Màu thời gian tím ngát

Thứ Bảy, 15/10/2022, 10:53

Nhắc đến dịch giả Tuấn Đô, bạn đọc đều nhớ những tác phẩm chuyển ngữ nổi tiếng của ông: "Đỏ và đen" (Tiểu thuyết của Stendhal), "Lão hà tiện" và "Trường giả học làm sang" (Hài kịch của Molière); hoặc "Hài kịch Shekespeare", "Hồn ma bóng quỷ" và "Con vịt trời"…

Tuấn Đô đã được Giải thưởng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984. Nhưng bạn đọc ngày đó ít ai biết Tuấn Đô chính là nhà thơ Đoàn Phú Tứ. Vì sao nhà thơ phải ẩn danh? Đó là một câu chuyện đầy trăn trở của một số phận tài hoa.

Những "Đêm trắng" ấy còn mãi với  thời gian

Gần đây, tôi có dịp gặp nghệ sĩ Lan Hương (nguyên diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội). Nghệ sĩ tặng tôi cuốn sách của cha chị là nhà viết kịch Lưu Quang Hà. Ông là tác giả vở "Đêm trắng" (viết từ năm 1980). Đây là kịch bản với đề tài chống tham nhũng.

Màu thời gian tím ngát -0
Chân dung Đoàn Phú Tứ.

Chị nói, tuy vậy phải 7 năm sau, "Đêm trắng" mới được dàn dựng, bởi khi đó mọi người vẫn còn rụt rè khi nói đến đại án tử hình Trần Dụ Châu. Đây là vụ án tham nhũng đã xảy ra tại chiến khu Việt Bắc năm 1950. Người đứng lên tố cáo tội tham nhũng của đại tá Trần Dụ Châu (nguyên đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu) chính là nhà thơ Đoàn Phú Tứ. Khi đó nhà thơ với vai trò là đại biểu Quốc hội Việt Nam (khóa I) đầu đơn kiện. Vụ đấu tranh này gây chấn động trong chiến khu, bởi chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định tử hình tội phạm. Nhà thơ Đoàn Phú Tứ là một gương sáng đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Đó là một bản lĩnh công dân của một chiến sĩ, một nhà thơ cách mạng, khi cuộc kháng chiến trường kỳ của quân dân ta đang vào thời điểm cao trào.

Nhà thơ Đoàn Phú Tứ nổi tiếng cả hai lĩnh vực gồm thơ và sân khấu. Ông là một trong những kịch tác gia hàng đầu vào thập niên 40. Không những thế Đoàn Phú Tứ còn lập ra ban kịch Tinh Hoa (1936) cùng với sự cộng tác của Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Xuân Khoát… Đáng kể, vào năm 1937, khi mới 27 tuổi, Đoàn Phú Tứ đã gây tiếng vang lớn qua hai vở kịch "Ngã ba" và "Thằng Cuội ngồi gốc cây đa". Ban kịch Tinh Hoa hoạt động trong 8 năm cho đến khi bùng nổ Cách mạng tháng Tám. Khi đó trong tay Đoàn Phú Tứ đã có tới 20 vở kịch được sáng tác suốt 10 năm hoạt động sân khấu. Trong giai đoạn này Đoàn Phú Tứ còn làm chủ nhiệm tờ báo Tinh Hoa. Đặc biệt ông và những văn nghệ sĩ trẻ khác như Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Khoát và Nguyễn Lương Ngọc thành lập nhóm Xuân Thu nhã tập (năm 1940). Đồng thời ông cũng cho in lại bài thơ "Màu thời gian" và tập sách đầu tiên của Xuân Thu nhã tập (1942). Bài thơ "Màu thời gian" trước đó đã in báo Ngày Nay (1939). Bài thơ cùng với những bài thơ khác in trong Xuân Thu nhã tập được coi là tuyên ngôn về thi pháp của nhóm này. Đó là khuynh hướng nghệ thuật tượng trưng và có sự hòa nhập của siêu thực. Sự tương hợp giữa mùi hương, màu sắc và âm thanh qua trực giác của thi sĩ gây hiệu ứng huyền ảo trong thi phẩm. "Màu thời gian" của Đoàn Phú Tứ và "Buồn xưa" của Nguyễn Xuân Sanh là một điển hình của nghệ thuật nhóm Xuân Thu nhã tập.

