Hồng Thanh Quang: Niềm thơ khôn thỏa

Thứ Sáu, 26/08/2022, 13:58

Chương trình nghệ thuật "Vẫn nguyên là nỗi khát" là một đêm thơ nhạc đặc biệt của nhà thơ Hồng Thanh Quang được tổ chức vào tối 4-9-2022 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình tiếp nối những thành công gắn liền với tên tuổi nhà thơ Hồng Thanh Quang, với những bài thơ được thể hiện ở nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau như đọc thơ, ngâm thơ, hát xẩm, ca Huế... để đón nhà thơ nhân dịp bước sang tuổi 60.

Trắng. Trắng toát từ căn phòng cho đến giường bệnh, anh nằm đó vẫn cầm điện thoại vào Facebook tay lướt lên lướt xuống như một người có thói quen khó bỏ, mà dùng từ chính xác hơn là "nghiện" mạng xã hội. Đấy là thời cách đây 3 năm, một căn bệnh đổ nhào vào người do bị lỗi gen di truyền và anh mắc một căn bệnh "tử"- bệnh ung thư tụy. Nhiều người nghĩ anh khó lòng qua khỏi, may thay, y học giờ đã phát triển, vả lại gia đình anh cũng có điều kiện để chữa trị "bệnh nhà giàu". Nhưng, trên tất cả, anh đã chiến thắng bệnh tật bởi bản năng sinh tồn rất mạnh, như một con thú hoang ở khu rừng già,  nó sẵn sàng chiến đấu cho đến từng nhịp đập, từng hơi thở, từng giọt máu.

Hồng Thanh Quang: Niềm thơ khôn thỏa -0

Mặc dù trong giai đoạn khó khăn bệnh tật hoành hành, những cơn đau thể xác phầm phập vào da thịt xương cốt và có thể nó cũng làm tê liệt cả tâm hồn thơ ca, thế nhưng, những người bạn trên Facebook vẫn thấy anh hằng ngày đăng ảnh đều đều trong căn nhà ấm cúng mà anh gọi là: tổ ấm Nhâm Dần.

Người ta thấy anh hay chụp với hoa. Mùa nào hoa ấy, lúc thì những đóa họa mi giản dị, khi là những bông hồng rực rỡ kiêu sa, hoặc những lọ sen sang trọng mà tinh tế. Anh đích thị bản chất của một nhà thơ yêu, dễ rung cảm xiêu lòng trước cái đẹp. Anh thả hồn nương tựa vào cái đẹp. Trong những cơn mơ hoa say nắng say gió, tâm hồn thi sĩ lại vang lên những câu thơ ngọt ngào như được tẩm mật của tình yêu:"Em ở nơi nào anh cũng nhớ". Theo quy luật của cuộc sống, hoa nào rồi cũng phải tàn, từng người đẹp cũng như những cánh hoa lần lượt rời đi. Cuộc sống hỗn độn với bao công việc bộn bề, cả những hiềm khích, hẹp hòi, đố kị, thị phi... anh trải qua ngay cả trong lúc bạo bệnh. Anh đã băng qua nó một cách thật kì diệu, như một nhà ảo thuật trứ danh. Và rồi người ta thấy, trong những lúc "tĩnh tại" như thế anh viết đủ những câu châm ngôn từ bài học chắt chiu đúc kết từ cuộc sống.

Anh sinh năm 1962, cầm tinh hổ. So với những bạn bè cùng trang lứa, anh là một con hổ lên bổng xuống trầm, cuộc đời nhiều thác ghềnh sóng gió. Những cuộc hôn nhân đời tư ồn ào cùng trí tuệ thông minh bẩm sinh được đào tạo và rèn luyện một cách bài bản đã tạo nên một Hồng Thanh Quang rất khác biệt. Sự khác biệt đấy có thể làm bạn yêu, có thể làm bạn ghét, đương nhiên là không nhạt. Anh khác lạ từ giọng nói, đến cách hành xử khác người. Có nhiều chuyện người ta thấy bình thường thì anh lại rơi nước mắt.

Hồng Thanh Quang: Niềm thơ khôn thỏa -0

Và chắc hẳn, trong những người lãnh đạo tôi từng gặp chắc chẳng ai hay khóc như anh. Xúc động khóc. Vui khóc. Buồn khóc. Thất vọng khóc. Cãi nhau khóc. Có lần anh khóc đến lạc cả giọng chỉ vì "giận" nhau với một ông anh, và sau đó ông anh ấy cũng xuống nước để vỗ về thằng em thi sĩ dại khờ. Những người quen với anh chắc hẳn ai cũng chứng kiến một hoặc nhiều lần anh nước mắt khi lã chã tuôn rơi, lúc đôi mắt đỏ hoe ngấn lệ. Khóc đấy lại cười ngay. Cười ngay rồi lại khóc luôn, cũng chỉ có Hồng Thanh Quang mới vậy.

