"Địch thủ" của Gandhi

Thứ Sáu, 03/09/2021, 12:46

Ngày 15-8-1947, Đạo luật Ấn Độ Độc lập (Indian Independence Bill) chính thức được tuyên bố bởi Đế quốc Anh, từ đó khai sinh nền độc lập của hai quốc gia trên Tiểu lục địa Ấn Độ cũ. Tuy nhiên, cho dù đây là một bước tiến đáng nhớ của tiến trình văn minh trong lịch sử loài người, sự xuất hiện của những khoảng trống quyền lực vẫn tạo nên mặt tối ít được nhắc đến: những hệ lụy không thể tránh khỏi khi các xung đột và mâu thuẫn tuột khỏi tầm kiểm soát - điều dường như phảng phất lặp lại ở cách chính quyền Afghanistan sụp đổ khi các đơn vị lính Mỹ còn chưa kịp rút hết trong hiện tại.

Một bậc "quốc phụ" khác

Hầu như ai trong đời cũng từng một lần nghe đến cái tên "Mahatma" (Linh hồn vĩ đại) Gandhi - "người cha dân tộc" của Ấn Độ hiện đại. Song, chưa chắc đã nhiều người biết đến Muhammad Ali Jinnah - người được đất nước Pakistan cung kính xem là Quaid-i-Azam (Lãnh tụ vĩ đại) hoặc Baba-i-Quaum (Người cha đất nước). Và có lẽ càng ít người biết rằng vị lãnh tụ này đối lập với Mahatma Gandhi về mặt tư tưởng như nước với lửa.

Tượng đài của cả hai, thật đáng tiếc, đều được xây trên nền móng là xung đột Ấn Độ - Pakistan từ buổi đầu độc lập. Hay đúng hơn, xung đột giữa Ấn giáo và Hồi giáo, với những hệ lụy thảm khốc ít còn được nhắc đến trong đời sống quốc tế hiện đại. Ở vị trí của mình, Muhammad Ali Jinnah đã làm tất cả những gì có thể nhằm bảo vệ các tín đồ Hồi giáo trên đất Ấn Độ cũ - cũng là các công dân của nước Pakistan mới. Bởi vậy, tư tưởng của ông đối kháng một cách công nhiên với Gandhi và Jawaharlal Neru - những người anh hùng dân tộc Ấn Độ.

Jinnah - "người cha lập quốc" của Pakistan.

Có một điểm cần lưu ý: Một trong những lý do để đế quốc thực dân Anh trì hoãn trao trả độc lập cho toàn bộ tiểu lục địa Ấn Độ sau Đệ nhị Thế chiến, chính là sự xung khắc mãnh liệt giữa hai cộng đồng Ấn giáo (Hindu) và Hồi giáo. Ngày 15-8-1947, 200 năm cai trị của đế quốc Anh trên mảnh đất ấy chấm dứt, và hành động này được Mahatma Gandhi ca ngợi là "hành động cao quý nhất của Anh quốc". Để đạt được dấu mốc ấy, Quốc hội Ấn Độ do đảng Quốc đại (mà cả Gandhi, Neru lẫn Jinnah đều là thành viên) đã phải nỗ lực tìm kiếm điểm thỏa hiệp cho cả ba phía (Anh - Hindu - Hồi giáo) bằng cách khai sinh quốc gia Pakistan - quốc gia của riêng người Hồi giáo, nhằm kết thúc đàm phán cũng như đấu tranh bất bạo động đòi độc lập.

Song, đó cũng là điểm khởi đầu một thời kỳ hỗn loạn ở Ấn Độ và Pakistan. Hàng trăm nghìn người, bao gồm cả Gandhi - bị ám sát bởi chính một tín đồ Hindu giáo cuồng tín vào tháng 1-1948, trong một buổi cầu nguyện diễn ra tại một khu vực vốn đang có bạo lực giữa Hồi giáo-và Hindu giáo - đã thiệt mạng.

Suốt quãng thời gian đó, bằng sự kiên định sắt đá của mình, Muhammad Ali Jinnah đã tác động để tiến hành đưa hàng triệu tín đồ Hồi giáo về Pakistan, tạo dựng khung chính sách quốc gia cho đất nước non trẻ đó, và thậm chí cũng đóng cả vai trò người bảo vệ cộng đồng thiểu số Hindu còn kẹt lại ở Pakistan.

Mâu thuẫn tôn giáo trên những khoảng trống quyền lực đã tạo nên rất nhiều xung đột đẫm máu giữa hai cộng đồng Hindu - Hồi giáo.

Kẻ điên không thể đàm phán

Đó chính xác là cách Louis Mountbatten - tổng đốc cuối cùng của Anh quốc ở Ấn Độ - mô tả về lãnh tụ của Liên đoàn Hồi giáo Ấn Độ khi đó, Muhammad Jinnah, vào tháng 3-1947. Theo Mounbatten, nếu ông không hành động kịp thời và linh hoạt, nước Anh chắc chắn sẽ "trở thành trọng tài của một cuộc nội chiến", và chia cắt tiểu lục địa Ấn Độ thành hai quốc gia cho hai khối tín đồ là lựa chọn duy nhất.

