Én nhỏ gọi... xuân về

Thứ Năm, 16/03/2023, 10:08

Tôi luôn tin vào số phận và những điều kì diệu ở cuộc sống, hạnh phúc có được hẳn chẳng dễ dàng gì, trên hành trình đó ít nhiều chông gai thử thách, ai đã hết mình băng qua con đường đó bằng một trái tim thuần khiết và nghị lực lớn lao thì người đó sẽ đến đích. Cửa hàng bánh ngọt vừa đủ xinh, nằm khiêm tốn trong con phố Phúc Tân với phần đông là dân lao động.

Cô chủ nhỏ có khuôn mặt đẹp như diễn viên đang cặm cụi vẽ hoa lên những chiếc bánh gato. Bên cạnh cô là ông Đỗ Trắc Lộc - Trưởng Phòng Văn hóa - Văn nghệ Hội Chất độc da cam Hà Nội. Ông là người kết nối tôi gặp Ngô Thị Hạnh, 38 tuổi, chủ cửa hàng bánh ngọt, người có số phận đặc biệt.

Quê Hạnh ở xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, là con út trong gia đình có 6 anh chị em. Nhà nghèo đến độ suốt 9 tháng mang thai Hạnh, cả gia đình chỉ ăn rau khoai lang trừ bữa chứ không được hạt cơm nào. Đến hôm người mẹ trở dạ, gia đình mới vay hàng xóm một lon gạo để nấu cơm mang vào cho người đàn bà khổ sở ấy ăn lấy sức để còn sinh con.

Chị gái của Hạnh khi đấy mới 13 tuổi xin mang bát cơm vào nhà hộ sinh cho mẹ, chỉ mong mẹ ăn thừa để mình được ăn nốt những hạt cơm còn lại. Trên con đường nắng vàng, cô bé cầm bát cơm chạy theo bóng râm để tới viện. Bé gái cất tiếng khóc chào đời trong sự đói nghèo cùng cực ấy.

Én nhỏ gọi... xuân về -0

Những người chị lần lượt lấy chồng, gia cảnh bần hàn bữa no bữa đói đến với tất cả mọi người trong gia đình. Ngày Hạnh 2 tuổi, nhà chẳng còn gì để ăn ngoài củ khoai lang, ông bố phải đặt con ở một bên đòn gánh, còn bên kia là thúng khoai mang ra chợ bán. Hôm nào bán được thì có thể mua được gạo, không thì chỉ ăn khoai trừ bữa. Cả chục năm sau gia cảnh của gia đình cũng không thể khá hơn, thậm chí còn lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. 11 tuổi cô bé Hạnh phải nghỉ học, dù ngày hè nắng nóng hay đêm đông giá lạnh, cô bé con vẫn trở dậy lúc 1-2 giờ đêm đi bộ từ nhà ra bãi rác Nghĩa Tân, Phúc Xá nhặt hàng phế thải mang về cho mẹ mang đi bán. Có nhiều hôm mệt và đói lả, em nhìn lên bầu trời đêm đầy sao và mong ước mình được ở nhà ngủ một giấc tròn trịa như bao trẻ em khác, khi tỉnh dậy có một bữa thật no. Thật no chứ không phải thật ngon, vì chưa bao giờ em được ăn no cả. Ước mơ giản dị nhỏ bé đấy nhưng chưa bao giờ em thực hiện được.

Một năm sau, một việc xảy ra khiến cho em hoảng sợ không dám đi nhặt rác nữa. Đó là vào buổi chiều đông, trời rét căm căm, cô bé con lang thang đang trên đường nhặt rác và ôm cái bụng đói meo vì suốt từ hôm qua đến giờ chưa được ăn gì, mắt cô bé hoa lên thì bỗng dưng thấy trời đất tối sầm lại, một màu đen kịt. Mở mắt ra, cô bé thấy mình nằm trên một chiếc giường nệm trắng, xung quanh là tiếng rì rầm của y, bác sĩ. Thì ra, do đói quá nên cô bé hoa mắt, một chiếc xe đã tông trúng phải cô bé ngã ra đường, máu chảy từ mái tóc xuống trán. Một người đi đường nhận ra cô bé ở cùng xã nên đưa tới bệnh viện. Thật may, em chỉ bị chấn thương phần mềm. Sau vụ việc đó, bố mẹ cô không dám cho đứa con út đi nhặt rác nữa mà ở nhà dưỡng thương. Gần nhà cô, có một bạn nhỏ vừa vào đoàn ca hát của những trẻ em đường phố do ông Đỗ Trắc Lộc làm trưởng đoàn. Hạnh xin bố mẹ cho xuống Hà Nội để tham gia đoàn ca múa của ông Lộc. Nhìn đứa trẻ 12 tuổi, tuy đói nghèo nhưng khuôn mặt xinh xắn, có tiếng hát rất hay. Tối hôm ấy, ông Lộc đến khu nhà trọ phố Cầu Đất, thấy trong căn phòng nhỏ khoảng hơn 20 đứa bé trai, gái tuổi từ 10 đến 18 nằm la liệt trong căn phòng trọ ẩm thấp, ông đón Hạnh về đoàn mua cho mấy bộ quần áo để còn đi hát.

