Kết cục bi thảm của điệp viên Mỹ làm việc cho Liên Xô

Chủ Nhật, 18/06/2023, 14:12

Ngày 5/6/2023, Cơ quan quản lý nhà tù Mỹ cho biết, ông Robert Philip Hanssen, 79 tuổi, người từng làm gián điệp cho Liên Xô, đã chết khi đang thụ án chung thân tại nhà tù liên bang ở Florence, bang Colorado, nhà tù có an ninh bậc nhất ở Mỹ khi biệt giam các tù nhân 23 giờ/ ngày.

Trong suốt 20 năm, Hanssen cung cấp tin tình báo cho Liên Xô và Nga để đổi lấy 1,4 triệu USD, khiến FBI thiệt hại hơn 7 triệu USD và mất nhiều đặc tình. FBI gọi Hanssen là "điệp viên tai hại nhất trong lịch sử của cục" khi các hoạt động của ông "có thể là thảm họa tình báo tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ".

Điệp viên “kiếm thêm” bằng bán hồ sơ mật

Robert Philip Hanssen sinh năm 1944 tại Chicago trong một gia đình có bố là cảnh sát. Mặc dù được bố khuyến khích trở thành bác sĩ, nhưng Hanssen lại thi vào ngành Hóa của Đại học Knox và nhận bằng cử nhân Hóa học vào năm 1966. Khi học đại học, Hanssen còn tham gia các lớp tiếng Nga với mong ước một ngày nào đó có thể… bắt được gián điệp Liên Xô. Đặc biệt, Hanssen có niềm đam mê với các loại mật mã, radio và các thiết bị điện.

Kết cục bi thảm của điệp viên Mỹ làm việc cho Liên Xô -0
Robert Hanssen trong phòng giam. Ảnh: FBI.

Sau khi tốt nghiệp đại học, để cho người cha vui lòng, Hanssen tiếp tục theo học một thời gian ngắn về nha khoa trước khi kết hôn với bạn gái Bernadette Wauck.

Năm 1972, bỏ nghề kế toán, Hanssen nộp đơn xin vào Sở Cảnh sát Chicago. Hanssen nhanh chóng được nhận làm điều tra viên chìm cho bộ phận nội vụ. Ban đầu anh thấy công việc khá thú vị, nhưng rồi nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi với nó. Vì vậy, năm 1975, Hannsen nộp đơn xin sang FBI, sau đó theo học khóa huấn luyện ở căn cứ Quantico, bang Virginia…

Năm 1979, vợ chồng Hanssen chuyển đến sống tại thành phố New York. Chính sách của FBI đòi hỏi nhân viên phải luân chuyển thường xuyên, nhưng không trả thêm tiền trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở thành phố lớn. Vì vậy, khó khăn tài chính luôn đè nặng Hanssen, lúc đó là cha của 3 đứa trẻ, khi ngày càng thêm các khoản nợ nần, dù đã phải chuyển nơi ở của gia đình ra xa khu trung tâm để tiết giảm chi phí.

“Đói thì đầu gối phải bò”, khi FBI giao cho Hanssen làm công tác phản gián, được quyền tiếp cận những tài liệu bí mật và nhạy cảm nhất liên quan đến hoạt động gián điệp của Mỹ, Hanssen bắt đầu lên kế hoạch bán mình cho KGB…

Phi vụ đầu tiên, Hanssen đã gửi một bức thư nặc danh cho một quan chức Liên Xô cấp thấp tại Liên hợp quốc với đề nghị làm “tay trong” của Tướng Dmitri Polyakov, một nhân vật cấp cao trong Cơ quan tình báo quân sự nước ngoài của Liên Xô (GRU) để đổi lấy 20.000 USD. Hanssen viết, nếu giới chức Liên Xô đồng ý, họ có thể trả lời thông qua một quảng cáo cá nhân trên tờ The Village Voice. Chỉ vài tuần sau, quảng cáo báo hiệu câu trả lời đồng ý.

Một thời gian sau, FBI thăng chức và điều chuyển Hanssen đến làm việc tại phòng ngân sách tại Washington. Vị trí làm việc này giúp ông ta có cơ hội tiếp cận được nhiều thông tin tuyệt mật về hầu hết hoạt động FBI đang tiến hành, bao gồm danh sách điệp viên, địa điểm, thời gian, cũng như hoạt động của các đặc vụ, gián điệp và người cung cấp thông tin. Với “mỏ vàng” này trong tay, Hanssen hiểu rằng sẽ có cơ hội biến thành vàng thật và quyết định cộng tác lâu dài với KGB.

