Người đam mê “chụp trộm”… điều giản dị
Khi chưa bùng nổ các loại hình báo chí và các hình thức truyền thông mới thì lĩnh vực nhiếp ảnh nói chung, ảnh báo chí nói riêng rất được trọng vọng. Hồi ấy, nói đến hình mẫu một nhà báo là hình ảnh một người sang trọng, mặc áo ký giả, tay cầm cây bút, cuốn sổ, vai đeo chiếc máy ảnh….
Cũng vì thế mà tôi ấn tượng với nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến ngay từ lần gặp đầu tiên cách đây 30 năm với những thứ thời trang lỉnh kỉnh, “sang chảnh” như vậy…
Một nhà báo, nghệ sĩ tâm huyết với ảnh báo chí
Tôi biết nhà báo Vũ Huyến cách đây 30 năm, lúc đó ông đã có tên tuổi trong làng báo và giới nhiếp ảnh Việt Nam. Thời điểm đó, chuyên ngành Ảnh của Khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) thường mời ông thỉnh giảng. Thi thoảng nghe ông tham luận ở một số diễn đàn về nhiếp ảnh, thấy ông rất tâm huyết với nghề, nhất là đối với ảnh báo chí.
Sau này, gặp ông ở nhiều diễn đàn nghiệp vụ ảnh báo chí, cũng như các cuộc triểm lãm, chấm giải ảnh báo chí. Khi ông dùng mạng xã hội Facebook, tôi lại càng có điều kiện để dõi theo ông hằng ngày...
Một lần, thấy ông “khoe” trên Facebook cá nhân bức ảnh chụp chân dung một chiến sĩ cảnh sát cơ động với gương mặt rắn rỏi, nụ cười thân thiện trong khi làm nhiệm vụ. Tôi nhắn tin “xin” ông bức ảnh, dự định đăng trang bìa của một tờ tạp chí trong ngành. Ông đồng ý và gửi cho bản gốc bức ảnh có độ phân giải lớn. Tiếc là lúc đó Ban biên tập chưa dùng. Tôi cứ áy náy mãi về lời hứa không thành của mình...
Cuối năm 2023, tôi gặp lại nhà báo Vũ Huyến trong buổi bảo vệ luận án tiến sĩ ngành Báo chí học. Nghiên cứu sinh thực hiện luận án do tôi hướng dẫn độc lập. Tác giả luận án đang làm Thư ký tòa soạn của một tạp chí đã chọn nghiên cứu đề tài về ảnh báo chí. Nhà báo Vũ Huyến là một trong những người được nghiên cứu sinh phỏng vấn sâu về các nội dung liên quan đến nhiếp ảnh và ảnh báo chí để viết luận án. Do vậy, nghiên cứu sinh đã mời ông đến dự. Vừa gặp, ông đã nói: “Nghiên cứu học thuật về ảnh báo chí còn ít lắm ông ạ. Tớ rất thích đề tài luận án này và mong có nhiều người quan tâm, nghiên cứu hơn nữa”.
Nhà báo Vũ Huyến hiện là thành viên Ban Lý luận phê bình, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Có lần cùng ông dự buổi nghe trao đổi thành viên giám tuyển Cuộc thi Ảnh báo chí thế giới của tổ chức Ảnh báo chí thế giới (Word Press Photo - WPP), thấy ông chăm chú và có những ý kiến xác đáng. Trong thời đại bùng nổ, toàn cầu hóa thông tin, truyền thông thị giác rất được công chúng quan tâm.
Nhà báo Vũ Huyến cho rằng, việc nâng cao chất lượng ảnh báo chí phải bắt đầu từ các nhà trường đào tạo báo chí - truyền thông. Các giảng viên phải thực sự đam mê nghiên cứu, đưa ra một hệ lý thuyết chuẩn về ảnh báo chí, đồng thời các giảng viên cũng phải “thực chiến” để rèn luyện tay nghề. Nghề làm báo bằng ảnh, đặc biệt là dạy nghề không chỉ nói bằng lời mà phải có minh chứng từ những tác phẩm cụ thể. Đam mê, yêu thích và chịu khó hòa mình vào đời sống thì mới có lý luận và tác phẩm ảnh báo chí đích thực.