Trước đó, trong khói lửa Đệ nhị Thế chiến, người Hindu và người Hồi giáo đã bắt đầu quay lưng lại với nhau. Năm 1942, Gandhi và Neru - các thủ lĩnh của phong trào bất tuân dân sự - bị bắt. Ở ngoài, Jinnah xích lại gần người Anh, và xây dựng hình ảnh của mình như "người bảo hộ lý tưởng nhất cho các tín đồ Hồi giáo bị người Hindu thống trị". Mâu thuẫn giữa những tên tuổi quan trọng nhất của phong trào đòi độc lập đã bắt đầu như thế. Ra tù, Nehru nghĩ rằng Jinnah là "m

Tiểu lục địa Ấn Độ được trao trả độc lập và chia cắt năm 1947.

ột ví dụ điển hình của sự thiếu vắng hoàn toàn một tinh thần văn minh," còn Gandhi gọi ông là một "tên điên" và "một thiên tài xấu xa". Tất cả chỉ bắt nguồn từ khác biệt về lợi ích tôn giáo.

 Từ đó trở đi, bạo lực đường phố giữa người Hindu và người Hồi giáo bắt đầu leo thang. Căng thẳng cũng thường bị thổi bùng lên bởi những lãnh đạo chính trị địa phương và khu vực. H. S. Suhrawardy, vị thủ hiến tàn nhẫn ở bang Bengal của Đảng Liên đoàn Hồi Giáo, đã kích động nổi loạn chống người Hindu ở bang mình và viết trên một tờ báo rằng "bản thân đổ máu và rối loạn không nhất thiết là những điều ác, nếu phải dùng đến vì một mục đích cao quý". Chuỗi tàn sát mang tính tôn giáo rộng khắp đầu tiên diễn ra ở Calcutta năm 1946, một phần là do sự kích động của nhân vật này.

Khi bạo loạn lan sang các thành phố khác và số người thương vong leo thang, các lãnh đạo đảng Quốc đại - những người ban đầu phản đối kế hoạch chia cắt lãnh thổ, bắt đầu xem nó như cách thức duy nhất để loại bỏ Jinnah "phiền phức" và Liên đoàn Hồi giáo của ông. Còn người Anh cảm nhận rõ ràng: Họ đã để tuột quyền kiểm soát.

Cũng như người Mỹ vừa rời bỏ Afghanistan trong hiện tại, Đế quốc thực dân Anh quyết định ra đi, với các điều kiện:  Nếu Jinnah và Nehru có thể hòa giải, quyền lực sẽ được chuyển giao cho một hình thức nào đó của chính quyền trung ương Ấn Độ thuộc Anh. Nếu không, nước Anh  sẽ chuyển giao quyền lực theo những cách thức khác có vẻ hợp lý nhất và vì lợi ích tốt nhất của người dân Ấn Độ.

Vấn đề là, Jinnah và Neru - những người đồng chí cũ trong đảng Quốc đại - đã không còn khả năng hòa giải. Nếu như vào năm 1916, Jinnah nổi lên nhờ hướng đến sự đoàn kết Ấn giáo - Hồi giáo, thì 30 năm sau, ông đã đi theo một quỹ đạo hoàn toàn trái ngược, khi một lòng cổ vũ "kế hoạch hai quốc gia". Và ông không bao giờ nhân nhượng để trì hoãn kế hoạch này nữa.

Sau khi cả Gandhi và Jinnah tạ thế năm 1948, bạo lực vẫn tiếp diễn, cho đến tận lúc phần lãnh thổ biệt lập Đông Pakistan trở thành Bangladesh hiện đại. Nước Anh đã quyết định từ bỏ thuộc địa quan trọng nhất của mình, có lẽ là khá thiếu những bước hoạch định kỹ lưỡng nhằm giải quyết nhiều nhất các vấn đề tồn đọng, cũng như xử lý các hệ lụy có thể phát sinh. Song, cũng có thể, họ thực sự không còn muốn dính dáng gì đến "câu chuyện phân ly" kia nữa. Đơn giản là họ ra đi, và mặc kệ những xung đột về tư tưởng hay tôn giáo còn ở lại sau lưng. Đấy là chuyện của người Hindu và người Hồi giáo, của Neru và Jinnah - nguyên thủ bị Ấn Độ căm ghét và được Pakistan tôn thờ.

Trong tấm gương lịch sử, dường như có những bài học cũ đang hiện rõ trở lại, trên mảnh đất mang tên Afghanistan…

"Muhammad Ali Jinnah mất ngày 11-9-1948, nghĩa là chỉ hơn một năm sau khi nước Anh trao trả độc lập để Ấn Độ và Pakistan phân ly. Tuy nhiên, trong quãng thời gian ngắn ngủi đó, ông đã kịp để lại một di sản đồ sộ, để có thể được coi là nhà lãnh đạo vĩ đại nhất trong lịch sử Pakistan.

"Bài diễn văn ngày 11-8-1947 - bài diễn văn quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của Jinnah - có đoạn: "Theo thời gian, người Ấn giáo sẽ không còn là Ấn giáo, người Hồi giáo sẽ không còn là Hồi giáo, nhưng không phải trên phương diện tôn giáo - vì tôn giáo là niềm tin riêng tư của mỗi cá nhân - mà là trên phương diện công dân của quốc gia". Nghĩa là, ngay khi tranh đấu vì các tín đồ Hồi giáo, Jihnah đã nhấn mạnh đến khía cạnh thế tục bắt buộc của nhà nước.

Mây Linh
.
.