Nguyễn Xuân Khánh và câu chuyện của một thế hệ
Không chỉ có cuộc đời trải dài qua nhiều thời đoạn đầy biến động, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (1933-2021) còn có một hành trạng văn chương nhìn chung kịch tính, và đặc biệt, có một sự quan sát, tham dự, cùng hội cùng thuyền với một thế hệ văn sĩ, trí thức nhiều thăng trầm.
Câu chuyện của họ, dù chưa được phơi mở đầy đủ nhất, nhưng cũng phần nào tạo nên tư liệu đủ hấp dẫn để các nhà nghiên cứu quan sát kĩ lưỡng hơn bối cảnh hình thành, phát triển văn chương, văn hóa Việt Nam từ nửa sau thế kỉ XX.
1. Dù chứa đầy hồi ức, hồi cố nhưng Tiếng người trong văn (2021), cuốn sách được ấn hành sau khi Nguyễn Xuân Khánh qua đời lại không phải là hồi kí. Nó tập hợp nhiều bài viết, thường dưới dạng tùy bút và tiểu luận, ở nhiều thời điểm khác nhau. Điều này khiến những câu chuyện cá nhân và những gì thuộc về bạn bè, đời sống xã hội được Nguyễn Xuân Khánh cân nhắc, gia giảm liều lượng để giúp người đọc phần nào hình dung bức tranh nhân tâm, thế sự của quá khứ chưa hẳn đã quá xa xưa.
Tự nhận là người ngại đám đông, ồn ào và không dễ dàng bắt chuyện với xung quanh, Nguyễn Xuân Khánh chỉ có thể nhớ lại, viết sâu về dăm ba bạn văn mà ông có gắn bó nhất. Ông dường như chủ ý giữ sự kiệm lời, kiệm thông tin về đời tư cá nhân của mình. Ông lại giữ cự li nhất định khi đánh giá, nhìn nhận những sự kiện mà bản thân chắc chắn từng biết đến như Nhân văn-Giai phẩm, "Xét lại",...
Ông cũng giữ thái độ điềm nhiên, bình tâm khi nhắc đến những phiền hà, hệ lụy mà ông từng trải qua vào thời điểm viết hai cuốn tiểu thuyết gây ồn ào nhất của mình là “Miền hoang tưởng” và “Chuyện ngõ nghèo”. Nghĩa là, cho dù được phép nhớ lại bao nhọc nhằn vất vả, bộc bạch những sự thật liên quan đến hoạn nạn của bạn bè, Nguyễn Xuân Khánh vẫn không cố tình gây hú vía, thót tim độc giả hôm nay.
Trước sau, cuốn sách đều có giọng nhẹ nhàng, thủ thỉ, hóm hỉnh kể chuyện của một người từng trải, thấm thía nhân tình thế thái, của một trí thức biết rõ phận sự suy ngẫm, nhẫn nại và kiên tâm trước những thử thách cuộc đời khắc nghiệt. Tính chất nhẹ nhàng, thư thái kể chuyện làm nên sức cuốn hút của cuốn sách và theo tôi, cũng cho phép nhà văn thuận tiện hơn khi sắp xếp, tái dựng các chi tiết nhỏ, thậm chí vụn vặt, nhưng rất sinh động, chân thực, cụ thể. Tiếp nhập những chi tiết này, tôi nghĩ, mới khiến chúng ta hiểu rõ và trân quí cung cách sống, sáng tạo của thế hệ văn nhân tài năng mà nhiều phen lao đao, lận đận.
Quê cha làng Cổ Nhuế, quê mẹ làng Thanh Nhàn, Nguyễn Xuân Khánh từ tấm bé đã thân thuộc những không gian và nét sinh hoạt của vùng nửa quê nửa thành Hà Nội. Lên sáu tuổi, sau khi cha mất, Nguyễn Xuân Khánh cùng mẹ về ở hẳn Thanh Nhàn, tuy thuộc nội thành, nhưng lại là "một cái làng trồng rau muống, trồng hoa sen, trồng ổi và thả cá". Bản thân Nguyễn Xuân Khánh, cùng mẹ già, vợ và bốn người con sống trong căn nhà lá, xây bằng đất "nhỏ bé xinh xinh", phải liên tục mở rộng, sửa chữa.
