"Là phụ nữ, tôi đam mê học cách làm vệ tinh"
Trải qua 10 năm làm việc, được tham gia nghiên cứu và lần lượt chứng kiến sự ra đời của ba vệ tinh trong giai đoạn nghiên cứu khoa học vũ trụ đầy sôi động, đó là những trải nghiệm tuyệt vời của thạc sĩ Nguyễn Thị Thảo.
Cô gái sinh năm 1988 này là nhà khoa học nữ đầu tiên của ngành công nghệ vũ trụ, một trong số ít nữ cán bộ của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Đường lên "trời"
Ở Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, nhịp làm việc khẩn trương và luôn gắn với những thứ "trên trời". Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu, mỗi năm ước tính thiệt hại khoảng 1% GDP do thiên tai, tương đương khoảng 3,5 tỷ USD.
Theo các chuyên gia quốc tế nếu Việt Nam có hệ thống quan sát quốc gia sử dụng vệ tinh thì sẽ giúp kịp thời báo chính xác hơn tình trạng bão, lũ, ngập để ứng phó, sơ tán, cứu giúp người dân, từ đó giảm thiểu đến 10%/năm thiệt hại, tương đương với 350 triệu USD.
Không chỉ thế, việc giám sát nông nghiệp, tài nguyên, hàng hải, quy hoạch lãnh thổ và đặc biệt trong đảm bảo an ninh quốc phòng cũng rất cần đến vệ tinh. Nhiều người khi nghe Thảo làm việc ở đây thì nghĩ là cao siêu lắm. Nhưng thật ra, cùng với các đồng nghiệp, Thảo đam mê nghiên cứu, chế tạo ra một thứ rất gần gũi và giúp ích nhiều mặt trong cuộc sống hằng ngày của người dân, đó chính là vệ tinh.
Khi còn là một cô bé con, Thảo hay quan sát trăng sao, tò mò về vũ trụ mênh mông và nhiều bí ẩn. Thảo hay tưởng tượng về con đường có thể lên đến tận trời kia. Giờ lớn lên, được học tập và nghiên cứu, Thảo thấy vũ trụ không còn quá xa xôi. Trong khoảng không bao la ấy, vệ tinh có thể thu những hình ảnh từ xa để truyền về trái đất, phục vụ thiết thực cuộc sống con người.
Chẳng phải đến khi vào làm việc ở VNSC Thảo mới biết đến vệ tinh. Sau khi tốt nghiệp khoa Vật lý, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Thảo học thạc sĩ tại trường. Bộ dao động của vệ tinh viễn thông VINASAT-1 chính là đối tượng nghiên cứu trong đề tài khoá luận tốt nghiệp của cô. Như một cơ duyên, khi Thảo vừa tốt nghiệp cũng là lúc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tuyển dụng, cô quyết tâm nộp hồ sơ.
Trao đổi với An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng, Tiến sĩ Lê Xuân Huy - Phó Tổng giám đốc VNSC cho biết: "Trong quá trình tuyển dụng, VNSC ưu tiên những bạn trẻ có đam mê khoa học kỹ thuật, chủ động trong nghiên cứu đổi mới. Thảo là một trong số ít ứng cử viên nữ qua nhiều vòng tuyển dụng đã đáp ứng được yêu cầu đó. VNSC đối xử công bằng với mọi thành viên, ai chủ động trong công việc, ai có năng lực sẽ được đề bạt và được giao những nhiệm vụ quan trọng. Thông thường, lĩnh vực khoa học công nghệ thường hấp dẫn các "đấng mày râu" hơn vì hợp với sở trường của họ. Nam giới cũng có lợi thế hơn nữ giới khi phải làm thêm giờ, làm ngoài giờ đột xuất".
VNSC có khá nhiều nữ cán bộ, hầu hết đảm nhiệm việc nghiên cứu, phân tích số liệu. Trong các dự án vệ tinh, trước đây có khá nhiều thành viên nữ, tuy nhiên gần đây do vướng bận việc gia đình và con nhỏ nên cũng chỉ còn lại một vài cán bộ nữ có thể "trụ" lại được.
