Họa sĩ Ngô Xuân Khôi: Mong một lần gặp Sao la

Thứ Bảy, 28/05/2022, 11:58

Như một mối duyên lành, tháng 5 này như để dành cho họa sĩ Ngô Xuân Khôi. Lần đầu tiên triển lãm Nghệ thuật bìa sách Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội nhằm tôn vinh các trang bìa đẹp, các tác giả tài năng đúng dịp ông nhận quyết định nghỉ hưu.

Trong không gian ấy, ông có một góc riêng, như một cuộc tổng kết vốn liếng bìa sách mà ông đã thiết kế trong hơn hai mươi năm làm nghề. Và những ngày này đi đâu cũng gặp, ở đâu cũng nghe nhắc đến hình tượng Sao la - linh vật của SEA Games 31 - đứa con tinh thần đầy tâm huyết do ông thiết kế. Tháng năm này, tâm trạng ông rất đặc biệt, niềm vui đong đầy, nhưng vẫn thoáng lẫn những bùi ngùi…

Từ một mẩu tin đến linh vật SEA Games

Nhà họa sĩ Ngô Xuân Khôi trên tầng 5 trong khu tập thể ở phố Nguyên Hồng, Hà Nội. Những ngày này, trong phòng khách chan hòa nắng gió và đầy chật những bức tranh còn có thêm mấy chú Sao la, nhìn ngộ nghĩnh và vui mắt. Với họa sĩ, Sao la có lẽ là ẩn ức về những khoảng rừng gắn bó với tuổi thơ ông. Bố mẹ là cán bộ lâm nghiệp, cậu bé tên Khôi ngày ấy cũng mê mải trong những cánh rừng Nghệ An. Núi rừng, cỏ cây, muông thú bởi thế là dấu ấn đậm nét và dài lâu trong tâm trí Ngô Xuân Khôi.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi: Mong một lần gặp Sao La -0
Họa sĩ Ngô Xuân Khôi là cha đẻ của Sao la - linh vật của SEA Games 31.

Năm 1992, một lần đọc báo giấy, Ngô Xuân Khôi ấn tượng khi đọc mẩu tin viết rằng một loài thú lớn lần đầu tiên được tìm thấy tại Vườn Quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam, được đặt tên là Sao la. Ở thời điểm cuối thế kỷ XX, đây là sự kiện chấn động trong giới khoa học trên toàn thế giới. Mẩu tin đó tưởng sẽ bị quên lãng nhưng không ngờ vẫn được ông găm vào trí nhớ. Bằng tất cả những háo hức và bất ngờ, ông không thôi tìm hiểu về Sao la - loài vật vừa có nét giống với hươu, nai, dê, nhưng khác biệt với cặp sừng dài thẳng và đốm trắng hai bên má.

"Tôi ước được tận mắt nhìn thấy Sao la ngoài tự nhiên. Điều đó khó, nhưng tôi vẫn cứ ước", họa sĩ thốt lên bằng giọng trầm khàn. Khó là bởi Sao la hiện là một trong những loài thú lớn đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Khó là bởi, đến nay chưa có nhà sinh vật học nào tận mắt nhìn thấy Sao la ngoài tự nhiên. Kể từ khi được tìm thấy, 30 năm trôi qua, Sao la chỉ mới 3 lần hiếm hoi xuất hiện trong tự nhiên tại Việt Nam qua hình ảnh có được nhờ hệ thống bẫy ảnh do các nhà bảo tồn thiết lập.

Cuối năm 2019, Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phát động cuộc thi thiết kế linh vật và logo cho SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam. Kí ức những khoảng rừng tuổi thơ ùa về, thân thương mà bí ẩn đã thôi thúc Ngô Xuân Khôi sáng tác. Và ông nghĩ đến Sao la - loài vật quý hiếm vẫn sống lặng lẽ trong những khoảng rừng dọc dãy núi Trường Sơn, góp phần minh chứng cho sự đa dạng sinh học ở Việt Nam. Với mong mỏi loài vật này được biết đến nhiều hơn và được bảo vệ, ông quyết định chọn Sao la cho mẫu thiết kế tham gia dự thi.

