Chị Ngát, chị Nhàn

Thứ Ba, 01/03/2022, 13:27

Lúc nào tôi cũng thấy hai chị thật tươi tắn, thanh xuân. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát và nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn rất biết buông bỏ nỗi buồn trong cuộc sống.

Từ ngày nảo ngày nào, Phan Thị Thanh Nhàn đã viết những vần thơ tình trứ danh mà nhẹ nhàng tới diệu kỳ: Cửa sổ hai nhà cuối phố/ Không hiểu vì sao không khép bao giờ/ Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp/ Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa… (Hương thầm). Những vần thơ theo cùng năm tháng ấy đến bây giờ trong không khí mùa xuân hoa bưởi đưa hương càng da diết mà người thơ vẫn ăm ắp trẻ trung tiếng nói tiếng cười.

ng1.jpg -0
Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát và nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn

Lúc nào chị Nhàn cũng tươi tắn vậy. Chị vẫn yêu và làm thơ tình. Chị Nhàn yêu, nhìn thoáng cái biết liền, chăm chút từ ánh mắt, nụ cười chứ không như chị Ngát yêu hay không đều vô cùng bí ẩn. Thân thiết đồng hương cỡ như tôi cũng luôn phải đoán già đoán non bởi chị lúc nào cũng xinh đẹp đằm sâu ý nhị tự lái con xe màu đỏ, khăn xanh, khăn trắng điệu đà, áo dài xúng xính hẹn cậu em đi ăn bún thang phố cổ còn chiều tới mức luôn dành cho những chai rượu ngoại rất ngon. Đương nhiên cuộc hẹn ăn nào cũng có chị Nhàn.

Tôi được cưng chiều thành ra nhiều lúc cứ thèm rượu là ới các chị. Cơ mà cũng phải đầu tư bó hoa hồng tặng cẩn thận. Hôm chị Ngát ra mắt tập thơ, tôi và nhà văn Trung Trung Đỉnh tới sớm tặng lẵng hoa tươi thắm, chị cười rất vui, còn khen cậu em đồng hương chu đáo, hẹn sớm về Hưng Yên ghé chợ hoa Văn Giang quê chị. Vậy mà dịch COVID đã khiến lỡ khối việc mặc dù tôi biết chị Ngát, chị Nhàn vẫn tìm đủ mọi cách luồn lách đi chơi.

Chị Ngát có cách đi chơi của chị Ngát thì chị Nhàn càng biết cách du xuân tứ mùa. Đừng tưởng mùa hè chị Nhàn không du xuân, còn gây ra những xao xuyến cho khối người ngay cả bậc đại lão như Trần Nhương cũng phải lao đao trong cuộc Viết văn Nguyễn Du khóa VI tại xứ biển Trà Cổ - Quảng Ninh. Cuộc ấy lớp tôi mời chị Nhàn cùng Trần Nhương đi họp lớp những nửa tuần. Người đời ưa thích tắm biển buổi chiều, nàng Nhàn tờ mờ sáng đã tung tăng ra biển. Trai vùng biển chài lưới tinh sương kéo thuyền trở về đã phải ngẩn ngơ trước duyên thầm hoa bưởi. Hoa đã thành quả từ lâu. Gạo cũng đã trên nửa thế kỷ nấu thành cơm mà vẫn khiến cua còng ngẩn ngơ bờ bãi. Chị Nhàn rất biết làm duyên, còn Trần Nhương rất biết chụp ảnh. Trang web họ Trần kể từ đó phong lưu, phóng khoáng hơn nhiều.

ng2.jpg -0

Chị Nhàn làm những vần thơ tình người thường không theo kịp vừa như trách cứ vừa như giáo dục người yêu: Nếu anh đi với người yêu/ Chỉ mong anh nhớ một điều nhỏ thôi/ Con đường ta đã dạo chơi/ Xin đừng đi với một người khác em… (Con đường). Tôi đồ rằng phải yêu lắm chị Nhàn mới đem người yêu ra dỗ dành như thế, như kiểu thơ Hồ Xuân Hương: Này này chị bảo cho mà biết/ Chốn ấy hang hùm chớ mó tay…

Chị Ngát cũng không chịu kém cạnh đâu, cũng không phải loại thường đâu: Anh đừng nhớ làm gì năm tháng cũ/ Đò đã xuôi, dòng sông cũng khác rồi/ Đã trải qua biết bao mùa mưa lũ/ Mặt sông giờ trong vắt tấm gương soi (Tâm sự một dòng sông); Yêu anh giờ khó làm thơ/ Dao cùn cá đã nằm trơ trong nồi/ Yêu anh cau đã già rồi/ Bổ ba bổ bảy tùy người bổ cau (Yêu anh)… thì mới thấy các chị mình trong tình yêu cũng đều đanh đá lắm.