Vậy là từ năm 2012, Thảo chính thức gắn bó với công nghệ vũ trụ. Trong một môi trường làm việc tưởng như khó và khô khan, cô gái bé nhỏ này lại tìm thấy sự hấp dẫn tuyệt vời. Với cô, đường lên "trời" ngày bé giờ đây chính là con đường học tập và nghiên cứu nghiêm túc về lĩnh vực khoa học vũ trụ đầy lôi cuốn.
Năm 2013, VNSC cử 36 cán bộ sang đào tạo thạc sĩ tại các trường đại học của Nhật Bản. Trong số 11 cán bộ được cử sang học đợt đầu, chỉ có mình Thảo là nữ. Ở Trường Đại học Hokkaido, ngoài nhiệm vụ học thạc sĩ, Thảo và các đồng nghiệp nam đã tham gia chế tạo vệ tinh MicroDragon dưới sự hướng dẫn của giáo sư người Nhật Bản, nhằm từng bước tiến tới làm chủ ngành công nghệ vũ trụ. Đây là vệ tinh quan sát trái đất, có trọng lượng 50kg, kích thước 50x50x50cm.
Quãng thời gian ở Nhật - đất nước có nền công nghiệp vũ trụ phát triển thực sự đã trở thành kỉ niệm khó quên với Thảo. Để có thể vừa học vừa tham gia chế tạo vệ tinh, Thảo thường ở phòng thí nghiệm đến tận khuya. Có thời điểm gấp rút, Thảo làm việc đến 16 giờ đồng hồ/ngày. Những ngày Hokkaido tuyết rơi trắng xoá, trời lạnh âm độ, dù là mấy giờ đêm cô cũng cố gắng vượt mưa tuyết về nhà trọ để tranh thủ giấc ngủ ít ỏi. Cả nhóm có mình Thảo là nữ, nên cô không thể ngủ ở phòng thí nghiệm như các đồng nghiệp nam.
Dù sức khoẻ không tốt và khó thích nghi với thời tiết lạnh, nhưng Thảo vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Thảo tranh thủ thời gian đi bộ tập thể dục để cơ thể thích ứng tốt hơn. Để thuận lợi trong học tập và nghiên cứu, Thảo ra sức học tiếng Nhật và chủ động xin thầy giáo được lên phòng thí nghiệm thực hành.
Những cố gắng của Thảo và đồng nghiệp đã mang lại kết quả. Vệ tinh MicroDragon đã hoàn thành và thử nghiệm thành công. Sau khi được cấp phép, tên lửa Epsilon của Nhật Bản chế tạo đã mang theo vệ tinh MicroDragon của Việt Nam lên quỹ đạo. Hoàn thành xong việc học thạc sĩ ở Nhật Bản, Thảo về nước và tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu vũ trụ tại VNSC.
"Trái tim" của vệ tinh
Cho đến nay, lộ trình phát triển vệ tinh "Made in Vietnam" của VNSC đã ghi dấu ấn bởi ba vệ tinh là PicoDragon (khối lượng 1kg), MicroDragon (50kg) và NanoDragon (4kg). Các vệ tinh này đều đã vượt qua các yêu cầu chế tạo và được phóng lên quỹ đạo lần lượt vào các năm 2013, 2019 và 2021.
Ngày 19-11-2013, vệ tinh siêu nhỏ "Made in Vietnam" mang tên PicoDragon đã được phóng thành công vào quỹ đạo từ Trạm Vũ trụ quốc tế. Sau đó, trạm mặt đất VNSC và các nơi trên thế giới cũng đã ghi nhận thành công tín hiệu liên lạc. Đây có thể coi là cột mốc quan trọng trong việc đánh dấu PicoDragon trở thành vệ tinh do Việt Nam tự phát triển đầu tiên hoạt động thành công trong không gian. PicoDragon có nhiệm vụ kiểm tra khả năng kết nối liên lạc với trạm mặt đất, đo đạc các thông số của vệ tinh và môi trường không gian, đồng thời chụp ảnh trái đất. Thảo chính là người tham gia vào quá trình xử lý dữ liệu từ vệ tinh này.
