Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và bút danh “Hạ sĩ Trường Sơn”

Thứ Tư, 12/06/2024, 09:02

“No thành Phật, thành Tiên, đói thành ma, thành quỷ. Đánh có thắng được giặc, dân mới no, mới ấm, quân mới hùng, mới mạnh. Giữ được mùa màng, thì dân, quân mới tạm đủ ăn no để thắng giặc và xây dựng lực lượng hùng hậu. Trung tâm công tác của ta là đó. Trung tâm tư tưởng cụ thể của ta là đó”.

Đó là một phần trong bài viết của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên trang nhất báo Quân đội nhân dân số đầu tiên, phát hành ngày 20/10/1950. Bài viết đăng toàn trang đó có nhan đề “Đánh thắng và bảo vệ mùa màng”.

Hơn 70 năm đã trôi qua, tờ báo đầu tiên đó, bài báo đầy ý nghĩa thời sự đó vẫn được lưu giữ tại Thư viện Quân đội. Giấy báo đã ố vàng, nhưng chữ vẫn rõ ràng. Bài báo còn có hình vẽ minh họa với đôi câu thơ: “Giặc tưởng phá được mùa màng/ Ngờ đâu ta đánh cụt càng trụi râu”.

1. Đánh giặc và bảo vệ sản xuất - hai nhiệm vụ cấp bách và trọng yếu lúc đó được lồng ghép trong một bài báo giàu tính thời sự, văn phong lôi cuốn, thúc giục; khiến bất cứ ai đọc được cũng thấm thía và nhận thức sâu sắc nhiệm vụ của cá nhân mình để góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của đất nước. Một bài báo chỉ đạo của Đại tướng, nhưng lối viết giản dị, dễ hiểu, gần gũi, lời lẽ đanh thép, lập luận chặt chẽ. Tác giả bài báo chỉ ghi là Nguyễn Chí Thanh, không hề ký chức danh Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không phải là một nhà báo chuyên nghiệp nhưng ông được coi là một nhà báo cách mạng, một ngòi bút chính luận sắc bén, đã luận giải những vấn đề nóng bỏng từ đồng ruộng tới chiến trường. Đại tướng viết nhiều thể loại báo chí, đề cập tới nhiều chủ đề. Ông rất coi trọng người làm báo. Trong một bài trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân tháng 11/1950, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh đã nói về vai trò của người chủ bút: “Người phụ trách tờ báo phải cẩn thận, viết cho đúng chủ trương, đường lối, viết cho dễ để đội viên đọc hiểu, cái gì thiết thực thì viết, viển vông thì đừng”. Khi nói về các chiến sĩ, trong bài viết năm 1959 mang tựa đề “Đảng là người tổ chức, lãnh đạo quân đội ta”, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh viết: “Đói ư? Đói cũng đánh. Rét ư? Rét cũng đánh. Ốm ư? Ốm cũng đánh”. 

Theo nhà báo Phan Quang, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đánh giá cao tác dụng của báo chí. Là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị nhưng Nguyễn Chí Thanh luôn lăn lộn với thực tiễn, với cơ sở và thường xuyên viết bài cho các báo để chỉ đạo thực tiễn. Ông đã viết nhiều bài về cải tiến quản lý hợp tác xã, thâm canh lúa, phát huy vai trò tích cực của phụ nữ trong phong trào hợp tác hóa và phát triển sản xuất nông nghiệp... Có những bài lớn, có ý nghĩa tổng kết về những vấn đề quan trọng, cũng có những bài chỉ dăm bảy trăm từ chỉ đạo các vấn đề cụ thể. Thậm chí dịp Tết Quý Mão (1963), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn tham gia viết báo Tết với bài cảm nghĩ Tết của một nông dân xã viên. 

