Không bao giờ buông tay

Thứ Ba, 04/01/2022, 21:57

Hoàng Thị Thu Hằng (tức Hằng "12") và Nguyễn Thị Bích Hường từng là hai cái tên được báo chí không ngớt đưa tin vì họ là nạn nhân của hai vụ tai nạn giao thông kinh hoàng từng gây chấn động dư luận vào năm 2000 và 2020.

Họ từng là những tiếp viên hàng không xinh đẹp có tương lai rộng mở. Nhưng chỉ sau đòn giáng bất ngờ của số phận, họ đã mất tất cả. Ở những thời điểm khác nhau, tôi đã trò chuyện, tâm sự cùng họ. Tôi cứ nghĩ mãi về hai người phụ nữ ấy, bởi giữa họ có sự giống nhau đến kì lạ, một số phận kì lạ và một sức sống mãnh liệt đến lạ kì…

Đòn giáng của số phận

"Tôi mong mỏi Bích Hường đủ can đảm để vượt qua những ngày giông tố, giống như tôi đã vượt qua. Dù sau này cuộc sống của Hường có thế nào, dù có còn cơ hội làm tiếp viên nữa hay không thì chỉ cần còn sự sống là còn hy vọng, không bao giờ buông tay" - Thời điểm tháng 2-2020, chị Hằng đã nói với tôi như thế khi đồng nghiệp của chị là nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường thuộc Đoàn tiếp viên phía Nam gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng vào cuối tháng 1-2020.

Hôm đó, khi đang đi GrabBike đến sân bay thì Hường bất ngờ bị xe ôtô Mercedes đâm trực diện trên đường Hồng Hà (quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh). Vụ tai nạn đã khiến người lái xe GrabBike tử vong, còn Bích Hường bị gãy nát hết xương chậu, xương đùi gãy làm ba, gãy xương bàn chân, chảy máu trong nhiều, tình trạng rất nguy kịch.

Lùi về thời điểm 20 năm trước đó, khoảng 22 giờ một ngày tháng 6-2000, chị Hoàng Thị Thu Hằng và nhóm tiếp viên rời sân bay Nội Bài, lên xe ôtô trở về Đoàn tiếp viên ở Long Biên sau chuyến bay. Đến địa phận huyện Đông Anh, xe bị một chiếc xe tải đâm phải. Trong số 9 người trên xe có lái xe và 2 tiếp viên tử vong tại chỗ, số còn lại đều bị thương, chị Hằng bị nặng nhất, nhanh chóng được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện huyện Đông Anh. Sau đó chị được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng đa chấn thương, khuôn mặt giập nát, sụp xương lồng ngực, gãy chân trái và tay trái, vỡ xương chậu, chấn thương sọ não và hôn mê sâu.

Các bác sĩ đã kì công vá lại khuôn mặt cho chị Hằng bằng 154 mũi khâu với ý nghĩ "khi liệm cho đẹp". Bởi thời điểm đó không một ai nghĩ rằng chị Hằng có thể sống sót. Nhưng, điều kì diệu đã xảy ra khi chị vẫn hiện diện trên cõi đời này. Tuy vậy, nửa người bên phải của chị bị liệt, thần kinh bị tổn thương nặng nề nên chị trở nên điên loạn, liên tục gào thét.

Như một định mệnh, cách nhau 20 năm, hai người phụ nữ xinh đẹp đều đã gặp nạn trên đường đi làm. Khoảng thời gian tươi đẹp họ gắn bó với những chuyến bay đã lùi vào dĩ vãng, tương lai rộng mở bỗng chốc khép lại khi chị Hằng mới 28 tuổi, Hường 30 tuổi - lứa tuổi đẹp đẽ của đời người. Tai nạn đã khiến chị Hằng bị thương tật vĩnh viễn 71%, còn Hường là 79%.

Đáng thương hơn là vào lúc "ngàn cân treo sợi tóc", lúc cần một điểm tựa thì họ lại chênh vênh nhất. Tổ ấm mà chị Hằng tạo dựng chỉ mới vài tháng bỗng chốc tan hoang khi người chồng vội vã rời xa chị. Còn Hường thời điểm đó đã đổ vỡ hôn nhân sau thời gian ngắn hai vợ chồng cô về chung nhà. Cô một mình nuôi con nhỏ, mới trở lại công việc tiếp viên được khoảng 3-4 tháng thì gặp tai nạn kinh hoàng.

