Họa sĩ Lương Xuân Nhị: Hương xưa vang bóng

Thứ Hai, 30/05/2022, 10:47

Họa sĩ Lương Xuân Nhị có tiếng là tài hoa và sớm nổi danh trong làng hội họa Việt Nam. Thời là sinh viên của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1932-1937), họa sĩ trẻ họ Lương đã giành được mấy giải thưởng lớn. Sau này ông nổi tiếng về tranh thiếu nữ Hà Nội. Ông vẽ nhiều thiếu phụ và con gái đến nỗi đồng nghiệp đã ví von: "Phố Phái-Gái Nhị" để so với họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ nhiều phố. Thế đấy!

Đằm thắm sắc xuân xưa 

Sinh năm 1914, ở Hà Nội, gia đình lại bán bột mầu và các dụng cụ mỹ thuật, họa sĩ Lương Xuân Nhị say mê hội họa từ nhỏ. Những hình ảnh phố xá, con người cần lao cùng những nét đẹp thanh tú của các cô gái Hà Thành xưa luôn gắn bó trong tâm hồn người nghệ sĩ. Chính vì thế trong tranh ông những hình ảnh ấy sống động thân thương, ấm áp. Tất nhiên, bóng dáng của những cô bạn gái thuở hàn vi  cùng những người đẹp lần lượt hiện lên trong tranh ông với cảm xúc lãng mạn nhưng luôn luôn e ấp, dịu dàng. Những giải thưởng mà họa sĩ sớm được trao cũng thường là hình tượng của các cô gái nhu mì hiền dịu, một nét đẹp điển hình của người đẹp Tràng An xưa.

Họa sĩ Lương Xuân Nhị: Hương xưa vang bóng -0
“Chợ hoa đào” - Tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị, sưu tập của UBND TP Hà Nội.

Hình tượng thiếu nữ cô đọng nhất trong tranh Lương Xuân Nhị, ngoài vóc dáng kín đáo còn là gương mặt được mô tả với đôi mắt ẩn chứa tâm trạng. Ông thích những cô gái có gương mặt trái xoan, thân hình gọn gàng đượm nét thùy mị. Đặc biệt đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Như các họa sĩ quan niệm, đó là những đôi mắt biết nói, món quà trời cho. Chính vì thế, ông thường thuê người mẫu với những tiêu chí khắt khe chứ không vội vã. Người ta còn nhớ có lần đăng báo thuê người mẫu, họa sĩ Lương Xuân Nhị được gặp hai người con gái cùng đến. Một cô gái đi cùng bạn đến ghi danh làm mẫu.

Sau khi quan sát, trò chuyện thăm dò thì bất ngờ ông lại chọn thuê cô gái đi cùng làm mẫu vẽ. Đặc biệt là gương mặt trái xoan của cô đã hút hồn ông. Cô gái này đã nhận lời và chịu ngồi cho ông vẽ ròng rã trong sáu tháng liền.

Việc chọn được mẫu coi như thành công một nửa. Vậy nên nhóm họa sĩ của ông cũng kén lắm, đâu tùy tiện. Tất nhiên người đẹp nhận lời làm mẫu cũng không phải dễ dàng gì. Có khi lại đắt tiền nữa. Điển hình vào khoảng những năm đầu thập niên 40, có cô Sáu nổi danh là người mẫu đẹp của phố cổ nhưng có "cát sê" khá cao. Họa sĩ Lương Xuân Nhị phải cùng với mấy họa sĩ khác như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí góp tiền thuê chung để vẽ. Sau này cô Sáu còn vào Sài Gòn tiếp tục làm mẫu vẽ cho họa sĩ Nguyễn Gia Trí.

