Cha tôi ra đi thanh thản và nở một nụ cười

Thứ Ba, 26/10/2021, 10:38

LTS: "Cha tôi là một người trọng tình thâm, hết lòng vì bạn bè. Ông vẫn thường giúp đỡ những người bạn văn hoạn nạn, nghèo khó, cho đi những đồng xu cuối cùng. Kể cả khi không còn tiền nữa, ông lại cho quần áo, những bộ quần áo đẹp nhất, có giá nhất trong tủ quần áo của ông. Chính vì vậy khi cha tôi mất, bộ com lê không còn vì ông đã cho bạn bán lấy tiền để rau cháo qua ngày. Gia đình đành chọn một bộ kaki mặc cho cha. Cha tôi ra đi thanh thản và nở một nụ cười".

Trong ngày giỗ của cha mình, 24-10, NSND Phạm Nhuệ Giang bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm về ông - NSND Phạm Văn Khoa, đạo diễn của những bộ phim đi vào lòng người như  "Làng Vũ Đại ngày ấy", "Chị Dậu".

Ngay từ nhỏ tôi đã là một cô bé tự do vì cha mẹ tôi tôn trọng tuyệt đối các sở thích cá nhân của con cái. Nhất là cha tôi, ông không bao giờ áp đặt cho con bất cứ điều gì. Ông nghĩ: phải để cho con trẻ được sống trọn với hoài bão, ước mơ và niềm đam mê, có vậy chúng mới vui vẻ, hạnh phúc được. Không bao giờ ông bảo: "Con phải làm như thế này, thế kia..." mà mỗi khi tinh ý nhận ra con thích điều gì ông chỉ mỉm cười và hỗ trợ.

Cha tôi ra đi thanh thản và nở một nụ cười -0
Đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa.

Chính nhờ sự động viên, khuyến khích ấy mới có tôi - đạo diễn, NSND Nhuệ Giang như ngày nay. Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, có bố là đạo diễn, mẹ là diễn viên của nhà hát kịch có tiếng của thành phố, tôi thừa hưởng chút năng khiếu nghệ thuật như bao đứa trẻ khác. Tôi được cha mẹ cho đi học trường nhạc từ rất bé. Vào những năm 1966,1967, cả Hà Nội đi sơ tán, lúc bây giờ tôi mới 8 tuổi theo trường đi sơ tán ở Yên Dũng, Bắc Hà.

Những ngày xa nhà, nằm trên căn gác nhỏ, nhớ về ngôi nhà nhỏ trên phố Phan Chu Trinh có cha mẹ tôi ở đó, tôi mang giấy ra nắn nót viết thư cho cha mẹ: "Cha mẹ yên tâm công tác, con ở trên này rất tốt, cô giáo rất yêu thương con và thường kể chuyện cho con nghe...". Bức thư ngắn đó tôi viết một phần để cho nguôi nỗi nhớ cha mẹ, một phần để cho cha mẹ yên tâm, vì con cái đã được sự bao bọc yêu thương của nhà trường và thầy cô giáo ở trường sơ tán. Thời kì đó, những lá thư được truyền đi bao giờ cũng được mở đầu bằng câu: "Cha mẹ yên tâm công tác...".

Cô giáo dạy tôi là một người yêu văn học. Cô đọc rất nhiều từ của những cuốn tiểu thuyết của phương Tây cho đến phương Đông. Xa nhà, ngoài giờ học đàn ra, tôi thích nhất là được cô giáo kể cho nghe những câu chuyện vô cùng thú vị, hấp dẫn mà cô đã đọc. Từng nhân vật như Cosette, Jean Valjean, thằng gù ở nhà thờ Đức Bà... cứ chập chờn trong giấc ngủ mơ của tôi. Cô gieo vào tuổi thơ tôi những mơ mộng, sự tưởng tượng... Giai đoạn sau này khi rời khỏi nơi sơ tán, về nhà, tôi bắt gặp những câu chuyện cô giáo kể nằm trên giá sách đồ sộ của cha tôi, tôi ngốn ngấu đọc và cảm thấy thích thú vô cùng.