Thơ phải khác người. Thơ tình càng độc đáo khác thường mới còn lại trong lòng bạn đọc. Nếu Xuân Quỳnh từng ví anh và em như thuyền và biển thì Phan Thị Thanh Nhàn còn mở rộng hơn trong những liên tưởng so sánh thú vị. Chị Nhàn đã đem cả Trời và Đất để so sánh với anh và em:

Vâng, trời đất chẳng hề thân thiết/ Và tính tình có giống nhau đâu/ Trời vui buồn ồn ào lộ liễu/ Đất trầm tư suy nghĩ trước sau.

Anh ơi! Nếu ví được cao xa như thế/ Em cũng chẳng là trời đất gì đâu/ Nhưng anh có biết không? trời đất/ Sẽ chẳng là gì nếu thiếu nhau…

Trong cuộc thi này, chị Ngát cũng không chịu thua kém chị Nhàn mấy đỗi. Với bài “Thơ vui về con gái Hưng Yên” đã một công đôi ba việc vừa tự giới thiệu, đề ra các tiêu chí, vừa khẳng định bản lĩnh, “chất chơi” mang thương hiệu gái Hưng Yên.

Các anh chàng hoặc là bề ngoài nghiêm cẩn hoặc là trước mắt tình si con gái Hưng Yên chắc không khỏi khâm phục sự thật này: Con gái Hưng Yên mắt đen hạt nhãn/ Con gái Hưng Yên thắt đáy lưng ong/ Con gái Hưng Yên hàm răng như ngọc/ Con gái Hưng Yên cũng rất kén chồng. Thì rõ ràng là, thoạt như thật thà chân chất sao cái sự kiêu kỳ “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến” đã đường hoàng hiện ra nửa như giới thiệu quê hương bản quán, nửa như kiêu hãnh khẳng định thương hiệu. Con gái Hưng Yên cũng rất lặng lòng/ Ai về Hưng Yên chưa xa đã nhớ/ Đất Hưng Yên quanh năm màu mỡ/ Thuyền xuôi sông Hồng mình đi cùng ta?

Khổ thơ này vừa có phong vị vẫy mời tình tứ vừa như khẳng định bản chất nhu mềm nhưng không kém phần cương cường của người Hưng Yên.

Ở bài thơ này, phong thái Nguyễn Thị Hồng Ngát hiện lên đậm nét nhất: Hưng Yên trăm nhớ ngàn yêu/ Nơi nhúm nhau ta mẹ chôn ngoài bãi/ Nơi hoa tầm xuân lẫn hoa cúc dại/ Ta ngây thơ hái cài đầu. Không ít người tủm tỉm kiểu xưng tụng vừa mềm mại vừa ngang tàng của nữ sĩ. Mời người về còn xưng ta đáo để là sao? Con gái Hưng Yên cũng rất đa tình (Con trai Hưng Yên điều này biết rõ)/ Mình không là người bản xứ/ Liệu rằng có hiểu được em? Ôi chao! Câu thơ không chỉ da diết, tài tình mà còn đầy lo toan cho người mình thương về làm rể Hưng Yên. Cái lo toan đã lập tức được hóa giải bằng những vần thơ mạnh mẽ, đầy nam tính: Nước đục thì đã có phèn/ Ta có tình yêu sợ gì giông bão/ Con gái Hưng Yên cũng không khó bảo/ Nên trai tỉnh nào cũng ngất như say.

Tôi vốn dân Hưng Yên lại trên phần tư thế kỷ nếm mật nằm gai cùng gái Hưng Yên quá thấu điều này nên nói thẳng ra để chị Nhàn biết, nếu vớ được trai Hưng Yên sẽ có thêm niềm tin và bản lĩnh chung một con đường. 

