Nhà báo, tác giả Jochen Dieckmann: "Tôi sẽ trở lại Việt Nam và mang theo ôtô cứu hỏa..."

Thứ Bảy, 21/05/2022, 09:16

Những ngày cuối tháng 4-2022, nhà báo, tác giả người Đức Jochen Dieckmann lần đầu tiên đặt chân tới Việt Nam. Tối 28-4, trong một không gian ấm áp tại Hà Nội, ông đã có buổi giao lưu ấn tượng với độc giả Việt Nam nhân dịp cuốn sách "Nước Đức từ Z về A" của ông được dịch giả Lê Quang chuyển ngữ và xuất bản tại Việt Nam.

Hơn cả một cuốn sách, những chi tiết thú vị về cuộc đời ông lần đầu được bật mí trong phần trả lời phỏng vấn độc giả - những người Việt yêu mến nước Đức và nền văn hóa Đức.

- Độc giả: Tôi biết đến Jochen Dieckmann - một nhà báo, người dẫn chương trình truyền thanh, chánh văn phòng một nghị sĩ Đức, nhà hoạt động chính trị, tác giả viết sách. Nhưng tôi cũng biết ông còn là một người lái xe tải đường dài có thâm niên. Thật khó có thể hình dung ở ông lại có hai thái cực dường như chẳng liên quan đến nhau…

- Nhà báo, tác giả Jochen Dieckmann: Bạn có tin rằng có lúc cuộc sống của tôi rất khó khăn, tôi từng thất nghiệp và phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội. Tôi đã trải qua nhiều công việc khác nhau, nhưng nghề lái xe tải là nghề duy trì lâu dài, song song với những công việc khác. Có lúc tôi mặc vest, đeo cà vạt lịch sự vào làm việc trong văn phòng của thượng nghị sĩ thuộc nhà quốc hội mấy năm liền. Nhưng khi nghỉ công việc đó, tôi lại quay về lái xe tải.

Người Đức có câu nói đại ý rằng, không phải sức khoẻ cơ bắp là quan trọng, mà sức khoẻ trong đầu mới quan trọng. Còn cánh lái xe tải chúng tôi thường nói, không chỉ cần có sức khoẻ ở tay trái mà còn cần có sức khoẻ ở… tay phải (cười). Sở dĩ tôi hay phải nhảy cóc trong công việc bởi cuộc đời tôi cho đến tận thời điểm này luôn thiếu một tờ giấy rất quan trọng, đó là tấm bằng tốt nghiệp đại học.

Nhà báo, tác giả Jochen Dieckmann:
Nhà báo, tác giả Jochen Dieckmann.

- Một trở ngại nào đó khiến ông không thể lấy được bằng đại học sao?

- Tôi là con của một cặp vợ chồng đã li dị nhau. Khi tôi vào học đại học, thường xuyên xảy ra những cuộc cãi vã giữa hai bố mẹ và chỉ xoay quanh một chủ đề: Ai là người chi tiền cho tôi đi học. Và có lúc cả hai người cùng không chịu bỏ tiền cho việc học của tôi. Chính vì thế mà tôi bỏ học. Ở Đức, nếu không có bằng đại học thì rất khó xin việc. Rất nhiều công việc tôi muốn làm và có thể làm được nhưng tôi lại không có cơ hội chỉ vì không có bằng.

Tất nhiên có những việc thú vị và quan trọng mà tôi được làm. Đấy có thể là do tôi may mắn, có thể do tôi quen biết với nhiều người, họ biết tôi làm được công việc đó và giúp đỡ tôi. Ví dụ tôi đã từng làm trong Bộ Văn hóa của một bang trong hai năm, hoặc tôi làm ở đài phát thanh khá lâu. Nhưng dù làm ở đâu thì tôi cũng không bao giờ có được hợp đồng dài hạn. Sau một thời gian là tôi hết việc và phải chuyển việc khác. Nhiều lúc tôi buồn và thất vọng cho số phận của mình. Nhưng ở tuổi này nhìn lại, tôi nghiệm ra rằng chính vì nhảy cóc trong công việc mà tôi có điều kiện được chu du thế giới và có những trải nghiệm vô cùng thú vị. Nếu như không được làm những công việc ấy thì có lẽ cuộc đời tôi còn tệ hơn nhiều. Và tôi bằng lòng với cuộc sống của tôi.