Phần lớn những bài báo đều tự tay Đại tướng viết rồi giao cho cán bộ biên tập sửa chữa. Đại tướng tôn trọng quyền biên tập của nhà báo. Ông từng nói rằng: “Người ta sắm ra các vị biên tập là để sửa chữa, nâng cao chất lượng bài viết, làm cho nó đúng hơn, hay hơn. Nếu ai viết sao, cứ để vậy thì đâu phải là người biên tập, mà chỉ là người “biên vô tập” mà thôi”. Ông luôn cố gắng trình bày những vấn đề lý luận trừu tượng bằng lời lẽ thông thường, chêm xen nhiều thành ngữ dân gian, đặc biệt ngôn ngữ miền Trung mà ông vận dụng nhuần nhuyễn. Có khi Đại tướng băn khoăn cả buổi để cân nhắc nên hay không nên dùng một thành ngữ dân gian. Nói về hợp tác xã chi phí sản xuất cao, ông viết “một tiền gà bằng ba tiền thóc”. Phê phán một chủ nhiệm không coi trọng việc xác định phương hướng trước khi làm kế hoạch sản xuất, ông bảo như vậy là “đặt cái cày trước con trâu”. 

1000022749.jpg -0
Bài báo “Đánh thắng và bảo vệ mùa màng” của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đăng trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số đầu tiên ngày 20/10/1950

2. Trong những năm ở chiến trường miền Nam, dù bận trăm công nghìn việc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn dành thời gian viết bài với các bút danh “Người quan sát”, “Bến Tre”, “Hạ sĩ Trường Sơn”,… Những bài bình luận quân sự nóng hổi của “Hạ sĩ Trường Sơn” nổi danh khắp các mặt báo, nhưng độc giả không hề biết rõ tác giả là ai, ngay cả với gia đình của Đại tướng. Tại sao Đại tướng lại lấy bút danh đó?

Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, thì trong một lần đến thăm gia đình Đại tướng ở Hà Nội, ông Trần Lương lúc bấy giờ là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam phụ trách quân sự, Ủy viên Quốc phòng trong Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đã nói cho gia đình Đại tướng biết rằng “Hạ sĩ Trường Sơn” chính là “anh Thao”. Thao là tên ở nhà của ông Thanh.

Năm 1964, trước khi vào miền Nam, nói chuyện về con trai cả Nguyễn Trường Sơn đã mất năm 1947, ông Thanh bảo: “Chà, nếu Sơn nó còn sống thì bây giờ 18 tuổi rồi, mà nếu phấn đấu có lẽ lên đến Hạ sĩ, cán bộ Trung đội chứ chẳng chơi”. Câu nói ấy cả nhà đều nghe thấy. Phải chăng ông Thanh đã nghĩ từ trước để lấy bút danh “Hạ sĩ Trường Sơn” khi viết các bài viết về cuộc kháng chiến ở miền Nam? 

Liên quan đến bút danh này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh có kể một câu chuyện “cười ra nước mắt”. Lúc đó, Sư đoàn 9 của Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam mới được thành lập, các cơ quan, đơn vị lần lượt hình thành. Phòng Chính trị Sư đoàn muốn ra một tờ tin nhưng chưa có người phụ trách. Đọc báo Quân giải phóng, họ phát hiện “Hạ sĩ Trường Sơn” có những bài bình luận quân sự sắc sảo, châm biếm Mỹ với những lời lẽ sâu cay. Vậy là họ làm công văn… “xin” hạ sĩ Trường Sơn về phụ trách tờ tin.  Ai cũng đinh ninh yêu cầu sẽ được cấp trên đáp ứng ngay, vì Sư đoàn 9 là đơn vị “con cưng” nên xin ai, cấp trên chưa lần nào từ chối. Nhưng lần này, Sư đoàn chờ mãi không thấy Cục Chính trị Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam điều anh “hạ sĩ” ấy về, mà cũng không có ý kiến trả lời. Họ đâm ra thắc mắc, cằn nhằn rằng, phóng viên Báo Quân giải phóng đông đảo thế, vậy mà Sư đoàn xin có một anh hạ sĩ cũng không cho.