Người trân quý những điều giản dị
Cách đây ít lâu, nhà báo Vũ Huyến gọi điện cho tôi, hẹn: “Sáng mai, đúng 10 giờ tớ vào chỗ cậu. Tớ tặng cậu cuốn sách mới xuất bản”.
Tặng tôi cuốn sách ảnh in rất đẹp, có tựa là “Điều giản dị” do Nhà xuất bản Thông tấn xuất bản năm 2024, nhà báo Vũ Huyến nói vui: “Tớ là “kẻ cắp” cái đẹp. Đi đâu, thấy gì hay hay là tớ “chụp trộm” liền. Nhiều khoảng khắc ảnh từ cuộc sống bình dị hay ra phết đấy nhé”.
Trong cuốn sách ảnh “Điều giản dị”, nhà báo Vũ Huyến khiến người xem ngạc nhiên với những khoảnh khắc ông chụp chân dung chính trị gia, nhà trí thức, văn nghệ sĩ… rất tự nhiên. Nhà báo Vũ Huyến khoái chí “khoe”, đây chính là những khoảnh khắc “chụp trộm” trong mỗi lần được gặp các nhân vật của ảnh. 149 bức chân dung với những trạng thái biểu cảm khác nhau cho thấy tác giả ảnh phải là người rất trân quý các nhân vật mới nâng máy lên để bấm. Trong sách, nhà báo Vũ Huyến viết: “Nghề báo cho tôi được gặp nhiều nhà hoạt động chính trị, xã hội và ngoại giao, văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà nghiên cứu… Tôi học được ở họ kinh nghiệm sống quý giá, phương pháp sáng tạo, lối nói, cách nghĩ và kỹ năng giao tiếp…”.
Nhà báo Vũ Huyến giới thiệu với tôi từng khoảnh khắc ảnh do ông “chụp trộm” được in trong sách. Ấn tượng nhất là bức ảnh ông chụp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một khoảnh khắc bình dị. Đó là buổi Tổng Bí thư đi dự họp lớp thời đại học. Nhà báo Vũ Huyến vốn là cựu sinh viên Khóa 8 (1963-1967), Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông là đồng môn cùng lớp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Khoảnh khắc ảnh ông “chụp trộm” cảnh Tổng Bí thư đến dự buổi họp lớp. Tổng Bí thư xách theo một chiếc túi bằng giấy, giản dị, bên trong đựng “quà” để góp vui cho buổi họp lớp. Nhà báo Vũ Huyến bảo: “Tổng Bí thư giản dị, gần gũi lắm. Ông đến dự họp lớp lần nào cũng nói mình chỉ là một thành viên trong lớp… Lần nào đến họp lớp, Tổng Bí thư cũng mang theo “chút quà quê” để góp vui với lớp và phần để dành tặng thầy giáo chủ nhiệm cũ. Tình cảm, gần gũi và giản dị lắm”.
Trong những nhân vật nhà báo Vũ Huyến chụp, có những người rất bình dị. Như bức ảnh chụp một người đàn ông người dân tộc Mông tên là Lý A Sán, người ở Phố Bản (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) đang hào hứng với một điệu khèn trước du khách. Hay ảnh một cặp vợ chồng người dân tộc Mường đang cần mẫn thả lờ bắt tôm trên lòng hồ sông Đà với dòng chú thích “Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”.
Hoặc bức ảnh với dòng chú thích “Nghệ thuật dành cho tất cả”, ông chụp khoảnh khắc một phụ nữ nông thôn ra Hà Thành làm nghề bán hàng rong. Người phụ nữ này đã dành chút thời gian trong bộn bề lo toan cơm áo để vào xem một triển lãm ảnh. Những khoảnh khắc ảnh ông chụp chiếc xe đạp - thứ phương tiện giao thông thô sơ nhất mà một thời nó là tài sản quý trong một gia đình Việt, làm nhiều người xem dễ xúc động nhắc nhớ một thời gian khó. Trong số những bức ảnh đó, ấn tượng nhất là cảnh đối lập, một người dân dùng chiếc xe đạp cũ kỹ chở một chiếc bánh ôtô rất to. Hoặc những khoảnh khắc ảnh ông chụp du khách nước ngoài với người dân Việt Nam, rất gần gũi với chú thích “con người cần có nhau”.
