Ngô Nhật Khánh: Gương mặt qua tô vẽ của thời gian

Thứ Sáu, 17/09/2021, 10:42

Ngô Nhật Khánh là một nhân vật được ghi chép khá nhiều trong “Đại Việt sử ký toàn thư” (Toàn thư) và các bộ sử của Đại Việt. Tính quyền uy của bộ chính sử khiến cho hình ảnh đã bị bôi xóa của ông lan tỏa suốt nghìn năm sau. Nhật Khánh được liệt kê vào hàng 12 sứ quân nổi loạn, trở thành kẻ phản bội nhà Ngô.

Nhật Khánh được sử ghi là phò mã của nhà Đinh, người đã bỏ trốn sang Chiêm Thành, rồi đem quân giặc về đánh chiếm quê hương. Từ chính sử cho đến Wikipedia, Khánh hiện lên như một kẻ “phản quốc hại dân”, “cõng rắn cắn gà nhà”. Bạn đọc sẽ cho rằng tôi quá lời, khi cho rằng, những sử thực này đã bị tô vẽ, đã bị bôi xóa.

Nhưng, với tư cách một người làm nghiên cứu, giống như công việc của một thám tử, chúng ta phải dựa trên “hiện trường sử liệu” để giám định các chi tiết để xem sử liệu nào là đúng logic, sử liệu nào là đáng tin, sử liệu nào là hiện trường giả đã được dàn dựng. Với nguyên tắc “trọng chứng không trọng cung, trọng lý chứ không trọng lời khai”, ta sẽ cùng nhau khảo sát xem điều gì đã được dựng nên trong sử liệu của Toàn thư.

Vậy ta thử khảo sát xem “hiện trường sử liệu” đã được Toàn thư dàn dựng và tái xắp xếp như thế nào:

Sử liệu 1 tại kỷ nhà Ngô ghi: giai đoạn 965-967 “Ngô Nhật Khánh (xưng là Ngô Lãm Công) chiếm Đường Lâm (có sách chép là chiếm Giao Thủy” (Toàn thư T1, NXB Khoa học xã hội, H, 1998, tr. 208)

Sử liệu 2 tại kỷ nhà Đinh ghi: “Bấy giờ [965-967] 12 sứ quân đều tự xưng hùng trưởng, cát cứ đất đai. Ngô Xương Xí chiếm Bình Kiều, Ngô Nhật Khánh chiếm Đường Lâm,...” (Toàn thư, 1998, tr. 211)

Sử liệu 3: năm 979 kỷ nhà Đinh ghi: “Phò mã Ngô Nhật Khánh dẫn thuyền quân Chiêm Thành hơn nghìn chiếc vào cướp, muốn đánh thành Hoa Lư, theo hai cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang, qua một đêm, gặp gió bão nổi lên, thuyền đều lật đắm, Nhật Khánh cùng bọn người Chiêm đều chết đuối, chỉ có thuyền của vua Chiêm thoát trở về nước. Nhật Khánh là con cháu của Ngô Tiên chúa Quyền, trước xưng là An Vương, cùng 12 sứ quân mỗi người chiếm giữ một vùng. Tiên Hoàng dẹp yên, lấy mẹ Khánh làm hoàng hậu, lấy em gái Khánh làm vợ Nam Việt Vương Liễn, còn lo sinh biến, lại đem công chúa gả cho Khánh, ý muốn dập hết lòng oán vọng của hắn.

Nhật Khánh bề ngoài cười nói như không nhưng trong lòng vẫn bất bình, bèn đem cả vợ chạy sang Chiêm Thành, đến cửa biển Nam Giới rút đao ngắn xẻo má vợ kể tội rằng: "Cha mày lừa dối ức hiếp mẹ con ta, lẽ nào ta vì mày mà quên tội ác của cha mày hay sao? Cho mày trở về, ta đi đằng khác tìm kẻ có thể cứu ta". Nói xong bèn đi. Đến đây nghe tin Tiên Hoàng băng, Khánh dẫn người Chiêm vào cướp”. (Toàn thư, 1998, tr. 216)

Ngô Nhật Khánh: Gương mặt  qua tô vẽ của thời gian -0
Một hình dung về Đinh Bộ Lĩnh và 12 sứ quân nổi loạn. Nguồn: “Lược sử nước Việt bằng tranh”, NXB Kim Đồng, 2012

Đọc cả 3 sử liệu ta mới thấy có điều gì đó gợn gợn, có điều gì đó khuất lấp. Đọc sử nhiều khi cũng giống như đi xem kịch, ta chỉ nhìn thấy những sự kiện hiện ra trên sân khấu, mà không biết được những gì xảy ra sau cánh gà, những gì diễn ra trước, sau buổi diễn và bối cảnh rộng lớn hơn của lịch sử, văn hóa.

