Nghệ sĩ Nguyễn Hồng Sến: Quay phim giỏi, đạo diễn tài

Thứ Năm, 30/09/2021, 11:16

Trong ngành điện ảnh Việt Nam, nghệ sĩ Nguyễn Hồng Sến là một tài năng độc đáo. Đối với nghề quay phim, người ta chỉ có thể quay phim tài liệu hoặc phim truyện nhưng Nguyễn Hồng Sến là nhà quay phim của hai thể loại khác nhau này. Và ở thể loại nào, ông cũng đạt đỉnh cao.

Không những quay phim giỏi, ông còn là đạo diễn xuất sắc khi làm phim tài liệu và phim truyện. Và ở hai thể loại này, phim của ông đều đoạt những giải cao nhất tại các liên hoan phim quốc tế. Điều gì đã góp phần làm nên tài năng kỳ lạ ở người nghệ sĩ đặc biệt này?

Ông sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Theo lời  người cha kể, gia đình nghèo, ông ham giữ trâu, làm ruộng, bắt cá, thuần thục mọi công việc nhà nông, học trường làng. Năm 16 tuổi, người cha cho ông theo cách mạng. Ông làm việc ở Ban nhiếp ảnh thuộc Sở Thông tin Nam Bộ. Ông biết in tráng phim, làm phóng viên nhiếp ảnh.

Năm 1954, ông được tập kết ra Bắc. Năm 1956, Cục Điện ảnh mở lớp quay phim. Hồng Sến được tuyển chọn. Ông được học những bài cơ bản về nghệ thuật và kỹ thuật chụp ảnh, quay phim. Trong nghệ thuật chụp ảnh, vấn đề chụp chân dung là khó nhất. Người chụp cần nắm chắc kỹ thuật sử dụng ánh sáng, tính năng các loại ống kính, các luật về hình học, hội họa… Và Hồng Sến mê nhất chụp chân dung.

hs.jpg -0
Nghệ sĩ Nguyễn Hồng Sến và đạo diễn Hải Ninh.

Nhiều bạn học thời ấy kể, trong dàn nhạc của Xưởng phim Việt Nam, có hai cô nhạc công người Hoa rất xinh - cô Chiu và cô Chu. Hồng Sến rất hay mời họ làm mẫu. Lúc đầu, hai cô rất thích. Nhưng Hồng Sến chụp hai cô từ sáng đến chiều, ngày này sang ngày khác. Phòng chụp thì nhỏ. Đèn đóm cũ kỹ. Cả lớp ba chục người, có mỗi cái máy ảnh. Bài tập chụp chân dung với nhiều loại ánh sáng khác nhau. Ánh sáng ven, ánh sáng mắt, ánh sáng trang điểm, ánh sáng phông… Lại còn ánh sáng lập thể, ngược sáng… Nghĩa là bức chân dung phải được vẽ bằng ánh sáng đẹp nhất, hiệu quả nhất. Hồng Sến say mê chụp đến nỗi các cô người mẫu phải… trốn. Nhưng nhiếp ảnh gia không nản. Và khi thành công, ông  tặng cho các cô những tấm ảnh chân dung của chính mình mà các cô chưa được thấy bao giờ.

Không những mê chụp chân dung, Hồng Sến còn mê chụp phong cảnh. Ngày ấy, Hồng Sến đã có hàng trăm bức phong cảnh Hồ Tây. Một địa điểm, nhưng anh chụp ở nhiều thời gian. Những bức ảnh chứa đầy sự thi vị của cái hồ đẹp nhất Hà Nội được chụp từ tâm hồn của chàng trai sông nước miền Tây khiến mọi người trong lớp kinh ngạc. Nhưng khi làm bài tập tốt nghiệp, Hồng Sến lại ngoặt sang hướng khác. Ông quay trận bóng đá. Những cú máy lia ngang theo cầu thủ, lia dọc những cú nhảy cao, những cú chuyển động máy nhanh, mạnh, tạo nên những nhịp điệu sinh động. Đặc biệt, độ nét của những khuôn hình cực chuẩn. Kết quả, Hồng Sến là một trong hai người tốt nghiệp lớp quay phim với số điểm cao nhất.