Không bao giờ buông tay -0
Chị Hoàng Thị Thu Hằng giờ đây có thể tự đi xe máy, viết chữ, sử dụng máy tính, điện thoại bằng tay trái một cách thành thạo.

Sau gần 5 tháng ở viện, chị Hằng trở về nhà bố mẹ. Cuộc sống của chị hoàn toàn dựa vào người thân, bởi chị không thể tự xúc ăn, không chủ động được việc vệ sinh cá nhân. Đằng đẵng nhiều năm sau đó, bố mẹ chị đã bán tất cả tài sản của gia đình để đổi lại cuộc sống cho con gái. Bố chị. biến căn nhà thành bệnh viện dã chiến để điều trị cho chị. Trước tình trạng chị Hằng điên loạn kéo dài, đã hai lần bố mẹ nuốt nước mắt đưa chị vào bệnh viện tâm thần nhưng thương con quá lại đón về. May thay, một bác sĩ đã nhận điều trị cho chị, bệnh thần kinh của chị đỡ dần.

Khi trí não đã dần ổn định cũng là lúc chị Hằng cảm nhận rõ tình trạng tồi tệ của bản thân. Chị thấy mình như một đứa trẻ mới lọt lòng, chỉ biết nằm nhìn mọi thứ trong bất lực. Những giọt nước mắt tủi hờn, đau khổ cứ trào ra triền miên, mặn chát. Bích Hường cũng vậy, sau những cuộc phẫu thuật kéo dài, tỉnh lại, cô dần nhận biết rõ được tình trạng của cô rất nặng, níu giữ được sự sống đã là may mắn, nhưng không biết sau này có đi lại được không. Những ngày điều trị kéo dài ở viện khiến Hường vừa vật vã đau đớn vừa lo lắng nếu cô chết sẽ không ai nuôi con và mẹ của cô. Cô bảo chỉ mong được gây mê vì lúc đó cô sẽ vùi vào giấc ngủ, không bị cơn đau hành hạ.

Sau 3 tháng nằm viện, nhớ con quá nên Hường xin về nhà gặp con. Hôm cô bị tai nạn, cô tạm biệt con trước khi đi bay, con mới biết bò. Vậy mà ngày Hường từ viện trở về, con đã chập chững biết đi. Thấy mẹ ngồi xe lăn, cậu bé lạ lẫm nhìn mẹ đầy xa lạ, cứ nép vào người bà. Giây phút đó, Hường trào nước mắt xót xa. Cô cũng không thể ôm con vào lòng vì cơ thể còn yếu và đang nẹp xương chưa cố định. Suốt một năm sau đó, Hường vẫn phải coi bệnh viện là nhà khi những ca mổ vẫn diễn ra cách quãng.

Cuộc trở về ngoạn mục

Đã nhiều lần chị Hằng muốn kết thúc cuộc sống. Nhưng nhìn bố mẹ bạc tóc vì lo lắng, kiên trì chạy chữa cho mình, chị nhủ lòng phải luyện tập từ những động tác đơn giản nhất dù có khó khăn, đau đớn và gượng gạo. Cánh tay trái trước kia giập nát, các bác sĩ từng chỉ định cắt bỏ nhưng bố chị xin được để lại vì lúc đó không muốn con mình về cõi chết mà vẫn bị đứt lìa một phần cơ thể. Kì diệu thay, chính cánh tay ấy sau ca mổ phẫu thuật gần 7 tiếng đã dần hồi phục, cử động trở lại, giúp chị rất nhiều trong việc luyện tập. Chị kiên trì tập luyện và nhúc nhắc được những bước đầu tiên dựa vào đôi nạng gỗ. Quãng đường di chuyển cứ dài dần ra, 1 mét, rồi 2 mét, 5 mét. Đến một ngày, điều kỳ diệu đã đến khi chị bỏ được nạng, dù rất khó khăn nhưng Hằng đã tự di chuyển được.

Khi chị Hằng tạm hồi phục, bố chị động viên chị đi làm trở lại. Bởi ông biết, chỉ khi đi làm, con gái ông mới có nghị lực chiến thắng bản thân, để hòa nhập với cuộc sống. 5 năm kể từ sau tai nạn, chị quay trở lại Đoàn tiếp viên làm công việc quản lý thư viện rồi làm chuyển sang Phòng Đào tạo - Đoàn Tiếp viên hàng không Vietnam Airlines. 6 năm sau vụ tai nạn, tình yêu đến đầy bất ngờ đã sưởi ấm trái tim chị Hằng, hệt như một giấc mơ. Anh là một quân nhân trước đó 10 năm đã học cùng chị trong lớp đại học ngoại ngữ ở TP. Hồ Chí Minh.