Hiện trường dàn dựng

Tôi cho rằng, những sử kiện vừa nêu trên là một hiện trường đã được dàn dựng và một hiện trường dàn dựng bao giờ cũng có cả cứ liệu giả và cứ liệu thật hoặc đôi khi đều là cứ liệu thật nhưng đã được xắp xếp/tái cấu trúc theo một tuyến tính mang hàm nghĩa đã được định hướng, hoặc để che giấu hiện trường thật, hoặc đánh lừa người xem.

Theo tuyến tính, Toàn thư ghi: giai đoạn 965-967, sau khi Ngô Xương Văn chết, người nối ngôi là Ngô Xương Xí (tự vương). Sử ghi Xí là cháu của Xương Văn, suy ra Xí là con trai của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập. Đây là phông nền lịch sử mà Ngô Nhật Khánh xuất hiện lần đầu trong chính sử, với tư cách là một trong 12 sứ quân nổi loạn. Điểm tinh tế ở chỗ, cả Ngô Xương Xí và Ngô Nhật Khánh đều được “kê khai” trong danh sách 12 sứ quân nổi loạn, cát cứ, gây nên tình trạng “đại loạn” của nhà Ngô, khiến nhân dân đau khổ, lầm than. Đinh Bộ Lĩnh thấy thế mới cất quân đánh dẹp 12 sứ quân và lập nên nhà Đinh.

Nhưng, ta cũng nhớ lại rằng, ngay năm 950, Đinh Bộ Lĩnh nổi lên là người chống đối hai vua nhà Ngô. Đến năm 967, sau khi tiêu diệt 10/12 sứ quân, lập nên nhà Đinh thì Đinh Bộ Lĩnh có tính chính danh hơn. Mặt khác, các nhà Nho đời sau từ Ngô Sĩ Liên đến Lê Tung, Lê Hy, đều coi Đinh Tiên Hoàng như là người mở đầu cho nền chính trị Nho giáo tại Đại Việt, nên họ đã viết sử với tư cách Đinh là người chính thống.

Đối lập với biểu tượng hoàng đế chính thống là biểu tượng 12 sứ quân nổi loạn. Cho nên, ta mới thấy, Đinh Bộ Lĩnh - người tiêu diệt các sứ quân - không được kê khai trong danh sách 12 người này. Việc kê khai sứ quân đến 2 lần của Toàn thư đã đóng đinh danh sách 12 tội đồ của lịch sử, những kẻ đã làm loạn đất nước, làm khổ nhân dân.

Như Toàn thư ghi, Xương Xí là con của Thiên Sách Vương, theo truyền thống gia tộc Nho giáo, Xương Xí là đích tôn của Ngô Quyền, là người nối ngôi nhà Ngô. Thế nhưng, Xương Xí cũng bị liệt vào danh sách nổi loạn, đến nỗi bị sử thần đời sau đánh giá là “đã lấy chút đèn tàn ở xứ Bình Kiều mà dự vào hàng ngũ sứ quân” (Đại Việt sử ký tiền biên, 1997, tr. 149). Đến đây, ta thử quay lại với Ngô Nhật Khánh, ở 2 lần xuất hiện đầu tiên, ông này chỉ hiện lên với tư cách là kẻ làm loạn như Ngô Xương Xí và 10 sứ quân khác. Ta không biết gì về lý lịch của ông. Nhưng, đến sử liệu 3, mọi thứ được hé lộ.

Vậy Ngô Nhật Khánh là ai?

Ngô Nhật Khánh là ai mà trong cuộc nội chiến năm 965-967, 10 sứ quân khác đã bị giết chết mà riêng Khánh thì lại được đầu hàng, rồi sau đó được Đinh Bộ Lĩnh gả con gái cho làm phò mã nhà Đinh? Ngô Nhật Khánh là ai mà Đinh Bộ Lĩnh còn cưới luôn mẹ của Ngô Nhật Khánh làm hoàng hậu? Ngô Nhật Khánh là người quan trọng như thế nào mà Đinh Bộ Lĩnh còn cho em gái Khánh cưới Đinh Liễn (theo lý, nếu Đinh Liễn là trưởng tử thì em gái Khánh sẽ là hoàng hậu tương lai của nhà Đinh)? Mô hình 3 bố con cưới 3 mẹ con của Đinh Bộ Lĩnh khiến chúng ta phải suy nghĩ, điều gì đang xảy ra đằng sau sân khấu của sử liệu.