Vừa ra trường, Hồng Sến cùng các nhà quay phim Nguyễn Ngọc Quỳnh, Vũ Sơn được cử đi quay bộ phim tài liệu Nước về Bắc -  Hưng -  Hải, ông Bùi Đình Hạc làm đạo diễn. Đó là một công trường thủy lợi rất lớn. Chúng ta xây để đưa nước sông Hồng về ba tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Công trường thu hút hàng vạn người. Chủ yếu lao động thủ công. Gánh đất. Chuyển đất. Đập đất. Người rất đông nhưng không có nhân vật chính. Không gian rất rộng nhưng phải tìm được những đường nét cụ thể để thể hiện nét vĩ đại của công trình. Là quay phim chính, Hồng Sến xắn quần, lội xuống, cùng làm với những người xắn đất, gánh gồng, làm dây chuyền chuyển đất. Không những nhìn trực tiếp, cụ thể từng động tác, từng con người, ông  còn thiết lập những vị trí tốt, đặt máy trên cao, để thu vào khuôn hình toàn cảnh công trường.

Thái độ đó không những là tình yêu nghề của người nghệ sĩ mà còn là tình cảm trân trọng từng giọt mồ hôi, yêu từng hòn đất mang hương vị phù sa của một người biết nâng niu tình yêu với đất và nước. Suốt 7 tháng lăn lóc trong bùn đất , Hồng Sến đã chọn được những góc máy tốt nhất, có kỹ thuật lấy được những cảnh đẹp nhất để miêu tả tinh thần lao động hăng say của những người nông dân Bắc Bộ. Những bước chân dẻo dai, những chuyến xe xuôi ngược, những guồng đất khỏe mạnh, những nhịp đập khỏe khoắn và đặc biệt, hình ảnh hàng vạn người chuyển động dưới bầu trời cao rộng mà ống kính của ông  đã viết lên bài ca vỡ đất hào hùng.

Rồi những khung hình đặc tả hình ảnh dòng nước xối xả tràn về cùng những gương mặt và nụ cười rạng rỡ của nguời dân… đã chinh phục Ban Giám khảo Liên hoan phim Quốc tế Moskva năm 1959. Bộ phim đã giành Huy chương Vàng. Đạo diễn Pháp, ông Pual Pavil, thành viên Ban Giám khảo phát biểu: “Đó là một bộ phim lộng lẫy. Tại LHP này, chúng tôi đã xem 70 phim tài liệu, trong đó có 15 phim về các công trình xây dựng kênh, đập. Nhưng chúng tôi đều nhất trí đánh giá bộ phim “Nước về Bắc - Hưng - Hải” là hay nhất. Bộ phim của Việt Nam được chú ý trước tiên vì nó có sắc thái dân tộc rõ nét”.

Tiếp đó, Hồng Sến được hai đạo diễn Huy Vân và Hải Ninh lựa chọn để quay bộ phim “Một ngày đầu thu”. Đó là câu chuyện khá nhạy cảm. Cặp đôi quân báo gồm Dưỡng (Quý An) và Thơm (Tuệ Minh) được phân công đi trinh sát đồn địch gần một làng công giáo ở đồng bằng Bắc Bộ. Họ tiếp cận gia đình anh Kiên (Hoàng Uẩn) và vợ Kiên (Trà Giang). Trong lúc chiến đấu, Dưỡng hy sinh. Thơm bị thương. Theo dấu vết, bọn Pháp bắn chết Kiên. Vợ Kiên, lúc đầu không muốn chồng giúp bộ đội. Sau sự kiện này, chị đã chuyển biến.