Tôi dừng lại ở bức ảnh ông chớp được khoảnh khắc người chiến sĩ cảnh sát cơ động. Ông say sưa kể về khoảnh khắc “chụp trộm” này. Ảnh chụp chiến sĩ cảnh sát cơ động Voòng A Sáng, công an tỉnh Lai Châu. Cái thần của ảnh toát lên sự gan dạ, dũng cảm của người chiến sĩ công an nhân dân, sẵn sàng “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi”, nhưng cũng rất đời thường, gần gũi được thể hiện qua nụ cười. Nói về cái hay, cái đẹp của khoảnh khắc ảnh này, tôi như trút được “món nợ” với ông khi mà cả chục năm trước tôi đã hứa đăng ảnh, nhưng bất thành vì lý do khách quan.
Các ảnh chân dung trong sách được nhà báo Vũ Huyến chụp những năm gần đây, trong đó có sự trợ giúp của máy ảnh kỹ thuật số và điện thoại thông minh. Ông áy náy về bộ ảnh “sưu tập” những người mà ông từng gần gũi và quý trọng còn chưa đầy đủ, bởi nhiều đồng nghiệp và bạn bè đã qua đời hoặc đang sống và làm việc ở xa, đã lâu không có dịp gặp lại. Nhưng tôi tin, số người mà ông trân quý, lọt vào ống kính máy ảnh của ông sẽ ngày một nhiều hơn.
Ông kể vui, hồi còn đang công tác, có lần đi nước ngoài, do mải mê đi săn cái đẹp, “tiện đường” ông… đi luôn sang một nước khác. Trong những ngày “xuất ngoại chui”, ông chụp được khá nhiều khoảnh khắc ảnh đời thường ấn tượng. Lần đó, về nước bị lãnh đạo cơ quan “kiểm thảo, rút kinh nghiệm sâu sắc”. Ông cười bảo, làm nghề ảnh phải máu mê đi và chụp và chấp nhận cả “hy sinh” vì nghệ thuật.
Đầu tháng 5/2024, nhà báo Vũ Huyến gọi điện, rủ tôi đi ra đảo Bạch Long Vĩ. Do bận, nên tôi đành từ chối. Ra đến đảo, ông nhắn tin bảo: “Thật tiếc là cậu không đi. Có nhiều thứ để “chụp trộm” lắm!”… Hóa ra, ông tiết lộ một chương trình được ấp ủ khá lâu. Ông quyên góp sách để tặng các chiến sĩ nơi biển đảo. Ông “khoe” là đã đi hầu khắp biển đảo Việt Nam để tác nghiệp. Với ông, đảo Bạch Long Vĩ thân quen như “ngôi nhà” của mình. Ông gắn bó với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở đảo tiền tiêu này từ những lần ra đây tác nghiệp. Lần này ra đảo lâu hơn. Ông làm một cuốn sách ảnh những điều giản dị về những người đang ngày đêm bám biển đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Năm nay, nhà báo Vũ Huyến đã bước sang tuổi 80, nhưng nhìn ông rất phong độ. Hằng ngày, ông vẫn say mê đạp xe để rèn sức khỏe và vẫn sẽ đam mê “chụp trộm” những khoảnh khắc giản dị từ cuộc sống. Ông vẫn giữ tác phong của một tay máy chuyên nghiệp với cách ăn vận “hầm hố”, quần bò, áo kaki, vai đeo túi, máy lỉnh kỉnh; vẫn đi và chụp. Bởi với ông đi để học.
Và ông vẫn say mê làm sách ảnh, công bố các bài viết về lý luận nhiếp ảnh - điều mà ít người trong nghề làm được như ông.