Biết chuyện này, các đồng chí ở Phòng Tuyên huấn Cục Chính trị khoái lắm, vì Phòng Chính trị Sư đoàn không hề biết “Hạ sĩ Trường Sơn” là ai. Các đồng chí bảo nhau giữ bí mật, cứ để Sư đoàn “xin”. Cán bộ Phòng Tuyên huấn Cục Chính trị Miền mỗi lần nhận được công văn xin “Hạ sĩ” là lại cười nghiêng ngả. Nhưng bí mật rồi cũng được tiết lộ. Khi biết rõ tác giả, mấy anh Sư đoàn không dám xin “Hạ sĩ Trường Sơn” nữa.

Theo Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, từ năm 1964 đến năm 1967, những bài viết, bài nói tại chiến trường miền Nam của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có giá trị đặc biệt, góp phần lý giải những câu hỏi nóng hổi tính thời sự nhưng mang tầm chiến lược về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nghiên cứu và phát triển tư tưởng chiến lược quân sự của Đảng trước những diễn biến rất mới mẻ và phức tạp, khi toàn dân tộc phải đương đầu với kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự hơn hẳn ta; giúp giải đáp những câu hỏi: Có đánh được Mỹ không? Làm thế nào để đánh Mỹ? Đánh Mỹ bằng cách nào? Những trang viết không hề khô khan mà rất mềm mại, luôn đan cài hình ảnh văn hóa, câu từ văn học dân gian. 

Không chỉ trong các bài báo, mà ngay cả khi diễn đạt những phương châm, tác chiến lớn của Đảng trong cuộc chiến chống Mỹ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn tìm những hình ảnh, cách diễn đạt chuẩn mực, súc tích và đầy hình ảnh như “tìm Mỹ mà đánh, tìm nguỵ mà diệt”, “chen vào giữa địch mà đánh”, “căng địch ra mà đánh”. Và đặc biệt, phương châm “nắm thắt lưng địch mà đánh” vừa phản ánh chính xác một phương châm tác chiến vừa khái quát, vừa cụ thể. Đó là câu trả lời cho câu hỏi lớn: “Đánh Mỹ như thế nào”. 

Không chỉ có văn phong viết mạch lạc, súc tích, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn có cách nói rõ ràng, truyền cảm hứng. Năm 1965, các chiến thắng Vạn Tường, Plei Me, Bàu Bàng - Dầu Tiếng đã củng cố niềm tin thắng Mỹ cho quân và dân ta. Khí thế đánh Mỹ dâng cao trên khắp các chiến trường. Sau chiến thắng Bàu Bàng - Dầu Tiếng cuối tháng 11/1965, Bí thư Quân ủy Miền Nguyễn Chí Thanh có buổi nói chuyện, trao đổi với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 cùng cán bộ đảng, chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương. Không khí buổi nói chuyện vô cùng phấn khởi và háo hức, vì mọi người được gặp gỡ trực tiếp vị Đại tướng. Ông gọi một chiến sĩ trẻ lên hỏi: Có dám đánh Mỹ không? Và có đánh thắng được Mỹ không? Người lính trẻ trả lời: “Dạ thưa đánh thắng được ạ!”. Đại tướng hỏi tiếp: “Vậy muốn đánh thắng Mỹ thì ta phải làm gì?”.

Rồi sau đó, Đại tướng tổng kết thành phương châm tác chiến, chiến thuật, chỉ đạo tác chiến của cán bộ, sĩ quan tham mưu. Bằng giọng nói say sưa, sôi nổi, phong thái cởi mở, ông phân tích khái quát, mạch lạc ý tưởng cũng như ý nghĩa của từng công việc, nhiệm vụ. Từng lời thấm sâu vào tâm trí, làm lay động tình cảm của người nghe, cổ vũ tinh thần trong mỗi người dâng cao hừng hực. Hội trường im phăng phắc, người nghe như nuốt lấy từng lời. Trung đoàn trưởng Lê Nam Phong đang chăm chú theo dõi, bỗng có ông già Nam Bộ râu đen ghé tai nói thầm: “Nè, thằng cha nào nói chuyện nghe hay dữ?”. Lê Nam Phong tròn mắt: “Ông Sáu Di, Đại tướng, Chính ủy Miền đó. Im mà nghe đi cha!”. Ông già gật gù: “Ờ thì tao nghe đã quá, nên hỏi vậy mà”. 

Thái Hưng
.
.