Cuộc đời như phim của người đàn ông 72 năm sống bằng phổi sắt

Thứ Bảy, 30/03/2024, 09:23

Ngày 11/3/2024, ông Paul Richard Alexander đã qua đời tại Dallas, Mỹ, hưởng thọ 78 tuổi. Bị bại liệt từ năm 1952 khi mới lên 6 tuổi, 72 năm qua, Paul sống được nhờ "lá phổ sắt" và trở thành người nổi tiếng khi lập kỷ lục là người sống thọ nhất nhờ "phổi sắt".

Tháng 3/2023, Tổ chức Kỷ lục Guinness đã công nhận Paul là bệnh nhân sống lâu nhất trong "lá phổi sắt". Không những thế, vượt qua bệnh tật, ông tự học và trở thành một luật sư, nhà văn…

Hành trình 72 năm không đầu hàng số phận

Suốt 72 năm qua cho tới khi qua đời, mỗi ngày sống với Paul là một ngày chiến đấu để vượt lên sự nghiệt ngã của số phận. Paul sinh năm 1946 tại thành phố Dallas, bang Texas, Mỹ và hoàn toàn khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, năm 6 tuổi, bị kịch xảy ra làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời Paul. Mùa hè năm 1952, đại dịch bại liệt bùng phát trên khắp nước Mỹ. Khi đó, đây là căn bệnh mới vô phương cứu chữa.

a1.jpeg -0
Những khoảng thời gian hiếm hoi ông Paul được đưa ra khỏi "phổi sắt".

Tháng 7/1952, Paul nhiễm bệnh; sau 5 ngày tự theo dõi ở nhà vì bệnh viện quá tải, cậu bé bị mất tất cả các chức năng vận động và không tự thở được. Khi tiếp nhận, các bác sĩ khoa cấp cứu Bệnh viện Parkland khẳng định không thể làm gì cho cậu bé vì khi đó Paul không thể nói, không thể nuốt và bị suy hô hấp do virus bại liệt. Họ đặt Alexander nằm yên trên cáng ở ngoài hành lang. Paul vẫn nhớ rõ lời bác sĩ kết luận: "Đứa trẻ này không sống sót được qua hôm nay". Nhưng một vị bác sĩ khác chạy vội đến kiểm tra và tin rằng Alexander vẫn còn cơ hội nên đã yêu cầu phẫu thuật mở khí quản sau đó đặt Paul vào bên trong một chiếc máy được gọi là "lá phổi sắt".

"Lá phổi sắt" là một thiết bị y tế được phát minh vào năm 1928 bởi nhà phát minh Philip Drinker và bác sĩ Louis Shaw, sử dụng để hỗ trợ hô hấp cho những bệnh nhân không thể tự thở. Đó là một buồng sắt kín bao quanh toàn bộ cơ thể của bệnh nhân, chỉ để lộ đầu. Áp suất bên trong buồng được thay đổi để ép không khí vào, ra khỏi phổi. "Lá phổi sắt" được sử dụng rộng rãi để điều trị suy hô hấp do bệnh bại liệt, một căn bệnh do virus gây tê liệt cơ.

Tỉnh lại trong bệnh viện, Paul không thể cất tiếng nói vì đã phẫu thuật mở khí quản. Nhiều tháng trôi qua, cậu cố gắng giao tiếp với những bệnh nhi xung quanh bằng nét mặt.

Dù các bác sĩ không hy vọng cậu bé có thể sống lâu nhờ "lá phổi sắt", nhưng Paul tiếp tục thực hành một kỹ thuật thở mới và được cho xuất viện cùng với "lá phổi sắt" của mình. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là sau đó Paul bắt đầu tăng cân, cơ bắp tăng kích thước trở lại đã giúp việc hít, thở trở nên dễ dàng hơn. Sau một thời gian, Alexander đã có thể chui ra khỏi "lá phổi sắt" trong 1 giờ, rồi lên dần 2 giờ. Với sự hỗ trợ của bác sĩ trị liệu, Paul đã có thể giữ không khí trong khoang cổ họng rồi rèn luyện cơ bắp để đẩy không khí đi qua dây thanh quản vào phổi, hay còn gọi là kỹ thuật "thở ếch". Bác sĩ trị liệu hứa rằng nếu Paul có thể làm được điều đó trong ba phút, bà sẽ mua tặng cậu một con chó con. Paul phải mất một năm rèn luyện mới có thể "thở ếch" ba phút.