Hình ảnh ngôi nhà của ông, có thể nói, điển hình cho đời sống trí thức nghèo Hà Nội thời chiến, vừa chắt chiu đồng cam cộng khổ, vừa loay hoay cải thiện kế sinh nhai. "Bây giờ nghĩ lại mái nhà của tôi thấy nó thật trứ danh - Nguyễn Xuân Khánh viết. Nó là thứ hổ lốn. Vài viên fibrô xi măng. Một mảnh giấy dầu. Trên nóc nhà là những gianh nứa. Rồi cuối cùng là hai tấm tôn nhựa đường. Tôn xi măng và tôn nhựa đường thì lợp vào chỗ giường nằm, để chống dột". Chính tại căn nhà "trứ danh" này, Nguyễn Xuân Khánh tăng gia nuôi lợn như bao gia đình Hà Nội khác vào thập niên 1970, 1980.
Nuôi lợn, theo hồi ức Nguyễn Xuân Khánh, đã trở thành phong trào lúc đó, "phong trào tự cứu lấy mình", đến mức "cả xã hội lên một cơn lên đồng, một cơn điên về nuôi lợn". Nhà văn của chúng ta "nuôi lợn hơn một chục năm liền. Cũng dậy sớm từ hai, ba giờ sáng đạp xe đạp sang tận chợ Sọ, chợ Chi Đông, chợ tỉnh Phúc Yên, chợ Hương Canh để mua con giống. Cũng nuôi bèo, thả rau muống, lặn lội bờ ao để có rau cho lợn ăn". Thực tế bi hài và phong phú ấy khiến ông không ngừng suy nghĩ, nung nấu viết một cuốn tiểu thuyết về nuôi lợn.
Ông cho biết thêm: "Ngồi một mình trên cái gác xép ọp ẹp, bên ngọn đèn dầu mù mờ, tôi cặm cụi viết, tha hồ thả trí tưởng tượng, đồng hành cùng những con lợn ỉn, lợn bò, có lúc phiêu lãng vào xứ sở huyền thoại, có lúc lạc vào những bãi chết mà có lúc tôi đã thấy. Thực thực, hư hư tôi trườn vào những giấc mơ lổn nhổn nào lợn, nào đồ tể". Cuốn tiểu thuyết có thể nói là đầy táo bạo, gai góc về "người", "lợn" ấy của Nguyễn Xuân Khánh, rút cuộc, không xuôi chèo mát mái như ông mong muốn. Phải gần 35 năm sau khi hoàn thành, Trư cuồng (cách đặt tên chơi chữ từ thuật ngữ "porcinomanie"), mới được xuất bản chính thức dưới tên gọi “Chuyện ngõ nghèo” (2016).
2.Nguyễn Xuân Khánh nuôi lợn, còn bạn thân của ông, nhà thơ Trần Dần thì nuôi ong. Căn buồng của vị thi sĩ nổi tiếng "lúc thì là một công xưởng cưa bào đóng thùng ong, lúc thì là một phòng thí nghiệm theo dõi sự chung sống hòa bình của hai đàn ong".
Công cuộc nuôi ong mưu sinh gian nan không kém nuôi lợn. Nuôi ong thì cần có mật hoa nhưng Hà Nội lại không có nhiều vườn hoa. Thành thử, vào mùa đông, Trần Dần phải cho ong hút nước đường. "Hai tổ ong - Trần Dần kể với Nguyễn Xuân Khánh, mèng ra mỗi tháng cũng phải chi ra một cân đường. Thế là phải bóp mồm bóp miệng cả nhà lại. Trẻ con cũng không được ăn đường". Trần Dần đành bỏ việc nuôi ong như bỏ một giấc mộng kiếm thêm miếng cơm trong thời buổi khó khăn bủa vây mọi người.
Hà Nội từ sau 1954, theo Nguyễn Xuân Khánh, là một thành phố đậm chất nông dân. Những người nông dân, từ ngoại thành và các tỉnh lân cận đổ về, sống xen vào các khu phố, và họ "đã đem lại cho Hà Nội, tiêm vào dòng máu Hà Nội một sức sống mới, đó là sức chịu đựng dẻo dai, đó là sự chất phác hồn hậu, đồng thời cũng làm Hà Nội trở nên xô bồ, hỗn độn". Bản thân những người như Nguyễn Xuân Khánh, thật ra, cũng phải tự rèn cho mình sức chịu đựng, chấp nhận những giới hạn vật chất thì mới bình tâm cầm bút được.