- Ông bắt đầu ngồi sau vô lăng xe tải từ khi nào? Tôi tò mò về những chuyến lái xe tải đường dài của ông?

- Từ năm 1980, khi 21 tuổi tôi bắt đầu lái xe tải đường dài. Kể từ đó đến nay đã hơn 40 năm, tôi chưa bao giờ rời vô lăng. Đích đến của tôi là những nước mà nhiều người phải bỏ tiền đi đến đó để tham quan, nghỉ dưỡng. Tôi không giống họ, tôi đi là để kiếm tiền. Danh sách những nước tôi đã đi qua, kể ra cũng dài đấy. Đó là những nước xung quanh Địa Trung Hải, trừ Phần Lan, Belarus và một phần nhỏ của vùng Baltic. Tôi sang tận Bắc Phi, đến Morocco và một số nước khác. Tôi cũng hay sang Hoa Kỳ vì tôi có họ hàng ở đó.

Kinh nghiệm của tôi khi lái xe tải đường dài là đừng bao giờ tự hỏi công việc này có ý nghĩa gì, bởi sự băn khoăn đó rất có thể sẽ khiến bạn bị trầm cảm. Cho đến giờ tôi vẫn chưa thể lí giải được ý nghĩa của nhiều chuyến đi mà tôi từng trải qua. Chẳng hạn có lần tôi chở sữa chua đựng trong một chiếc bồn lớn từ Đức sang Italia. Đến nơi, số sữa chua đó được chiết ra những lọ con con, đóng gói lại, và tôi có nhiệm vụ chở về Đức. Hoặc có chuyến tôi chở bơ của Italia sang Đức. Về đến Đức, tôi lại thấy có những chiếc xe tải chở bơ của Đức theo chiều ngược lại sang Italia.

Hoặc có khi tôi nhận chở một xe tải đầy quần áo từ một khách sạn sáu sao ở thủ đô Berlin sang Ba Lan để giặt và lại chở về, vì ở Ba Lan nhân công rẻ. Lại có những chuyến tôi lái xe từ Đức chở đầy khoai tây vừa thu hoạch dính đầy đất cát vượt đèo sang Italia để… rửa sạch và lại chở về.

Nói thế để bạn thấy rằng, trong cuộc đời lái xe tải tôi đã chở nhiều mặt hàng. Nhiều chuyến tôi đi vì tò mò về một vùng đất lạ. Lần đó tôi đi xe không từ Đức sang tận thành phố Istanbun của Thổ Nhĩ Kỳ để chở áo dạ. Sau đó tôi nhận lời chở số hàng đó sang Ireland vì tôi chưa đi đến đó bao giờ. Nhưng khi đến nơi, họ nhận áo dạ, sau đó chất đầy áo len lên xe và tôi phải lập tức quay về, nào có được ngắm nhìn đất nước Ireland chút nào đâu.

Nhưng đó là công việc của tôi, và những chuyến đi đó đều cho tôi những trải nghiệm quý giá. Tôi càng nhận ra rằng muốn biết rõ quê hương mình thì phải đi thật nhiều, thật xa để có sự so sánh với những nước khác. Mà tôi thích tự lái xe đến những chỗ đó thay vì đi bằng phương tiện công cộng. Những chuyến đi hầu như chỉ có một mình tôi.

Nhà báo, tác giả Jochen Dieckmann:
Jochen Dieckmann đã có hơn 40 năm lái xe tải đường dài.

- Trên những dặm dài đó, có lúc nào ông thấy cô đơn?

