Nhà bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn: “Cô gái rừng xanh”
“Hơn bao nhiêu người khác, ông biết rất rõ sự bất lực của nghệ thuật, của hội họa trong hành trình vĩ đại là cuộc đời… Làm một bức chân dung, phác họa như ông làm đây, hay rồi vẽ dầu, làm thế nào làm hiện lên được mẫu người ấy? Cho người xem hiểu được anh ta, mà không phải hiểu như một ngôi sao xa...”.
Không một học sinh cuối cấp THCS nào lại không nằm lòng những dòng viết trên trong tác phẩm “Lặng lẽ Sapa” của nhà văn Nguyễn Thành Long. Truyện ngắn kể về cuộc gặp gỡ trong vòng 30 phút ngắn ngủi giữa 3 nhân vật chính. Ngoài việc khắc họa nét đẹp của con người lao động trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tình huống truyện còn lột tả đậm nét sự bối rối của người làm nghệ thuật trong việc truyền tải đi sự vang âm của cái đẹp. Đó cũng chính là sự bối rối của tôi khi gặp nhà bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn.
Đối với tôi, nếu cần phải định nghĩa về cái đẹp, Trang Nguyễn chính là một thứ định nghĩa như thế. Vượt ra khỏi mọi ước lệ quy chuẩn về cái đẹp ngoại hình của phụ nữ hiện đại, lần đầu tiên gặp Trang Nguyễn, tôi đã không thể rời chú ý của mình đi nơi khác.
Như một cô gái bước ra từ những bộ phim hoạt hình về thám hiểm phiêu lưu của Walt Disney, Trang Nguyễn bận một bộ trang phục bụi bặm. Và để tô đậm cho chất “rừng xanh” của mình, mái tóc bện gọn gàng được cô phủ lên màu xanh lá cây rực rỡ. Nhưng ấn tượng về một ngoại hình cá tính, phóng khoáng đã ngay lập tức nhường chỗ cho sự bất ngờ rồi sau đó là lòng cảm phục của tôi dành cho cô gái nhỏ ấy khi cô cất lên giọng nói nhẹ nhàng – một giọng nói không khác là bao so với mọi cô gái Hà Nội khác – kể về hành trình đến với thế giới hoang dã của mình.
Đó là một sự ám ảnh…
Để trả lời cho câu hỏi vì sao một cô gái vốn sống êm ấm giữa lòng thủ đô, là học sinh của ngôi trường danh giá bậc nhất – Hà Nội Amsterdam, lại trở thành một nhà bảo tồn động vật hoang dã bôn ba khắp mọi cánh rừng già trên thế giới.
Tôi xin phép được trích một đoạn nhỏ nằm trong cuốn sách mà Trang Nguyễn kết hợp cùng họa sĩ Jeet Zdũng viết cho thiếu nhi – “Chang hoang dã (Gấu)”: “Lúc ấy tôi mới 8 tuổi, đang trên đường đi học về… Một tiếng kêu rất thảm thiết vang lên… Tôi nghe bên trong… Họ nói về gấu… Trên nền gạch ẩm ướt, một chú gấu màu đen to đùng nằm ngửa giữa sàn nhà. Có rất nhiều người đứng xung quanh… Một người đàn ông cầm cái ống tiêm rất to rồi đâm vào chú gấu tội nghiệp… Hóa ra đó là trại nuôi nhốt gấu để lấy mật làm thuốc. Tôi không biết thuốc từ mật gấu có tác dụng gì nhưng đó là một sự hành hạ. Đêm đó Chang đã tự hứa với bản thân và với chú gấu tội nghiệp, khi Chang lớn lên, Chang sẽ không để gấu hay bất cứ loài động vật hoang dã nào bị hành hạ như vậy nữa”.
Cô bé Trang 8 tuổi năm đó đã khắc ghi trong tâm khảm ánh mắt ám ảnh của chú gấu với những vết thương do bị con người đâm chọc khắp thân thể. Để rồi khi đã trở thành một nhà bảo tồn động vật hoang dã đi làm nghiên cứu, cô vẫn không thôi xúc động khi nhìn vào đôi mắt của những chú khỉ bị nhốt trong chuồng.
