi mưa bưng/ Trong lòng thiếu rượu anh hùng nhát gan/ Mùa này gió bão mưa ngàn/ Trong lòng thiếu rượu hoang mang nhớ nhà" (“Một tiếng đồng hồ trước khi lên đường hành quân”). Ông cũng như đồng đội đều chán nản chỉ biết trút nỗi âu lo vào rượu và bất cần đời. Nhà thơ đã la lớn thật sảng khoái khi muốn trả nợ đời: "Mai ta đụng trận ta còn sống/ Về ghé Sông Mao phá phách chơi/ Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm/ Vung tiền mua vội một ngày vui". (“Mật khu Lê Hồng Phong”). Hoặc tâm trạng bi phẫn không lối thoát giữa cái sống và cái chết nhà thơ đã bộc bạch tâm sự: "Ngày vui đời lính vô cùng ngắn/ Mặt trời thoát đó ở phương tây/ Nếu ta lỡ chết vì say rượu/ Linh hồn chắc sẽ biến mây bay". Rồi trong lúc rệu rã nhất trong tâm hồn nhà thơ đã vẽ chân dung mình một cách lạnh lùng: "Thời đó là thời ta chấp hết/ Lửng lơ hoài trên chiếc đu quay/ Đời mình như ly rượu cạn/ Hắt toẹt đời đi chẳng nhíu mày" (“Tha lỗi cho tôi”). Phải nói đó là những bài thơ dữ dội trong lòng thi sĩ. Tính phản kháng mãnh liệt cho dù đầy bi kịch trong cuộc đời người lính được thể hiện qua những câu thơ mang hình xác chết: "Nhà thương điên nếu còn chỗ trống/ Xin chiếc giường cho xác tàn phai" (“Căn bệnh thời chiến”).

Tình yêu cuộc sống

Số lượng tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn không nhiều nếu không nói là ít ỏi. Tuy nhiên chỉ với tập thơ "Chiến tranh Việt Nam và tôi" xuất bản lần đầu năm 1972 (NXB Đồng Dao-Sài Gòn) cái tên Nguyễn Bắc Sơn đã nổi lên như một hiện tượng thi ca. Một phong cách thơ mới lạ đậm chất thời đại với khẩu khí nóng bỏng, ngang tàng. Mãi tới 23 năm sau ông mới ra tập thơ thứ hai: "Ở đời như một nhà thơ Đông phương" (NXB Đồng Nai-1995). Tuy nhiên tập thơ này vẫn in lại những bài thơ hay nhất trong "Chiến tranh Việt Nam và tôi" nên số lượng thơ không nhiều. Và cũng phải 24 năm sau, một số bạn bè ông cùng gia đình cho in tuyển tập "Nguyễn Bắc Sơn-Tác phẩm và dư luận" (NXB Hội Nhà văn-2019). 

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn với nỗi buồn sương khói của mùa thu -0
Bìa tập thơ “Chiến tranh Việt Nam và tôi” - Tác giả Nguyễn Bắc Sơn.

Giai đoạn thơ chói sáng nhất của nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn tập trung từ thập niên 60 tới thập niên 80. Nhà thơ La Văn Tuân nói nhiều bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn bị thất lạc trong bạn bè và kể cả những người ông không quen biết. Mỗi khi nổi cơn hứng lên làm thơ là tặng bạn khi uống rượu. Không ít lần ông đã đem thơ đi đổi rượu và đi lang bạt khắp phố phường. Vừa đi vừa đọc thơ, ông có gì trong tay là đem cho trẻ con hay bạn nghèo ngồi trên hè phố. Nhà thơ đi như người mộng du trên biển vắng. Ông thường đọc to những câu thơ: "Đôi lúc nghĩ trời sinh một mình ta là đủ/ Vì đám đông quấy bẩn nước hồ đời/ Nhưng nghĩ lại trời sinh thêm bè bạn/ Để choàng vai ấm áp cuộc rong chơi" (“Mai sau dù có bao giờ”).

