Bất ngờ Nghiêm Nhan
Đạo diễn, NSƯT Nghiêm Nhan là một tên tuổi chuyên làm phóng sự xã hội và văn hóa ở Đài THVN. Chúng tôi có những kỷ niệm khó quên từ những năm đầu thập niên 90. Anh là một trong những đạo diễn đầu tiên dựng phim thơ và ca nhạc. Bài thơ “Phôn cho anh” của tôi đã được anh dựng thành phim ca nhạc dài với giọng hát của NSƯT Việt Hoàn ngày đó.
Trong phim còn có sự góp mặt của những vũ công trẻ. Họ múa trích đoạn vở “Romeo và Juliet” minh họa cho giai điệu âm nhạc “Tiếng tình yêu” (Lương Hải phổ thơ).
Ám ảnh sắc màu
Nghiêm Nhan khi đó còn trẻ nhưng có nhiều sáng tạo bất ngờ. Anh làm thơ, viết truyện ngắn từ rất sớm. Nhưng không ngờ cũng từ đó anh đã âm thầm làm quen với cây cọ và sắc màu. Sau những chuyến đi xa bao giờ anh cũng giải tỏa mọi chuyện bằng những bảng màu. Năm tháng trôi qua, những trải nghiệm trong cuộc đời anh bày hết lên mặt tranh. Đó là những chuyến đi đầy nước mắt đến với đồng bào nghèo trên biên giới.
Hay đâu đó là chuyến cùng anh em vác máy quay leo bộ lên đỉnh núi Phan Xi Păng buốt lạnh trong đêm tuyết trắng. Những vần thơ cuộn trào cảm xúc cùng những sắc màu trên toan đã làm tan biến những nỗi muộn phiền trên đường đời. Anh lầm lũi trong nốt nhạc riêng của mình. Một nốt trầm xao xuyến mỗi khi anh vác cây kèn thổi bài “Cát bụi” của Trịnh Công Sơn trên gác nhỏ ven đê sông Hồng. Giờ anh đã có khu vườn nghệ thuật của mình cũng vẫn bên sông gắn bó như một định mệnh.
Tôi thực sự xúc động khi anh viết bài thơ “Em” cho vợ (nữ văn sĩ Nguyễn Thu Hằng). Anh bộc bạch: “Em mặc anh vùi đầu vào những chuyện bao la/ Những chuyện vẩn vơ như việc nhà mình vậy/ Những việc hão huyền…chợt một ngày anh thấy/ Nhiều việc chẳng đâu vào đâu…”. Và cứ thế anh lại cặm cụi vẽ và trưng bày tranh của mình vào một ngày đầu xuân.
Khi mới vào triển lãm tranh “Nhâm Dần” của NSƯT đạo diễn Nghiêm Nhan nhiều người đều thấy thật bất ngờ. Bất ngờ ở hai lẽ. Trước hết Nghiêm Nhan là họa sĩ tay ngang, ít có dịp trình diện ở các cuộc trưng bày lẻ hàng năm, mà dám tổ chức một cuộc triển lãm đầu tiên với tư cách một tác giả. Bất ngờ thứ hai chính là chủ đề của phòng tranh lại tập trung vào hình tượng chính là con Hổ. Với 60 bức tranh với nhiều chủ đề khác nhau liên quan tới hình con Hổ và để kỷ niệm tuổi Nhâm Dần của tác giả. Quả đây là một việc làm táo bạo của Nghiêm Nhan vào đầu năm 2022.
Sự bất ngờ này là sự thách thức với tác giả và gây tò mò cho bất cứ ai khi bước chân đến phòng tranh. Để hội tụ hình tượng Hổ qua 60 tác phẩm không làm cho người xem nhàm chán thật sự khó khăn. Đúng với tính cách của một nghệ sĩ và nhà văn tuổi Nhâm Dần luôn tìm tới sự can đảm và sáng tạo trong nghệ thuật, Nghiêm Nhan đã làm việc như một “mãnh hổ” ròng rã trong một năm trời. Với ý tưởng phải dâng hiến một điều gì đó cho cuộc sống đúng vào kỳ “Lục thập hoa giáp”. Nghiêm Nhan đã vẽ. Hội họa là ước mong từ thuở nhỏ của Nghiêm Nhan.