Hàng trăm người mẫu từ cuộc sống với vóc dáng khác nhau đã tô điểm thêm những chân dung thiếu nữ trong tranh Lương Xuân Nhị. Bởi không ít người đẹp nơi thành cổ đã đến thuê ông vẽ. Họ muốn lưu dấu những nét đẹp xuân sắc nhất của cuộc đời mình. Đặc biệt còn có những mẫu người đẹp hết sức gần gũi như bạn bè thân thuộc, hoặc con "sen", kẻ chợ quanh vùng Cửa Nam nơi ông ở (29 phố Cửa Nam). Họ hiện lên tranh ông mộc mạc không tô điểm, hồn nhiên thật sự đáng yêu. Cái chất dung dị, đậm sâu cái đẹp hồn cốt Á Đông xưa đã làm nên giá trị trong tranh Lương Xuân Nhị. Ông bán được nhiều tranh thiếu nữ là vì thế. Nhiều bức tranh đúng là chưa ráo mực đã có người đợi lấy. Cả trăm bức thiếu nữ Hà Nội của ông hiện lưu lạc trong dân gian. Chúng có số phận đặc biệt trôi nổi đi theo những chủ nhân của chính nó.

Họa sĩ Lương Xuân Nhị: Hương xưa vang bóng -0
“Thiếu nữ bên hoa sen” (sơn dầu, 1940) - tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị.

Không ít bức lại bồng bềnh đó đây, chu du khắp thế giới như bức "Thiếu nữ áo lam". Đây là tác phẩm ông tâm đắc và muốn giữ lại làm kỷ niệm, đồng thời cũng là trưng bày nhằm ghi dấu một giai đoạn đặc biệt của mình. Có một nhà sưu tầm người Mỹ đến nằng nặc xin mua. Sau bao lần "trả giá" nằn nì cũng không được. Tình cờ trong lần nói chuyện cuối cùng, ông ta hỏi chơi họa sĩ rằng, bức tranh vẽ năm nào? Họa sĩ trả lời: Năm 1937. Ông ta hỏi tiếp họa sĩ vẽ vào tháng mấy? Họa sĩ trả lời: Tháng 7. Ông ta vui sướng nói to, đó chính là tháng sinh và năm sinh của mình rồi rút giấy tờ ra cho họa sĩ kiểm chứng. Không ngờ họa sĩ mủi lòng, thế là gật đầu đồng ý bán.

Ngay sau đó, bức "Thiếu nữ áo lam" được mang đi triển lãm khắp nước Mỹ trong bộ sưu tập tranh Việt Nam. Riêng có bức "Thiếu phụ" thì họa sĩ Lương Xuân Nhị không bao giờ chịu bán với bất cứ giá nào. Sinh thời, ông nói đó là chân dung một cô gái yểu mệnh đồng thời là vợ người bạn thân nên giữ làm kỷ niệm. Không phải là một nhan sắc rực rỡ mà ẩn chứa nỗi buồn bình lặng với sự viên mãn u hoài. Đây là một trong những người đẹp Hà Nội mà ông còn giữ được đến cuối đời.

"Levitan" đồng quê Việt Nam

Tuy nhiên họa sĩ Lương Xuân Nhị còn thành công cả ở những đề tài khác.  Đáng kể là tranh thiên nhiên như đồng quê, phố xá, họa sĩ đã đạt những thành tựu lớn. Đặc biệt họa sĩ còn là bậc thầy khi phối sắc êm dịu của màu xanh vào những tác phẩm vẽ phong cảnh quê hương. Đó là những bức vẽ nông thôn, bờ tre mái rạ, con sông đồng lúa, đồi cọ nương chè. Đến nay người xem vẫn nhớ đến các tác phẩm của ông như: "Nghỉ chân bên bờ suối" (Lụa-1936); "Quán nước ven đường" (Lụa-1937); "Khóm tre bên cầu" (sơn dầu-1938); "Gia đình thuyền chài" (Lụa-1938); "Cô gái và nón bài thơ" (Lụa-1940); "Đồi cọ" (Sơn dầu-1957)…Trong đó một số lớn đã được các nhà sưu tầm và một số bảo tàng trong và ngoài nước lưu giữ.

Họa sĩ Lương Xuân Nhị: Hương xưa vang bóng -0
Bức tranh  “Cô gái bên hoa cúc”.

