Đôi bàn tay ôm trọn nỗi thu không

Thứ Tư, 29/09/2021, 12:27

Nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn (1940-2002) có số phận đặc biệt gắn bó với đất Huế. Dù ông chỉ dạy học 5 năm ở Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1970-1975) nhưng sông Hương, núi Ngự đã định danh cho cái tên Lê Thành Nhơn.

Tiếng chuông chùa làm rung động trái tim người nghệ sĩ. Những bài kinh, kệ đã nuôi dưỡng tâm hồn ông. Hàng đêm, hàng đêm ông hít thở trong ngôi nhà thiền bên sông Hương và mơ tới những ngôi tượng phật bồng bềnh trong mây bay. 

"Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ"

Có lần nhà văn Nguyễn Quang Hà (Huế) dẫn tôi ra đầu cầu Trường Tiền bên phố Lê Lợi để chiêm ngưỡng bức tượng chân dung nhà cách mạng Phan Bội Châu. Nhà văn nói đây là một thành tựu lớn mà nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn cống hiến cho Huế. Tôi sững sờ trước tác phẩm nghệ thuật đúc đồng kỳ vĩ (cao 4,5m). Đó là ấn tượng của nét cắt ngang nửa chòm râu và chiếc cằm đầy quả cảm. Gương mặt Phan Bội Châu cương nghị tỏ ra sự thách thức với những tội ác. Xoáy sâu vào tâm trạng tôi là đôi mắt của ông thổ lộ nét u trầm day dứt.

1_Nha_dieu_khac_Le_Thanh_Nhon-1632727699521.jpg
Nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn.

Dưới bức tượng là dòng thơ của ông ẩn chứa sức phản kháng mãnh liệt với đế quốc xâm lược: "Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ". Đây là biểu tượng hào sảng nhưng đầy bi tráng của người anh hùng lỡ bước sa cơ. Cuộc đời nhà cách mạng Phan Bội Châu sau bao thăng trầm đã bị giặc Pháp giam lỏng ở Huế. Chí khí cách mạng dâng cao ông trở thành tinh thần bất tử của Huế. Khi mới đến đây nhà điêu khắc trẻ Lê Thành Nhơn đã  ngập chìm trong tinh thần này. Ông nhập tâm những ý chí kiên định của nhà cách mạng và quyết tâm dựng một bức tượng chân dung Phan Bội Châu (1972).

Trong thời gian này cuộc chiến tranh ở miền Nam luôn diễn ra nóng bỏng. Giặc Mỹ và tay sai điên cuồng lùng bắt những thanh niên và tầng lớp tri thức yêu nước. Lê Thành Nhơn đã gặp những bạn bè văn nghệ sĩ trẻ và nổi tiếng như Trịnh Công Sơn, Bứu Chỉ, Bửu Ý, Đinh Cường, Vĩnh Phối và ca sĩ Khánh Ly (lúc này theo Trịnh Công Sơn về Huế). Một ban vận động được hình thành để giúp cho Lê Thành Nhơn thực hiện dựng tượng Phan Bội Châu. Họ mong ước sau đó sẽ dựng tượng Hồ Chí Minh. Nhưng tình thế lúc này chỉ với danh nghĩa Trường Mỹ thuật Huế mới thực hiện được việc dựng tượng Phan Bội Châu.

Nhiều bạn bè tin tưởng và khích lệ tài năng thiên bẩm của Lê Thành Nhơn. Người thì ủng hộ khung sắt làm dàn giáo, người thì ủng hộ bảy tấn đất sét, hoặc có người lại vận động quyên góp tiền hỗ trợ. Đặc biệt trong đó có buổi ca nhạc do Trịnh Công Sơn và Khánh Ly biểu diễn cùng với các sinh viên tạo nên không khí phấn chấn không ngờ. Thậm chí mọi người còn vận động Trung tâm văn hóa Liễu Quán làm tượng Quán Thế Âm (cũng do Lê Thành Nhơn dựng) để lấy tiền mua nguyên liệu và thuê thợ đúc đồng.