Chính người mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn tràn ngập sắc màu trong anh. Bà đã mang những cuốn sách về hội họa cho con trai và khích lệ con trai tập vẽ. Bảy tuổi Nghiêm Nhan đã cầm cây bút màu vẽ lên giấc mơ của mình. Cho dù sau này anh học Đại học nhân văn hay Sân khấu điện ảnh thì nhịp điệu sắc màu vẫn luôn rộn ràng trái tim anh. Trong thời gian làm việc ở Đài Truyền hình Việt Nam anh đã thầm lặng và cần mẫn vẽ mỗi khi cảm xúc ập đến. Có những khi anh thức suốt đêm để vẽ lên những câu chuyện tình yêu thương của mình với cha mẹ, vợ con và bạn bè. Kho tranh của anh xếp đầy trong xưởng vẽ.
Một thời gian dài Nghiêm Nhan biên kịch và đạo diễn trong lĩnh vực Văn học Nghệ thuật nên anh đã học hỏi và hiểu biết về hội họa qua thực tiễn rất nhiều. Đặc biệt là phong cách hội họa dân gian đình chùa phần nào đã ngấm trong anh mỗi khi được các nghệ nhân và họa sĩ trao đổi. Những bài học về hội họa truyền thống đã ập đến với ý tưởng dựng hình tượng Hổ như một lẽ tự nhiên vào đúng tuổi 60 của Nghiêm Nhan.
Vũ điệu Hổ
Điều ngạc nhiên đem đến người xem ở phòng tranh này là sự đa dạng về bố cục và màu sắc cũng như chủ đề cho mỗi tác phẩm “Hổ”. Chính nền tảng hội họa dân gian đã gợi mở cho những sáng tạo trong tranh Nghiêm Nhan. Sự phóng khoáng bay bổng mang hơi hướng của nghệ thuật vẽ thần họa trong thư pháp đã đem lại hiệu quả qua từng tác phẩm. Chính vì lẽ đó đường nét và sắc màu trong tranh Nghiêm Nhan đã “bay” cùng những “vũ điệu” Hổ.
Hình ảnh Hổ khi đậm khi nhạt, khi to, khi nhỏ bỗng trở thành chi tiết sinh động trong một bố cục sắc màu trong những ý tưởng khá sâu sắc của Nghiêm Nhan. Anh là một người đã hơn 30 năm lăn lộn thực tế. Trường quay là cuộc sống và những mảnh đời khổ đau. Trái tim anh rung động với những số phận trớ trêu và yêu thương con người. Chính vì lẽ đó mà anh vẽ như điên cuồng trong năm cuối cùng khi vào kỳ “lục thập hoa giáp”. Đặc biệt Nghiêm Nhan đã đi vùng Tây Nguyên dằng dặc cả tháng trời để vẽ bổ sung hoàn thành đúng 60 bức tranh về hổ. Nào Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông, Lâm Đồng luôn kêu gọi anh những chủ đề về môi trường và sự tàn phai.
Những vũ điệu Hổ luôn vang lên trong ý thức công dân của Nghiêm Nhan về cuộc sống. Bên cạnh những “Tiếng gọi Bazan”, “Vũ điệu hoa anh đào”, “Tâm trạng” hay “Suy tưởng” đầy trăn trở thì những bừng thức trong tâm trí luôn bay bổng mang âm hưởng sự sống Hổ luôn vang lên những bài ca của mình. Đó là “Khát vọng”, “Gia đình Hổ” hay “Mùa dã quỳ” luôn rung lên những âm thanh cũng các vũ điệu bay bổng của hình tượng Hổ. Tranh của Nghiêm Nhan luôn có hơi thở ấm nóng và tình yêu cuộc đời. Sắc màu trong tranh anh luôn bay lên qua những nét rung lắc bất ngờ của cây bay.