Hoặc trong một chuyến đi gần đây, đoàn nghiên cứu của cô ngồi trên thuyền và lia đèn lần cuối khắp cánh rừng già, nơi mà họ chuẩn bị chia tay. Họ thoáng nhìn thấy đôi mắt lấp lánh của những loài thú – có thể là những con cuối cùng của loài còn tồn tại ở Việt Nam. Ánh mắt như trong trẻo, ánh mắt như gửi gắm niềm hi vọng sau cuối tới những người đang chiến đấu để kéo dài sự tồn tại của chúng. Đó là một sự ám ảnh. Để rồi, họ - những nhà bảo tồn động vật hoang dã luôn tự cật vấn bản thân: Nếu không bảo vệ được những con thú bé nhỏ ấy khỏi nanh vuốt con người thì công việc họ đang thực hiện liệu có ích gì?
Tưởng là kết thúc, hóa ra mới chỉ bắt đầu
Ít ai biết được rằng, cô gái bé nhỏ có vẻ ngoài bụi bặm, phong trần ấy lại có thành tích học tập đáng nể. Cô có hai bằng thạc sĩ, một là ở Oxford Brookes về bảo tồn linh trưởng Madagasca, và hai là ở Cambridge về bảo tồn tê giác Kenya. Tuy nhiên mọi sự học ban đầu của cô đều chỉ hướng tới mục tiêu để trở thành một nhà nghiên cứu học thuật thuần túy, nghĩa là tìm tòi, phát hiện ra loài mới và viết báo cáo để đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Nhưng bước ngoặt là khi đang theo học ở Cambridge, Trang Nguyễn 22 tuổi phát hiện mình bị ung thư đường ruột, một căn bệnh thường gặp ở những người lớn tuổi. Cô kể rằng thời điểm đó liên tục bị ngất mặc dù bình thường bạn bè vẫn gọi cô là Trang “voi” vì vốn có sức khỏe rất tốt. Ngày hôm đó sương mù phủ dày đặc hơn bình thường, cô dậy sớm mua một chiếc sandwich để dành sau khi tới bệnh viện nghe kết quả sẽ ăn cho kịp tới trường học ngay.
Khi bác sĩ kết luận bị mắc ung thư, mặc dù choáng váng, Trang Nguyễn vẫn đi học như bình thường. Nhưng chỉ nghe được nửa bài giảng của thầy, cô đã bắt đầu khóc nức nở, khóc đến nỗi bạn học của cô tưởng rằng cô mới bị người yêu bỏ. Rất may là nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của bệnh viện và nhà trường, Trang Nguyễn đã được mổ ngay tuần kế tiếp.
Thời gian nằm trong viện chờ hồi phục, cô nghĩ nhiều về những gì mình đã và đang làm. Công trình nghiên cứu để làm gì? Bài đăng trên các tạp chí danh tiếng để làm gì? Nếu như không làm được một việc gì đó thật sự có ý nghĩa thực tiễn cho ngành mình đang theo đuổi. Thời điểm đó cũng là lúc việc săn bắn và sử dụng sừng tê giác đang rộ lên rất mạnh mẽ.
Khi được biết Trang Nguyễn học về bảo tồn động vật hoang dã, bác sĩ điều trị cho cô đã nói, bảo vệ tê giác rất quan trọng, nhưng nâng cao nhận thức cho những bệnh nhân ung thư về sự vô ích trong việc sử dụng sừng tê giác để điều trị bệnh cũng quan trọng không kém. Thay vì mất thời gian cho việc săn lùng sừng tê giác để mong khỏi bệnh thì phát hiện bệnh sớm và điều trị dứt điểm sẽ mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều.
Chính căn bệnh ung thư và những chú tê giác hoang dã đã khiến Trang Nguyễn đi đến quyết định: “Đằng nào chẳng phải chết. Sao mình không liều đi…”. Và chỉ 1 năm sau ca mổ ung thư đường ruột, cô chính thức tham gia điều tra ngầm cùng cảnh sát các nước để phanh phui những đường dây săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép. Nơi khởi đầu cho hành trình mới mẻ ấy là đất nước Campuchia.
