Một ngày với cựu Thủ tướng Isarel, Ehud Barak

Đừng coi thất bại là gánh nặng!

Thứ Tư, 07/09/2022, 09:42

8 giờ sáng ngày 16-8, tôi có mặt tại Phòng gương -Nhà Hát Lớn (Hà Nội), chờ đợi cuộc gặp gỡ với cựu Thủ tướng Isarel, Ehud Barak. Tôi cứ nghĩ mình sẽ là người đầu tiên có mặt ở phòng gương, hóa ra không phải vậy. Người đến sớm nhất là nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực.

Nhiều người nhớ đến ông Mai Liêm Trực trên tư cách Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam hơn 10 năm về trước. Có thời gian không nhỏ hoạt động trong lĩnh vực bóng đá nên tôi và ông Mai Liêm Trực cũng có vài lần làm việc cùng nhau. Nhưng trong lúc chờ đợi sự xuất hiện của ông Ehud Barak, chúng tôi chẳng nói gì tới bóng đá cả.

298273953_1074561463204971_8814386036386032756_n.jpg -0
Cựu Thủ tướng Israel phát biểu tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Câu chuyện được nói nhiều nhất là “đổi mới”, bởi ông Trực chính là một trong những người tiên phong đưa Internet vào Việt Nam. Ở một thời điểm vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về chuyện hội nhập công nghệ với thế giới, phải làm gì để có thể đưa được những công nghệ mới nhất vào Việt Nam? Phải làm gì để câu chuyện “nối mạng” có thể diễn ra tức thời, trên diện rộng? Ông Trực nhớ lại những thách thức mà những người “đổi mới” như mình phải đối diện thời kỳ ấy. Ngay cả khi đã cân lên đặt xuống, xem xét đủ mọi góc cạnh, và quyết định “Việt Nam sẽ nối mạng” thì tâm lý lo lắng vẫn bao trùm. Một nhà lãnh đạo vỗ vai, động viên ông: “Cố gắng hết sức nhé, chứ nếu mở rồi, không quản lý nổi, phải đóng lại thì không biết thế giới họ sẽ nhìn mình như thế nào”. Bây giờ chuyện vào mạng, sản xuất nội dung trên mạng đã trở thành chuyện đơn giản như hơi thở, “nhưng ở cái thuở đầu tiên ấy, nó là một vấn đề rất lớn. Mà thế mới thấy, đổi mới không bao giờ đơn giản” – ông Mai Liêm Trực nhấn mạnh.

Câu chuyện của chúng tôi đang diễn ra thì bất giác, một “vị khách lạ” bước vào phòng gương. Đến khi vị ấy giới thiệu mới biết hóa ra đó là Bí thư một tỉnh miền Đông Nam Bộ, vừa bay khẩn ra Hà Nội để gặp gỡ cựu Thủ tướng Isarel. Rồi những vị khách tiếp theo lần lượt đến phòng gương, có cả thảy gần chục người. Đúng 8h30 thì ông Ehud Barak cùng phu nhân xuất hiện. Hai vợ chồng ông thân thiện bắt tay từng vị khách trong phòng gương, với sự giới thiệu của Nguyên Tổng biên tập báo Vietnamnet, Giám đốc Diễn đàn toàn cầu Boston Nguyễn Anh Tuấn. Ông Barak rất vui vẻ khi giới thiệu về vợ, và trong câu chuyện sau đó ông nhiều lần nhấn mạnh: “Bà ấy mới là người quyết định mọi chuyện về tôi đấy nhé”. Nghe thế, tất cả đều cười.

Nhà báo Tạ Bích Loan ngồi cạnh tôi thì thầm: “Ông Barak trông phong độ quá. Ông bao nhiêu tuổi nhỉ?”. Tôi lập tức google, và sau đó hai chị em mắt tròn mắt dẹt khi biết ông đã 80 rồi. Đã 80 mà phong thái vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, và vẫn tỏ ra sung sức, dù vừa trải qua gần 2 tuần di chuyển liên tục từ Nam ra Bắc để cảm nhận về đất nước Việt Nam. “Đây là lần đầu tiên tôi tới Việt Nam, nhưng vợ tôi đã khoác ba lô đến Việt Nam một lần rồi”. Ông nhìn về phía vợ, ngừng lại, đợi vợ cười, rồi nói tiếp: “Mà bà ấy bảo, so với lần đầu tới đây, giờ thấy Việt Nam phát triển khác hẳn”. Tôi thấy ông Barak có tài kể chuyện đời thường rất duyên dáng và hóm hỉnh. Nhưng cũng đã đến thời khắc mà những câu chuyện đời thường phải chấm dứt, để ông Barak tiến ra khán phòng Nhà Hát Lớn, thực hiện một bài chia sẻ chính thức với hàng trăm con người đang ngồi đợi ông.

