“Dị nhân” Park Hang-seo

Thứ Sáu, 27/05/2022, 20:30

Chiếc huy chương vàng bóng đá nam mà U23 Việt Nam đạt được sau chiến thắng 1-0 trước U.23 Thái Lan có giá trị lớn hơn một chiếc huy chương vàng thuần túy. Trong bối cảnh hai nền bóng đá Việt Nam - Thái Lan đang quyết liệt cạnh tranh vị trí bá chủ Đông Nam Á, một chiến thắng lúc này tạo động lực rất lớn để chúng ta tiếp tục khẳng định mình.

Vượt qua “bóng ma” quá khứ

Không quá lời nếu bảo kể từ 1991 - năm bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại với đời sống bóng đá quốc tế - thì Thái Lan giống như một “bóng ma” ám ảnh. Trước trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games năm nay, giới phóng viên đã hỏi HLV Park Hang-seo về “bóng ma” ấy, rằng trong lịch sử tham dự SEA Games (tính từ năm 1991), Việt Nam 4 lần đụng Thái Lan ở chung kết bóng đá nam và thua cả 4. Nếu cái thua ở chung kết SEA Games năm 1995 trên đất Thái và ở chung kết SEA Games năm 2005 trên đất Philippines là “dễ tiêu hóa” thì cái thua 1999 và 2003 thực sự đã để lại niềm tiếc nuối lớn lao.

Năm 1995, mục tiêu của Đội tuyển Việt Nam khi ấy chỉ là vượt qua vòng bảng, cho nên sau đó qua luôn cả bán kết để hội ngộ Thái trong một trận chung kết thực sự là một bất ngờ. Năm đó, xét ở tất cả các khía cạnh, từ sân bãi, khán giả đến trình độ chuyên môn, chúng ta thực sự không có “cửa” với Thái. Đến 2005 thì nhiều cầu thủ không còn tâm trạng đá chung kết nữa, vì đấy là thời điểm nghi án bán độ đã râm ran trong lòng Đội tuyển. Cũng phải thẳng thắn thừa nhận đấy cũng là thời điểm mà thực lực Thái Lan vẫn vượt trội chúng ta.

“Dị nhân” Park Hang-seo -0
Huấn luyện viên Park Hang-seo thực sự tạo nên khác biệt với bóng đá Việt Nam.

Nhưng, chung kết SEA Games năm 1999 tại Brunei lại là một câu chuyện khác. Đấy là kỳ SEA Games của lứa Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Minh... và đấy là kỳ SEA Games mà chúng ta tin rằng mình sẽ gặt một chiếc huy chương vàng để chia tay thế hệ vàng. Đấy có lẽ cũng là lần đầu tiên làng cầu khu vực đánh giá trình độ chuyên môn của Việt Nam và Thái là ngang nhau. Ấy vậy mà 2 bàn thua đến từ 2 cú sút xa của đối thủ đã xua tan tất cả. Thế hệ vàng chính thức giã từ lịch sử các kỳ SEA Games mà không đoạt được chiếc huy chương vàng nào. Đấy cũng là kỳ SEA Games cuối cùng mà các Đội tuyển bóng đá nam Quốc gia tham dự.

Kể từ SEA Games năm 2001 tại Malaysia, các Đội tuyển U.23 được lựa chọn thay thế. Và, cuộc đụng độ U.23 Việt Nam - U.23 Thái Lan tại chung kết SEA Games năm 2003 trên sân Mỹ Đình thực sự cũng là lúc mà chúng ta dám nghĩ đến một chiếc huy chương vàng. Lúc đó, lứa Văn Quyến, Quốc Vượng, Hữu Thắng... đang vào độ “chín” và trong cuộc đấu ở vòng bảng, ta cũng hòa Thái 1-1 trong thế trên chân. Trận chung kết năm ấy cũng có tỷ số 1-1 sau 90 phút nhưng trong thế 10 chống 11, ta đã không thể trụ vững trong hiệp phụ và cuối cùng khóc hận với cú sút của Thonglao.