Khi theo kháng chiến ở Việt Bắc, nhà thơ Đoàn Phú Tứ làm biên tập viên tạp chí Văn Nghệ và nằm trong Ban Chấp hành Đoàn Sân khấu và Hội Văn hóa Việt Nam. Trước đó ông còn được bầu làm đại biểu Quốc hội Việt Nam (1946). Nhà thơ tập trung giảng dạy tại Trường Nghệ thuật khu IV, khu V và viết kịch bản phục vụ kháng chiến. Tập kịch "Trở về" là thành quả của hai năm sáng tác với nhiều đề tài về chiến sĩ cách mạng. Đó là những hình tượng anh hùng đã cống hiến cho công cuộc trường kỳ kháng chiến gian khổ cho đến ngày toàn thắng. Chính vì khát vọng về dân tộc mà nhà thơ Đoàn Phú Tứ đã có thái độ kiên quyết và mãnh liệt với tội tham nhũng. Sau sự kiện Trần Dụ Châu, cuộc đời của nhà thơ đã rẽ sang hướng khác. Tuy nhiên "Màu thời gian" vẫn bền bỉ với tình yêu "Hương thời gian thanh thanh/ Màu thời gian tím ngát".

Sóng gió cuộc đời, mai danh ẩn tích

Nhà thơ Đoàn Phú Tứ rời Việt Bắc về Hà Nội, bỏ qua những ồn ào và phiền não trong tâm trí. Ông tập trung dạy học và dịch thuật mưu sinh với cái tên mới - Tuấn Đô. Dường như nhà thơ cố quên đi "Màu thời gian tím ngát" của mình với mối tình dang dở. Tiếng đàn dịu ngọt mơ màng của cô gái ngày nào đã trở thành dĩ vãng trong tâm hồn chàng thi sĩ. Cái màu tím của tình yêu vẫn thơm ngát cho dù "Duyên trăm năm đứt đoạn/ Tình một thuở còn hương".

5_Canh_trong_vo_DEM_TRANG_NHK_VN-1665374112602.jpg
Cảnh trong vở “Đêm trắng” (Nhà hát kịch Việt Nam - 2021).

Chàng nghệ sĩ đã quay lưng với ánh đèn sân khấu náo nức trong những đêm đầy sắc màu. Âm thanh quá vãng vang lên đâu đó: "Sớm nay tiếng chim thanh/ Trong gió xanh/ Dìu vương hương ấm thoáng xuân tình" ru ngủ chàng qua những đêm buồn cô quạnh. Cuộc đời nghèo túng đã hành hạ chàng trong bao nỗi niềm trăn trở. Với bằng tú tài triết học và theo học Đại học Luật trước đó, nhà thơ Đoàn Phú Tứ đã được mời đi dạy học Đại học Văn khoa và một số trường tư thục. Thời gian trôi đi. Cuộc đời thầm lặng mai danh ẩn tích của nhà thơ dần dần đem lại sự cân bằng cho nỗi cô đơn đeo đuổi bao năm tháng.