“Cô gái rừng xanh”
Lấy cảm ứng từ bộ phim hoạt hình “Cậu bé rừng xanh” của Walt Disney, tôi gọi Trang Nguyễn như thế. Bởi không có lí do gì mà một cô gái Hà Nội có phần mong manh trong dáng hình lại có những màn hóa thân rất ngọt, trở thành cộng sự đắc lực cho cảnh sát các quốc gia trong việc điều tra những kẻ săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép, nếu như tâm hồn cô ấy không thuộc về rừng đại ngàn xanh thẳm.
Có lần cô hóa trang thành một “phú bà” Á châu, không tiếc lời thóa mạ làm nhục đối tượng điều tra nhằm củng cố lòng tin nơi chúng, ép chúng nhanh chóng trưng “hàng” để cảnh sát vây bắt. Lại có lần cô ngồi trên xe ô tô đến nơi “giao dịch” cùng bọn tội phạm được trang bị đầy đủ súng đạn. Khi đó, chiếc máy camera ẩn nhỏ xíu trên cổ áo bất ngờ loé sáng vì hết pin, ngay lập tức cô lấy mái tóc dài che chắn lại kịp thời. Tôi thật không dám nghĩ tiếp chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng biết được cô là người của cảnh sát cài vào.
Có lẽ Trang Nguyễn cũng đã lường trước tất thảy mọi nguy cơ sẽ đến với mình khi lựa chọn bước chân vào những cuộc phiêu lưu mạo hiểm như vậy. Nhưng như đã nói ở những phần trước, ánh mắt tròn xoe đong đầy ám ảnh của những con thú, sự hữu hạn trong quỹ thời gian sống của chính bản thân mình, và khát khao được cống hiến sự tồn tại của mình cho cho cuộc đời đã thôi thúc sự liều lĩnh trong cô. Liều và lì. Táo bạo và dấn thân. Đó là những phẩm chất cơ bản của một người muốn bước chân vào lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã. Vì tiêu diệt được một nhóm tội phạm săn bắt, buôn bán động vật, đồng nghĩa với việc những loài thú hoang dã sẽ bớt được đi một mối hiểm họa đe dọa sự sống.
Trong đôi mắt cô gái ấy ánh lên sự giận dữ khi nói về những gã thợ săn động vật hoang dã mới nổ súng về phía đoàn nghiên cứu của cô ở một cánh rừng nguyên sinh phong phú bậc nhất Việt Nam. Đôi mắt cô gái ấy ánh lên sự kiên định khi bảo vệ và bênh vực cho quyền lợi của những chiến sĩ kiểm lâm trong công cuộc chiến đấu với lâm tặc.
Đôi mắt cô gái ấy ánh lên sự nhiệt huyết khi chia sẻ về dự án mới nhất của mình về nạn quấy rối tình dục ở nữ giới khi tham gia công tác bảo tồn. Tất cả thế giới quan của cô đều nằm trọn trong những cành cây tán lá um tùm nơi rừng già vĩ đại. Vậy nên Trang Nguyễn chỉ cười hì hì khi kể về đời sống cá nhân với câu chuyện tình yêu dở khóc dở cười của mình. Rằng khi vào rừng vẫn có người yêu, 1 tháng sau bước ra khỏi bìa rừng thì anh người yêu kia đã có người yêu mới.
“…Những điều suy nghĩ đúng đắn bao giờ cũng có những vang âm, khơi gợi bao điều suy nghĩ khác trong óc người khác…”. Hơn 50 năm trước, người nghệ sĩ già trong tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Thành Long đã có những rung động đặc biệt về vang âm đẹp đẽ trong tâm hồn con người – “chất vàng mười” của núi rừng Tây Bắc. Ở thời đại nào, dầu trong bối cảnh chiến tranh hay hòa bình, thì sự vang âm, nguồn năng lượng tích cực đến từ những con người sống đẹp, sống có ích như thế cũng cần phải được kéo dài nốt ngân. Để vẻ đẹp khiêm nhường của họ, sự cống hiến, đóng góp hết mình của họ sẽ truyền cảm hứng tới cho mọi người và cho xã hội.