Khát vọng "Vũ hội Thăng Long- Hà Nội"

Thứ Tư, 13/07/2022, 12:24

Mới đây gặp lại NSND Ngọc Bích trong chương trình múa nhân Ngày hội Gia đình Việt Nam (28-6-2022) tại Vân Hồ, tôi bất ngờ thấy sắc vóc tươi trẻ ngày nào của chị không bị phai nhòa. Vũ điệu của chị cuốn hút bởi thần thái cùng vẻ đẹp cấu trúc khuôn hình cơ thể uyển chuyển mê say.

Ấn tượng ấy gợi nhớ cho tôi một ký ức từ đầu thập niên 90 khi xem Ngọc Bích múa tạo hình Apsara kỳ ảo. Ai nấy sững sờ bởi dáng vóc nõn nà của vũ nữ trong ánh sáng chập chờn cùng tiếng kèn Xaranai huyền bí. 

Vũ điệu trở về đất mẹ anh hùng

Phạm Thị Ngọc Bích (Ngọc Bích) có duyên với ca múa từ khi còn bé. Chị sinh năm 1961 tại Thái Bình, một xứ chèo nổi tiếng. Mỗi khi có đoàn ca múa nhạc biểu diễn bao giờ Ngọc Bích cũng ríu rít rủ bạn đi xem. Mười tuổi Ngọc Bích đã mơ ước mình được múa trên sân khấu. Từ đó Ngọc Bích âm thầm học lỏm những điệu múa của các cô chú ở đoàn văn công. Thấy vậy gia đình cấm cửa không cho Ngọc Bích đi xem nữa.

Nhưng ai cũng bất ngờ, năm 1975 trường múa đã về tận Thái Bình tuyển sinh, Ngọc Bích trèo cổng trốn mẹ đi thi và trúng tuyển. Cuối cùng gia đình đành phải chấp nhận cho con gái lên Hà Nội học tập. Khi ấy Ngọc Bích tròn 14 tuổi. Một thân một mình tất tả lên đường. Cô bé nhà quê luôn ngơ ngác với những gì hiện trên đường phố thủ đô. Một tà áo dài bay bay trong gió hồ Tây. Một cây liễu rủ đung đưa theo sóng nước. Tất cả như những điệu múa trước mặt Ngọc Bích.

Khát vọng
Vai mẹ Thứ do Ngọc Bích biều diễn.

Đúng là Ngọc Bích sinh ra để múa như trời định. Trong bốn năm chăm chỉ học tập, tài năng Ngọc Bích ngày một đơm hoa và tỏa hương. Chị đã tốt nghiệp xuất sắc và được Đoàn Văn công Trung ương tuyển về đội múa (1979). Trở thành diễn viên múa chính trong mọi tiết mục, Ngọc Bích đã cùng đoàn đi phục vụ khắp nơi sau những ngày thống nhất đất nước. Đặc biệt là những chuyến đi biểu diễn trên biên giới phục vụ các chiến sĩ biên phòng và hải đảo. Ngọc Bích thường được chọn múa "Solo" trong các tiết mục múa tập thể hay múa đôi. Chị đã cùng đội múa đoạt nhiều Huy chương vàng (HCV) và Huy chương bạc (HCB) qua các kỳ hội diễn của Đoàn Văn công (Sau này là Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Việt Nam).

Nhưng cũng ít ai ngờ Ngọc Bích lại say mê làm biên đạo. Chính vì thế những nét sáng tạo, những động tác hay vũ điệu Ngọc Bích luôn vận dụng làm cho tiết mục mới lạ hơn. Chị xin đi học một khóa biên đạo tại trường múa từ năm 1997.   Vừa biểu diễn, vừa đi học vất vả trong 5 năm trời nhưng Ngọc Bích đã tốt nghiệp đầu bảng với sáng tác mới: "Một thoáng Chăm" (2002). Nghệ sĩ Ngọc Bích như được chắp cánh bay cao khi trở thành biên đạo múa. Đây là công việc đòi hỏi nỗ lực sáng tạo hình tượng nghệ thuật trong từng điệu múa. Ngọc Bích đã dấn thân vào một hành trình lao động miệt mài không ngừng nghỉ. Chị được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2006. Ngọc Bích có nhiều thay đổi bất ngờ khi chị hướng tới những đề tài về chiến sĩ và bà mẹ anh hùng. Đây là bước chuyển mình sáng tạo hình tượng nghệ thuật sâu sắc hơn, thấm đẫm tính nhân văn cao cả. Những tiết mục này nằm trong dự án nghệ thuật của Nhà hát biểu diễn.