Hai năm học ở Đại học Hokkaido, trực tiếp tham gia vào dự án chế tạo vệ tinh MicroDragon, Thảo cùng một đồng nghiệp được giao nhiệm vụ quan trọng, đó là thiết kế khối nhiệm vụ của vệ tinh. Khi các tài liệu tiếng Việt về công nghệ vũ trụ còn quá ít, Thảo và đồng nghiệp phải tự đọc thêm tài liệu tiếng Anh. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, Thảo liên hệ với các bạn Nhật Bản để tìm hiểu về dữ liệu vệ tinh họ đang sử dụng. Khối nhiệm vụ của vệ tinh Micro Dragon được nhóm của Thảo xác định dựa trên nhu cầu thực tế kết hợp với các điều kiện của Việt Nam.
Khi đã có khối nhiệm vụ của vệ tinh, nhóm của Thảo sẽ xác định loại camera phù hợp với yêu cầu. Các thông số cụ thể của camera như độ phân giải, phương thức điều khiển đều phải được thiết kế chi tiết. Đối với một vệ tinh quang học quan sát trái đất như MicroDragon thì camera được coi là phần quan trọng, là trái tim của vệ tinh.
Vệ tinh MicroDragon đã được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa Epsilon 4 vào ngày 18-1-2019 tại bãi phóng Uchinoura của Nhật Bản và đã kết nối thành công với trạm mặt đất. MicroDragon có nhiệm vụ chính là quan sát vùng biển trải dài của Việt Nam nhằm xác định chất lượng nước biển, tìm ra những vùng thích hợp nhất để nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, vệ tinh này còn có thêm nhiệm vụ lưu trữ, chuyển tiếp dữ liệu mặt đất và nghiên cứu một số đặc tính của vật liệu trong môi trường vũ trụ. Đó chính là khối nhiệm vụ mà nhóm của Thảo đã thiết kế cho vệ tinh này.
Có thể nói dự án chế tạo vệ tinh MicroDragon mang tính đột phá. Bởi qua đó các kỹ sư Việt Nam trong đó có Thảo không chỉ có cơ hội tiếp thu kiến thức cơ bản về công nghệ vệ tinh mà còn được trực tiếp tham gia thực hành chế tạo vệ tinh micro, tích lũy kinh nghiệm trong quy trình phát triển vệ tinh.
Tiếp nối vệ tinh MicroDragon, từ năm 2017, nhóm cán bộ của VNSC đã phát triển vệ tinh NanoDragon - vệ tinh dạng cubesat lớp nano nặng 3,8 kg với kích thước là 100x100x340,5mm. NanoDragon có nhiệm vụ xác thực chất lượng bộ điều khiển tư thế vệ tinh khi hoạt động trên quỹ đạo, tích hợp bộ thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển.
Chế tạo vệ tinh NanoDragon là một bước đi tiếp theo đánh dấu việc Việt Nam từng bước làm chủ hơn về công nghệ vệ tinh. NanoDragon khác biệt với các dự án chế tạo vệ tinh trước đây. Nếu như PicoDragon được làm hoàn toàn ở Việt Nam nhưng còn đơn giản, được sự hỗ trợ nhiều của Nhật Bản. MicroDragon được làm bởi 36 kỹ sư người Việt Nam nhưng tại Nhật Bản. Còn NanoDragon đã được thiết kế, gia công chế tạo, lắp ráp tích hợp và thử nghiệm chức năng hoàn toàn ở Việt Nam mà không có sự giúp đỡ nào đáng kể về mặt công nghệ. Vệ tinh này đã được đưa lên quỹ đạo bằng tên lửa Epsilon số 5 vào ngày 9-11-2021.
Trên lộ trình phát triển vệ tinh Made in Vietnam, những nhà khoa học trẻ của VNSC trong đó có Thảo ngày càng trưởng thành hơn. Ngoài nghiên cứu chế tạo vệ tinh, Thảo còn có nhiệm vụ phụ trách Đài quan sát thiên văn ở Hòa Lạc (Hà Nội). Xác định rõ việc phát triển sản phẩm công nghệ vệ tinh tại Việt Nam là quá trình nhiều gian nan, Thảo và đồng nghiệp coi mỗi nhiệm vụ là một thử thách đặt ra. Vượt qua được thử thách, chinh phục được nhiệm vụ khó càng khiến Thảo say mê khoa học vũ trụ.