Chính trong điều kiện ngặt nghèo sinh kế đó, Trần Dần, Nguyễn Xuân Khánh, Dương Tường, Châu Diên vẫn duy trì viết, đọc và tìm cách biểu đạt giá trị mình thông qua trang viết, thậm chí, thông qua những mơ mộng về "chân trời có người bay". Riêng Nguyễn Xuân Khánh, ông không ngừng nghiền ngẫm các khía cạnh chiều sâu văn hóa, lịch sử và tính cách dân tộc để, từ năm 2000, trở thành cây bút thành công bậc nhất với các trường thiên tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” (2000), “Mẫu thượng ngàn” (2005), “Đội gạo lên chùa” (2011).
Thế hệ nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, những người sinh đầu thập niên 1930, là thế hệ chịu nhiều biến cố lịch sử, xã hội. Hết kháng Pháp lại chống Mỹ, "liên miên sống trong không khí chiến tranh". Nhưng đây là thế hệ vượt trội và vượt thoát rất nhiều giới hạn về tri thức, kiến văn nhờ nỗ lực tự học. Đó cũng là thế hệ gần như cuối cùng trước 1954 có tiếp xúc văn chương, văn hóa Pháp trong hệ thống giáo dục Pháp thuộc địa. Chính ông khi viết về người bạn thân Dương Tường đã khái quát: "thế hệ chúng tôi là thế hệ học sinh của Hà Nội, tuy chưa được học nhiều, nhưng từ nhỏ đã được giáo dục theo tinh thần văn hóa phương Tây".
Một hành trang thiên về giao thoa văn hóa, tuy chịu nhiều dở dang, song vẫn là vốn quí của thế hệ này, giúp họ luôn cởi mở, hào hứng và quyết liệt lựa chọn cái mới. Theo Nguyễn Xuân Khánh, "tinh thần trân trọng cái mới, đón chào cái mới vào đầu những năm 40 ấy xuất hiện trong đám thanh niên chúng tôi rất mạnh. Và nó đi theo chúng tôi mãi cho tới sau này".
3.Nhờ tinh thần này, cùng sự tự học không ngừng, những Trần Dần (1926-1997), Dương Tường (sinh năm 1932), Châu Diên (1932-2019), Nguyễn Xuân Khánh đều không bị nhấn chìm, hòa lẫn trong bối cảnh văn nghệ, văn hóa bình dân, bình quân chủ nghĩa đang nổi lên lúc bấy giờ. Hơn nữa, ngay cả khi gặp bí bách, túng thiếu, họ vẫn có thể mưu sinh và làm giàu tri thức bằng một công việc thoạt tiên chỉ là thời vụ: dịch sách, dịch tài liệu ngoại văn.
Vốn tiếng Pháp, tiếng Anh chắc chắn đã giúp họ dịch "đủ mọi lĩnh vực", từ triết học, xã hội học, đến tâm lí học của nhiều tên tuổi hãy còn xa lạ với số đông miền Bắc lúc bấy giờ như Durkheim, Bachelard, Freud, Jung... Tính chất công việc khai mở kiến thức này, có thể nói, định hình sự khác biệt của thế hệ Nguyễn Xuân Khánh: luôn hướng đến sự đổi mới, khao khát cách tân và thể hiện mình như những "người bay có chân trời".
Không có con đường độc đạo vùi mình vào sách vở, không có những khó khăn đẩy họ vào sự tĩnh lặng tuyệt đối của văn hóa phương Tây, hẳn họ sẽ không trở thành những cá tính lớn trong nghệ thuật lẫn đời sống. Đứng trong, thuộc về, và sống cùng một thế hệ như vậy, có lẽ, cũng là phước hạnh đời người.
Sự ra đi, dần vơi bóng dáng của thế hệ này, đặt trong sự nổi lên chưa thể nói là rực rỡ của lớp văn nhân ở thì hôm nay, tôi nghĩ, nhiều người sẽ có cảm giác tiếc nuối. Vắng họ, xét đến cùng, là vắng những gì bay bổng, lãng mạn bậc nhất trong hành trình kiến tạo văn chương, văn hóa. Vắng họ cũng là vắng một tâm thế sống bản lĩnh, kiên định và sáng giá.