Hàng chục tiết mục của Ngọc Bích đã để lại ấn tượng nghệ thuật cao về hình tượng người chiến sĩ và người mẹ anh hùng. Đó là các tiết mục mang dấu ấn Ngọc Bích: "Ngày trở về", "Hồi ức chiến tranh", "Mắt biển"; hay đó còn là những hình ảnh của "Áo mùa đông", "Đội quân ngầm", "Người mẹ Quảng Nam"... Những tác phẩm của chị đã đem lại niềm xúc động cho khán giả qua những động tác cùng lời ca và âm nhạc. Không ít tiết mục chị còn múa trực tiếp.

Đặc biệt là vai bà mẹ Thứ, trong màn múa "Người mẹ Quảng Nam" (2014). Ngọc Bích với tấm thân gày guộc của mẹ Thứ qua hình ảnh đi tìm con trong đoàn quân ra mặt trận. Những động tác mẹ dâng nến làm xúc động lòng người. Thể hiện vai người mẹ có 9 người con và cháu hy sinh vì đất nước, Ngọc Bích đã hóa thân trong từng đường nét cử chỉ làm mọi người không kìm được nước mắt. Sự hy sinh lớn lao của người mẹ mà nghệ sĩ Ngọc Bích gọi đó là những nỗi đau không thể gọi thành tên. Chị đã hóa thân thành những động tác múa để gọi tên cho những nỗi đau đó. Nghệ thuật biên đạo của Ngọc Bích thấm đẫm chất dân gian nhưng lại mang dấu ấn thời đại. Đó là những âm hưởng bi hùng cho hình tượng những người mẹ đã một đời chờ đợi con trở về.

Dạt dào "Sóng lụa ven đô"

Tính đến nay nghệ sĩ Ngọc Bích đã hơn 40 năm theo đuổi sự nghiệp múa. Không những là một vũ công tài năng mà chị còn là một biên đạo có số lượng tác phẩm vào loại "Kỷ lục". Mới đây có dịp gặp Ngọc Bích nghe chị thống kê các tiết mục biên đạo của chị tôi thật sự ngạc nhiên. Chị đã dàn dựng vũ đạo chừng 400 kịch mục sân khấu các thể loại như kịch nói, cải lương, chèo và dân ca. Ấy là chưa kể hàng chục tiết mục của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam biểu diễn.

Đặc biệt nói đến vũ điệu "Sóng lụa ven đô" do Ngọc Bích biên đạo đã tồn tại tới 14 năm nay. Ngoài đơn vị Nhà hát nơi chị công tác thì không ít nơi khác cũng lấy tác phẩm của chị làm tiết mục biểu diễn thường xuyên. Đúng là ít có tiết mục múa nào có tuổi thọ lâu đến vậy. Đây là tiết mục được HCV do Nhà hát Ca múa Dân tộc Việt Nam dự hội diễn năm 2009 tại Nha Trang.

Khát vọng
NSND Ngọc Bích.