Nhiều người trong thành phố Phan Thiết vẫn còn nhớ khi ở tuổi thiếu niên nhà thơ đã từng cắt cổ tay tự tử trong bãi tha ma. Hoặc ít nhất ông đã đôi lần liều chết nhảy từ trên lầu cao xuống đất. Khi được cứu và tra hỏi, ông thản nhiên nói không hiểu vì sao như vậy. Căn bệnh mộng du thời trẻ cũng là một nét bay bổng và gây rúng động trong thơ và rượu sau này của Nguyễn Bắc Sơn. Ông say mê thơ từ nhỏ, đọc nhiều sách và rất giỏi tiếng Anh. Khi bị ép đi lính ông được làm thông ngôn cho sĩ quan Mỹ. Nhưng thấy ông là người có tư tưởng đối nghịch nên họ đã chuyển ông về làm lính địa phương. Từ đây ông đi nhiều nơi và đọc thơ kích động bạn bè buông súng. Rượu là cái cớ để trút sự giận hờn và kết nối bạn bè. Nhạc điệu trong thơ Nguyễn Bắc Sơn cuồn cuộn cảm xúc và tràn đầy năng lượng. Giọng thơ ngang tàng cũng bắt nguồn từ đây.

Tuy nhiên, ẩn nấp phía sau tư chất phá phách ấy là tình yêu cuộc sống của nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn. Khi đụng chạm đến bạn bè và quê hương, thơ ông lại dịu dàng và nồng nàn biết bao. Có lần ông lên Pleiku tìm bạn qua những đèo dốc trong lòng đầy ắp sương mù nhưng vẫn gọi vang: "Phố núi kia ơi, phố có con đường/ Lên xuống dốc không tìm ra bạn hữu/ Không có bạn làm sao tôi uống rượu/ Tôi làm sao sống nổi một ngày đây" (“Hoa quỳ vàng lạnh Pleiku”). Rồi lại những lần hành quân xa nỗi nhớ nhà trào dâng, ông viết: "Nhảy tõm xuống suối giỡn trăng khuya/ Hát khúc vọng tình khúc nhớ quê/ Quê nhà xa tít và xa tắp/ Non nước cháy hương chẳng chịu về" (“Tháng chạp sầu đời bên núi lạnh”). Hoặc đâu đó trong lúc bình tâm ông thường mơ: "Ta thích ngồi câu bên bờ sông/ Để cho tâm trí được phiêu bồng/ Cá chẳng đớp mồi càng thích thú/ Miễn là câu được đám mây bông" (“Đi câu”).

Tình thơ lãng tử

Sự táo bạo ngông nghênh trong thơ Nguyễn Bắc Sơn luôn gây ấn tượng bất ngờ với bạn đọc. Với thơ tình cũng vậy, Nguyễn Bắc Sơn rất khác người và dị biệt về cách thể hiện. Có lúc nhà thơ nói với người yêu rằng: "Vì đàn bà người nào cũng như người nấy/ Nên ta bảo mình thôi hãy quên em/ Nhưng đàn bà đâu phải người nào cũng như người nấy/ Nên suốt đời ta nhớ nhớ, quên quên" (“Mai sau dù có bao giờ”). Nhưng thể hiện tình cảm đến chết vì tình thì không ai đanh nọc như ông: "Ta vốn ghét đàn bà như ghét cứt/ Nhưng vì sao ta lại yêu em/ Ôi mắt em nhìn như là bẫy chuột/ Ta quàng xiên nên đó sa chân" (“Trên đường tới nhà Xuân Hồng”).

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn với nỗi buồn sương khói của mùa thu -0
Bút tích nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn.

Xuân Hồng là tên vợ nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn. Bà đã đồng hành và chăm sóc ông suốt nửa thế kỷ không một chút ưu phiền. Người đàn bà xinh đẹp hiền thục này đã hiện lên trong thơ ông với hình ảnh: "Ta về với nhau vợ chồng không đám cưới/ Khi em thành sương phụ áo màu đen/ Anh bán đi chồng sách quý nuôi em/ Cuộc tình hai ta sao buồn quá đỗi" (“Nhị Hồng”). Trong khi đó ông luôn tự thân ta thán: "Ta sống ở đời như một kể nhàn du/ Trôi qua tháng, trôi qua ngày/ Trôi trên cuộc đời huyễn mộng/ Trôi từ chiếc nôi ra đến nấm mồ" (“Chân dung tự họa”). Những lúc ấy bà Xuân Hồng chỉ nhẹ nhàng ôm lấy mái đầu bạc phơ và bồng bềnh như mây bay của chồng. Bà đã ứa nước mắt và "Chợt thấy lòng mình bát ngát/ Nỗi buồn sương khói của mùa thu".

Vương Tâm
.
.