-  Một mình sau vô lăng lướt trên những con đường vạn dặm, tôi đã quen và thấy thích thú với điều đó. Năm 2019, tôi sắm một chiếc xe cắm trại đã qua sử dụng 28 năm. Tài chính của tôi lúc đó không cho phép tôi mua chiếc xe mới hơn. Tôi lái xe từ Đức qua Ukraine, Georgia, Azerbaijan, Kazachstan, Uzbekistan, Trung Quốc, Lào, Campuchia và dừng lại ở biên giới Việt Nam. Tôi đã tặng lại chiếc xe đó cho một tổ chức thiện nguyện cứu trợ người nghèo ở Phnom Penh. Hành trình đó được tôi biên lại trong tác phẩm "Viễn Đông trên làn đường vượt" - Chuyến phiêu lưu trên con đường tơ lụa mới. Tôi rất muốn lần tới tôi sẽ mua một chiếc ôtô cứu hỏa và đi được sang Việt Nam, lúc đó tôi sẽ tặng chiếc xe đó cho các bạn.

Khi tôi đi qua mỗi vùng đất, những trải nghiệm về sự khác biệt văn hóa vô cùng thú vị. Và đó sẽ là tư liệu quý giá để tôi viết sách.

- Cuốn sách "Nước Đức từ Z về A" ông viết trong thời gian bao lâu?

- Nếu tính thời gian gõ máy tính thì tôi chỉ mất khoảng 6 tuần. Nhưng trước đó tôi đã phải dành thời gian điều tra, thu thập tài liệu, viết nháp, biên tập, chỉnh sửa, hiệu đính, cũng phải đến nửa năm.

- Tại sao ông lại chọn cách viết theo mục từ?

- Thời nay, con người vội lắm, bận lắm, sẽ không có thời gian để đọc một cuốn sách viết dài. Vì vậy, tôi chia các nội dung theo 26 chữ cái từ A đến Z để giúp độc giả nắm bắt nhanh hơn.

- Đọc "Nước Đức từ Z về A" do dịch giả Lê Quang chuyển ngữ, tôi cảm nhận được tính hài hước, sự quan sát hóm hỉnh của một người Đức ưa xê dịch, có trải nghiệm sâu sắc về đất nước mình. Những mục từ về chữ Y vô dụng, về quốc ca, hay chuyện dậy sớm dậy muộn… như một câu chuyện văn hóa với lối viết nhẹ nhàng, dí dỏm khiến độc giả có thể bật cười khi đọc sách. Điều này có vẻ không đúng với nét tính cách nghiêm nghị của người Đức?

- Tôi chỉ có thể nói rằng tôi là người không mang nét đặc trưng cho người Đức.

- Trong cuốn sách, ông còn đề cập đến những góc tối của nước Đức qua những mục từ giàu thông tin, xen lẫn sự phê phán, phản biện…

- Tôi cho rằng điều đó hết sức bình thường. Cá nhân tôi thấy một bộ phận người Đức kém thân thiện, hay nhận hối lộ, hoặc hay càm ràm về xã hội, dân tộc mình. Tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện tiếu lâm ở nước tôi: Một người Đức được tặng một chiếc xe ôtô mui trần rất đẹp. Thay vì vui mừng, anh ta lại hỏi rằng, thế nhỡ trời mưa thì sao (?!). Người Đức chúng tôi rất coi trọng sự đúng giờ. Nhưng có một điều mà người Đức không bao giờ đúng giờ, đó là khi đi liên hoan họ thường đi muộn hơn nhiều hơn so với thời gian ấn định.

- Lần đầu đặt chân tới Việt Nam, ông thấy thế nào?

- Khi còn trẻ tôi luôn ước ao một ngày nào đó được đi một chuyến thật dài bằng ôtô, từ Đức xuống Trung Quốc và sang Việt Nam. Năm 2019 tôi đã thực hiện được ước mơ đó, nhưng rất tiếc là đến Campuchia tôi mới biết là đất nước các bạn không cho mang ôtô riêng qua biên giới. Tôi đã lỡ cơ hội đến Việt Nam khi chỉ còn cách đất nước của các bạn vài bước chân. Tôi đành phải dừng lại ở Phnom Penh, kết thúc chuyến ngao du kéo dài 6 tháng và trải dài trên 28 nghìn cây số.

Lần này tôi đã sang được Việt Nam. Và không ngờ, đất nước của các bạn thú vị đến mức tôi dự định tới tháng 9, tháng 10 năm nay sẽ quay trở lại và ở đây lâu dài.

- Thật tuyệt vời, tôi mong chờ điều đó. Cảm ơn ông rất nhiều!

Huyền Châm (lược ghi)
.
.