Sơ tán, tôi cũng như bao đứa trẻ khác thèm ăn một cái bánh bích quy, mút một cây kem que, những thứ đó với đứa trẻ như chúng tôi thì quả là một vườn mơ ước. Vậy mà, từ Hà Nội lên nơi tôi sơ tán, con đường trơn lầy lội xen lẫn sỏi đá đến 70 km, cha tôi vì thương nhớ con gái vẫn thường đạp xe lên thăm tôi. Thời đó, không có điện thoại kết nối như bây giờ, chỉ khi cha tôi lên đến nơi, tôi mới vỡ òa vì hạnh phúc, chạy ra ôm chặt lấy ông. Cha tôi loay hoay gỡ đằng sau yên xe một bọc nhỏ. Tôi biết trong cái bọc đấy mẹ tôi đã chuẩn bị chu đáo để cha tôi mang lên cho tôi một lọ mơ ngâm và một gói bánh bích quy nhỏ.

Những ngày ở nơi sơ tán, thi thoảng cha vẫn thường lên thăm tôi, ông đến bất chợt, ở lại với tôi một tối rồi hôm sau ra về. Lần chia tay nào cũng bịn rịn và vấn vương cả, cha tôi đi rồi mà hai mắt tôi vẫn còn đỏ hoe cả ngày hôm sau. Tôi nhớ, hôm đó là một ngày đặc biệt. Trời vào đông gió rét, cha tôi xuất hiện trước cửa phòng, lần này tôi lao ra, ôm lấy cha hét lên mừng rỡ. Tôi nhận ra hai tay của cha tôi lấm lem dầu mỡ, lạnh cóng vì chiếc xe đạp cà tàng ấy đã nhiều lần tuột xích trên một đoạn đường dài. Chiều hôm đấy, trên con đường đất ruộng thôn quê, hai cha con tôi cùng đi bộ ngắm cò, đến đoạn có khóm tre ở đầu con dốc, cha tôi mở túi cầm theo lấy ra một con dao, ông khắc lên thân cây: "Ngày 19/12". Đây là ngày tôi cất tiếng khóc chào đời, ông muốn cho con gái vui. Ông không hề quên ngày đặc biệt của tôi. Tôi thấy mình là một đứa trẻ hạnh phúc nhất đời.

Cha tôi ra đi thanh thản và nở một nụ cười -0
Đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa và nhà văn Nguyễn Tuân (ngoài cùng, bên phải).

Nhưng cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn, hôm sau, hai cha con tôi đi bộ một đoạn rồi cha tôi dừng lại bảo: "Đến đây thôi, con gái ở lại ngoan nhé, bố về". Nước mắt tôi lại trào ra, hình như cha tôi cố kìm lại, ông lau nước mắt cho tôi rồi nhẹ nhàng nói: "Lần sau bố lại lên với con". Có câu an ủi quen thuộc của cha, tôi cũng thấy yên tâm phần nào và dõi mắt nhìn theo con đường đất ven đê cho đến khi người và xe của cha tôi nhỏ xíu rồi khuất hẳn.

Sau những ngày sơ tán, tôi lại được trở về ngôi nhà quen thuộc trên mảnh đất thủ đô, nhà của tôi cũng là “đại bản doanh” của nghệ sĩ, những người bạn của bố đến chơi. Cha tôi là người trọng tình và hết lòng vì bạn. Tôi nhớ trong những người đến chơi nhà có hai bác làm tôi vô cùng ấn tượng vì sợ hãi. Thoạt nhìn đã thấy ngay là người không bình thường. Một bác là nhà văn nổi tiếng vừa đi tù về vụ "Nhân văn giai phẩm". Một là nhà triết học nổi tiếng cũng mới ở tù ra.

Sự đau đớn, dằn vặt và nghèo khổ tạo nên hình hài của họ, ai cũng dễ dàng nhận ra. Cả hai bác đều đi chiếc xe đạp nhỏ đã cong vành, hoen gỉ. Bác nhà văn thường buộc cái chun túm ở ống quần để không chạm vào vành đĩa xe đạp.

Họ vẫn thường ghé vào nhà tôi ăn bát cơm. Cả bố mẹ tôi đều biết họ không có tiền để ăn cơm, nên mẹ tôi thường lấy gạo nấu dư để hai bác đến ăn. Khi họ về, cha tôi đều đưa tiền, nhưng nhiều lúc hết tiền cha tôi lại đưa cho quần áo. Cha tôi cao trên 1m7, bác người bé bằng một nửa cha tôi, mặc làm sao vừa. Cha tôi biết, chỉ kịp ra đến cửa, bác ấy sẽ đem bộ quần áo ấy đến chợ Trời bán, nhưng cha tôi vẫn làm vậy, vì cha tôi thường cho bạn bè những đồng xu cuối cùng. Tôi còn bé nên thường hay cự nự cha tôi về việc ấy. Cha tôi bảo: "Con còn bé không biết, chứ bác ấy hồi xưa là oách lắm đấy...".