Isarel đã làm gì để phát triển? Việt Nam có thể tham khảo gì từ Isarel? Đấy là chủ đề chính trong hơn một giờ chia sẻ của ông. Quan sát toàn bộ quá trình ấy, ông Mai Liêm Trực bảo: “Mọi người có để ý không, rất nhiều lần ông Barak ngừng lại, nhìn lên tầng trên khán phòng. Tại vì ở đó, đang có rất nhiều sinh viên ưu tú, của rất nhiều trường đại học”. Quả thật, ông Barak nhiều lần nhấn mạnh đến người trẻ. Ông bảo: "Những ngày qua, khi đi trên đường, tôi nhìn thấy những thanh niên Việt Nam trên những chiếc xe máy. Tôi nhìn thấy ở đó năng lượng của những người trẻ tuổi. Đó là điều mà Việt Nam đang có lợi thế". Rồi ông bảo:  “Thế hệ của các bạn trẻ chính là người mở màn cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai, trong cuộc cách mạng 4.0. Nhưng đây không phải là việc của một vài cá nhân, mà cần quá trình, với tầm nhìn và sự lãnh đạo thống nhất”.

Nhưng làm thế nào để có được những người trẻ tinh hoa, góp phần cốt lõi vào việc giúp một quốc gia cất cánh? Câu trả lời là của “giáo dục”. Theo như ông kể, nhiều người vẫn hay nhắc đến sức mạnh của nền quốc phòng Isarel, nhưng thực ra đầu tư cho giáo dục của quốc gia này lớn hơn nhiều so với đầu tư cho quốc phòng. Ông chia sẻ một vài điểm đặc sắc trong nền giáo dục Isarel, và trước đó, trong một cuộc trò chuyện riêng với một đồng nghiệp thân thiết của tôi là nhà báo Lan Anh của báo điện tử Vietnamnet, ông đã nói rất chi tiết về câu chuyện này. Được sự cho phép của nhà báo Lan Anh, xin được trích ra đây những điều cốt lõi: “Người Do Thái có truyền thống rất coi trọng việc học hành. Trẻ em bắt đầu học đọc và viết khi mới 3 tuổi chứ không phải đợi đến lúc 6 tuổi. Giáo dục bắt buộc kéo dài 12 năm áp dụng cho mọi người từ 6-18 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, chúng tôi coi giáo dục bắt buộc phải bắt đầu từ 3 tuổi.

Cách đây khoảng 45 năm, chúng tôi đã bắt đầu chương trình sàng lọc học sinh lớp 11 và 12 tại các trường phổ thông trên cả nước và lựa chọn khoảng 3-6 học sinh xuất sắc nhất của mỗi trường. Lúc đầu, chúng tôi lựa chọn được 10.000 học sinh xuất sắc và bây giờ, con số này tăng lên hơn 20.000.

Đừng coi thất bại là gánh nặng! -0
Cựu Thủ tướng Israel và phu nhân.

Mỗi năm, trong số 20.000 học sinh xuất sắc nhất đó, có khoảng 400-500 người được tham gia phục vụ đặc biệt trong quân đội. Những người giỏi nhất về toán học, khoa học và lập trình sẽ phục vụ nhiều năm tại các đơn vị công nghệ, máy tính, không quân hay tình báo. Trong số 400-500 cá nhân này, chúng tôi lựa chọn khoảng 40-50 người xuất sắc nhất vào thẳng đại học. Họ có một giáo sư hướng dẫn, tư vấn, giám sát. Sau 3 năm, họ tốt nghiệp 2 văn bằng, ví dụ bằng cử nhân vật lý và hóa học, hoặc bằng cử nhân toán và sinh học, hoặc bằng cử nhân toán và triết học. Họ được cung cấp miễn phí chỗ ăn ở và được cấp một khoản tiền nhỏ để chỉ tập trung vào việc học.

Sau khi tốt nghiệp, họ sẽ học việc khoảng 6 năm nữa với các nhà khoa học hàng đầu ở các cơ sở quốc phòng, các đơn vị tình báo, hay các phòng thí nghiệm quốc gia. Họ được tạo cơ hội đặc biệt để phát triển nhanh hơn, đạt được những thành công xuất sắc khi còn trẻ. Sau 9 năm, một số cá nhân hoàn thành chương trình thạc sĩ hoặc tiến sĩ khi vẫn đang làm việc. Họ là những thiên tài, chúng tôi nuôi dưỡng họ và chăm sóc từng cá nhân. Chúng tôi tìm mọi cách để phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài”.