NSƯT, đạo diễn Nghiêm Nhan còn là nhà thơ (Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội) nên tính trữ tình luôn đậm dấu ấn trong tranh anh. Cảm xúc sáng tạo luôn trào dâng với những nét phóng bút hồn nhiên. Vì thế chùm tranh “Vũ điệu” của Nghiêm Nhan đã gây ấn tượng nổi bật trong phòng triển lãm. Bên cạnh những “Vũ điệu bầu trời”, “Vũ điệu thời gian”, “Vũ điệu Sacxophone”, hay “Vũ điệu Hổ”, “Vũ điệu thành phố”… là những “Bay”, “Biến tấu ngũ hành”, “Flamenco” cùng “Phức điệu Hổ”, “Bóng đè”, hay “Cuốn theo chiều gió… Những ý tưởng chói sáng về xã hội và con người được phản ảnh sâu đậm qua hình tượng Hổ.
Phải nói phần nào Nghiêm Nhan đã phô bày được phong cách nhất quán theo nghệ thuật biểu hiện. Không ít tác phẩm của anh có những dấu ấn trừu tượng hay siêu thực, cho dù về nguyên tắc thể hiện màu sắc Nghiêm Nhan lại theo phong cách dã thú khi dùng những mảng màu nguyên bản. Có họa sĩ còn nhận xét rằng: “Tranh của Nghiêm Nhan không thể vẽ lại hay chép lại được bởi lối vẽ một hơi với cảm xúc tràn trề”. Đó chính là lối đi nét linh hoạt liền mạch, màu chảy theo cảm xúc và biết dừng đúng lúc.
Nghiêm Nhan luôn ngẫu hứng như vậy khi làm những kịch bản văn học và chính luận của mình. Đó là sự khai thác chủ đề sâu sắc qua những chi tiết sinh động. Đồng thời nét thi ca luôn rạo rực trong từng tác phẩm hội họa của Nghiêm Nhan. Có thể nói mỗi bức tranh của anh là một bài thơ là vì thế. Đặc biệt mảng tranh về gia đình và hạnh phúc trong phòng tranh luôn ngân vang những âm thanh của thánh ca trong sắc màu.
Tính thơ luôn bay bổng và lãng mạn như những câu thơ mà anh đã viết trên đường lên cao nguyên: “Gió như tự tình hát nói/ Mênh mang ngực trần Bazan/ Cồng chiêng căng vồng thiếu nữ/ Ngón tay ấm áp hội làng/ Ngùn ngụt mắt em níu giữ/ Du ca say men đại ngàn”. Có người ví anh đã tạo nên những bản du ca trong tranh. Đó là những bản tình ca: “Thu quyến rũ”, “Tình ca Bazan”, “Inh lả ơi”, “Hình và bóng”… Đúng là thế giới tưởng tượng của hội họa Nghiêm Nhan đã đem lại làn sóng cảm xúc trùng trùng lớp lớp cho người xem.
Nói với con
Hình tượng Hổ trong tranh của anh đã vượt thoát qua tư duy hình họa con giáp mà đã có những âm thanh “gầm” ngân vang bài ca cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Đạo diễn Nghiêm Nhan đã tâm sự về gia đình Hổ của mình rằng, đó là tình yêu cuộc sống trong mỗi bức tranh và qua những vết loang của màu sắc tươi nguyên. Người xem nắm bắt được dòng tranh Hổ đã phản ảnh cuộc đời của Nghiêm Nhan qua những chặng đường bôn ba với khát vọng sáng tạo không ngừng nghỉ. Hổ được hiện diện như con người với đầy đủ cung bậc cảm xúc, yêu đương mãnh liệt, và luôn vươn tới cái đẹp của thi ca: “Sẽ qua đi những tháng ngày băng giá/ Hạnh phúc sẽ vượt trên những thao thức mùa đông/ Con sẽ thấy tim mình thổn thức/ Những tình ca chan chứa lửa hồng” (Nói với con - Nghiêm Nhan).