4 trận chung kết gặp Thái thua cả 4, đấy vẫn chưa phải là những thống kê đủ nói lên nỗi ám ảnh Thái Lan. Thực tế là ngoài 4 trận chung kết ấy, tính từ thời điểm 1991, chúng ta cũng chưa bao giờ thắng Thái ở trận địa SEA Games. Đứng trước những thống kê như thế, HLV Park Hang-seo bảo: “Bây giờ tôi mới biết”. Rồi ông bảo: “Khi đó tôi không phải là HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam. Khi đó cầu thủ Việt Nam cũng khác bây giờ”. Ông còn đưa thêm một dẫn chứng từ quá khứ giúp các cầu thủ tự tin vào trận: “Nếu nói đến quá khứ thì mọi người nên nhớ là chúng tôi đã thắng ở trận chung kết SEA Games năm 2019 và hiện đang là đương kim vô địch”.

Nói lại tất cả những điều này để thấy chiến thắng 1-0 của U.23 Việt Nam trước U.23 Thái Lan thực sự là cột mốc quan trọng. Nó không chỉ giúp chúng ta có thêm một chiếc huy chương vàng, mà còn giúp chúng ta lần đầu tiên đánh bại Thái Lan ở SEA Games, và cũng là lần đầu tiên đánh bại đối thủ này trong một trận chung kết SEA Games, sau cả thảy 4 lần lỗi hẹn. Lịch sử luôn cần đến những cột mốc, những bản lề để tạo ra những thay đổi bước ngoặt. Hy vọng chiến thắng lần này sẽ là chiếc bản lề như thế. Ít nhất, nó cũng sẽ khiến các lứa U.23 dự SEA Games tới đây của chúng ta mỗi khi gặp Thái đều không bị những ám ảnh tiêu cực về tâm lý.

Người của những khác biệt

Lịch sử bóng đá Việt Nam kể từ ngày hội nhập đã chứng kiến những ông thầy ngoại mang đến những chiến thắng ngọt ngào trước người Thái. Đó là cố HLV Alfred Riedl với lần “oánh” Thái oanh liệt 3-0 tại bán kết Tiger Cup 1998 trên sân Hàng Đẫy (tiền thân của AFF Suzuki Cup hiện nay). Đó là cựu HLV Henrique Calisto với lần “oánh” Thái 2-1 tại chung kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2008 ngay trên đất Thái. Cả hai chiến thắng đó đều găm lại trong ký ức người hâm mộ bóng đá Việt Nam dư vị ngọt ngào. Nhưng, cả hai ông thầy đó đều chỉ gắn liền với những khoảnh khắc thắng Thái bất ngờ.

HLV Park Hang-seo thì khác. 5 năm ở Việt Nam, ông đã dẫn U.23 và Đội tuyển Quốc gia Việt Nam đụng Thái nhiều lần. Ông cũng đã thua một lần ở bán kết lượt đi AFF Suzuki Cup đầu năm nay. Nhưng, ngoại trừ lần thua duy nhất đó là hàng loạt chiến thắng ấn tượng trước người Thái. M.150 Cup trên đất Thái, giải bóng đá giao hữu chuẩn bị cho Vòng chung kết U.23 châu Á chính là lần đụng Thái đầu tiên của ông. Lần ấy, U.23 Việt Nam bất ngờ thắng 2-1. Sau này, rất nhiều tuyển thủ kể lại rằng chiến thắng ấy đã tạo ra những thay đổi bước ngoặt trong nhận thức của họ về HLV Park Hang-seo nói riêng và ban huấn luyện Đội tuyển nói chung. Bởi đấy là thời điểm ông thầy người Hàn mới chân ướt chân ráo tới Việt Nam, áp dụng một chiến thuật, một hệ thống thi đấu hoàn toàn mới. Cũng chính từ chiến thắng bản lề trước người Thái mà một niềm tin lớn được thắp lên - cái nguyên nhân sống còn tạo nên câu chuyện cổ tích ở Thường Châu năm ấy.

Một năm sau, tại vòng loại giải U.23 châu Á trên sân Mỹ Đình, U.23 Việt Nam thậm chí còn thắng đậm U.23 Thái 4-0. Ở cấp độ Đội tuyển Quốc gia, nhiều người vẫn nhớ Kings Cup năm 2019, giải giao hữu quốc tế truyền thống của Thái Lan, HLV Park Hang-seo một lần nữa giành chiến thắng 1-0 ngay trên đất Thái. Lần này lại đến chung kết SEA Games 31, lần mà phải khách quan thừa nhận, lực lượng của ta không giỏi hơn Thái, cầu thủ của ta không tinh hơn Thái, nhưng ghép lại thành một khối thì ta vẫn làm được điều mình muốn: Giành chiến thắng ngoạn mục, sau khoảnh khắc xuất thần.