Đặc biệt người nhà của cụ Phan Bội Châu luôn túc trực giúp cho Lê Thành Nhơn thể hiện những nét chân thực nhất. Nhưng mọi người không thể ngờ bằng phương pháp nghệ thuật độc đáo, Lê Thành Nhơn đã tạo nên một bức tượng chân dung rất khác lạ. Thoạt nhìn có người hình dung đó là thiền sư Đạt Ma với những bước đi như bay trên mặt nước. Lại có người bất ngờ ở đôi mắt xoáy sâu tâm trạng của thiền sư sau bao năm ấp ủ mộng ước giải phóng con người khỏi những nỗi đau trần thế. Nhà văn Nguyễn Quang Hà tâm sự, phong cách nghệ thuật của Lê Thành Nhơn đã hình thành ngay từ bức tượng này.

Đó là nghệ thuật ấn tượng ngả sang biểu tượng một cách tinh tế. Tác phẩm không những gây ấn tượng về diện mạo mà còn mô tả được cái thần thái bên trong căng tràn nội lực của nhân vật. Bức tượng thể hiện được chí khí Phan Bội Châu mới khó. Sinh thời, Lê Thành Nhơn đã học theo nguyên tắc sáng tạo của nhà điêu khắc Auguste Rodin. Đó là việc thể hiện cái lực đẩy bên trong của tính cách nhân vật. Một bi kịch tâm hồn dồn nén qua ánh mắt. Cùng với đó là sự chuyển động từng đường gân trên vầng trán và chòm râu quật khởi. Nửa thế kỷ qua bức tượng đồng chân dung cụ Phan là biểu tượng tinh thần yêu nước của Huế. Tác phẩm được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao và là kỷ lục của Đông Nam Á hiện nay.

Vô ngôn hóa đá

Tinh thần phật giáo Huế luôn gắn bó với quãng đường sáng tạo của nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn. Tuy theo gia đình định cư ở Úc (1976) nhưng tư tưởng thiền tịnh thấm vào từng viên gạch và hòn đá trong xưởng sáng tác của ông. Thực ra tác phẩm đầu tiên (1970) của Lê Thành Nhơn chính là tượng "Thích Ca ngồi" cao 4,5m bày ở Trung tâm phật học Huệ Nghiêm (TP.Hồ Chí Minh). Sớm được học ngôn ngữ hội họa và điêu khắc phương Tây (Tốt nghiệp Mỹ thuật Sài Gòn-1966) nhưng tinh thần Phật pháp đã nhập vào ngôn ngữ nghệ thuật của Lê Thành Nhơn. Bức tượng "Thích ca ngồi" đã đem lại tiếng vang cho ông. Hầu hết những chi tiết đặc tả trên gương mặt Phật Thích ca họa nhịp với đường lượn thân áo. Chúng được đặt trong một tỷ lệ cân đối tạo hình uy nghi vững chãi.

Đôi bàn tay ôm trọn nỗi thu không -0
Sinh.
Đôi bàn tay ôm trọn nỗi thu không -1
Lão.
Đôi bàn tay ôm trọn nỗi thu không -2
Bệnh.
Đôi bàn tay ôm trọn nỗi thu không -3
Tử.

Những thi phẩm thiền thấm đẫm trong tâm cảm Lê Thành Nhơn. Bài thơ "Mùa thu" mà ông thường ngâm nga bởi lẽ hình tượng bàn tay hiện lên: "Chúng ta đang rơi/ Bàn tay này đang rụng/ Và hãy nhìn bàn tay kia, hòa một nhịp rơi chung/ Nhưng có bóng ai, vẫn tịch nhiên bất động/ Đôi bàn tay ôm trọn nỗi thu không". Cái thu không ấy như một nỗi niềm và cũng là nguyên tắc sáng tác của Lê Thành Nhơn. Đó là những điều không thể nói bằng lời. Một khoảng trống luôn tiếp cận tới bản chất của sự vật. Đó là thiền pháp "vô ngôn" trong thi ca. 

