Lần đầu làm giám khảo của Liên Hợp Quốc

Thứ Ba, 13/06/2023, 08:08

Tôi may mắn có cơ hội được tham gia kỳ thi tuyển chọn sát hạch viên sĩ quan cá nhân Liên hợp quốc (SAAT/AMS instructor). Nắm bắt cơ hội đó, tôi đã nỗ lực để trở thành sĩ quan Công an Việt Nam đầu tiên làm giám khảo sát hạch sĩ quan cá nhân của tổ chức này. Đây thực sự là một dấu ấn đặc biệt trong quãng thời gian 23 năm học tập, công tác trong lực lượng CAND của tôi.

Sát hạch viên ở phái bộ UNMISS

Kì thi sát hạch tiêu chuẩn sĩ quan cá nhân tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) đã diễn ra nghiêm túc tại phái bộ UNMISS từ ngày 23-26/4 vừa qua. Lần đầu tiên tôi tham gia kì thi với vai trò giám khảo, không những thế lại là trưởng nhóm sát hạch. Bốn ngày làm việc căng thẳng mang lại cho tôi nhiều cảm xúc!

Lần đầu làm giám khảo của Liên Hợp Quốc -0
Trung tá Lương Thị Trà Vinh là sĩ quan Công an Việt Nam đầu tiên làm giám khảo sát hạch sĩ quan cá nhân của Liên hợp quốc.

Mặc dù trước khi trở thành sĩ quan GGHB LHQ, tôi cùng Đại tá Lê Quốc Huy và Thượng tá Vũ Việt Hùng đã tham gia kì thi tuyển ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã nắm được quy trình tuyển dụng. Nhưng khi ấy chúng tôi là thí sinh dự thi. Còn bây giờ tôi là giám khảo, là người “cầm cân nảy mực” để lựa chọn ứng viên.

Lần này, đợt sát hạch được tổ chức trực tiếp tại phái bộ UNMISS ở Cộng hòa Nam Sudan. So với kì tuyển dụng ở Thổ Nhĩ Kỳ tôi từng tham gia thi nội dung, quy trình tuyển dụng liên quan đến tình hình thực tế của phái bộ nên có những khác biệt. Để làm tốt vai trò của ban giám khảo, chúng tôi thường xuyên cập nhật thêm tình hình của phai bộ, phối hợp chặt chẽ với bộ phận tuyển dụng để nội dung thi sát thực tế.

Các ứng viên tham gia thi tuyển lần này đến từ Phần Lan. Họ đều là những người có kinh nghiệm tham gia sát hạch. Bởi có người đã tham gia GGHB đến lần thứ tư, đã công tác tại một số phái bộ GGHB, phái bộ chính trị đặc biệt của LHQ tại Kosovo, Mali, Nam Sudan, Lebanon… Có đến làm việc ở phái bộ tôi mới thấy không chỉ các ứng viên Phần Lan mà nhiều đồng nghiệp quốc tế đều có kinh nghiệm về nghiệp vụ GGHB. Họ tham gia GGHB từ khi còn trẻ. Một số quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ, Nigeria… đã nhiều lần đưa cảnh sát sang phái bộ, mỗi lần tham gia với số lượng lớn.

Khi chứng kiến các ứng viên tham dự kì thi, tôi thấy bóng dáng của tôi thời điểm đầu năm 2022 khi thi sát hạch ở Thổ Nhĩ Kỳ. Khi ấy chúng tôi là những sĩ quan Công an đầu tiên của Việt Nam đi thi, chưa hề có kinh nghiệm nên mọi thứ đêu mới lạ. Với nỗ lực cao nhất, chúng tôi đã nhập cuộc một cách bình tĩnh, tự tin và đạt kết quả tốt. Ở một số nội dung thi, chúng tôi có thành tích vượt trội so với các nước, trong đó có kỹ năng bắn súng, kỹ năng xử ly các tình huống, do ở trong nước chúng tôi được huấn luyện cao hơn yêu cầu của LHQ.

Với chứng chỉ SAAT ở Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi có thể được tuyển dụng làm việc ở các phái bộ sử dụng tiếng Anh như Nam Sudan, Trung Phi, Abyei, Tây Sahara, đảo Cyprus... Chứng chỉ SAAT có giá trị trong vòng 2 năm. Và điểm đến của chúng tôi là phái bộ ở Nam Sudan.