Hình tượng chú Sao la khỏe khoắn, gần gũi, nhanh nhẹn đã vượt qua nhiều tác phẩm dự thi để giành được giải Nhất, trở thành linh vật của kỳ đại hội thể thao lần này. Ba mươi năm qua, chưa bao giờ hình tượng Sao la lại xuất hiện nhiều đến thế, chưa bao giờ người dân lại đặc biệt chú ý về loài vật này nhiều đến thế. Đó là niềm vui âm ỉ, rộn ràng trong tim người họa sĩ  suốt nhiều tuần qua…

Yêu sách báo, nên có lỗi với tranh

Hội họa, với Ngô Xuân Khôi là niềm đam mê đến sớm và bền lâu. Từ khi còn là một cậu bé chăn dê trên triền đồi ở miền quê Nghĩa Đàn khi ở cùng ông bà nội, Khôi đã ham vẽ, dù chỉ với mẩu gạch, viên phấn, mẩu than…

Không ít lần, hoàn cảnh sống tưởng như đẩy ông ra xa cây bút vẽ. Đó là năm 1979, đang học cấp ba, Ngô Xuân Khôi tình nguyện lên đường nhập ngũ và được biên chế vào binh chủng pháo binh. Tưởng cuộc đời quân ngũ không cho ông cơ hội vẽ, nhưng ngược lại đó lại là môi trường để ông thể hiện năng khiếu. Ngô Xuân Khôi được giao làm công tác tuyên huấn, kẻ vẽ khẩu hiệu, vẽ tranh cổ động tuyên tuyền.

Năm 1982, ông xuất ngũ. Bố mẹ mong muốn con trai trở thành cán bộ kiểm lâm theo truyền thống gia đình. Thời điểm đó, khi cuộc sống khó khăn, nhà đông anh chị em, thì việc được làm cán bộ kiểm lâm là cơ hội lớn. Với nhiều người đó là niềm vui, nhưng khi đó ông lại bật khóc. Ông yêu những khoảng rừng, nhưng ông lại đam mê vẽ. Cuối cùng, ông vẫn khước từ cơ hội ấy, học tiếp cấp 3 rồi thi đại học. Năm 1985 ông thi và đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội với số điểm cao.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi: Mong một lần gặp Sao La -0
Tác phẩm "Phố" (1995) của họa sĩ Ngô Xuân Khôi.

Bền bỉ theo đuổi nghiệp vẽ, nhưng đến khi tốt nghiệp ra trường, hoàn cảnh sống lại đưa đẩy Ngô Xuân Khôi đến với lĩnh vực thiết kế bìa sách tại Nhà xuất bản Thế giới và sau đó là Nhà xuất bản Phụ nữ. Tạm quên đi mảng tranh trang trí kiến trúc có quy mô lớn và lối vẽ phóng khoáng được học chuyên sâu ở đại học, ông bắt nhịp với lối thiết kế bìa sách cô đọng, chắt lọc, hàm súc trong khuôn khổ mà vẫn ẩn chứa nội dung, hồn cốt của tác phẩm. Công việc gần như trái ngược với chuyên ngành đào tạo, nhưng áp lực trong không gian hẹp của sách lại tạo cho ông những thú vị và đam mê. Nỗ lực tìm tòi và sự nghiêm cẩn trong công việc dần tạo nên tên tuổi Ngô Xuân Khôi trong lĩnh vực thiết kế bìa sách.

Càng gắn với sách, ông càng nhận ra mình yêu sách, càng cố gắng tạo nên những cuốn sách với diện mạo ấn tượng. "Thần thoại Hy Lạp", "Mẫu thượng ngàn", "Đội gạo lên chùa" là những cuốn sách được Ngô Xuân Khôi thiết kế bìa và đoạt giải vẽ bìa sách của Hội Nhà xuất bản Việt Nam. Trong không gian triển lãm Nghệ thuật bìa sách Việt Nam tại Nhà Triển lãm mỹ thuật 16 Ngô Quyền vừa diễn ra, ông chọn vài chục bìa sách để trưng bày. Đó chỉ là con số ít ỏi so với vài ngàn bìa sách mà ông thiết kế. Ông vui khi nhiều độc giả chia sẻ rằng, họ nhớ tác phẩm văn học là nhớ đến hình ảnh bìa sách của ông. Những trang bìa khi nhóm lại, đặt cạnh nhau đã định hình một phong cách bìa Ngô Xuân Khôi và khơi lên những mỹ cảm ở tầng sâu.