Trong phim, các đạo diễn đã dàn dựng một bối cảnh hiếm có. Đó là một nhà máy đang xây dựng. Nhân vật hoạt động trong đại cảnh là một em gái bé nhỏ, đang đi tìm mẹ. Em hỏi thăm. Một công nhân chỉ chỗ mẹ em. Đó là một giàn giáo trên cao, mẹ em đang hàn điện. Để quay được cảnh này, Hồng Sến phải ngồi trên cần trục. Ông thu toàn cảnh công trường vào ống kính. Sau đó, đưa máy theo nhân vật với các cỡ cảnh khác nhau. Lúc hỏi thăm, lúc ngơ ngác, lúc di chuyển, đến lúc gặp được mẹ giữa không trung. Ngồi trên cần trục, Hồng Sến liên tục di chuyển máy. Từ xa đến gần. Từ chậm đến nhanh. Những cảnh quay liền mạch. Cấu trúc khuôn hình luôn thay đổi. Nhịp điệu cảnh quay như chính tâm trạng nhân vật. Các đồng nghiệp còn mãi nhắc đến cảnh quay dài rất thành công của ông.

Trong phim này, Hồng Sến còn thực hiện một cú máy chuyển động rất đẹp. Đó là cảnh Dưỡng và Thơm đi trinh sát. Dưỡng trúng đạn. Thơm chạy băng qua cầu. Chị băng ngang các bụi lau thật lãng mạn, bi tráng. Nhịp điệu căng thẳng. Tiết tấu dồn dập, tạo nên cảm xúc rất mạnh, chạm vào trái tim khán giả. Đặc biệt, có một cảnh mà Hồng Sến phải nổi nóng, cầm gậy đuổi đánh chủ nhiệm phim. Đó là cảnh Kiên bị tên Pháp bắn chết trước mặt vợ. Cảnh được quay theo điểm nhìn của người vợ. Hồng Sến muốn diễn tả cảm xúc choáng váng của người vợ trước cái chết đột ngột của chồng. Ông chọn góc máy và lựa kỹ thuật lấy cảnh. Nhưng oái oăm, góc máy thích hợp nhất lại là chỗ mấy bụi gai lớn. Ông yêu cầu chủ nhiệm phim thuê người dọn. Chủ nhiệm ngại tốn tiền. Nhích máy ra vài mét có sao đâu. Quay đại khái cho xong. Ai mà chẳng hiểu. Nhưng Hồng Sến không chịu. Hai người cãi nhau to. Đến nỗi ông phải cầm gậy đuổi đuổi đánh. May có người can ngăn.

Sau phim này, Hồng Sến còn quay hai phim nữa. Đó là “Lửa trung tuyến” và “Kim Đồng”. Phim “Kim Đồng” đã giành được một loạt giải quan trọng tại LHP Quốc tế ở Jakarta (Indonesia) năm 1964, trong đó có giải Quay phim xuất sắc nhất. Tháng Ba năm 1964, Hồng Sến về Nam. Trên đường vượt Trường Sơn, ông bị đau chân, sốt rét, nhưng vẫn cùng đạo diễn Mai Lộc, vừa đi vừa quay phim. Họ vượt qua khu 4, khu 5, khu 6. Qua mỗi vùng, Hồng Sến say mê ngắm núi sông hùng vĩ của Tổ Quốc, hẹn ngày thống nhất sẽ làm một bộ phim về đất nước và con người Việt Nam.

Vừa đến địa điểm tập kết, Hồng Sến đã vác máy theo các đơn vị bộ đội đi khắp các tỉnh miền Tây hàng năm trời. Ông quay hàng ngàn mét phim dưới tầm bom đạn địch. Rồi ông lại vác máy, hành quân về các tỉnh miền Đông. Những thước phim quay khi lội suối, băng sông, khi bị thương đầy người của ông, được gửi ra Bắc và được dựng thành những bộ phim tài liệu nổi tiếng như “Chiến thắng Tây Ninh” (1967), “Rừng xanh hoa nở” (1967), “Nghệ thuật tuổi thơ” (1969), “Mùa hè đáng nhớ” (1972), “Bông sen Đồng Tháp” (1975). Đặc biệt, phim “Đường ra phía trước” (1969) do ông quay đã giành giải Vàng tại LHP Quốc tế Moskva năm 1973. Đây là lần thứ hai, phim do ông quay giành giải thưởng lớn tại LHP quốc tế.