Sau khi ra viện, Paul đã có cơ hội kết bạn và có thể rời khỏi "lá phổi sắt" trong một khoảng thời gian nhất định. Mỗi tuần, Paul có vài buổi chiều được bạn bè đẩy xe lăn đi dạo phố. Tuy nhiên, khi thấy các bạn đi học, Paul muốn được đến trường.

Mẹ là người thầy đầu tiên khi dạy cho Paul những kỹ năng đọc cơ bản. Dù chỉ có thể cử động phần đầu, Paul vẫn có thể vẽ tranh, được mẹ hướng dẫn cách đọc. Khi đến trường, Paul nhanh chóng bắt kịp với các bạn. Người cha làm cho Alexander chiếc bút đặc biệt để có thể ngậm trong miệng để viết.

"Cha mẹ rất yêu tôi, luôn nói "Con có thể làm bất cứ điều gì" và tôi tin vào điều đó. Tôi biết rằng đó là con đường dẫn đến tương lai. Ba mẹ dạy tôi phải sử dụng trí óc và năng lượng của mình để sáng tạo. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình là một người tàn tật", sau này Paul đã chia sẻ trong cuốn tự truyện của mình.

Paul là một trong những học sinh học tại nhà đầu tiên của Khu Học chánh Dallas. Cậu học cách ghi nhớ thay vì ghi chép. Năm 21 tuổi, Paul tốt nghiệp trung học phổ thông với bảng điểm gần như tuyệt đối. Khi đó, Paul có thể ngồi bên ngoài "lá phổi sắt" vài giờ và cùng bạn bè đi ăn nhà hàng, xem phim.

Tốt nghiệp trung học, Paul nộp đơn vào Đại học Southern Methodist ở Dallas. Ban đầu, trường từ chối vì Paul là người khuyết tật nặng. Nhưng cuối cùng Paul đã thuyết phục được nhà trường cho mình theo học với hai điều kiện là tiêm vaccine bại liệt vừa được phát triển và sắp xếp một người trợ giúp để đến lớp. Một thời gian sau, Paul chuyển đến học luật tại Đại học Texas ở Austin và thuê người chăm sóc mình trong ký túc xá. Khi học đại học, Paul gặp người bạn gái tên Claire rồi cả hai đính hôn với nhau. Tuy nhiên, mẹ của Claire kiên quyết ngăn cấm mối quan hệ của họ. Một lần, Paul gọi điện cho Claire nhưng mẹ cô cầm máy và tuyên bố cấm Paul nói chuyện với con gái bà. "Tôi mất nhiều năm để vượt qua nỗi đau này. Trái tim tôi vốn dĩ rất yếu ớt và những tưởng đã chết sau cú sốc đó. Nhưng rồi thời gian giúp tôi hồi phục", Paul nhớ lại.

Năm 1978, Paul tốt nghiệp đại học. Năm 1986, Paul nhận bằng thạc sĩ luật. Trong hai năm ôn thi lấy chứng chỉ hành nghề luật sư, ông tạm thời làm công việc giảng dạy pháp lý tại một trường thương mại. Suốt mấy chục năm sau đó, Paul làm luật sư ở Dallas và Fort Worth. Mỗi lần ra tòa bào chữa, ông ngồi trên một chiếc xe lăn đặc biệt để nâng đỡ cơ thể bị liệt, cũng như phải tự điều chỉnh việc hít, thở mà không có máy hỗ trợ.

Dù chưa bao giờ kết hôn kể từ sau cuộc tình buồn với Claire, nhưng sau đó ông có cuộc tình dài lâu khác với một phụ nữ tên Kathy Gaines. Bà Gaines bị mờ mắt do bị bệnh tiểu đường tuýp 1. Từ khi gặp và yêu Paul, bà đã trở thành "tay chân" của ông suốt quãng đời sau này. Suốt hơn 30 năm, hàng ngày từ 7 giờ sáng, bà Kathryn Gaines là người giúp ông ăn, rửa mặt, đánh răng, cạo râu và thực hiện những thói quen khác của ông. Ông được tắm và thay chăn qua các cửa sổ ở hai bên máy thở. Xung quanh đầu ông là những thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại, loa… để liên kết ông với thế giới bên ngoài. Gần hơn với khuôn mặt của Paul, một chiếc ống hút chọc vào cốc nước cao; trên cằm ông đặt một đầu của một vật dụng hình chữ T bằng nhựa dài mà ông vận hành bằng miệng, để viết email hoặc trả lời và cúp điện thoại.

