Chuyện đời, chuyện nghề của "người hùng" Nguyễn Chí Thành
Ngày 13/6/2023, Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và CNCH Công an TP Hồ Chí Minh là cá nhân duy nhất trong 7 tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".
Trước khi nhận danh hiệu cao quý này, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ tưởng chừng như không thể hoàn thành. Có thể nói về anh gói gọn trong 3 từ: bản lĩnh, say nghề và dấn thân.
Cứu người là mệnh lệnh cao nhất
Quê gốc Thái Bình nhưng sinh ra và lớn lên ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Tốt nghiệp lớp 12, do gia đình khó khăn nên anh không thi đại học mà ở nhà làm thuê kiếm sống. Năm 2001, anh tham gia nghĩa vụ CAND, rồi được phân công về làm lính chữa cháy tại Đội PCCC, Trung tâm PCCC 23, Công an TP Hồ Chí Minh.
Tháng 4/2002, người lính trẻ Nguyễn Chí Thành được điều động thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại rừng quốc gia U Minh Thượng ở Kiên Giang - nhiệm vụ khó khăn đầu tiên trong sự nghiệp. "Tôi cùng 30 CBCS, 20 máy bơm và 3 xe chữa cháy lên đường "ra trận". Địa hình rừng hiểm trở, diện tích lớn, cây cối dày đặc, bùn sâu, có nhiều động, thực vật nguy hiểm..., trong khi công cụ phục vụ chữa cháy không thể triển khai, xe chữa cháy không thể tiếp cận hiện trường, chúng tôi phải dùng sức người đào kênh dẫn nước 4km vào rừng, cứ khoảng 200m lại đặt một máy bơm chữa cháy", anh nhớ lại.
Theo quy định, 2-3 ngày phải thay ca để đảm bảo sức khỏe, nhưng Thành cùng đồng đội đã xung phong làm nhiệm vụ liên tục hơn một tháng đến khi ngọn lửa được dập tắt hoàn toàn. Đã có lúc sinh mạng anh cận kề với cái chết, muỗi như trấu, nước tắm không có, điều kiện ăn ở vô cùng khó khăn nên anh bị sốt cao phải đi cấp cứu. Tuy nhiên, rời trạm y tế anh lại xung phong trở lại chữa cháy. "Trên thế giới có những sự cố cháy rừng, tuy nhiên là cháy ở khu vực đồi núi, có máy bay chữa cháy hay công cụ, máy móc hiện đại. Trong khi ở ta công cụ, phương tiện chưa hiện đại, địa điểm là rừng nguyên sinh ngập mặn, vô vàn khó khăn và hiểm nguy rình rập tính mạng", anh nói. Vậy mà anh cùng đồng đội đã dũng cảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ 700 ha rừng nguyên sinh và ngăn chặn không để cháy lan sang 10.000 ha rừng trồng.
Tháng 10/2002, Nguyễn Chí Thành tham gia chữa cháy và CNCH tại Trung tâm thương mại quốc tế ITC (TP Hồ Chí Minh), kiên trì đứng trên xe thang ròng rã hơn 4 tiếng dù nhiều lần bị trượt ngã. Anh và đồng đội đã giải cứu hàng trăm người bị mắc kẹt, sau đó tiếp tục làm công tác chữa cháy. Đến khi ngọn lửa tắt, các anh đã tiến vào bên trong tìm kiếm nạn nhân trong sức nóng khủng khiếp và khói độc dày đặc, phải mất rất nhiều thời gian mới tìm kiếm và đưa được 54 thi thể ra ngoài.
Năm 2007, anh tham gia lặn mò tìm 7 nạn nhân vụ chìm tàu Hoàng Đạt 36 trong hoàn cảnh sông sâu, nước chảy xiết, tàu dài hơn 100m, nhiều tầng, lượng hàng hóa khổng lồ, xáo trộn, gây nguy hiểm. Năm 2011, anh tham gia CNCH vụ chìm tàu nhà hàng Dìn Ký tại Bình Dương trong đêm, dưới trời mưa to và giông, gió giật mạnh. Sau hơn 20 giờ lặn tìm với bán kính hơn 1km, trong dòng nước chảy xiết, mưa to, giông lốc, anh cùng đồng đội đã tìm được 16 thi thể ở độ sâu hơn 21m. "Xúc động nhất là hình ảnh người mẹ ôm chặt con trai 3 tuổi dưới đáy sông đã khiến chúng tôi nỗ lực vượt khó hoàn thành nhiệm vụ, không để nạn nhân nào sót lại", anh nhớ lại, mắt rưng rưng.