Nghệ sĩ Ngọc Bích còn đoạt một kỷ lục đáng tôn vinh khi chị tham gia biên đạo múa thể hiện cuộc đời của các lãnh tụ. Đây là dự án (từ 2012) dành cho kỷ niệm 100 năm ngày sinh của các cố Tổng bí thư Đảng qua các thời kỳ cách mạng. Mới nhất là kịch múa kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng bí thư Lê Hồng Phong mà nghệ sĩ Ngọc Bích đã hoàn thành. Đến nay nghệ sĩ đã dàn dựng được 10 chương trình múa quan trọng này. Nét sáng tạo của Ngọc Bích trong từng màn diễn quả là công phu. Bởi chị phải nghĩ ra hàng trăm động tác trong vũ đạo kết thành câu chuyện kể về cuộc đời các lãnh tụ Đảng ta. Mỗi chân dung là một lịch sử khác nhau và được miêu tả bằng những vũ điệu có chiều sâu. Quả không mấy ai dấn thân như chị khi đảm đương dự án nhiều khó khăn này. Mô tả một hành trình trong sự nghiệp cách mạng của mỗi lãnh tụ đòi hỏi sự khái quát rất cao trong từng động tác múa. Đây là một kỷ lục của Ngọc Bích sẽ được ghi nhận theo thời gian mỗi ngày một tăng. Năm 2015, nghệ sĩ Ngọc Bích được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND. Năm sau, chị còn được tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Chưa hết nghệ sĩ Ngọc Bích còn là người có số lượng tiết mục về Hà Nội đáng nể với những thành tựu được ghi nhận (HCV và HCB). Ngoài vũ điệu "Sóng lụa ven đô" chị còn có những tiết mục khác như: "Hương cốm", "Dáng xuân", "Hồn đất"...Vừa qua Ngọc Bích còn lập một kỷ lục múa đặc sắc khác khi có tới 5.000 người tham gia. Đó là màn múa "Đại Xòe" đã diễn ra tại Nghĩa Lộ, Yên Bái (9-2019). Hàng ngàn diễn viên nghệ sĩ và các nghệ nhân vùng Tây Bắc đã hội tụ dưới sự chỉ huy của NSND Ngọc Bích (Tổng đạo diễn). Khi trao đổi với tôi về sự kiện này, chị đưa ra hàng trăm bản vẽ để xây dựng các hình tượng nghệ thuật cho các nghệ sĩ thể hiện. Đó là những bức tranh sống động về văn hóa vùng Tây Bắc. Khi là biểu tượng những cánh đồng bậc thang. Tiếp sau đó là chiếc khăn Piêu trong ngày hội. Hoặc có khi hàng ngàn người tạo hình những cọn nước đang quay dạt dào dưới dòng suối trong...Nghệ sĩ Ngọc Bích đã hàng đêm thức trắng để vận hành và xây dựng mẫu hình tượng nghệ thuật. Đây là một kỷ lục khó ai có thể vượt qua.

Dịu dàng Hà Nội phố

Sau khi về hưu NSND Ngọc Bích tham gia ban chấp hành Hội Nghệ sĩ múa (2020-2025). Là một nghệ sĩ gắn bó với Hà Nội trọn cuộc đời, Ngọc Bích mong ước sẽ dựng được nhiều tiết mục múa về thủ đô hơn nữa. Chị vẫn ở căn nhà nhỏ trong một con ngõ ở phố Cát Linh hàng chục năm qua. Căn nhà mang bao kỷ niệm trong cuộc đời và hạnh phúc. Nơi đó chị luôn nảy sinh ý tưởng về hình tượng nghệ thuật và bạn bè lui tới. Hàng ngày chị vẫn đi dậy và dàn dựng múa cho các phong trào địa phương và tham gia những dự án nghệ thuật của thành phố.

Năm 2020, NSND Ngọc Bích đã tổ chức một hội xòe hàng trăm người ở quảng trường phố đi bộ bên Hồ Gươm để chào mừng đại lễ 1010 năm Thăng Long-Hà Nội. Chị đã đưa ra dự án mỗi đêm phố đi bộ đều là một lễ hội. Ở đây những vũ điệu của 54 dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra với hình ảnh văn hóa độc đáo. Nghệ sĩ luôn luôn mơ ước đêm nào thủ đô cũng tràn ngập âm nhạc cùng các tiên nữ giáng trần ca múa để lưu giữ dấu ấn một thuở Thăng Long-Hà Nội ngàn năm.

Vương Tâm
.
.