Có một câu chuyện vô cùng cảm động. Đó là lần ông đi công tác ở vùng Đồng Tháp Mười. Cơ sở giao liên bí mật tính gửi ông vào ở nhờ một gia đình, cơ sở cách mạng. Đêm đó, chèo xuồng đến địa điểm tập kết. Người giao liên đưa đường. Không biết số phận run rủi thế nào gia đình cơ sở cách mạng đó chính là gia đình người cha của Hồng Sến! Hai cha con gặp nhau sau 15 năm xa cách. Người cha không ngờ, không thể nhận ra người con. Khi đi, Hồng Sến mới 16 tuổi. Khi về, anh đã là người đàn ông trung niên. Sau những phút giây choáng váng, người cha mới biết, người đàn ông đang đứng trước mặt mình, trong ngôi nhà của mình, là con trai mình thật. Chuyện này, Hồng Sến chỉ tâm sự với người bạn rất thân của ông là đạo diễn Hải Ninh.

Được trở về quê hương, được sống, chiến đấu và sáng tạo nghệ thuật trên đất đai và sông nước, nơi mình sinh ra, lớn lên, đó là hạnh phúc và trách nhiệm người nghệ sĩ. Và ông chính thức chuyển sang làm đạo diễn phim truyện điện ảnh. Bước ngoặt này tưởng như đơn giản, nhưng đối với những người làm nghề chuyên nghiệp, không phải ai cũng tìm ra con đường đi đến thành công. Bởi mỗi nghề đòi hỏi sự tư duy khác nhau. Ở Việt Nam, chỉ có hai người, từ quay phim làm đạo diễn thành công là ông Nguyễn Khánh Dư và Nguyễn Hồng Sến.

Sau thành công của “Mùa gió chướng” (1978), ông làm phim “Cánh đồng hoang”. Bộ phim khởi đầu bằng những ký ức của nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhà quay phim Nguyễn Hồng Sến khi hành quân qua vùng sông nước Đồng Tháp Mười. Họ thú vị được nhìn thấy cảnh, mỗi khi máy bay trực thăng Mỹ oanh kích, các bà mẹ lại cho những đứa trẻ vào bao nilon, túm kín miệng, nhấn chìm xuống nước. Khi trực thăng bay xa, họ kéo những đứa trẻ lên, mở miệng túi. Những đứa trẻ tròn xoe mắt, ngạc nhiên. Một cảnh tượng ăn sâu vào tâm trí các nghệ sĩ.

Kịch bản “Cánh đồng hoang” được hình thành từ đây. Hạt nhân câu chuyện đã có. Những nghệ sĩ lão luyện đã phát triển các tuyến truyện, hình thành các nhân vật, tạo nên những mâu thuẫn, xung đột… Câu chuyện độc đáo, đầy tính ẩn dụ về sự đối đầu giữa chiến tranh nhân dân và chiến tranh hiện đại, thể hiện sự kiên cường của người Việt Nam đã làm chấn động thế giới. Bộ phim đã giành giải thưởng lớn nhất tại LHP Quốc tế Moskva năm 1980 và nhiều giải quan trọng khác. Với Hồng Sến, ông có hạnh phúc riêng. Những cảnh chèo xuồng, gặt lúa, bắt cá… chính là hình ảnh của ông ngày bé. Ông đã kể câu chuyện hiện đại bằng tình cảm sâu nặng đối với quê hương. Ông đã mang Đồng Tháp Mười, mang con người Việt Nam ra thế giới. Người Việt Nam yêu hòa bình. Người Việt Nam không muốn chiến tranh. Đó chính là thông điệp mà bộ phim muốn gửi tới toàn cầu.

Danh sách những phim ông làm, còn rất nhiều. Nhưng đầu năm 1995, giữa lúc vào độ tuổi sáng tác sung mãn, ông đã từ giã cuộc đời sau căn bệnh hiểm nghèo. Những người con của ông với người vợ đầu, diễn viên Mai Phương và đạo diễn Hồng Chi, vẫn đang đi tiếp trên con đường nghệ thuật.

Đoàn Tuấn
.
.