Cha tôi là một người quảng giao nên ngoài các văn nghệ sĩ, diễn viên, thì giám đốc những bệnh viện lớn ở Hà Nội lúc đó, cha tôi đều thân thiết. Ngày làm phim "Làng Vũ Đại ngày ấy", chính ông đã đưa cô Đức Lưu đến gặp bác sĩ khoa răng ở bệnh viện Việt Đức, ông bảo: "Rất cần một nhân vật xấu, xấu lắm, xấu nhất là hàm răng".

Người bác sĩ đã rất nhiệt tình tạo cho cô Đức Lưu một hàm răng hô để tạo hình Thị Nở. Bộ phim sau này công chiếu gây được tiếng vang cũng một phần nhờ tạo hình thành công những nhân vật trong phim. Cha tôi thường chọn được diễn viên vào vai nhân vật rất hợp, và tôi được thừa hưởng sự nhanh nhạy này từ cha mình. Từ bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" ông đã chọn Bùi Cường đóng Chí Phèo, chọn được nhà văn Kim Lân đóng Lão Hạc, chọn Hữu Mười đóng thầy giáo Thứ... Hay như bộ phim "Chị Dậu" ngày đó, khi không ai nghĩ Lê Vân có thể đảm đương được vai chị Dậu, vậy mà khi lên phim lại rất hợp.

Tuy là một đạo diễn có tiếng, nhưng cha tôi lại hết sức dung dị trong đời thường, ông không bao giờ khắt khe với diễn viên, mà thường ôn tồn nhẹ nhàng. Ở một cảnh quay, nếu diễn viên đã diễn đạt đến 7 phần rồi, ông cũng vui vẻ gật đầu đồng ý cho qua. Biết tôi thích phim nên dù có bận công việc gì, cha tôi cũng ghé về qua nhà để đón tôi, chở tôi đi xem phim trên chiếc xe đạp Liên Xô lọc xọc. Kí ức về âm thanh ở mãi trong tuổi thơ tôi. Mùa hè, tiếng ve kêu râm ran trên những vòm sấu già. Mùa đông, hơn 10 giờ tối bộ phim mới kết thúc, tôi ngồi ở đằng sau cha, gió rét thổi ù ù, cha tôi mải miết đạp xe, có lẽ ông đang nghĩ về bộ phim, còn tôi nghe rõ tiếng nan hoa xe đạp đang quay vòng và hít hà mùi thơm phảng phất của hoa sữa trên những con đường thủ đô.

Chính nhờ tiếp xúc với phim ảnh từ bé mà niềm đam mê với môn nghệ thuật thứ bảy cứ ngấm dần trong tôi. Cho đến khi tôi 25 tuổi, xuất hiện trước mắt cha tôi, vừa có tấm bằng đại học Kiến trúc và đã đi làm được hai năm. Nhưng tôi nói với cha mẹ là tôi muốn đi học đạo diễn trong trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội, tôi muốn trở thành một đạo diễn. Cha tôi, tất nhiên không thích vì ông nghĩ nghề này rất vất vả và hoàn toàn không hợp với nữ. Ở xưởng phim truyện Việt Nam, toàn đạo diễn nam, vậy con gái sẽ phải cạnh tranh như thế nào...?

Nhưng với sự quyết tâm của tôi, cha mẹ tôi đều đồng ý, tôi đi học cho đến năm tôi 30 tuổi mới ra trường. Những năm đi học, tôi vẫn được nuôi bằng tiền làm phim của cha tôi. Một nỗi buồn day dứt nhất là khi cha tôi mất, ông chưa được xem phim nào tôi làm. Câu hỏi canh cánh trong lòng của cha tôi mà tôi chưa trả lời được trước khi ông nhắm mắt xuôi tay: "Không biết liệu con gái mình có năng khiếu đạo diễn không? Liệu con nó có chọn nhầm đường không?..."

Trần Mỹ Hiền (Ghi theo lời kể của NSND Phạm Nhuệ Giang)
.
.