Nhà thiết kế thời trang Xuân Thu: Vẫn đắm đuối với chần bông, khâu đột

Thứ Ba, 28/02/2023, 09:15

Tôi lạc vào thế giới nhung gấm, lụa là, kim chỉ của nhà thiết kế thời trang Xuân Thu khi những giọt mưa xuân lất phất ngoài phố. Đối lập với nét bàng bạc của Hà Nội đầu xuân là một thế giới rực màu, ấm áp và tĩnh lặng. Chị gọi không gian ấp ủ những sáng tạo nghệ thuật của mình là "nơi chơi đồ hàng". Đó là căn hộ rộng rãi trên tầng cao của khu chung cư sang trọng ở quận Bắc Từ Liêm, nơi mà chị đã chủ ý phá toang những giới hạn phòng ốc để tạo nên một không gian rộng mà ấm, ngồn ngộn những vải, những váy áo mà lớp lang, tinh gọn. Góc nào cũng đẹp, cũng nhấn nhá một cách rất "Xuân Thu"…

1. Thật may mắn, trong không gian ấy, tôi được gặp bốn người phụ nữ: Nhà thiết kế Xuân Thu, mẹ của chị, chị gái và con gái chị. Một cách an yên và tĩnh tại, những người phụ nữ thuộc ba thế hệ ấy đang miệt mài chắp nối, trao truyền, giữ ấm sợi chỉ nghệ thuật. Nhẩn nha, tôi quan sát, chắp nối, ngẫm ngợi về những người phụ nữ trước mắt tôi.

Nhà thiết kế thời trang Xuân Thu: Vẫn đắm đuối với chần bông, khâu đột -0
Xuân Thu là nhà thiết kế đầy cá tính.

Mẹ chị, ở tuổi 76, vẫn tỉ mỉ, chăm chú với từng mũi khâu đột trên áo dài, trên những mảnh vải chần bông, hỗ trợ rất lớn cho con gái trình làng những bộ sưu tập thời trang mang dấu ấn. Bà ủng hộ, khích lệ con gái làm nghề bằng những mũi khâu tay đẹp đẽ và bền bỉ. Bà bảo, bà sinh người con gái thứ 2 vào mùa xuân, bởi vậy mà lấy tên hai mùa đẹp của năm để đặt cho chị: Xuân Thu. Chẳng ngờ, cái tên đó vận vào đời chị, gắn kết hai mùa thời trang xuân hè - thu đông nối tiếp trong năm.

Từ nhỏ, Xuân Thu đã sớm được làm quen với "sự may vá", khi ông nội chị là cửa hàng trưởng một cửa hàng may, khi mẹ chị giỏi thêu thùa, đan móc, khi bố là kĩ sư chế tạo máy nhưng lại biết cắt may. Ông nội trao cho bố chiếc máy khâu, là lúc bố trổ tài cắt quần áo cho mấy chị em chị. Bắt chước bố, chị thường lấy những mảnh vải vụn để thử cắt, thử khâu. 

Mẹ chị dạy con gái đan móc, nhưng chị học một cách đầy cá tính. "Mẹ dạy đan cốt hoa đơn, nhưng con phải đan cốt hoa kép, đan vặn thừng mới chịu. Đan không được là tháo ra đan lại, cả ngày không biết chán. Bé tí đã thích mặc đẹp, đã mê mẩn thời trang", bà nhớ về những ngày xưa cũ. Cô bé Xuân Thu học lớp 1, trên lớp học thực hành khâu chiếc khăn mùi xoa. Mới 6 tuổi mà những mũi khâu khéo léo, thẳng đều tăm tắp. Đẹp đến nỗi, Xuân Thu được cô hiệu trưởng biểu dương trước toàn trường trong giờ chào cờ. Cái tên Xuân Thu được nhắc đến từ lúc đó.