Các nội dung, quy trình thi cũng giống như lần chúng tôi thi tuyển tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng 2/2022. Chỉ khác là UNMISS là phái bộ không sử dụng vũ khí nên trong bài thi của ứng viên trực tiếp tại phái bộ không có phần thi bắn súng. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban giám khảo, tôi và các đồng nghiệp quốc tế đã làm viêc nghiêm túc, công tâm. Tổ sát hạch phối hợp với nhau khá ăn ý. Đề thi được đảm bảo bí mật đến sát giờ thi mới được công bố và in ra.

Đầu tiên, chúng tôi tiến hành sát hạch các ứng viên ở khả năng sử dụng tiếng Anh ở kĩ năng đọc, viết báo cáo, phỏng vấn bằng tiếng Anh. Trong quá trình phỏng vấn, chúng tôi kết hợp kiểm tra trình độ chuyên môn, tìm hiểu về kiến thức cơ bản và nguyên tắc hoạt động của lực lượng GGHB LHQ. Các thí sinh cần nắm được các giá trị cốt lõi của LHQ. Đó là tính liêm chính, chuyên nghiệp, tôn trọng sự đa dạng đã trở thành phẩm chất của mọi nhân viên LHQ. Các phần thi tiếp theo gồm kỹ năng sử dụng máy tính và lái xe (sa hình và đường trường) đều diễn ra nghiêm túc, công tâm.

Dấu ấn ở Uganda

Con đường đến vị trí giám khảo sát hạch tại Phái bộ với tôi là cả một hành trình dài. Từ năm 2016, tôi đã có quá trình tìm hiểu và tham gia các khóa đào tạo, tập huấn hoat động gìn giữ hòa bình do LHQ, cảnh sát một số quốc gia, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và Bộ Công an tổ chức. Tháng 9/2022, sau 6 năm rèn giũa, tôi vinh dự trở thành nữ sĩ quan đầu tiên trong lực lượng CAND Việt Nam đạt yêu câu tham gia lực lượng GGHB LHQ. Sau 4 tháng công tác tại Nam Sudan, tôi là một trong số các sĩ quan được Cảnh sát Phái bộ UNMISS lựa chọn cử đi sát hạch. Nhận được sự động viên, khích lệ từ các đồng chí lãnh đạo, các đồng nghiệp Việt Nam cũng như đồng nghiệp quốc tế, tôi quyết định thử sức.

Lần đầu làm giám khảo của Liên Hợp Quốc -0
Trung tá Vinh là thành viên Ban Giám khảo tại phái bộ UNMISS tháng 4/2023.

Tháng 1/2023, đúng thời điểm Tết cổ truyền Việt Nam, tôi đã có một tuần đáng nhớ khi từ Nam Sudan bay sang thành phố thành phố Entebbe, Uganda tham dự hội thảo và thi tuyển chọn huấn luyện viên, sát hạch LHQ. Lần đầu tiên tôi được đặt chân tới Uganda - đất nước được ví như viên ngọc của châu Phi. Uganda là hàng xóm của Nam Sudan nhưng 2 quốc gia này khác xa nhau. Nếu Nam Sudan đang la mùa khô, phần lớn lãnh thổ đang cằn cỗi thì Uganda xanh mướt với ngút ngàn cây. Từ trên máy bay nhìn xuống, Uganda như một viên ngọc bích đẹp long lanh. Sân bay quốc tế Entebbe chỉ cách căn cứ LHQ chỉ tầm 3-4km. Dù là vùng ngoại ô của một tỉnh lẻ mà đã thấy sự phát triển rõ rệt và vẫn giữ được màu xanh trong lành.

Ấn tượng đầu tiên của tôi là căn cứ LHQ tại Entebbe gọn gàng, đẹp đẽ. Cây xanh được trồng ở khắp nơi, hoa nở rực rỡ, những hàng cây được cắt tỉa gọn gàng. Thảm cỏ rộng vắt qua những ngọn đồi nhỏ, những lối đi uốn lượn nhẹ nhàng, tinh tế. Tôi mê mẩn trước cái nắng dìu dịu, những cơn gió nhẹ ở Uganda. Nhưng chưa kịp tận hưởng bầu không khí tuyệt vời đó, tôi bước vào đợt tập huấn và thi tuyển gắt gao cùng rất nhiều nhân viên đến từ tất cả 17 phái bộ của LHQ trên thế giới. Lịch hội thảo, tập huấn, thi cử liên tục diễn ra để tận dụng tối đa thời gian. Ban ngày tham gia tập huấn, ban đêm thức ôn thi, nghiên cứu tài liệu, không khí căng thẳng thực sự. Có lẽ chưa bao giờ tôi thèm một giấc ngủ như lúc đó.