"Trước đây nghề chọn tôi, bây giờ tôi chọn nghề"
"Đứng trước bất kỳ một vụ việc nào, chúng tôi đều tự dặn lòng phải chạy đua với thời gian để cứu sống người dân nhanh nhất có thể. Cố gắng hết sức mình, hoặc ít ra cũng đưa nạn nhân về được với gia đình để xoa dịu nỗi đau của người ở lại" - Trung tá Nguyễn Chí Thành tâm sự. Vụ việc đưa hài cốt thanh niên bị rơi xuống vực sâu tại Cao Bằng năm 2019 là minh chứng cho điều này.
Anh đánh giá, đây là vụ CNCH khó nhất ở Việt Nam, chưa có tiền lệ, bởi nạn nhân mất dưới hang gần 3 năm, không có phương tiện gì xuống được. Hang sâu trên 220m mà rất nhỏ hẹp, có chỗ chỉ 50-60cm, cần phải có một người đủ bản lĩnh, quyết tâm xuống. "Biết là xuống hang này rất nguy hiểm, thiếu dưỡng khí là sẽ hy sinh, hoặc phương tiện gặp trục trặc sẽ không lên được, chưa kể sẽ có những chướng ngại vật, vật thể lạ dưới hang mà mình không thể biết trước..., nhưng nếu dừng lại thì nạn nhân sẽ mãi mãi nằm ở dưới hang, nỗi đau của gia đình nạn nhân còn mãi, nên sau thời gian suy nghĩ, tôi đã xung phong xuống", anh nói.
Lựa chọn này rất khó khăn vì một khi nhận nhiệm vụ là chấp nhận hy sinh, là có thể nguy hiểm đến tính mạng. Phải mất khoảng 2 tiếng đồng hồ anh mới xuống được hang, xuống từng mét một, hít thở sâu. Dưới hang rất tối, cô đơn trong nỗi sợ hãi tột cùng, nhất là khi nghĩ về gia đình, vợ con, nhưng anh đã bình tĩnh tác nghiệp. Nạn nhân bị vùi lấp dưới lớp đá gần 1m, anh phải dùng tay đào bới, lượm từng cái xương của nạn nhân bỏ vào túi và hơn 1 tiếng thu dọn hiện trường rồi mới ngược lên. "Người nhà nạn nhân biết ơn, chạy đến bên tôi quỳ xuống, chắp tay vái tạ. Nhưng tôi đơn giản chỉ là, khi người dân cần thì vất vả, nguy hiểm mấy, hay thậm chí có thể hy sinh cũng vẫn thực hiện", Trung tá Nguyễn Chí Thành khẳng định.
Năm 2020, anh tiếp tục tham gia CNCH tại Hà Giang, nạn nhân rơi xuống hang sâu khoảng 280m trong thời gian 13 ngày, thi thể đang phân hủy nặng, bốc mùi nồng nặc. Đây cũng là nhiệm vụ đặc biệt khó khi là hang nguyên sơ, chưa ai xuống bao giờ, trong điều kiện thời tiết có mưa, trong hang nhũ đá sắc nhọn, rong rêu nhiều, miệng hang có chỗ gấp khúc... Thế nhưng, bản lĩnh Nguyễn Chí Thành là ở chỗ, làm được những việc tưởng như không ai làm được. Anh đã xuống đến nơi an toàn, đưa nạn nhân lên nguyên vẹn dù phải đi ngược lại nguyên tắc cứu hộ là cho nạn nhân lên trước, bản thân lên sau để gỡ vướng, tránh việc thi thể bị mắc kẹt vào đá (nguyên tắc là cán bộ cứu hộ lên trước, nạn nhân lên sau-PV).