“Dị nhân” Park Hang-seo -0
Khoảnh khắc xuất thần giúp bóng đá Việt Nam đoạt Huy chương vàng SEA Games

Như vậy, rõ ràng là so với những cựu thầy đáng kính như Alfred Riedl hay Henrique Calisto, HLV Park Hang-seo sở hữu một bảng thành tích hết sức ấn tượng trong những lần đối đầu giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá Thái Lan. Xin nhắc lại, ngoài cú sẩy chân duy nhất với Thái ở bán kết AFF Suzuki Cup năm nay, ông Park từ hòa đến thắng, trong đó có hàng loạt chiến thắng ấn tượng, bản lề. Chỉ riêng điều này thôi, ông cho thấy mình thực sự là một dị nhân.

Lý do thành công 

Vòng chung kết giải U.23 châu Á năm 2018 rồi đến SEA Games năm 2019, trong tay ông Park là một lứa cầu thủ xuất sắc. Những Quang Hải, Công Phượng, Văn Hậu, Xuân Trường... là những cầu thủ thực sự là “của hiếm” trong lịch sử phát triển nền bóng đá. Có trong tay một lứa cầu thủ như thế, ông Park có “bột để gột nên hồ”. Nhưng, với SEA Games năm nay, thực sự là trong tay ông chỉ là những cầu thủ bình bình. Ngoại trừ Việt Anh và Thanh Bình ở hàng thủ, ngoại trừ 3 cầu thủ trên tuổi U.23 được tăng cường là Tiến Linh, Hoàng Đức, Hùng Dũng..., đội hình dự SEA Games của chúng ta không trội hơn tất cả những đối thủ chúng ta đã gặp, trừ Timor-Leste.

Với một đội hình như vậy, năng lực dụng binh của người cầm quân là tối quan trọng. Và, ông Park Hang-seo đã thể hiện rõ điều này. Trước những Indonesia, Philippines, Myanmar, Malaysia..., đoàn quân của ông Park đá tấn công áp đặt. Cho dù sòng phẳng mà nói, cách áp đặt vẫn để lại nhiều dấu hỏi nhưng rốt cuộc ông vẫn làm được điều mình muốn: giành những chiến thắng cần thiết để tiến một mạch vào chung kết. Riêng trận chung kết thì câu chuyện hoàn toàn khác: chúng ta nhường sân, nhường trận cho đối thủ, để chơi một thứ bóng đá thực sự biết mình biết ta. Đấy là một chọn lựa chính xác, vì nếu bung mình ra đôi công, cầu thủ Việt Nam chắc chắn không thể kiểm soát trận đấu như cầu thủ Thái Lan và nguy cơ rủi ro là rất lớn.

Tất nhiên, bên cạnh những toan tính chuyên môn, mọi chiến thắng trong bóng đá đều cần tới sự yểm trợ của may mắn và thời vận. Ông Park có được yếu tố này. Trước khi bước chân sang Việt Nam hành nghề, ông đang ở trong những ngày tháng u buồn nhất của sự nghiệp cầm quân. Ông từng bảo: “Thời điểm đó tôi không có cơ hội trở lại bóng đá đỉnh cao thêm lần nữa”. Ông cũng bảo: “Tôi biết đa số những HLV ngoại đều không thể tồn tại lâu với bóng đá Việt Nam”. Có nghĩa, quyết định sang Việt Nam lúc đó giống như lần “chơi xổ sổ” của một ông thầy đang không còn... quá nhiều điều để mất. Thật không ngờ, với Việt Nam, ông đã chạm vào những nốt thăng chói lọi trong hoàng hôn sự nghiệp của mình.

Ông hợp với bóng đá Việt Nam. Ông hợp với những cầu thủ Việt Nam mà ông đang có. Ông biết chắt chiu những tình huống, những cơ hội được tạo ra. Và, ông cũng đến vào lúc mà những nền bóng đá trong khu vực Đông Nam Á, vì nhiều lý do khác nhau không còn ở thế mạnh vượt trội Việt Nam như trước nữa. Tất cả những yếu tố đó hợp lại tạo nên thành công của ông Park ở Việt Nam.

Xin chúc mừng và xin cảm ơn ông!

Phan Đăng
.
.