Hơn nữa trong thời gian tham gia kháng chiến (1945-1954), họa sĩ Lương Xuân Nhị còn chuyển hướng sáng tác. Ông vẽ hàng trăm bức cổ động và tuyên truyền, nhất là mảng tranh địch vận. Những tác phẩm của ông có giá trị nhất định trong nền hội họa cách mạng được bảo tồn mãi mãi. Trong thời gian này hình ảnh người đẹp đã hiện lên trong tranh Lương Xuân Nhị có nhiều sắc thái mới lạ, tươi sáng và đậm dấu ấn trải nghiệm. Không ai không nhớ đến các tác phẩm: "Thiếu nữ thủ đô đi kháng chiến", "Thiếu nữ chơi xuân", "Thiếu nữ bên hoa sen"; hoặc như: "Đọc tin chiến thắng", "Chợ hoa ngày tết", "Thiếu nữ thủ đô"… Đặc biệt những bức ảnh vẽ người mẹ và quê hương của ông đã được ấn loát tuyên truyền, lôi kéo hàng ngũ binh sĩ thực dân. Không ít kẻ địch đã buông súng bỏ trốn hoặc đã đầu hàng theo kháng chiến. Hàng trăm ký họa tại mặt trận đã làm nền cho những sáng tác sau này của họa sĩ Lương Xuân Nhị.

Sau khi hòa bình lập lại, họa sĩ Lương Xuân Nhị trở thành giáo viên đào tạo các họa sĩ trẻ của nước ta và được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1990. Họa sĩ Lương Xuân Nhị nằm trong số họa sĩ được coi là thế hệ vàng hội họa nước nhà. Đó đều là những họa sĩ xuất sắc của thế kỷ 20 như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Phan Chánh, Bùi Xuân Phái, Diệp Minh Châu…

Đồng thời họa sĩ Lương Xuân Nhị là một trong những họa sĩ vẽ sơn dầu đầu tiên ở Việt Nam. Tranh ông trong trẻo và tinh tế. Không cầu kỳ nhưng mầu sắc cho nhịp điệu hòa sắc riêng biệt thu hút người xem. Hình tượng tả thực luôn tươi tắn nhưng không kém phần huyền ảo, mơ màng. Tranh của Lương Xuân Nhị trong giai đoạn này mang phong cách lãng mạn cách mạng, nồng nàn sự sống. Cảm xúc trong tranh ông dồi dào và cởi mở với những sắc màu bình yên. Không ai có thể quên những họa phẩm như: "Đồi cọ", "Bên bờ giếng", "Chợ hoa đào", "Nhà sàn Bác Hồ"…Đáng chú ý hàng trăm bức tranh về cảnh sắc quê hương của ông luôn được các nhà sưu tầm săn đón. Họ còn đánh giá Lương Xuân Nhị nổi lên như một "Lê-vi-tan" đồng quê Việt Nam. Đến năm 2001, họa sĩ đã nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật và có tên trong Tự điển Bách khoa Việt Nam.

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài…       

Có thể nói chân dung thiếu nữ Hà Nội được coi là "đặc sản" trong tranh ông. Dù ở hoàn cảnh nào người con gái thủ đô đều hiện lên với nét đẹp Tràng An trong màu sắc trầm ấm và đường nét dịu dàng nhất. Có lần ông tâm sự: "Tôi là người Hà Nội nên cảm nhận được nét đẹp thầm kín, bí ẩn của thiếu nữ Thăng Long chăng?".

Khi có dịp đi nhiều nước, họa sĩ cũng từng vẽ hàng loạt chân dung thiếu nữ Nhật, Pháp, Ba Lan, Nga, Anh nên càng thấy rõ nét riêng biệt của thiếu nữ Hà Nội. Đó là một mảng hiện thực quyến rũ bởi hồn cốt của tâm trạng nổi bật qua mỗi chân dung. Ông đã từng nói: "Nghệ thuật chỉ sinh ra trong nỗi cô đơn và sự lao động lặng lẽ. Thời gian sẽ vứt bỏ những gì ồn ào trên bề mặt của nó". Họa sĩ Lương Xuân Nhị đã sống, làm việc đúng như thế, thanh nhã và đôn hậu. Những bức tranh thiếu nữ của ông tồn tại vĩnh cửu, phản ảnh nét văn hóa "Công-Dung-Ngôn-Hạnh" cùng với nếp sống thùy mị, đằm thắm của con gái Hà Nội xưa.

Vương Tâm
.
.