Chuyện đời nhà nữ khoa học “mạ” cả cuộc đời

Thứ Ba, 29/10/2024, 08:29

Phố Thuốc Bắc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội quanh năm tấp nập buôn bán đồ kim khí. Trong căn nhà sâu hun hút và đặc biệt nhất nhì phố này, nhà nữ khoa học Vũ Thị Điềm sống lặng lẽ những ngày tháng tuổi già.

Sinh ra và lớn lên ở phố cổ, nhưng bà Điềm dành cả cuộc đời để nghiên cứu, dốc lòng với kĩ thuật “mạ”, trở thành một chuyên gia về mạ kim loại, góp phần không nhỏ vào việc giải được bài toán bức thiết của các công trình ở Việt Nam một thời. Đến giờ, Giải Kovalevskaya năm 1998 - giải thưởng danh giá dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc vẫn là một kỉ niệm đẹp với nhà nữ khoa học Vũ Thị Điềm.

Mối duyên với công nghệ mạ

Ngôi nhà số 75 phố Thuốc Bắc, chiều ngang khoảng… 2m, nhưng sâu đến… 70m, gian ngoài cùng đang cho thuê bán đồ kim khí. Đi qua cửa hàng là vào đến phòng khách của bà Vũ Thị Điềm. Nói là phòng khách, nhưng đơn giản chỉ là bộ bàn ghế cùng chiếc tủ đựng đồ. Ngay sát đó, là chiếc bàn ăn nhỏ, là góc bếp bé xíu và khu vệ sinh. Dấn thêm mấy bước nữa là tủ sách, cũng là bức tường ngăn với chiếc giường bà Điềm nằm nghỉ ngơi.

Tất cả đều thông nhau, không có tường ngăn cách, đóng dọc theo không gian hẹp và sâu của căn nhà. Đi qua chiếc giường ngủ của bà Điềm lại là… nơi ở của nhiều gia đình khác. Cứ như vậy, không gian không hề khép kín, sâu hun hút, thông thiên, phân bố mỗi gia đình một đoạn nhà cũng đồng thời là ngõ, là lối đi duy nhất ra phố.

Chuyện đời nhà nữ khoa học “mạ” cả cuộc đời -0
Nhà khoa học Vũ Thị Điềm vinh dự nhận giải thưởng Kovalevskaya năm 1998.

Có hẹn với bà từ trước, nên khi tôi đến, bà đã pha trà đợi sẵn. Năm nay đã ở tuổi 80, bà Điềm đi lại có phần chậm hơn, nhưng trí nhớ vẫn vô cùng minh mẫn. Bà kể về cuộc đời cứ như một thước phim quay chậm.

Bà Điềm sinh năm 1945, từ bé đến giờ đều gắn với ngôi nhà trên phố Thuốc Bắc này. Nhà bà trước là xưởng kinh doanh nghề dệt. Từ nhỏ bà đã được mẹ cho học trường Pháp. Khi học cấp 3, nhiều lần thấy trong phòng thí nghiệm ở trường có những chai lọ đựng hóa chất nhiều màu sắc, bà vừa tò mò vừa thích thú. Ước mơ theo ngành hóa học nhen nhóm trong bà từ đó. Bước chân vào đại học, bà chọn khoa Hóa, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Lớp có 93 người, chỉ có 10 sinh viên nữ, trong đó có bà.

Năm 1966, sau khi tốt nghiệp đại học, bà được phân công làm giáo viên dạy hóa tại Trường Trung học Cơ khí 2 (Vĩnh Phúc). Khởi nghiệp là giáo viên, nhưng bà luôn ấp ủ mơ ước được nghiên cứu. Sau những giờ lên lớp, bà mượn sách, giáo trình tiếng Nga về, vừa học ngoại ngữ, vừa trau dồi kiến thức. Năm 1974, sau những biến cố riêng, bà chuyển về Hà Nội, làm việc ở Viện Thiết kế máy công nghiệp, Bộ Cơ khí - Luyện kim (nay là Viện Nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công Thương). Từ một cô giáo, bà chuyển sang làm nghiên cứu, và chọn lĩnh vực khô - khó - khổ, tưởng như chỉ dành cho nam giới. Đó là lĩnh vực mạ.