Đầu tháng 10/1985, trong hòm thư nhà riêng Đại tá KGB Viktor M.Degtyar, người đang hoạt động dưới lớp vỏ tùy viên ngoại giao tại bang Virginia, nhận được một lá thư không có tên người gửi. Bên trong lớp phong bì đầu, còn một phong bì khác, đề dòng chữ: "Không được mở. Hãy chuyển bức thư này cho Victor I.Cherkashin (chỉ huy phản gián của KGB)".

Lá thư đặc biệt này sau đó được chuyển cho Cherkashin. Trong lá thư, người gửi vô danh cho biết sắp tới sẽ chuyển một thùng tài liệu cho Đại tá Degtyar, trong đó bao gồm những thông tin tuyệt mật của cộng đồng tình báo Mỹ, và đều là bản gốc để KGB có thể kiểm tra tính xác thực cùng lời nhắn nhủ: “Tôi tin rằng một sĩ quan giàu kinh nghiệm như ngài có thể xử lý vấn đề này một cách đúng đắn. Tôi cũng tin rằng số tài liệu đó xứng đáng với 100.000 USD". Để tạo sự tin tưởng rằng đây không phải là trò đùa, người vô danh còn cung cấp cho KGB danh sách ba điệp viên của họ gồm: Sergei Motorin, Valeriy Martinov và Boris Yuzhin đã bán mình cho CIA. Nhận tin này, KGB lập tức kiểm tra và xác định đó là thông tin chính xác, ba điệp viên bị bắt và trừng phạt vì tội làm gián điệp cho Mỹ.

Trong lá thư, người vô danh đưa ra nguyên tắc “2 không”: không bao giờ tiết lộ thân phận thật của mình và không bao giờ gặp một điệp viên Liên Xô nào. Người này yêu cầu nhân viên KGB tuân thủ tuyệt đối với những sự sắp xếp về thời gian và địa điểm liên lạc để "đối tác" đến lấy tài liệu và trả tiền.

Dù không biết mặt, nhưng từ thông tin chính xác về 3 điệp viên KGB làm việc cho CIA đủ để sếp KGB Cherkashin đặt niềm tin vào người vô danh. Đúng hẹn, hơn một tuần sau, KGB nhận được thùng tài liệu đặt ở khu vui chơi trong công viên Nottaway với những tài liệu cực kỳ giá trị. KGB đặt biệt danh cho người vô danh này là “Ramon Garcia” và lập tức chuyển 50.000 USD cho “Ramon” qua hộp thư chết.

Hanssen đã bán nhiều bí mật cho Cherkashin. Một thông tin cực kỳ quý giá mà Hanssen bán cho KGB là tài liệu về một đường hầm bí mật được đào bên dưới Đại sứ quán Liên Xô ở Washington. Hanssen cũng cảnh báo mỗi khi các gián điệp Liên Xô bị nghi ngờ, đồng thời thu được danh sách điệp viên hai mang làm việc cho Mỹ. Thời gian này, FBI lại giao cho anh ta tuyển dụng những người cung cấp tin và đánh hơi những gián điệp tiềm năng. Hanssen thậm chí còn được giao theo dõi những người chịu trách nhiệm về những lỗ hổng trong hoạt động phản gián của Mỹ. Hanssen cũng đề xuất các lãnh đạo KGB tuyển dụng người bạn thân là một trung tá tình báo quân đội. Trong tất cả các thư tay cho Cherkashin, Hanssen đều ký là “Ramon Garcia”, với hy vọng đuôi “cia” trong tên có thể đánh lạc hướng FBI. Giá trị của những thông tin mà Hanssen bán cho KGB ước tính trị giá lên tới hàng tỷ USD. Tổng số tiền Hanssen kiếm được là 1,4 triệu USD tiền mặt và kim cương. Mặc dù là một điệp viên đáng gờm trong mắt người Mỹ và là người có công trong mắt người Nga, ông Hanssen sống một cuộc đời bình lặng ở vùng ngoại ô với vợ là bà Bonnie và 6 người con.