"Trước đây là nghề chọn tôi, nhưng qua gắn bó với công việc CNCH trên 22 năm, công việc cứ tiếp nối không dứt ra được, giờ đây là tôi chọn nghề" - anh dí dỏm nói. CNCH là một công việc đặc thù, không phải lực lượng nào cũng làm được, và làm những việc không nhiều người làm được. Song các anh có những phương án, phương tiện bảo hộ, có kinh nghiệm, kiến thức được đào tạo bài bản để "cứu cái còn trong cái mất". Không biết bao nhiêu lần anh bị thương, bị rơi từ tầng 3 xuống, bị chấn thương cột sống, đứt chân, đứt tay, bị ho, viêm phổi mãn tính... nhưng cứ được triệu tập là sẵn sàng lên đường. "Chết thì ai cũng sợ, nhưng người dân cần thì mình phải thực hiện nhiệm vụ, luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào, không chần chừ", Trung tá Nguyễn Chí Thành cho hay.
Thực hiện nhiệm vụ bằng cả trái tim
Nhắc lại lần cùng Đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam tham gia CNCH thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Trung tá Nguyễn Chí Thành kể rằng đó là chuyến công tác suốt đời không bao giờ quên. "Chúng tôi phải nhịn đói suốt 24h, khi đến nơi nhiệt độ -6 độ C, lạnh cắt da cắt thịt trong điều kiện không điện, không nước, phải sinh hoạt trong lều tạm, hầu như ko ngủ được do lạnh và chênh lệch múi giờ. Chúng tôi không có nước tắm cả tuần, mặc dù tác nghiệp người rất bẩn...", anh nhớ lại. Vừa đến hiện trường không kịp nghỉ ngơi, đoàn chia ra làm 2 nhóm bắt tay vào việc tìm kiếm nạn nhân.
Khi phát hiện sự sống, đoàn hội ý đưa ra những phương án để lựa chọn. Nếu móc bằng máy thì ảnh hưởng đến nạn nhân, còn nếu moi đường hầm chui vào thì nguy hiểm cho CBCS. "Tôi đã chấp nhận phương án chui vào. Tôi dùng tay để moi đất đá, tránh tác động mạnh", anh kể. Dù bất kể hoàn cảnh nào, anh vẫn chọn cứu người là ưu tiên hàng đầu. Được vài mét, anh trao đổi với nạn nhân và được đáp lại, càng tiếp thêm động lực lớn, thôi thúc anh đào bằng tay liên tục để cứu người, dù hai tay lúc đó đã trầy xước và chảy nhiều máu. Có những lúc bị đất đá đè lên người nhưng anh không bỏ cuộc, cuối cùng đã tiếp cận và cứu được nam thanh niên 17 tuổi ra khỏi đống đổ nát trong sự mừng vui của người nhà nạn nhân, chính quyền địa phương và các lực lượng CNCH quốc tế. Sau đó, anh tiếp tục cùng đoàn tìm kiếm được 14 thi thể.
Trung tá Nguyễn Chí Thành cho biết, thời điểm đó Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như bạn bè quốc tế đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm, năng lực, phương tiện hiện đại và tính chuyên nghiệp của Đoàn Việt Nam. "Khi mới sang, nhiều người không biết đến Việt Nam. Khi chuẩn bị về, chúng tôi tranh thủ mua sắm ở Trung tâm thương mại tại thành phố Istabul. Sau khi ăn uống xong, chủ nhà hàng biết chúng tôi là người Việt Nam sang tham gia CNCH thì họ không lấy tiền, đồng thời tất cả nhân viên nhà hàng đã đứng xung quanh vỗ tay, đặt tay lên ngực và cúi đầu chào để cám ơn đoàn", anh kể về một kỷ niệm vui trước khi rời Thổ Nhĩ Kỳ.
"Chúng tôi xem nhiệm vụ chữa cháy và CNCH là một nhiệm vụ mang tính nhân văn, một hành động nghĩa hiệp, là sứ mệnh thiêng liêng", anh khẳng định.