Thời điểm đó, nhu cầu mạ trang trí và bảo vệ phụ tùng xe đạp nói riêng – một phương tiện thiết yếu và là tài sản không nhỏ với người lao động thời bao cấp, cũng như các chi tiết ngành cơ khí rất cao. “Mạ” là công nghệ phủ để xử lý bề mặt kim loại với nhiều mục đích như chống gỉ, chống mài mòn do ma sát. Sau những tháng ngày miệt mài trong phòng thí nghiệm, bà đã nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ mạ hợp kim đồng - thiếc, phủ crôm và mạ kẽm bóng để ứng dụng vào những phôi mộc như đùi, đĩa, nan hoa xe đạp. Quá trình mạ rất cần nước, bà và đồng nghiệp phải đi gánh nước đổ vào bể chứa để mạ thử. Kết quả cho ra lớp mạ bóng loáng, có thể soi gương được, lại có khả năng chống ăn mòn cao. Công nghệ mạ sau đó được áp dụng rộng rãi. Nhiều nhà máy xe đạp nhờ bà chuyển giao công nghệ.

Năm 1986, bà thành công với đề tài mạ hợp kim chì – thiếc – đồng để chống mài mòn do ma sát cho các máng đệm trục động cơ ôtô. Thành công này đã giải quyết được bài toán thiếu phụ tùng máy móc do việc nhập khẩu lúc đó gặp nhiều khó khăn. Năm 1988 bà được bổ nhiệm Phó trưởng phòng, sau đó là Trưởng phòng Công nghệ của Viện.

Dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp của bà chính là mạ cột điện cho đường dây 500KV Bắc – Nam. Năm 1992, dự án này được triển khai, nhưng khó khăn nhất là ngành điện trong nước chưa sản xuất được cột điện chống gỉ với khối lượng lớn. Nếu triển khai đường dây 500KV thì phải nhập cột điện với chi phí rất cao. Viện Thiết kế máy công nghiệp nhận nhiệm vụ nghiên cứu việc mạ cột điện chống gỉ, giao nhiệm vụ cho bà Điềm làm chủ lực.

Gánh trọng trách trên vai, bà miệt mài nghiên cứu công nghệ mạ kẽm nóng để sản xuất cột điện chống gỉ. Bà tự làm những tấm mẫu rồi cùng các công nhân thử nghiệm mạ kẽm nóng tại xưởng. Sau gần 1 tháng nghiên cứu, kiên trì với hàng trăm lần thử nghiệm, những mẫu mạ đã ra đời bằng phương pháp mạ kẽm nóng, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của ngành điện và các tiêu chuẩn quốc tế. Sau đó, hàng loạt bể mạ được xây dựng và sản xuất đại trà. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng ngàn cột điện mạ kẽm sản xuất trong nước được dựng lên, góp phần đẩy nhanh tiến độ công trình đường dây 500KV Bắc – Nam.

Với nhiều công trình khoa học cấp nhà nước gắn với công nghệ mạ, năm 1998, kĩ sư Vũ Thị Điềm được nhận giải Kovalevskaya - giải thưởng thường niên dành tặng những tập thể, cá nhân nữ khoa học gia xuất sắc, nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân là các nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực - kinh tế, xã hội và văn hóa. Thời kì đó, bà được coi là một chuyên gia về mạ, tham gia nhiều hội nghị khoa học quốc tế. Bà từng sang Liên Xô tham quan các nhà máy, tìm hiểu công nghệ hiện đại về áp dụng vào nghiên cứu trong nước và theo đuổi công nghệ mạ đến khi nghỉ hưu năm 2000.

Nỗi niềm của một nhà khoa học nữ

Ở tuổi 80, bà Điềm vẫn say sưa nói về những công trình nghiên cứu một cách tường minh, chặt chẽ. Theo bà Điềm, để đi sâu nghiên cứu khoa học, ngoại ngữ là một yếu tố cực quan trọng. Nhờ thạo 4 ngoại ngữ là Pháp, Nga, Trung, Anh nên bà có điều kiện nghiên cứu, dịch các tài liệu nước ngoài và áp dụng vào làm thí nghiệm một cách bài bản. Yếu tố quan trọng thứ 2 là sức khỏe. Chính việc luyện tập thể dục thể thao từ ngày trẻ đã giúp bà có sức khỏe vận hành các máy thí nghiệm, đưa các công trình nghiên cứu vào sản xuất.

