Gặp Đội trưởng “giời đày” trong lửa
“Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel với phương châm cứu người là lẽ sống đã cứu giúp hàng nghìn người gặp tai nạn sự cố, và gần đây đã cứu được nhiều người trong vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở khu chung cư mini phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Đây là những hành động cao đẹp, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần quả cảm, truyền thống thương người như thể thương thân của dân tộc ta”.
Đó là sự ghi nhận, động viên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dành cho “người hùng” Phạm Quốc Việt và Đội tại Lễ phát động toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với chủ đề “Ánh dương trong màn đêm” diễn ra tại Hà Nội ngày 28/9. Trong buổi lễ, được mời lên sân khấu giao lưu, đội trưởng Việt đã bày tỏ rằng, 12 người được cứu sống trong vụ cháy chính là món quà tuyệt vời nhất mà cuộc sống dành cho họ.
1. Trụ sở của Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel ở số 225 phố Vũ Tông Phan. Tầng 1 là không gian bộn bề, lấm lem với cờ lê, mỏ lết, xăng dầu - nơi dạy nghề sửa chữa xe máy cho những lái xe công nghệ. Tầng 2, là căn phòng chung của Đội, hôm nay hiện hữu những điều mới mẻ. Đó là bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an tặng Đội vì những đóng góp cứu nạn cứu hộ trong vụ cháy ở phố Khương Hạ, phường Hạ Đình vừa qua. Đó là hai bức tranh sơn dầu, một họa lại gương mặt ám khói của Phạm Quốc Việt, một là hình ảnh các thành viên của Đội đang cõng, bế nạn nhân ra khỏi đám cháy. Hai bức tranh đều là của một họa sĩ Hà Nội, vì mến phục tinh thần dũng cảm cứu người mà ngay lập tức họa lại tặng các anh.
Đội trưởng Việt ngồi trước mặt tôi, đôi mắt thâm quầng, gương mặt mệt mỏi, u buồn. 3 giờ đêm qua, anh vừa đi cứu hộ một vụ tai nạn, nạn nhân đã không qua khỏi. Chạm mặt với thương vong là điều không còn lạ lẫm với anh và các thành viên của Đội mỗi đêm. Nhưng anh phải thốt lên rằng, vụ cháy khốc liệt ở phố Khương Hạ đã làm anh bị tổn thương lớn nhất, dai dẳng nhất.
1 giờ 30 phút ngày 13/9, khi ngọn lửa đã được lực lượng cảnh sát PCCC khống chế, được sự cho phép, các thành viên của Đội sơ cứu FAS Angel được phép vào trong toa nhà hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân. Rất nhanh, Đội trưởng Việt sắp đặt, cắt cử 21 thành viên làm nhiệm vụ ở nhiều vị trí. Với chiếc mũ bảo hiểm, khoác tấm chăn được tẩm ướt, Việt xông pha lên các tầng trên. Lửa đã tắt, nhưng không gian tối om, cô đặc bởi mùi khói, đồ đạc, dây nhợ ngổn ngang, việc tìm kiếm nạn nhân không hề dễ dàng. “Còn ai không?”, Việt liên tục hỏi, mong mỏi những tiếng đáp lại. Chỉ cần còn dấu hiệu của sự sống, Việt và anh em sẽ dồn sức cứu sống.
12 người đã thoát chết khi được Việt và anh em cõng trên lưng thoát khỏi tòa nhà theo lối cầu thang bộ. Nhưng rồi mọi hy vọng tắt ngấm khi Việt đặt chân lên tầng 8. “Ở đó, tôi bị sốc. Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ phải chạm tay vào nhiều thi thể đến vậy. Nhưng tôi vẫn phải hành động. Tôi gỡ những bàn tay đan chặt vào nhau và thì thầm: “Anh hãy buông cháu ra, tôi sẽ đưa cháu ra trước rồi đưa anh ra sau”, “Hãy bỏ tay nhau ra, tôi sẽ đưa các bạn xuống”… Đêm ấy, Việt rơi vào cảm giác hỗn độn, giằng xé. Tâm trạng này, có lẽ sẽ không ai hiểu được hết, ngoài anh. Những hình ảnh tàn khốc đập vào mắt anh, những âm thanh dội vào tai anh cứ bám riết lấy, không thể quên nổi, cũng không nỡ chia sẻ lại.
Việt thương những nạn nhân xấu số, và thương cả 21 anh em của Đội. Vì họ đã trải qua một đêm dài khủng khiếp. Thường ngày, Việt hay nói với anh em rằng hãy coi mỗi vụ cứu nạn là một buổi thực hành, thì đêm ấy chính là buổi thực hành tàn nhẫn mà không một ai muốn trải qua. Khi ở hiện trường Việt mạnh mẽ, rắn rỏi bao nhiêu, thì sau tất cả, anh lại yếu mềm bấy nhiêu. Sau đêm hỏa hoạn, anh về đến trụ sở, những giọt nước mắt chực trào ra. Suốt 4 năm qua, trong những tình huống tồi tệ nhất, anh có thể quát, hét, hối thúc anh em làm nhiệm vụ, nhưng tuyệt đối không bao giờ khóc trước mặt họ, bởi điều đó làm họ mất tinh thần.