Chị Nhàn cũng có những bài thơ chỉ vài chi tiết đã hiện hình hạnh phúc mà chị Ngát không theo được cũng là nét duyên riêng của chị: Sớm sớm anh dậy trước/ Lẹ làng như con ong/ Thổi cơm rồi đun nước/ Cho em nằm ngủ thêm/ Anh đong gạo mua dầu/ Việc nặng dành làm cả/ Mỗi chiều đi làm về/ Thương dáng anh tất tả/ Em pha trà cho anh/ Hai đứa mình cùng uống/ Em có bài thơ nào/ Anh là người đọc trước/ Căn phòng có dáng anh/ Tất cả thành thân thiết/ Căn phòng có tiếng anh/ Mỗi ngày là ngày Tết (Căn phòng và anh).

Ai bảo Phan Thị Thanh Nhàn không biết dành toàn tâm cho hạnh phúc gia đình? Từ bên ngoài đến bên trong nội tâm sâu thẳm chị Nhàn đều dành để đi tìm và vun vén cho hạnh phúc.

Nhưng chị Ngát lại có sự cao cường khác. Chị viết tinh, sắc sảo nhưng nhân hậu về con người. Cái tinh tường của nhà thơ với sự ngu ngơ sao mà gần nhau quá đỗi. Đã có người định nghĩa nhà thơ Cái gì cũng thông tuệ/ Cái gì cũng lơ mơ quả là gần với chị. Trong đời sống chị sôi nổi, yêu cái mới và luôn làm mới mình. Trong thơ có như vậy không? Tôi cho rằng sự vận động của thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát đã diễn ra từ rất lâu rồi, như một bài thơ chị viết từ năm 1993: Kinh ngạc thấy sư già tối nào cũng gõ mõ/ Sư già cũng kinh ngạc khi thấy tôi làm thơ/ Sư già đã quy thiền/ Vui, buồn, sướng, khổ không là gì/ Không một chút mảy may sự đời làm sư già chao đảo/ Không một thất vọng nào làm sư già ảo não/ Không một ngọn lửa nào làm sư già rung rinh/ Bỗng chốc tôi phát thèm/ Cái sự thiền của sư già vững như lá chắn/ Muôn ngàn mũi tên bắn như không/ Tôi vẫn chỉ là kẻ phàm trần/ Giữa cuộc đời dung tục/ Chả trách tôi vẫn làm thơ/ Để sư già nhìn tôi kinh ngạc (Sư già và tôi). Bài thơ còn vài câu cuối nhưng chỉ cần đến đây đã là quá đủ cho một cuộc đối thoại nội tâm của hai con người vừa khác vừa rất giống nhau.

Chị Ngát, chị Nhàn thuộc thế hệ khác tôi, thế hệ cha mẹ của tôi. Các chị vào chiến trường bom lửa và lừng lẫy nghiệp văn bút từ khi tôi còn chưa sinh ra. Nhưng cũng hết sức tự nhiên, các chị luôn coi tôi là cậu em nhỏ, chuyện gì cũng sẵn lòng giãi bày, chia sẻ và săn sóc hết sức nữ tính. Những cuộc ra mắt sách của tôi các chị đều váy áo xinh tươi đã níu giữ vẫy mời được khối đa đề tên tuổi. Dường như bên các chị, các đa đề nam nhân luôn sửa soạn tươm tất mọi bề, từ chiếc cà vạt đỏ tươi tới đôi giày si bóng kiến không bò được lên, rồi tóc tai chau chuốt là sao nhỉ? Tôi nhờ ai việc gì cũng khó. Chị Ngát, chị Nhàn liếc mắt cái, ai nấy đều nghe lời vào việc mau lẹ khác thường. Chắc gì các chị đọc sách của tôi mặc tôi từ lâu luôn thuộc nằm lòng thơ các chị cũng chẳng sao. Văn hóa Việt Nam mình là vậy, chị chị em em cũng đã được mấy chục năm rồi.

Đầu xuân năm mới Nhâm Dần, hổ báo lẫy lừng ở đâu, trước chị Ngát, chị Nhàn tôi luôn như mèo canh cót thóc ngoan hiền lắm. Tôi làm sao nhớ được tuổi các chị bởi lúc nào các chị cũng thanh xuân.

Phùng Văn Khai
.
.