Chị Thu Hà - chị gái của nhà thiết kế Xuân Thu là một phụ nữ đẹp, luôn cổ vũ nhiệt thành, luôn là mẫu xịn cho những mẫu thiết kế của em gái, dù chị ấy không đeo đuổi con đường thời trang. "Nhà có hai chị em gái, tôi giống mẹ, Xuân Thu giống bố. Tôi hiền, Thu cá tính, phá cách. Tôi tự hào và biết ơn người em gái đã luôn khiến tôi bịn rịn với hồn cốt Việt Nam", người chị gái chia sẻ. Đã nhiều năm nay chị Hà và gia đình định cư ở Đức. Lần này về nước đón tết, chị mê mẩn với những thiết kế của em gái. Khoác lên mình bộ áo dài, thêm tấm áo chần bông ấm áp, một tâm hồn Việt Nam nhuần nhị bừng lên, bõ những tháng ngày chị nhớ quê hương đến quay quắt. Bất giác, chị có cảm giác đã ở Việt Nam từ lâu lắm.

Chị Hà dí dỏm kể: "Em gái tôi, từ nhỏ đã thích kết hợp quần này với áo kia, phải phá cách, phải khác lạ. Những bộ quần áo bố may em tôi không thích, nhiều lần tháo tung ra, rồi kết hợp mảnh nọ với mảnh kia, phối màu nọ với màu kia và kì kèo đòi bố may lại. Lúc đầu, tôi nghĩ con bé này thật "phức tạp", hay mè nheo. Nhưng khi con bé ra đường, khi nhiều người thốt lên rằng bộ quần áo em mặc lạ và đẹp quá, tôi bắt đầu nhận ra em tôi có năng khiếu về thời trang. Lúc ấy tôi đã nghĩ rằng sau này nhất định em tôi sẽ tạo được dấu ấn trong lĩnh vực này".

Thế mà khi thi đại học, Xuân Thu lại chọn lĩnh vực kinh tế. Vào học rồi, chị mới nhận ra rằng những con số cứ nhảy nhót, trêu ngươi chị, khiến chị nhầm lẫn, khiến chị đau đầu. Trong khi đó, công việc may vá chị chưa bỏ ngày nào. Chị rẽ lối,  thi và đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Đó là năm 1997. Trong suốt những năm học đại học, chị có chiếc máy khâu làm bạn, thoả thuê sáng tạo, phá cách. Khi còn đang trên giảng đường đại học, Xuân Thu đã ẵm giải ba trong cuộc thi thiết kế mẫu thời trang Việt Nam năm 2001. Hơn 20 năm làm nghề với Xuân Thu là một đường thẳng. Chị nỗ lực định hình dấu ấn với việc tham gia rất nhiều show thời trang có tiếng, ra mắt nhiều bộ sưu tập và theo đuổi con đường thời trang chuyên nghiệp.

Nhà thiết kế thời trang Xuân Thu: Vẫn đắm đuối với chần bông, khâu đột -0
Nhà thiết kế Xuân Thu (trái) và chị gái Thu Hà trình diễn những mẫu áo dài, áo chần bông đầy dấu ấn.

2. Con gái chị sớm bộc lộ năng khiếu và tư chất giống mẹ. Ở tuổi 15, con đã tập tành tự thiết kế những mẫu quần áo trong một số sự kiện. Hàng ngày hàng giờ, con được thấm bầu không khí thời trang, nghệ thuật, được học hỏi thường xuyên từ mẹ - một người thầy lớn, một cách rất tự nhiên, không gượng ép.

Từ hành trình của chị, chị đang truyền cho con gái niềm đam mê và tâm thế tĩnh tại trong thiết kế. Nhiều xu hướng thời trang nhanh vẫn ào ào chảy, chị dường như không bị cuốn theo. Bởi chị biết rằng, dòng thời trang chậm mà chị đeo đuổi vẫn có đời sống riêng, lưu giữ nét đẹp vượt thời gian. Chị hứng thú và tâm huyết với áo chần bông. Bởi áo chần bông gắn liền với áo dài mùa đông, mùa tết, vừa để giữ ấm cơ thể, vừa tinh tế và nhuần nhị. Từ đó, chị sáng tạo ra nhiều dáng áo chần bông để mặc độc lập, rời tà áo dài và có một đời sống thời trang riêng.