Việt cố sức rửa trôi tất cả những vết dầu mỡ, hóa chất dính vào cơ thể. Nhưng thật khó có thể tẩy xóa ngay được. Nói chuyện với Việt, tôi nhận ra rằng dù anh có bạo tay, bạo mắt, con tim có sắt đá đến đâu thì điều không thể chối cãi là anh đang bị sang chấn tâm lý. Tôi e dè khuyên Việt rằng một đợt trị liệu tâm lý sẽ rất cần cho anh lúc này. Việt đã từng bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề trong một đêm đi cứu người, gặp liên tiếp 12 vụ tai nạn, nhiều người bị thương tích nặng, 2 người trẻ mất ngay tại chỗ. Những hình ảnh thảm khốc tại hiện trường đập vào mắt, choán toàn bộ tâm trí khiến Việt bị ám ảnh, không ngủ, không ăn được, người mệt mỏi và không làm cách nào để thoát khỏi tình trạng đó. Khi đó Việt đã phải trải qua đợt trị liệu tổn thương tâm lý. Còn bây giờ, trước lời khuyên của tôi, anh lắc đầu: “Tôi vẫn ổn, tôi sẽ tự biết cách cân bằng được. Mỗi đêm, có nhiều người cần tôi, tôi không thể rời chiếc xe cứu nạn màu cam được”.
36 tuổi, Việt từng trải, dạn dĩ và luôn có cái nhìn hướng về phía trước. Anh không muốn nhắc lại những chuyện đau lòng trong vụ cháy, nhưng điều gì nói ra để những người còn sống rút kinh nghiệm thì vẫn phải nói. “Ở chiếu nghỉ giữa tầng 6 và tầng 7 tòa chung cư mini, nhiều nạn nhân đổ gục bên một chiếc xe đạp trẻ con. Tôi đoán chiếc xe đạp gây vướng chân các nạn nhân, khiến họ ngã và ngạt khói ngay tại đó. Bởi thế một kinh nghiệm xương máu là không để đồ đạc bừa bãi ở lối đi, đề phòng tai nạn xảy ra. Hay một nạn nhân vẫn đang tìm cách quay lại lấy tài sản cá nhân, tôi phải quát lớn rằng tính mạng quan trọng nhất trong tình thế nguy hiểm đó. Hãy quý sự sống, hãy sống cả phần của những người đã thiệt mạng. Mà muốn sống, thì phải chủ động trang bị thật tốt những thiết bị và kỹ năng an toàn”, Việt chia sẻ.
2. Vụ cháy xảy ra, đúng vào dịp sinh nhật FAS Angel. Đội thành lập đến nay đã hơn 4 năm. Thời điểm đó, tôi đã tìm gặp Việt, với sự tò mò muốn tìm một nguyên nhân sâu xa, hay một nguyên cớ trực tiếp dẫn đến công việc “giời đày” của anh, đó là hỗ trợ sơ cứu miễn phí cho người bị tai nạn giao thông. Câu trả lời khá bất ngờ nhưng hoàn toàn logic. Là bởi năm 2016 Việt từng là nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông, từng bị bỏ rơi khi bị thương tích đầy mình. Sau vụ tai nạn đau lòng ấy, cuộc sống và tư duy của anh thay đổi. Giữa lằn ranh sự sống và cái chết, anh không muốn bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau.
Bốn năm trước, việc làm của Việt đôi lúc bị nghi ngờ, hiểu lầm. Gặp một vụ tai nạn, Việt lấy dụng cụ sơ cứu ra hỗ trợ thì nhiều người trong đám đông vây quanh nhìn anh xì xào: “Xe ôm mà cũng bày đặt sơ cứu”, “Lợn lành chữa thành lợn què thôi”. Và người ta ngăn cản không cho Việt tiếp cận người bị nạn. Có lúc, trước tình trạng nạn nhân khá nặng và có diễn tiến xấu, Việt bị đánh ngay tại hiện trường do người nhà hiểu nhầm anh chính là người gây tai nạn. Người nói Việt “hâm” khi ham chuyện bao đồng, có người lại nói Việt đang kiếm tiền từ những cuộc sơ cứu. Nhưng, họ không hề biết rằng Việt và Đội sơ cứu làm việc thiện nguyện mà không lấy một đồng tiền công. Giờ, trong mắt người dân, họ là những người hùng thầm lặng mang màu áo cam thân thuộc.
Hiện tại, Đội có hơn 150 tình nguyện viên, trong đó 50 thành viên nòng cốt. Mạng lưới báo tin của nhóm có tới 1.000 người khắp Hà Nội. Các thành viên của FAS Angel đều được học, tập huấn và cấp chứng chỉ tại các trung tâm đào tạo về kỹ năng sơ cứu. Đều đặn mỗi ngày, họ tập hợp tại 12 điểm trực rải đều khắp Hà Nội. Khi nhận được thông tin tai nạn, đội sẽ xác nhận vị trí hiện trường và tình trạng nạn nhân. Những thành viên gần nhất ngay lập tức đến nơi sơ cứu nạn nhân. Có đến 17.000 người gặp tai nạn giao thông đã được Đội sơ cấp cứu, từ hồi sinh tim phổi, cầm máu đến xử lý bỏng và gãy xương.
Bốn năm trước, Đội đã có những thành viên nữ. Và hiện tại đã có hơn 10 nữ anh hùng thầm lặng dấn thân vì cộng đồng. Bốn năm trước, tài sản của Đội chỉ là những túi cứu thương với bông, băng, cồn. Thì nay, với sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, Đội đã có ba xe ô tô cứu nạn miễn phí. Việt bảo, đây là tài sản quý giá của Đội để thực hiện sứ mệnh cứu người. Việt mong rằng, Đội sẽ ngày càng vững vàng và lớn mạnh, cứu giúp được nhiều người hơn nữa, chuyên nghiệp hơn nữa, phạm vi rộng hơn nữa. Và sau Việt, sẽ có một người đội trưởng đủ nhiệt huyết, đủ “lửa” để lãnh đội, đóng góp bền vững cho cộng đồng.