Tôi và các đồng nghiệp quốc tế đã trải qua các bài thi khá căng thẳng, tập trung chủ yếu vào bài thi tiếng Anh, kiến thức chuyên môn (nội dung, tiêu chuẩn của các kì thi sát hạch) và kỹ năng thuyết trình. Mọi nỗ lực đã được đến đáp xứng đáng. Tôi đã vượt qua đợt sát hạch và nhận chứng chỉ huấn luyện và sát hạch bài thi tiêu chuẩn SAAT/AMS dành cho sĩ quan cá nhân tham gia GGHB LHQ. Ở phái bộ UNMISS, có 6/6 nhân viên đạt SAAT/AMS (sát hạch viên sỹ quan cá nhân), 5/6 nhân viên đạt AOC/FPAT (sát hạch viên các đội hình đơn vị). Với chứng chỉ SAAT/AMS, tôi và các đồng nghiệp đủ tiêu chuẩn để tham gia các kỳ thi SAAT tại các nước nếu được bộ phận tuyển dụng của Phòng Cảnh sát LHQ tại New York lựa chọn.

Những ngày ở Uganda, tôi có cơ hội được lĩnh hội những kinh nghiêm, kĩ năng trong các mảng công tác gìn giữ hòa bình cho LHQ. Trở về Nam Sudan, một mặt tôi vẫn đảm nhiệm nhiệm vụ được giao tại phái bộ, là sĩ quan quản lý công tác nghiệp vụ của địa bàn thủ đô Juba, tôi thường xuyên phối hợp với các đơn vị quân đội và các cơ quan khác thuộc LHQ để sắp xếp, lập kế hoạch tuần tra chung và triển khai kế hoạch theo chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận. Mỗi tháng có đến hơn 100 cuộc tuần tra chung và riêng của các lực lượng đan xen nhau ở địa bàn thủ đô. Bên cạnh đó, tôi tích cực chuẩn bị mọi mặt để có thể tham gia công tác tuyển dụng.

Bộ phận tuyển dụng của LHQ tại phái bộ UNMISS đang xây dựng đội ngũ sát hạch viên để hỗ trợ họ trong quá trình tuyển dụng và triển khai thi sát hạch tiêu chuẩn đối với sĩ quan cá nhân. Hiện tại tình hình Nam Sudan cơ bản ổn định, tuy nhiên vẫn có những dấu hiệu khó lường. Mỗi ngày ở phái bộ là một ngày tôi cùng đồng đôi tận dụng thời gian để trải nghiệm, kinh qua nhiều mảng công việc khác nhau. Chúng tôi đang tích lũy những kinh nghiệm đầu tiên về tình hình phái bộ, nhiệm vụ thực tế tại phái bộ và bài thi SAAT để có thể chia sẻ với các đồng nghiệp ở Việt Nam.

Đại tá Alptekin Arlantas (Thổ Nhĩ Kỳ) – Chỉ huy trưởng Cảnh sát GGHB LHQ tại thủ đô Juba, Nam Sudan đã nhận xét về chúng tôi rằng: “Ba sĩ quan Công an Việt Nam đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao và kỉ luật tốt. Tôi mong rằng ngày càng nhiều nữ sĩ quan Công an Việt Nam sẽ tham gia vào hoạt động GGHB LHQ để đóng góp cho hòa bình và ổn định của những người dân tại Nam Sudan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Tôi biết việc này không hề dễ dàng đối với phụ nữ khi phải xa quê hương, gia đình và con cái. Nhưng ở nơi này, những đóng góp của bạn vô cùng quan trọng và đáng trân trọng bởi trong bối cảnh xung đột và bất ổn, phụ nữ và trẻ em rất cần sự hỗ trợ của các bạn. Tôi đã hai lần đến thăm Việt Nam và đã chứng kiến những đồng nghiệp của các bạn làm việc rất chuyên nghiệp. Các bạn rất xứng đáng được lựa chọn để tham gia hoạt động GGHB LHQ”. Đó là sự ghi nhận, lời động viên rất lớn để tôi tiếp tục cố gắng.

Huyền Châm (Ghi theo lời kể của Trung tá Lương Thị Trà Vinh - nữ sĩ quan CAND đầu tiên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc)
.
.