Chất liệu chần bông là đất diễn của nhung và lụa. Mà nhung, lụa lại cực hợp với kĩ thuật khâu và thêu. Mũi khâu đột xuất hiện hầu như trong tất cả những mẫu thiết kế của Xuân Thu. Như một cơ duyên, khi chị học lớp 1 ở thành phố Thái Nguyên, cô giáo tên Duyên đã dạy chị những mũi khâu đầu tiên ấy. Đến tận bây giờ, những mũi khâu là một phần không thể thiếu trong con đường làm nghề của chị. Đầu xuân, chị bộc bạch một nỗi niềm, mong mỏi được gặp lại cô giáo của mình. Bởi từ những mũi khâu non nớt  ngày ấy, mới có một nhà thiết kế Xuân Thu hôm nay. Mũi khâu đột còn mang dấu ấn đôi bàn tay, đôi mắt và trái tim của mẹ chị dồn vào từng đường kim, thớ vải. Những buổi trưa vắng lặng, mẹ cần mẫn ngồi khâu, chẳng dám ngơi tay để kịp cho những show diễn của con gái.

"Nhiều người nói với tôi rằng, hãy chiều theo số đông đi, sẽ dễ làm hơn, sẽ bán được nhiều hơn, thu nhập tốt hơn. Việc gì mà phải khắt khe, kĩ càng cho khổ. Nhưng tôi không làm thế được. Tôi kiên định con đường mà mình đã chọn. Với tôi, sức sáng tạo luôn phải được đẩy lên tối đa. Làm thời trang chuyên nghiệp là phải cực đoan", nhà thiết kế Xuân Thu chia sẻ.

"Nhà thiết kế có giàu không? Không hề. Nhà thiết kế có bị bủa vây bởi tấm lưới cơm áo gạo tiền không? Hoàn toàn có. Nhưng quần áo may vội vàng, may xấu thì không thể chấp nhận được, tuyệt đối không", chính tư duy này mà Xuân Thu nổi tiếng là người làm nghề khắt khe. Chủ trương sáng tạo ra những sản phẩm thời trang độc lạ, không đại trà nên chị không xoay theo nhịp cung - cầu thường nhật. Chị thú thật rằng chị bị khách hàng dỗi không ít lần, ấy là khi họ đòi hỏi chị phải thiết kế và may thành phẩm ngay và luôn. Mà chị thì không có thói quen bị thúc ép về mặt thời gian, phải có hứng thú, phải tỉ mỉ, điềm tĩnh, không vội vàng. Ấy là khi khách hàng phàn nàn thiết kế của chị có giá đắt đỏ. Nhưng chị không thay đổi, bởi mỗi sản phẩm chị làm ra là kết quả của những đau đáu, vật vã, trăn trở đến mức tối đa. Và nếu không có người mua thiết kế của chị vì họ cho là đắt, chị sẵn sàng đi làm thêm nghề khác để có chi phí trang trải cho đam mê thời trang của mình. Đó chẳng phải là cực đoan sao?

Bù lại, có lúc chị được "lãi" những nỗi xúc động đến ngọt ngào. Đó là khi chị bất chợt gặp lại khách hàng đang mặc mẫu thiết kế của mình. Chị luôn quan niệm rằng, khi những mẫu thiết kế rời tay chị để sống đời sống riêng, thì chị không thể định đoạt, không thể biết được cuộc đời của những chiếc áo, tấm quần ấy ngắn hay dài, được mặc trong thời điểm nào, trong những hoàn cảnh ra sao. Để rồi khi đã có độ lùi về thời gian, khi gặp lại, thấy vừa lạ vừa quen, thấy y phục đó vẫn đang tạo ra giá trị, vẫn truyền niềm đam mê thời trang cho người mặc nó. Chị chủ tâm kéo dài tuổi thọ của những bộ trang phục bằng chất liệu tốt, màu sắc lạ biệt, bằng những đường khâu nghiêm ngắn, đường may tỉ mỉ, bằng tinh thần thời đại kết hợp với cốt lõi văn hoá truyền thống ẩn sâu.

Xuân Thu thừa nhận, chặng đường làm nghề của chị mang nhiều nỗi vất vả, hao tâm tổn trí, có cả những giọt nước mắt rơi. Rất nhiều lúc chị phải ôm đồm, vừa cắt, vừa may, vừa làm thợ khâu, làm người lan toả văn hoá, sản phẩm của mình. Nhưng Xuân Thu vẫn vững vàng, một phần bởi bên cạnh chị có mẹ, chị gái và con gái. Họ là người thân, là cộng sự, là người truyền cảm hứng cho chị trên con đường không hề dễ bước này. 

Thái Hưng
.
.