Bẵng đi rất lâu, khi câu chuyện của chị Hằng được báo chí đưa tin, anh nhận ra người bạn gái xinh đẹp mà anh từng thầm yêu trộm nhớ. Anh đến với chị, nguyện làm chỗ dựa cho chị, bù đắp những thiếu hụt mà chị phải chịu đựng. Sau những giây phút hoang mang, do dự, trước tình yêu chân thành của anh, chị Hằng mạnh dạn mở lòng đón nhận hạnh phúc. Cuối năm 2006, đám cưới của hai người diễn ra giản dị mà ấm cúng. Bạn bè, đồng nghiệp đến chúc mừng rất đông. Sau nhiều năm, nụ cười trở lại trên gương mặt người phụ nữ đáng thương.

Không bao giờ buông tay -0
Sau biến cố đau buồn, giờ đây Nguyễn Thị Bích Hường đã bình tâm bên con trai.

Đầu năm 2007, khi chị cảm nhận một mầm sống đang lớn dần trong cơ thể, niềm vui hòa lẫn những giọt nước mắt chứa chan. Ông trời đã lấy đi của chị hình hài, sự nghiệp, cuộc sống nhưng vẫn cho chị được làm mẹ. Cuối năm 2007, đứa bé chào đời trong niềm hạnh phúc ngập tràn của anh chị và họ hàng hai bên. Từ khi có con, chỉ với cánh tay trái yếu ớt, người mẹ tật nguyền gắng xoay xở làm được nhiều việc hơn để con đỡ thiệt thòi.

Năm 2012, người con thứ 2 ra đời khiến tổ ấm của anh chị càng thêm ấm áp. Hiện tại, chị đã nghỉ làm ở nhà chăm con và bán hàng online. 20 năm với sự cố gắng từng chút một, chị giờ đã có thể tự di chuyển được dù khá nặng nhọc và chậm rãi. Rồi chị tập đi xe đạp điện, tập đi xe máy. Chị có thể viết chữ, sử dụng máy tính, điện thoại bằng tay trái một cách thành thạo. 

"Một kết thúc có hậu đã đến với chị Hằng. Em cũng nỗ lực từng ngày như chị ấy để chăm lo cho mẹ và con trai em", Hường xúc động nói với tôi như vậy. Sau những ca mổ, áp lực là người gồng gánh gia đình khiến Hường quyết không đầu hàng số phận. Cô chống nạng tập đi, kiên trì tập vật lý trị liệu, rồi cố gắng bỏ nạng. Giờ đây, những bước vẫn thấp thểnh, gượng gạo, di chuyển khó khăn nhưng cô vẫn cần mẫn bán hàng online để nuôi mẹ và con trai. Hường vẫn còn phải tiếp tục phẫu thuật để điều trị từng bước bệnh tình của cô. Hiện tại trí nhớ của Hường bị ảnh hưởng nặng nề.

"Nhiều khi em bán hàng hay tính tiền nhầm, lúc thì nhớ lúc lại quên bẵng. Nhưng khách hàng biết hoàn cảnh của em, họ trả lại tiền và vẫn ủng hộ em". Một điều mà tôi cảm phục hai người phụ nữ, là họ không lảng tránh quá khứ mà học cách chấp nhận, đối mặt với tất cả, mặc dù chưa bao giờ những dấu ấn buồn đau của vụ tai nạn thôi ám ảnh họ.

Có một điều mà Hường vẫn nghĩ ngợi nặng trĩu trong lòng, khi đã gần 2 năm xảy ra tai nạn nhưng phiên toà xét xử kẻ lái chiếc Mercedes gây tai nạn kinh hoàng vẫn chưa kết thúc. Cho đến tận bây giờ Hường cũng như gia đình người lái xe GrapBike đáng thương vẫn chưa nhận được một câu hỏi thăm, một lời xin lỗi và số  tiền bồi thường thoả đáng. Kí ức đau buồn vẫn không thể ngủ yên trong tâm trí cô.

Thái Hưng
.
.