Kết cục bi thảm của điệp viên Mỹ làm việc cho Liên Xô -0
Robert Hanssen (trái) và trợ lý của anh ta, Eric O'Neill là người được cài để tìm bằng chứng buộc tội Hanssen.

Sập bẫy

Năm 1994, một điệp viên CIA là Aldrich Ames bị bắt vì làm gián điệp cho Liên Xô. Lúc này, FBI có thông tin về một điệp viên đang nằm trong nội bộ đã hợp tác với KGB. FBI và CIA sau đó hợp tác để tìm ra gián điệp cuối cùng, bằng cách tìm đến những cựu nhân viên KGB sẵn sàng bán thông tin. Aleksandr Shcherbakov, cựu đặc vụ KGB chuyển sang kinh doanh tư nhân, đồng ý tiết lộ thông tin với giá 7 triệu USD.

Trong các tài liệu mà Aleksandr Shcherbakov cung cấp có cả các cuốn băng ghi âm. Trong cuốn băng đó, giọng nói của một người mang mật danh "Ramon" rất quen với đặc vụ Michael Waguespack. Một đặc vụ khác, Bob King, cùng nghe, và nhận ra nguyên một câu trích dẫn lời tướng G.Patton đã được Hanssen thốt lên trước đây, với cùng ngữ điệu. Từ đây, một cái bẫy được giăng ra từ từ. Hanssen tiếp tục được thăng cấp, điều về Tổng hành dinh. Một đặc vụ trẻ, Eric O'Neil, được cài vào làm trợ lý theo dõi Hanssen. O’Neill nhận thấy Hanssen sử dụng máy tính cá nhân Palm III để lưu trữ thông tin.

Tuy nhiên, suốt một thời gian, O'Neil vẫn không có cơ hội tiếp cận máy tính này vì Hanssen luôn cầm theo nó bên người. Ngày 15/2/2001, đích thân cấp trên FBI dàn dựng vở kịch rủ Hanssen xuống tầng hầm có việc, O'Neil mới có được vài chục phút ít ỏi để phá mã, tải toàn bộ dữ liệu trong chiếc máy tính ấy. Lập tức khoảng 300 đặc vụ FBI nhận nhiệm vụ theo dõi Hanssen.

Ngày 18/2/2001, Hanssen tiễn một người bạn tại sân bay, sau đó đến Công viên Foxstone, bang Virginia. Hanssen xách cặp đến một chiếc cầu gỗ trong khuôn viên. Nhìn quanh không thấy ai, ông nhét chiếc cặp xuống dưới trụ cầu. Khi đi qua một cây cột điện phía ngoài công viên, ông để lại một ám hiệu nhỏ bằng viên phấn trắng giấu trong tay. Không lâu sau, có người đến lấy chiếc cặp khỏi trụ cầu. ở một địa điểm khác, 50.000 USD được đặt vào chỗ quy định quen thuộc. Nhưng khi Hanssen vừa trở lại xe với túi tiền trong tay đã thấy xung quanh toàn các nhân viên FBI.

Sau khi Hanssen bị bắt, Mỹ trục xuất hơn 50 nhân viên ngoại giao Nga. Tổng cộng, Hanssen đã cung cấp cho KGB hơn 6.000 trang tài liệu tuyệt mật. FBI phải rà soát lại toàn bộ nhân sự trong khâu phản gián của mình. Tai hại hơn là các kế hoạch sử dụng công nghệ tiên tiến và vô cùng đắt đỏ của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), CIA, FBI nhằm cài đặt thiết bị nghe lén, đánh cắp thông tin từ các cơ quan Liên Xô đều bị vô hiệu hóa…

Bị buộc tội với 14 tội danh gián điệp và một tội danh âm mưu hoạt động gián điệp, Hanssen phải đối mặt với án tử hình vì những thông tin do ông ta cung cấp đã khiến không ít đặc tình cung cấp thông tin từ phía Liên Xô cho Mỹ bị xử tử. Tuy nhiên, Hanssen cuối cùng bị tuyên 15 án chung thân liên tiếp và mang số tù nhân số 48551-083 bị biệt giam 23 giờ/ ngày tại nhà tù liên bang ở Florence, Colorado và không có cơ hội được ân xá. Cuộc đời Hanssen đã kết thúc trong lao tù vào ngày 5/6/2023.

Ngọc Trang (Tổng hợp)
.
.