Câu trả lời nằm ngay ở chính sử liệu 3: “Nhật Khánh là con cháu của Ngô Tiên chúa Quyền, trước xưng là An Vương”. Sử liệu này vô cùng quan trọng nhưng trước nay đã bị giấu nhẹm ở mãi phía sau, ở thời điểm 979, khi Khánh đem quân Chiêm Thành về đánh Hoa Lư. Cách diễn đạt “con cháu của Ngô Quyền” cũng đã khá mù mờ và đa nghĩa, khiến cho có người suy rằng Khánh chỉ là con cháu trong họ của Ngô Quyền. Nhưng, với cuộc hôn nhân tay ba giữa 3 bố con Đinh Bộ Lĩnh với 3 mẹ con Ngô Nhật Khánh, ta có thể suy đoán rằng, Ngô Nhật Khánh là cháu trai của Ngô Quyền, là con trai của Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn.

Khi Nam Tấn Vương mất, Ngô Xử Bình đánh chiếm kinh đô Cổ Loa, cục diện nhà Ngô bị rối loạn. Ngô Nhật Khánh là nhân vật duy nhất trong số các lực lượng quân sự đã xưng vương. Ông đóng đô ở Đường Lâm thuộc Hoan Châu (tức Hà Tĩnh nay). Sau khi 500 con cháu nhà Ngô cùng Đỗ Cảnh Thạc bị Đinh Bộ Lĩnh tiêu diệt, thì Ngô Nhật Khánh cũng đã khuất phục trước sức mạnh quân sự của Đinh Bộ Lĩnh.

Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi xưng Đại Thắng Minh Hoàng đế, lấy bà Ngô hậu mẹ Khánh làm vợ, lấy em gái Khánh gả cho Đinh Liễn và lấy Đinh công chúa gả cho Ngô Nhật Khánh. Cách tạo lập quan hệ hôn nhân đặc biệt này, cùng với sự kiện Ngô Nhật Khánh xưng An Vương, khiến chúng ta có thể đoán định rằng ông chính là con trai của Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn. Như thế, Ngô Nhật Khánh là cháu nội của Ngô Quyền, là con trai của Nam Tấn Vương, là cháu gọi Thiên Sách Vương bằng bác, là em họ của Ngô Xương Xí. (Xem thêm “Việt Nam thế kỷ X - những mảnh vỡ lịch sử”, NXB. Đại học Sư phạm, 2019)

Vụ 3 bố con nhà Đinh lấy 3 mẹ con nhà Ngô là một cuộc hôn nhân cưỡng bức, gia đình người chiến thắng cưới lại toàn bộ gia đình kẻ chiến bại. Trong đó những người phụ nữ nhà Ngô được sử dụng như là chiến lợi phẩm, phục vụ cho việc củng cố tính chính danh của nhà Đinh.

Ngô Nhật Khánh tuy làm phò mã nhà Đinh nhưng không quên hận. Ngô Nhật Khánh bèn rạch má vợ, qua cửa biển Nam Giới (tức Cửa Sót, thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) chạy sang Chiêm Thành cầu viện binh. Đến năm 979, khi Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn bị giết, Ngô Nhật Khánh dẫn quân Chiêm Thành định đánh vào Hoa Lư nhưng gặp bão chết chìm ở cửa biển Đại Ác (cửa sông Đáy). Đơn thuần, Khánh chỉ tìm đồng minh về chiếm lại quyền lực nhà mình, chứ không thể sang nhà Tống - đồng minh của nhà Đinh.

Xác định nguồn gốc xuất thân và gia tộc của Ngô Nhật Khánh, đến đây, chúng ta mới thấy tính chất của lực lượng quân sự ở Đường Lâm. Từ quan điểm của nhà Ngô, ông là người xưng vương, người kế ngôi Ngô Xương Văn, là người nắm giữ tính chính thống. Nhưng, Đinh Bộ Lĩnh đã tiêu diệt 10 sứ quân, tiêu diệt 500 con cháu nhà Ngô cùng Đỗ Cảnh Thạc và buộc Ngô Nhật Khánh đầu hàng. Từ quan điểm của bên thắng trận, Ngô Nhật Khánh đã bị làm mờ lý lịch và bị đóng đinh vào lịch sử như là một trong số 12 sứ quân làm loạn nhà Ngô.

Trần Trọng Dương
.
.