Nghe những chia sẻ của ông Barak, tôi chợt nhớ lại một hội thảo gần đây, có sự xuất hiện của ngài Đại sứ Isarel tại Việt Nam, Nadav Eshcar. Hôm đó rất nhiều câu hỏi được dành cho ngài Đại sứ: Điều gì giúp một dân tộc 2.000 năm tha phương vẫn có thể quay trở về phục dựng lại tổ quốc? Điều gì khiến một quốc gia có diện tích và dân số chỉ bằng 1/10 Việt Nam lại có thể phát triển thần kỳ đến như vậy? Một trong những lý do đầu tiên, và theo mình là lý do quan trọng nhất mà ngài đại sứ đưa ra cũng là “giáo dục”. Ông bảo: “Trong lịch sử, khi người Do Thái tha phương, họ phải sống rất khó khăn. Chính quyền sở tại nhiều nước giới hạn sự phát triển của họ, không cho họ được làm trong chính quyền, không cho họ sở hữu đất đai. Họ cũng bị loại ra khỏi cộng đồng giáo dục địa phương. Nhưng giáo dục luôn được coi trọng đặc biệt. Các gia đình luôn dành hơn nửa số tiền kiếm được cho con cái học hành, phần còn lại thì may ra chỉ đủ ăn”. Sau đó vị đại sứ kể lại câu chuyện của chính mình: “Ông của tôi sinh sống trong một thị trấn rất nhỏ ở Ba Lan, nơi có rất nhiều người Do Thái, và đều rất nghèo. Nhưng tất cả những gia đình nghèo nhất vẫn cố gắng gửi con mình tới trường để học Kinh thánh. Và những giáo viên dạy về Kinh thánh luôn là những người quan trọng nhất, được tôn trọng nhất trong cộng đồng Do Thái. Tôi nhớ là khi tôi còn nhỏ, mỗi lần đến lớp, luôn ngồi trước một cái bàn nhỏ, nơi đã để sẵn một quyển kinh thánh, phiên bản cũ. Đấy là một cái bàn vuông, có 4 góc, chứ không phải là bàn tròn. Thầy giáo ngồi cạnh một bàn, ba cạnh bàn còn lại là học sinh. Bạn hãy tưởng tượng: Chỉ có một quyển sách để ở một vị trí, vậy làm sao để 3 học sinh, ở 3 cạnh bàn khác nhau đều đọc được? Câu trả lời là, chúng tôi phải học cách để đọc được quyển sách đó từ bên phải, từ bên trái, và thậm chí là đọc ngược. Ông tôi cũng từng được giáo dục theo cách đó, nên ông tôi rất tự hào khi đưa ra một quyển sách, ông có thể đọc được nó từ bất cứ vị trí nào”.

Trở lại với câu chuyện của ông Ehud Barak tại khán phòng Nhà hát Lớn, sau khi nghe ông nhấn mạnh vai trò của giáo dục và năng lượng của người trẻ trong sự phát triển một quốc gia, ông Mai Liêm Trực tỏ ra hết sức tâm đắc. Và ông – một trong những người tiên phong đưa Internet vào Việt Nam đã thay mặt ban tổ chức nói lời kết luận: “Tôi không dám mách bảo gì, chỉ xin chúc các bạn trẻ có đủ trí tuệ, đam mê và nghị lực để đi trên con đường mình chọn. Thế hệ của chúng tôi đã già rồi. Tương lai thuộc về các bạn…”.

Nếu phải bổ sung một điều gì đó vào lời kết đầy tâm huyết của ông Mai Liêm Trực, thì tôi nghĩ đó chính là một truyền thống văn hóa của Isarel mà ông Ehud Barak cũng không ngừng nhắc đi nhắc lại: Đừng coi thất bại là gánh nặng! Ông bảo, phong trào khởi nghiệp ở Isarel cũng chứng kiến không ít công ty thất bại, nhưng trong văn hóa Isarel, thất bại không phải là một vết nhơ trong danh tiếng, càng không phải là một cú đòn đánh sập một con người, trái lại, thất bại là minh chứng cho việc chúng ta dám làm, dám dấn thân, và nó sẽ là sự tích lũy quý báu để thành công.

Ngay sau buổi chia sẻ tại Nhà hát Lớn, ông Barak lại bận rộn với các cuộc gặp gỡ, và hôm sau kịp có một chuyến tham quan Vịnh Hạ Long trước khi lên máy bay về nước, kết thúc 17 ngày ở Việt Nam. Tôi được ngỏ ý tham gia chuyến tham quan Vịnh Hạ Long cùng ông. Đáng tiếc, do bận công việc tòa soạn, mà không tham gia được.

Hy vọng, sẽ có ngày đủ duyên…

Phan Mỹ Chí 
.
.