"Paul khá khắt khe. Anh ấy luôn hung hăng để có những thứ anh ấy muốn và cần người khác phục vụ mình. Nhưng Kathy thích hợp với anh ấy về mọi thứ. Họ cũng có những vấn đề với nhau nhưng nhưng họ luôn giải quyết được", Phil, em trai của Paul, kể lại.

Nói về quãng đời đã qua không giống ai của mình, Paul chia sẻ: "Bạn thực sự có thể làm bất cứ điều gì, bất kể bạn đến từ đâu, nền tảng của bạn hay những thách thức bạn có thể gặp phải. Bạn chỉ cần hướng trái tim của mình vào nó và làm việc chăm chỉ. Câu chuyện của tôi là một ví dụ về việc tại sao bạn phải vượt qua thử thách, vượt qua đau khổ và phải quên đi quá khứ cũng như quên cả những trở ngại trong tương lai để sống từng khoảnh khắc".

a2.jpg -0
Cậu bé Paul 9 tuổi vẽ tranh bằng miệng khi nằm trong "lá phổi sắt"

Lập Kỷ lục Guinness

Cùng với hành nghề luật ở bang Texas, Paul đã viết một cuốn sách về cuộc đời mình. Cuốn sách mang tên "Ba phút cho một con chó: Cuộc đời tôi trong lá phổi sắt". Để viết cuốn sách này, Paul đã mất 5 năm để viết từng chữ bằng chiếc bút gắn vào 1 chiếc que trong miệng. "Tôi có riêng cho mình vài ước mơ lớn lao. Tôi không chấp nhận bất cứ ai áp đặt giới hạn của họ lên bản thân tôi. Cuộc đời tôi là một điều khó tin", ông tâm sự.

Cuộc đời Paul quả thực là điều khó tin. Dù phải sống bằng "lá phổi sắt" nhưng Paul đã sống thọ hơn bố mẹ và anh trai của mình. Tháng 3/2023, Tổ chức Kỷ lục Guinness đã công nhận Paul là bệnh nhân sống lâu nhất trong "lá phổi sắt".  Ông thậm chí còn thọ hơn cả cỗ máy phổi sắt của mình. Đó là năm 2015, "lá phổi sắt" bị hỏng vài bộ phận khiến nó bị rò rỉ khí nhưng không thể tìm ra phụ tùng thay thế bởi từ năm 60, người ta đã ngừng sản xuất linh kiện cho thiết bị này. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của Paul nhưng ông vẫn không muốn từ bỏ.

Một người bạn của ông đã đăng tải video tìm kiếm sự trợ giúp lên YouTube. May mắn là sau một thời gian tìm kiếm, một người thợ máy tên Brady Richards đã liên lạc với ông. Với tay nghề điêu luyện, Richard nhanh chóng sửa được chiếc phổi sắt. Điều kỳ diệu là dù từng bị nhiễm COVID-19 vào thời điểm dịch bùng phát ở Mỹ nhưng sau đó Paul vẫn qua khỏi.

Cuộc đời của Paul đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều người về nghị lực vượt qua số phận để vươn lên. Vì vậy, những năm gần đây, nhiều người đã tham gia quyên góp tiền gây quỹ ủng hộ ông.

"Tôi vô cùng biết ơn những người đã quyên góp và gây quỹ để hỗ trợ cho anh trai tôi. Số tiền đó đã giúp anh ấy sống những năm cuối đời an nhàn và sử dụng để chi trả cho đám tang của anh ấy trong thời điểm khó khăn này. Dù gặp nhiều hạn chế, anh ấy đã sống một cuộc sống đầy trọn vẹn. Hy vọng anh ấy sẽ là nguồn cảm hứng bất tận để mọi người có thể noi theo và luôn tưởng nhớ đến anh ấy", ông Philip chia sẻ.

Còn ông Christopher Ulmer, một người ủng hộ người khuyết tật và đang điều hành việc gây quỹ cho Paul thì viết trên trang GoFundMe rằng: "Câu chuyện của ông lan xa, ảnh hưởng tích cực đến mọi người trên khắp thế giới. Paul là một hình mẫu đáng kinh ngạc sẽ tiếp tục được ghi nhớ".

Ngọc Trang
.
.