Én nhỏ gọi... xuân về -0

Công việc tại đoàn ca hát không phải lúc nào cũng có việc nên làm ở đây được dăm năm, Hạnh sang Trung tâm Hoa Sữa (cơ sở dạy nghề và hướng nghiệp cho trẻ em nghèo). Ở trung tâm này Hạnh được học nghề làm bánh ngọt, được học văn hóa và tiếng Anh, tiếng Pháp. Nhớ tới bố mẹ ở quê vẫn còn rất cơ cực nên Hạnh luôn phấn đấu học hành chăm chỉ để được làm lớp trưởng, hằng tháng sẽ được 100 nghìn tiền trách nhiệm, 100 nghìn tiền học bổng, ngoài ra tranh thủ đi làm giúp việc những gia đình để có tiền mua quà cho bố mẹ.

Hạnh bảo, em đã làm giúp việc cho cả trăm gia đình ở Hà Nội, khi chưa đủ 16 tuổi. Và, có những câu chuyện dở khóc dở cười. Một lần, cô chủ nhà bảo Hạnh thái thịt rồi nấu món ăn, khi mâm cơm bê ra bàn, Hạnh đang quét nhà, nghe thấy tiếng cô chủ quát: “Con kia, ra đây, mày thái miếng thịt này sao tao ăn được?”. Khổ nỗi, từ bé đến lớn, nhà Hạnh nghèo, chưa bao giờ có thịt để ăn thì làm sao biết thái thịt, em thái dọc thớ nên thịt bị dai. Hạnh nem nép đến bàn ăn, cô chủ ấn đầu Hạnh xuống bàn rồi đặt đĩa thịt trước mặt Hạnh, giọng rít lên: “Mày phải ăn cho hết chỗ này ngay trước mặt tao...”. Từ nhỏ, chả mấy khi được ăn thịt, lần này nhìn đĩa thịt đầy, Hạnh vừa sợ, vừa run, lại vừa sướng. Đứa trẻ ăn hết đĩa thịt ngon lành. Hạnh ăn xong, cô chủ kéo tay Hạnh ra khỏi cửa, giọng đanh lại: “Cút, cút ngay, cấm từ giờ không được bước chân đến đây”.

Én nhỏ gọi... xuân về -0
Hạnh nấu cháo cho bệnh nhân vào thứ Bảy hằng tuần trong 5 năm qua.

Một lần khác, tại một nhà Hạnh làm giúp việc, khi đang ngồi giặt quần áo cho chủ thì bị bà chủ nhà quệt tay xuống đất rồi dùng ngón tay đấy gí lên trán cô bé ngã dúi dụi: “Mày quét nhà như thế này thì đã sạch chưa? Tao lấy áo của mày làm giẻ lau nhà bây giờ”. Những năm tháng làm thuê tủi cực như thế, lúc nào em cũng mong ước được ăn no, sau này có nhiều tiền để giúp cho người nghèo. 20 tuổi Hạnh lấy chồng, chồng em cũng ở Trung tâm dạy nghề Hoa Sữa. Nhờ có vốn tiếng Anh và tiếng Pháp học ở trung tâm nên Hạnh được nhận vào làm tại những khách sạn lớn ở Hà Nội, từ nhân viên lên quản lý khách sạn. Trong năm tháng làm quản lý khách sạn, Hạnh liên kết với những khách sạn lớn tại Hà Nội, biết nhu cầu nhập bánh ngọt ở những khách sạn này và Hạnh nảy ra ý tưởng: “Mình đã có nghề bánh ngọt, tại sao không thử làm bánh rồi phân phối cho các khách sạn”. Và rồi, cách đây 12 năm cửa hàng bánh ngọt của Hạnh ra đời bằng số vốn ít ỏi đi vay mượn của bạn bè. 5 năm đầu chuyển 5 cửa hàng vì cứ bán được một thời gian là nhà chủ lấy lại nhà. Mãi cho đến khi chuyển về phố Phúc Tân thì cửa hàng bánh mới yên vị. Số lượng bánh phân phối cho các khách sạn rất lớn, nhớ đến tuổi thơ của mình nên Hạnh nhận những trẻ có hoàn cảnh khó khăn đào tạo nghề làm bánh và tạo công ăn việc làm cho hàng chục đứa trẻ đường phố có tuổi thơ cơ cực như mình.

Giờ, cho dù đã là cô chủ nhỏ, nhưng không bao giờ Hạnh quên những tháng ngày đã qua, tình yêu thương với những người nghèo khó trào dâng, ngoài việc thường xuyên giúp những cụ già neo đơn không nơi nương tựa, 5 năm nay Hạnh ở trong nhóm “Trao yêu thương, nhận nụ cười” sáng Thứ bảy hằng tuần nấu cháo, chè, phát sữa cho các bệnh nhân Khoa Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai. Cửa hàng bánh của Hạnh làm hàng trăm bánh mì để phát cho hoàn cảnh khó khăn trong bệnh viện. Hình ảnh cô gái nhỏ tên Hạnh bên nồi cháo to khuấy đều đã quá quen thuộc với các y, bác sĩ ở đây. Hạnh kể chuyện, tôi thấy trong đôi mắt ấy sáng lấp lánh, niềm vui mang yêu thương chia sẻ cho mọi người làm đẹp cho cuộc đời - một tấm lòng nhân hậu.

Trần Mỹ Hiền
.
.