Và bất ngờ đôi cánh tình yêu đã đậu lên vai chàng nghệ sĩ (1951). Thầy giáo Tứ ngày đó đã được một cô học trò thầm yêu trộm nhớ. Có lẽ học trò Nguyễn Thị Khiêm yêu thơ và tài năng thuyết giảng của thầy chăng. Sóng mắt gửi trao dần bén duyên hò hẹn. Sau khi tìm hiểu, nhà thơ biết cô Khiêm đã từng tham gia hoạt động giao liên và tuyên truyền cho cách mạng từ khi mới 15 tuổi. Tình yêu đã nảy sinh từ tâm tình chân thành của hai bên. Tuy nhiên nhà thơ Đoàn Phú Tứ rất ngại ngần vì cô học trò còn quá trẻ ở tuổi đôi mươi. Hơn nữa lại nghe nói gia đình nhà cô đã phản ứng quyết liệt cuộc tình thầy trò này. Trong lòng nhà thơ buồn rầu ngỡ như lại một chuyện tình không tới như thuở "Màu thời gian" xa xôi. Mãi gần một năm sau đó nhà thơ mới hay gia đình của cô Khiêm đã phải miễn cưỡng thuận tình khi con gái đòi tự tử. Hai người làm lễ thành hôn vào mùa thu năm sau (1952). Khi đó cô Khiêm mới 21 tuổi còn nhà thơ Đoàn Phú Tứ đã bước sang tuổi 42.

Cuộc sống hạnh phúc viên mãn không kéo dài được bao lâu vì sự nghèo khó bám đuổi. Cơm áo không đùa với khách thơ. Hai người lăn vào cuộc mưu sinh một cách vất vả sau hòa bình lập lại. Nhưng may mắn sao cuộc sống được phần nào an ủi khi nhà thơ Đoàn Phú Tứ tìm đến dịch thuật văn học và kịch bản sân khấu. Đó là những đêm rét mướt và đói bụng khi cầm bút. Những áng văn được chắp cánh qua hồn thơ luôn bay bổng trong ông. Cái tên dịch giả Tuấn Đô mà nhà thơ ẩn giấu bút danh đã khẳng định tài năng văn học thiên bẩm của ông. Cuộc sống dần dần cải thiện phần nào khi nhà thơ luôn được đặt hàng dịch sách. Ông đã được mời là thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1957. Tuy cuộc sống gia đình còn bao gian truân nhưng nhà thơ vẫn vượt qua bằng những trang sách dịch thâu đêm suốt sáng. Với niềm vui sáng tạo bất tận, dịch giả Tuấn Đô vào thập niên 70 được coi là "thương hiệu" văn học của Nhà xuất bản Văn học. Nhưng cuộc sống mưu sinh đầy gian khó đã quật ngã nhà thơ. Vợ ông bị trọng bệnh và ra đi vào tháng 7-1989. Hai tháng sau nhà thơ cũng tạ thế trong nỗi niềm thương nhớ đớn đau. 

Vô hồi mây cát bay

Ít ai nghĩ câu chuyện "Đêm trắng" ngày ấy lại vang vọng cho đến nay. Đất nước ta đang triển khai công cuộc chống tham nhũng quyết liệt làm mọi người lại nhớ đến vụ án Trần Dụ Châu hơn 70 năm qua. Vở kịch "Đêm trắng" của Lưu Quang Hà cho đến nay vẫn được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng (2021). Mỗi đêm diễn là một lần nhà thơ Đoàn Phú Tứ lại hiện diện như một nhân chứng sống động. Hình ảnh tiêu biểu ấy trong cuộc đấu tranh "sinh tử" chống tham nhũng trở thành tấm gương khích lệ mọi người. Chính vì thế hồn thơ ông vẫn đang quanh quất đâu đây với ánh sáng lung linh trong hòa sắc huyền diệu.

Khuynh hướng nghệ thuật của Xuân Thu nhã tập như một gợi mở về sự đổi mới thi ca. Trong bài "Thanh khí" nhà thơ Đoàn Phú Tứ đã viết: "Ta đã là chiếc đàn văng vẳng nhạc muôn đời. Ta cũng là cánh hoa ngoài đồng nội, nở theo nhịp sống tuyệt vời. Và ta đã tự nhiên có một thiên chức: Thiên chức của một cây đàn. Thiên chức của đóa hoa". Thơ ông vang lên nhịp điệu và âm thanh kỳ ảo: "Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát/ Hương thời gian không nồng/ Hương thời gian thanh thanh". Đó chính là đóa hoa tâm linh được ông dệt nên từ những sợi tơ lòng day dứt khôn nguôi.

Vương Tâm
.
.