Chuyện đời nhà nữ khoa học “mạ” cả cuộc đời -0
Đọc tài liệu khoa học là thói quen hàng ngày của bà Điềm.

“Khi đang thi công đường dây 500KV, tôi nhận được thông tin có một cây cột điện ở Hòa Bình bị lỗi gỉ sét nhỏ. Không thể đưa cây cột điện về xưởng để mạ kẽm nóng, tôi đã nghiên cứu công nghệ “mạ nguội”. Tôi bắt xe lên Hòa Bình, đến công trường và trèo lên cây cột điện cao chục mét thực hiện công nghệ mạ nguội để xử lý vết gỉ. Nếu không có sức khỏe, niềm đam mê thì không thể làm được”, bà nhớ lại.

Đến giờ, bà Điềm vẫn sống lặng lẽ một mình, không gia đình, không con cái. Chia sẻ câu chuyện cuộc đời, bà bảo: “Tôi đã từng có một tình yêu đẹp khi còn dạy học ở Trường Trung học Cơ khí 2 trên Vĩnh Phúc. Nhưng do nhiều biến cố, chúng tôi đã không đến được với nhau. Sau này, tôi cũng gặp nhiều người tốt dành tình cảm cho mình. Nhưng khi đã dấn thân vào con đường nghiên cứu, tôi quyết định không xây dựng gia đình, dành trọn niềm đam mê với khoa học. Phụ nữ làm khoa học luôn bị thiệt thòi, đặc biệt là trong lĩnh vực “mạ”. Bởi công nghệ mạ hợp kim đồng - thiếc, mạ kẽm bóng rất độc, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại. Nếu tôi lấy chồng, sinh con, rất có thể đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng…”.

Luôn đau đáu về mảng đề tài khô, khó, khổ, nhưng nhà khoa học Vũ Thị Điềm không hề khô khan. Bà dí dỏm kể: “Khi làm thí nghiệm thất bại, tôi thấy bế tắc khủng khiếp. Có những đêm không ngủ, đau đáu đề tài, ý tưởng chợt lóe lên, lại bật dậy tìm sách đọc. Rồi lại tiến hành thí nghiệm, cho đến khi nào thành công thì thôi. Phụ nữ làm nghiên cứu khoa học luôn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, chấp nhận hy sinh. Chất độc hại ngấm dần vào cơ thể qua năm tháng khiến da sạm lại, xương cốt bị ảnh hưởng đã từng phải phẫu thuật. Đêm đêm, giấc ngủ nặng nề, hay mê sảng. Nhưng với tôi, những cuộc thí nghiệm luôn có sức hấp dẫn lạ kì”.

Cuộc trò chuyện giữa tôi và bà Điềm liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc gọi của bạn bè liên lạc với bà. Ở tuổi 80, bà tìm niềm vui cùng bạn bè, là trưởng ban liên lạc trong các hội nhóm lớp, trong đó có cả nhóm các nhà nữ khoa học. Bà vẫn tích cực trong vai trò Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi phường Hàng Bồ. 

Sống trong ngôi nhà từ sáng đến tối không khi nào khép cửa, bà cũng đã quen. Bà nhỏ nhẹ: “Ngày trước, có tới gần chục gia đình sống trong căn nhà này. Giờ thì số hộ đã giảm bớt. Chúng tôi đã quen với cảnh sống chung, nên những bất tiện trong sinh hoạt chỉ là chuyện nhỏ. Tôi đang ăn, đang ngủ cũng có người đi qua. Tôi ở ngoài cùng nên giữ chìa khóa và kiểm tra cửa mỗi tối. Vì không có phòng riêng nên các gia đình cũng không lắp được điều hoà. Cũng may là căn nhà sâu nên hút gió và mát mẻ. Ở lâu rồi, chúng tôi cũng có những niềm vui riêng”.

Huyền Châm
.
.