Điêu khắc Lê Thành Nhơn sẽ dùng đá lấp đầy quãng "thu không" đó. Bằng sức thể hiện nội tâm qua đá mà tượng Lê Thành Nhơn luôn tìm ra những chuyển động tâm linh trong từng chi tiết. Ông làm đến hàng chục tượng Phật khác nhau. Tất cả đều hoành tráng đem lại những hiệu quả thị giác mỹ cảm làm mê hồn các phật tử. Trong đó có bức "Phật Thích Ca" được Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Úc chọn và trưng bày vĩnh viễn cho cộng đồng chiêm ngưỡng.

Nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn đã vượt qua mọi người ở quãng "vô ngôn" trong từng thớ đá. Ông đã nâng cao chất tín ngưỡng ở những khoảng trống sáng tạo qua tác phẩm nghệ thuật. Tinh thần thiền định Huế đã đem lại chất riêng (rất Việt Nam) trong mỗi tượng Phật của ông. Chính vì thế tượng Phật của Lê Thành Nhơn trở thành kiệt tác bởi ở sự khác biệt. Qua những chi tiết tưởng nhỏ như cái mũ, tà áo hay bàn tay, hoặc đôi mắt mà Lê Thành Nhơn đã ghim vào linh hồn Phật đạo. Bởi cái vi diệu của Phật đạo là vô ngã, là vị tha và là giải thoát. Câu thơ thiền của Huyền Quang luôn hiện lên trong mỗi pho tượng Phật của ông: "Quên mình, quên đời, quên tất cả/ Yên lặng ngồi lâu lạnh cả giường" (Cúc hoa). Ngôn ngữ đá của Lê Thành Nhơn đã làm được điều đó. Hình tượng "Vẫn tịch nhiên bất động" nhưng làm rung chấn mọi vi tế của mỹ cảm trong tâm thức con người.  

Triết lý của tứ bình

Ngoài những tượng lớn mang tính quảng trường, họa sĩ Lê Thành Nhơn còn vẽ hàng trăm bức tranh. Ông đã tổ chức hàng chục triển lãm ở nhiều nước. Tinh thần Phật pháp cũng đã ám vào tranh ông đậm chất triết lý thiền học. Dường như mỗi bức là một câu thơ thiền được mô tả bằng hình tượng và sắc mầu. Đúng như ông vẫn cầu nguyện rằng: "Tôi mơ thành dòng sông nhỏ/ Thả những nỗi niềm trôi đi" (Thích Tánh Tuệ). Ông thường vẽ những bức khổ lớn. Riêng bộ "Tứ đại" (hay còn gọi là “Tứ bình”) gồm các tác phẩm "Đất", "Nước", "Gió" và  "Lửa" lại có độ lớn bất ngờ. Mỗi bức đều dài tới 6m, cao 2m. Thậm chí ông còn vẽ bức "Nước tôi-dân tôi" dài tới 7m...Tuy tranh của Lê Thành Nhơn mang phong cách trừu tượng nhưng màu sắc và hình tượng vẫn đậm chất "vô ngôn". Đó là kỹ thuật hòa sắc và sự chuyển động của những đường vờn tạo nét huyền ảo trong cõi tâm linh.

Tinh thần Phật pháp còn được ông thể hiện ở bộ tượng "Sinh-Lão-Bệnh-Tử". Với cách thể hiện ở những khối đặc hay độ rỗng của hình tượng Lê Thành Nhơn thường ném vào đó một khoảng trống mà để cho người xem cảm nhận và tự lấp đầy với cảm quan cùng triết lý riêng mình. Huế đã đem lại tinh thần đó trong suốt cuộc đời sáng tạo của họa sĩ Lê Thành Nhơn.

Bức tượng đồng "Hỡi tự do! Đừng bỏ tôi" của ông bày ở CLB Mê Công Sydney như một tiếng thét cuối cùng vận vào thân phận ông trong cuộc đời. Nay bức tượng "Cô gái Việt Nam", Lê Thành Nhơn sáng tác từ 1969, bao năm lưu lạc đã được đưa về trưng bày bên bờ sông Hương. Sự bổ sung bên tượng Phan Bội Châu và Quán Thế Âm (bày tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu quán), tạo nên bộ ba tuyệt phẩm của ông ở Việt Nam. Đây là những di sản nghệ thuật trời trao cho Huế từ bàn tay thiên tài điêu khắc Lê Thành Nhơn.

Vương Tâm
.
.