Đó là năm 2006, trong chuyến công tác dọc dài đất nước, ông đến một thư viện ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Trong phòng lưu trữ cũ kĩ, thật ngỡ ngàng khi ông bắt gặp những quyển sách mà ông làm bìa. Một nỗi xúc động trào dâng. Ồ, hoá ra những cuốn sách đã có một cuộc phiêu lưu đến điểm tận cùng Tổ quốc. Rồi khi đặt chân đến đồn biên phòng ở tỉnh Đắk Lắk giáp biên giới Campuchia, ông cũng gặp lại những cuốn sách quen thuộc.

Ở nơi biên giới hoang vắng, sách là cả thế giới thu nhỏ với các chiến sĩ biên phòng. Họ không chỉ đọc một lần, mà đọc đi đọc lại, đến độ có thể kể lại chi tiết nội dung cuốn sách. Ông nhận ra bước chân của mình chậm hơn, hạn hẹp hơn "sức đi" của những cuốn sách kia. Ông không thể hình dung con đường đi của sách, ông muốn hỏi làm thế nào mà sách đến được đây, có bao nhiêu người đã đọc nó, và còn bao nhiêu người sẽ đọc, sách còn tồn tại ở đó đến khi nào. Những băn khoăn ấy, khi làm bìa ông nào có nghĩ ra. Bởi vậy, phải luôn cố gắng sáng tạo, trau chuốt cho từng trang bìa, để khi rời khỏi bàn tay người họa sĩ, cuốn sách sẽ kiêu hãnh bôn ba khắp chốn và sống đời sống của riêng nó.

Công việc ở nhà xuất bản luôn bận rộn, nhưng ông vẫn chắt chiu thời gian vẽ minh họa cho nhiều tờ báo. Ngô Xuân Khôi luôn hứng thú với mảng việc này, bởi ông được/phải ngụp lặn vào tác phẩm, đọc một cách chuyên chú để có thể vẽ minh họa cho bài báo. Ông bảo, vẽ minh họa tưởng giản đơn mà không hề đơn giản. Vài ba nét vẽ đơn sơ đen trắng mà gợi mở nhiều ý tứ, chất chứa cảm xúc, hút sự chú ý của độc giả một cách tức thì và "giữ chân" họ lại. Khả năng đọc, nắm bắt nhanh hồn vía tác phẩm và thể hiện qua minh họa là điểm mạnh của Ngô Xuân Khôi. Đến bây giờ ông vẫn là một trong những họa sĩ vẽ tranh minh họa có tiếng và quen thuộc trên nhiều tờ báo giấy. Ông nhớ có dạo hình minh họa "hot" đến độ không ít người bỏ công sưu tầm một cách công phu, gồm cả bản đã in báo và bản vẽ tay của họa sỹ. Thậm chí có lúc phải đua tranh, chia phần, thương lượng những bức minh họa. Nhiều bức hình được tách khỏi vai trò minh họa, sống cuộc đời riêng khi được đóng khung treo ở những không gian trang trọng.

Khoảng thời gian này, khi vừa nhận quyết định về hưu, ông bộc bạch rằng bao nhiêu năm qua vì đam mê sách báo mà ông xao nhãng với hội họa. Chỉ là xao nhãng thôi, bởi có những khoảng thời gian ông vẫn vẽ, vẫn tham gia triển lãm và ghi dấu ấn. Tuy thế, ông vẫn thấy có lỗi. Chính công việc hàng ngày bận bịu đã xé lẻ khoảng thời gian, khiến ông khó có lúc nào tĩnh tâm cầm cọ.

Ông thừa nhận bao năm qua, cảm xúc từ những bìa sách, bài báo đã lấn át cái tôi nghệ sĩ. Ở ông luôn bị giằng xé giữa cái tất bật, thời sự, dồn nén của sách báo và sự tĩnh tại, dàn trải của tranh. Có lẽ giờ là lúc Ngô Xuân Khôi thảnh thơi để quay trở lại với đam mê thuở ban đầu. Ông đang ấp ủ sẽ đi học chuyên sâu về một mảng hội họa nào đó, để đắp bù, để khơi sâu thêm những tầng vỉa nghệ thuật còn chìm sâu. Tuy thế, ông vẫn chủ trương hướng tới những giá trị dân gian mộc mạc và thuần Việt, càng qua lớp lớp thời gian càng bồi lắng lại… 

Huyền Châm
.
.