Anh mang tâm hồn mong manh nhạy cảm dễ vỡ và cũng may thay anh lại được trưởng thành từ trong quân ngũ. Ngay kể cả bây giờ, ở tuổi 60 nhớ lại thời tuổi trẻ: Năm 1986, 24 tuổi, tốt nghiệp kỹ sư vô tuyến điện quân sự ở Liên Xô anh về nước mang quân hàm trung úy, làm  phóng viên ở Binh đoàn 3 Tây Nguyên. Số là, mặc dù được đào tạo ở một chuyên ngành khác nhưng chàng trai trẻ đã nghĩ chữ nghĩa mới thực sự là sự cứu cánh, bến đỗ của đời mình. Cái anh chàng gầy nhẳng và xanh xao ấy đã "điên rồ" tự tin lên gặp Trung tướng Khuất Duy Tiến, Tư lệnh Quân đoàn 3 (lúc đấy là Thiếu tướng) đề đạt nguyện vọng văn chương viết lách. Nhìn chàng trai trẻ đầy ước mơ, vị Tư lệnh đã kí quyết định cho chàng trai trẻ về làm phóng viên của tờ tin Binh đoàn Tây Nguyên theo nguyện vọng. Nghiệp viết lách đã theo anh từ đấy.

Tuổi trẻ giàu mơ ước và hoài bão, ngoài những bản tin viết cho binh đoàn, anh còn cộng tác viết cho Báo Quân đội nhân dân. Năm 1988, anh chính thức được nhận vào tờ báo mà mình mong ước, từ đây một chân trời mới phơi phới với người trai trẻ.

Những năm tháng thăng hoa của tuổi trẻ bồng bột say đắm để lại cho anh những câu thơ hay và những cuộc tình ngọt ngào.

Mọi người biết đến anh là một nhà thơ nhưng ở anh còn có tố chất của một nhà báo giỏi. Lợi thế ngoại ngữ cộng với cách nhìn nhận sâu sắc về các vấn đề thời sự, bản lĩnh chính trị, văn phong hấp dẫn, anh đã có những bài bình luận quốc tế và vô số bài viết chân dung đặc sắc theo phong cách rất riêng, cùng những bài trò chuyện đặc sắc trên ANTG cuối tháng vào đầu những năm 2000.

Thời gian khiến đứa trẻ lớn dần trưởng thành rồi già đi. Mặc dù sống ở chốn phồn hoa đô hội, khoác áo quần thời thượng, mũ, túi, giày hàng hiệu, đi xe sang nhưng kí ức về làng quê, về những phiên chợ nghèo của tuổi thơ đợi mẹ vẫn ám ảnh trong anh. Những lúc rảnh rỗi, anh lại tìm về làng quê, dừng lại ở một phiên chợ chiều để mua mấy quả cà, dăm ba củ khoai, hay một buồng cau, buồng chuối...

Anh được sinh ra vào thời kì đất nước còn nhiều khó khăn, với kỉ niệm đói khổ của những năm tháng thời bao cấp. Là con trai cả trong gia đình có 3 anh em,  bố công tác trong quân đội, mẹ là công nhân. Cả gia đình 5 miệng ăn chỉ trông vào đồng lương ít ỏi của bố, mẹ nên rất chật vật. Những năm tháng trên ghế nhà trường, anh mặc đi mặc lại một cái quần đã cũ của bố sau này được mẹ sửa lại cho vừa để mặc đi học. Khổ nỗi quần đã cũ quá, mà làm tích kê thì xấu hổ với bạn bè. Mẹ anh thấy con  buồn vì chiếc quần vá víu như vậy  nên đã lấy tấm vải duy nhất của gia đình lẽ ra để mẹ may áo nhưng đã may quần cho anh. Nhà thơ kể: "Vào những buổi chiều nhá nhem tối, mấy anh em đứng trước cổng ngóng mẹ, vì biết trên đường về mẹ sẽ đi ngang qua chợ cóc mua bánh gai, lúc cái bánh rán, hoặc gói kẹo lạc. Nhiều khi không có tiền mẹ chỉ mua được duy nhất một cái bánh nếp tẩm đường, nên mẹ gọi tôi ra một góc và nói: "Con ăn nhanh đừng để em biết, không em đòi". Những bữa cơm gia đình tôi không bao giờ thấy mẹ gắp thịt, mẹ bảo: "Mẹ không thích ăn thịt", nhưng sau này lớn lên tôi mới hiểu mẹ luôn nhường phần thịt cho anh em tôi...".

Giờ thì mẹ đã ở chân trời xa, bố cũng đã yếu lắm cần người chăm sóc đỡ đần nên ở với con gái, anh một mình trong căn nhà rộng mà lúc nào cũng hoang hoải, cũng buồn. Tôi chưa bao giờ thấy anh vui, ngay cả khi anh cười. Có lẽ đó cũng là định mệnh. Chẳng có một thi sĩ nào mà cuộc sống lúc nào cũng náo nức tươi vui, họ đầy những giông bão và ẩn ức. Và lẽ nữa, anh sinh vào đầu mùa thu đó là một mùa đẹp như bản tình ca và ánh trăng rằm. Trăng có khi mờ khi tỏ, khi tròn khi khuyết và cuộc đời của anh giống như ánh trăng đẹp và buồn. Tôi bất giác nhớ đến Hồng Thanh Quang của thời tuổi trẻ, đầy bản năng, bốc đồng, ngẫu hứng nhưng cũng rất thông minh, hiểu biết. Giờ đây, sau khi trải qua giờ khắc sinh - tử của bạo bệnh và chịu những "đòn roi" số phận nghiệt ngã, con sói hoang dã đã đằm lại và chín chắn hơn xưa nhưng thực chất vẫn là một con sói hoang khó thuần hóa.

Mỹ Trân
.
.